Ngày 8/12/2008, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường có buổi làm việc với Tỉnh uỷ, HĐND và UBND nhằm triển khai, phối hợp thực hiện tốt công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; các cơ quan nội chính khác của tỉnh như: Công an, VKSND, TAND cũng tham dự.
Làm tốt hơn nữa công tác dân vận trong thi hành án dân sự
Ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng cho biết, bên cạnh những thành tựu mà ngành Tư pháp đạt được trong năm 2008, vẫn còn những tồn tại cần khắc phục nhưng nếu chỉ riêng Sở Tư pháp thì không thể khắc phục được. Vì vậy, ông Hưng đề nghị Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm tạo điều kiện để ngành thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, chuyên môn như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường phối hợp, triển khai đồng bộ, đúng pháp luật các nhiệm vụ liên quan (xây dựng, kiểm tra văn bản, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, hộ tịch...); tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý những sai sót phát sinh...
Ông Nguyễn Văn Hiển, Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh cho biết, tỷ lệ thi hành án xong hoàn toàn về việc đạt 86%, vượt 16% so với chỉ tiêu của ngành; tỷ lệ giải quyết án tồn đọng đạt 17%, vượt 7% so với chỉ tiêu; tỷ lệ án cưỡng chế là 106/111 việc, đạt 95,5%, đã giải quyết xong hoàn toàn 58/106 việc, đạt 55%. Theo Bộ trưởng, trong năm phải thực hiện biện pháp cưỡng chế đối với 106 vụ là nhiều, nguyên nhân có phải do các cơ quan thi hành án dân sự không làm tốt công tác dân vận, thuyết phục hay còn do nguyên nhân nào khác, các cơ quan thi hành án dân sự liệu đã thật sự làm hết mình hay chưa. Trong khi ở các tỉnh khác con số này không nhiều, chỉ vài vụ cưỡng chế/năm.
Ngoài ra, ông Hiển cũng mạnh dạn đề nghị Bộ Tư pháp tăng thêm 20 biên chế cho Thi hành án dân sự để đảm bảo đáp ứng được công việc trên địa bàn vốn rộng và phức tạp như tỉnh Lâm Đồng.
Viện trưởng VKSND tỉnh Lâm Đồng đặc biệt quan tâm đến công tác pháp y, theo ông cả tỉnh chỉ có 1 bác sỹ pháp y là quá thiếu, không thể làm hết việc. Ông đề nghị, mỗi huyện, thành phố nên có 1 bác sỹ pháp y, cần thành lập Hội đồng giám định về xây dựng, Hội đồng giám định thương tật và Hội đồng giám định về tài sản. Để có thể thu hút bác sỹ vào làm công tác giám định, đại diện lãnh đạo Công an tỉnh đề nghị Bộ Tài chính xem lại chính sách đãi ngộ đối với các bác sỹ làm công tác giám định, vì hiện nay nhiều bác sỹ không muốn gắn bó với công việc này.
Khẳng định vai trò quan trọng của ngành Tư pháp
Đồng chí Huỳnh Phong Tranh, Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng khen ngợi ngành Tư pháp đã làm tốt công tác tham mưu cho tỉnh, giúp Tỉnh uỷ, HĐND và UBND thực hiện đúng các vấn đề có liên quan đến pháp luật trên địa bàn, kể cả công tác của ngành, tạo được sự tin tưởng của tỉnh. Bên cạnh đó, ông Tranh đề nghị Bộ Tư pháp nên nghiên cứu vấn đề chế tài trong xử phạt hành chính của UBND. Ông dẫn chứng, TAND xét xử thì có Thi hành án dân sự các cấp thi hành, nếu không thì cưỡng chế. Còn Quyết định của Chủ tịch UBND thì rất khó thực hiện, thậm chí nhiều trường hợp không được thi hành. Điều này dẫn đến tình trạng khiếu nại và tái khiếu nại nhiều lần, cho dù đó là quyết định trả lời khiếu nại cuối cùng...
Riêng về địa phương, ông Tranh khẳng định rằng, sẽ tiếp tục quan tâm và gắn trách nhiệm của tỉnh nhiều hơn nữa đến công tác tư pháp, nhất là đối với Sở Tư pháp, Thi hành án dân sự và xem các cơ quan này như là một bộ phận không thể thiếu của địa phương.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cảm ơn lãnh đạo tỉnh cùng các cơ quan nội chính của tỉnh đã tạo điều kiện để Bộ làm việc với tỉnh và các cơ quan trong tỉnh. Bộ trưởng vui mừng trước những khởi sắc về kinh tế – xã hội, giữ gìn quốc phòng, an ninh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng của tỉnh Lâm Đồng, nhất là những đổi mới để phát triển kinh tế để sớm đưa Lâm Đồng nói riêng, cả nước nói chung vượt ra khỏi tình trạng kém phát triển trước năm 2010, sau đó thực hiện công nghiệp hoá theo hướng hiện đại.
Chia sẻ đánh giá của đồng chí Bí thư tỉnh uỷ về công tác tư pháp và thi hành án dân sự, Bộ trưởng bày tỏ vui mừng khi thấy phong trào trong ngành tư pháp, thi hành án dân sự của tỉnh dù có sự thay đổi cán bộ lãnh đạo nhưng vẫn tiếp tục giữ được truyền thống của tỉnh trong những năm qua. Riêng năm 2008, tư pháp và thi hành án dân sự đã bám sát vào chương trình trọng tâm của Bộ, ngành; bám sát vào nhiệm vụ chính trị của địa phương và gặt hái nhiều thành quả. Bộ trưởng nhấn mạnh, các lĩnh vực công tác tư pháp rất rộng và phức tạp. Trong năm 2008, Sở Tư pháp đã làm tốt công tác thẩm định, kiểm tra văn bản, điều này đã được Bí thư Tỉnh uỷ khẳng định. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hoà giải cơ sở, dù còn tồn tại nhưng nhìn chung các cơ quan Tư pháp tỉnh Lâm Đồng đã làm tốt. Có thể nói, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là của lãnh đạo tỉnh, mặc dù chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy tuy còn vấn đề này, vấn đề khác nhưng công tác tư pháp đã dần đi vào ổn định và đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Riêng công tác thi hành án dân sự, 2 năm 2007 - 2008 có những chuyển biến tích cực. Bộ trưởng Hà Hùng Cường bày tỏ sự biết ơn đối với Tỉnh uỷ, HĐND và UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Công an, VKS, TAND trong việc giúp đỡ, phối hợp đối với công tác tư pháp, thi hành án. Bộ trưởng xác định trọng tâm của năm 2008 - 2009, là tham mưu, giúp Đảng, Nhà nước về thể chế, cụ thể là hệ thống pháp luật. Theo đó, phải gắn việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật với việc theo dõi thực thi pháp luật. Bộ trưởng đề nghị Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh Lâm Đồng quan tâm, tạo điều kiện cho Thi hành án dân sự khi cơ quan này sắp tới chính thức tách khỏi Sở Tư pháp. Đề nghị này đã được lãnh đạo tỉnh hứa sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện để cơ quan này hoàn thành nhiệm vụ của mình, và điều này cũng là giúp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội.
Phong Trần