Bộ trưởng Hà Hùng Cường làm việc với ngành tư pháp Ninh Bình: Phải xác định rõ trách nhiệm quản lý của ngành

13/10/2008
Bộ trưởng Hà Hùng Cường làm việc với ngành tư pháp Ninh Bình: Phải xác định rõ trách nhiệm quản lý của ngành
Ngày 13/10, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã có buổi làm việc với ngành Tư pháp và chính quyền tỉnh Ninh Bình nhằm tìm ra giải pháp phát triển công tác tư pháp nói chung và THADS nói riêng ở Ninh Bình.

Chuyển biến nhưng chưa vững chắc

Giám đốc Sở Tư pháp Ninh Bình Lê Chí Vịnh cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2008, ngành Tư pháp và THADS Ninh Bình đã đạt được một số chuyển biến và thu được kết quả đáng ghi nhận. Điều đó được thể hiện qua việc cấp 967 lý lịch tư pháp theo yêu cầu của người dân, cử được 70 LS tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi cho những đối tượng được TGPL miễn phí,  cán bộ tư pháp cấp xã ở tỉnh Ninh Bình không phải kiêm nhiệm chức danh phó công an xã từ ngày 1/8, THADS tỉnh đã giảm được số lượng đáng kể án tồn đọng (17,9% về việc và 27% về tiền),…

Tuy nhiên, do sự phối hợp với các cấp, các ngành, đơn vị để triển khai thực hiện và kiểm tra, đôn đốc nhiệm vụ công tác tư pháp chưa thường xuyên, ở một số nơi còn thiếu kiên quyết, chưa tranh thủ được sự quan tâm, lãnh đạo của chính quyền, trình độ cán bộ tư pháp còn chưa đáp ứng kịp yêu cầu công việc…nên còn nhiều khó khăn, bất cập trong hoạt động tư pháp.

Hiện nay, ở Ninh Bình, công tác chứng thực, hộ tịch ở cơ sở chưa được tiến hành triển khai nghiêm túc, vẫn còn tình trạng một số nơi cấp bản sao tuỳ tiện, gây ra những bất ổn tiềm năng cho xã hội. Bên cạnh đó, mặc dù Sở Tư pháp hiện có 2 phòng công chứng (PCC) nhưng hoạt động rất “èo ọt” do số lượng công việc quá ít so với khả năng. Tính từ đầu năm đến nay, hai PCC mới nhận được 44 hợp đồng, thu 41.270.000 đồng, dù các giao dịch vẫn đang gia tăng.

Còn công tác THADS tuy đã có chuyển biến tích cực (tỷ lệ thi hành xong hoàn toàn đạt 80% về việc và 65,4% về tiền, vượt chỉ tiêu 5,4% về việc và 10,4% về tiền đối với các án có điều kiện thi hành do Bộ đề ra) nhưng theo đánh giá của UBND tỉnh, công tác này vẫn hạn chế, kết quả THA ở một số đơn vị đạt thấp, nhất là đối với những án giao cho cấp xã đôn đốc thi hành. Tính đến nay, còn 269 vụ việc chưa được cấp xã thi hành đang chờ chuyển hồ sơ về giải quyết…

Trong khi đó, công tác bán đấu giá tài sản (BĐGTS) cũng có nhiều biểu hiện chưa tuân thủ pháp luật với những hội đồng BĐG tự phát, các cuộc BĐG không do đấu giá viên tổ chức, doanh nghiệp BĐG không duy trì được trật tự của phiên BĐG nên đã dẫn đến nhiều hành vi ẩu đả, thậm chí dẫn đến án mạng…Hoạt động BĐG ở Ninh Bình đang “trăm hoa đua nở” nên Trung tâm BĐGTS của tỉnh mỗi năm chỉ thu về được 3 tỷ thông qua BĐGTS. Trong 9 tháng đầu năm 2008, Trung tâm chỉ tổ chức được 7 phiên BĐG trong đó 6 phiên đấu giá thành.

Mặc dù xác định LS đóng vai trò quan trọng trong quá trình cải cách tư pháp nhưng ông Phạm Mạnh Kha (Chủ nhiệm ĐLS Ninh Bình) thấy rằng, việc phát triển đội ngũ và hoạt động LS của tỉnh còn hạn chế do dân chưa hiểu hết vai trò của LS, điều kiện cơ sở vật chất của đoàn chưa đáp ứng yêu cầu…Hiện Ninh Bình có 30 LS nhưng 50% hoạt động ở Hà Nội, còn các LS lớn tuổi hiện ở tỉnh chỉ tham gia “cho vui” chứ không phải là hoạt động chuyên nghiệp. Do đó, so với số dân gần 1 triệu người thì thực tế tỉnh vẫn thiếu LS. Hiện tỉnh đang hỗ trợ cho Đoàn LS 40 triệu đồng/năm nhưng đến năm 2010 không còn khoản hỗ trợ này nên theo ông Kha, ĐLS tỉnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Muốn làm tốt phải quyết liệt

Trước những hạn chế của ngành Tư pháp Ninh Bình, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh, hiện công tác tư pháp rất được Đảng, Quốc hội và Chính phủ quan tâm, coi là một yếu tố quan trọng xây dựng nhà nước pháp quyền, hội nhập quốc tế. Biểu hiện rõ rệt nhất là việc Chính phủ ban hành Nghị định 93 qui định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp và những chuyển biến trong bộ máy ngành Tư pháp. Không những thế, sắp tới, theo kế hoạch Quốc hội sẽ ban hành Luật THADS, Luật Lý lịch Tư pháp, Luật Bồi thường nhà nước… sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho công tác tư pháp, nhưng cũng đặt ra những thách thức, yêu cầu đối với khả năng đáp ứng yêu cầu của cán bộ tư pháp.

Vì thế, Bộ trưởng lưu ý ngành tư pháp Ninh Bình phải xem xét lại tính quyết liệt trong việc đôn đốc, thi hành các hoạt động tư pháp để tìm nguyên nhân dẫn đến những hạn chế hiện nay. Đồng thời, bản thân Sở Tư pháp cũng phải nghiêm túc nhìn nhận rõ trách nhiệm quản lý nhà nước ở địa phương, phải tiến hành khảo sát thực tiễn, xác định các bất cập, hạn chế của tư pháp địa phương… để kiến nghị lãnh đạo địa phương hỗ trợ giải quyết.

Với thực trạng của hoạt động tư pháp địa phương, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh tạo điều kiện cho cán bộ THADS có điều kiện đi học, nâng cao trình độ, ban hành qui định địa phương nào có PCC thì không chứng thực tại UBND cấp xã, qui hoạch phát triển nghề công chứng để mỗi huyện có ít nhất 1 PCC nhằm đảm bảo an toàn pháp lý cho các giao dịch, hạn chế được những bất ổn cho xã hội…Bộ trưởng hy vọng, với những chiến lược cụ thể, ngành Tư pháp Ninh Bình sẽ phát triển bền vững, tạo chuyển biến trong nhận thức và sự ủng hộ của toàn xã hội đối với hoạt động tư pháp./.

Hương Giang