Những điểm mới về chế độ nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn đối với công chức...

08/08/2022
Những điểm mới về chế độ nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn đối với công chức, viên chức, người lao động của Bộ Tư pháp
Ngày 29/6/2021, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 03/2021/TT-BNV sửa đổi, bổ sung chế độ nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn và chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (sau đây gọi tắt là Thông tư số 03/2021/TT-BNV). Theo đó, về chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, Thông tư số 03/2021/TT-BNV đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 08/2013/TT-BNV ngày 31 tháng 7 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cụ thể như sau: (1) sửa đổi đối tượng áp dụng; (2) bổ sung thời gian được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên; (3) bổ sung thời gian không được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên; (4) sửa đổi tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên; (5) sửa đổi trường hợp kéo dài thời gian xét nâng bậc lương thường xuyên; (6) sửa đổi số lần được nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ; (7) sửa đổi thẩm quyền quyết định nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Để đảm bảo thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời những quy định mới của pháp luật về chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn như đã nêu trên, đồng thời, trên cơ sở đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1496/QĐ-BTP ngày 6/7/2022 về thực hiện chế độ nâng bậc lương đối với công chức, viên chức, người lao động của Bộ Tư pháp (sau đây gọi tắt là Quyết định số 1496/QĐ-BTP), thay thế Quyết định số 3466/QĐ-BTP ngày 23/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Những điểm mới của Quyết định số 1496/QĐ-BTP bao gồm:
1. Về phạm vi, đối tượng áp dụng: Bên cạnh đối tượng áp dụng là công chức, viên chức trong các đơn vị thuộc Bộ, đối tượng người lao động đã được sửa đổi theo Thông tư số 03/2021/TT-BNV, chỉ áp dụng đối với những người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động có thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP. Như vậy, người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng quy định bởi Nghị định số 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập không phải là đối tượng áp dụng của Quyết định số 1496/QĐ-BTP.
2. Về nguyên tắc xét nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ: Số lần được xét nâng bậc lương trước thời hạn đối với công chức, viên chức do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ được sửa đổi theo hướng giới hạn hơn so với quy định trước đây, cụ thể là, không thực hiện nâng bậc lương trước thời hạn hai lần liên tiếp dù không cùng ngạch hoặc không cùng chức danh.
3. Về thẩm quyền quyết định nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn: Thẩm quyền quyết định nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn đối với công chức, viên chức và người lao động được sửa đổi theo hướng tăng thẩm quyền cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thẩm quyền quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ Tư pháp, bao gồm tất cả các ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức (bỏ thủ tục đề nghị Bộ Nội vụ thống nhất ý kiến trước khi ký quyết định nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ và khi có thông báo nghỉ hưu đối với các trường hợp xếp lương ở ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương).
4. Về điều kiện thời gian, tiêu chuẩn để xét nâng bậc lương thường xuyên: Đây là nội dung có nhiều sửa đổi theo hướng vừa bảo đảm quyền, lợi ích của người lao động, vừa đề cao trách nhiệm trong thực thi công vụ. Cụ thể là, tiêu chuẩn xét nâng bậc lương thường xuyên được điều chỉnh nâng cao hơn, phải được xếp loại ở mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên. Bổ sung thời gian cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia phục vụ tại ngũ theo Luật Nghĩa vụ quân sự vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên. Bổ sung thêm các trường hợp không được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên như thời gian tập sự; thời gian cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đào ngũ trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ; thời gian thử thách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo; trường hợp thời gian thử thách ít hơn thời gian bị kéo dài nâng bậc lương thường xuyên tính theo thời gian bị kéo dài nâng bậc lương thường xuyên; thời gian nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định hiện hành của pháp luật. Các trường hợp bị kéo dài thời gian xét nâng bậc lương thường xuyên cũng đã được điều chỉnh và đã được dẫn chiếu đầy đủ trong Quyết định số 1496/QĐ-BTP.
5. Về thứ tự ưu tiên xét nâng bậc lương trước thời hạn: Cơ bản giữ nguyên quy định cũ, chỉ sửa đổi theo hướng làm rõ hơn cách xác định thứ tự ưu tiên xét nâng bậc lương trước thời hạn đối với các trường hợp cùng đạt nhiều thành tích trong công tác. Cụ thể là, qua thực tiễn áp dụng cho thấy, còn một số đơn vị rất lúng túng khi xác định “thành tích khác” ngoài những danh hiệu, hình thức khen thưởng đã được xác định cụ thể trong Quyết định số 3466/QĐ-BTP để xét thứ tự ưu tiên nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ.
Để khắc phục vướng mắc này, Khoản 2 Điều 12 Quyết định số 1496/QĐ-BTP đã sửa đổi làm rõ “thành tích khác” chính là những danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng không phải là những danh hiệu, hình thức khen thưởng cấp nhà nước, cấp bộ ngành, tỉnh thành, đoàn thể trung ương đã được quy định là căn cứ để xét cấp độ thành tích và thời gian lên lương trước thời hạn tương ứng với cấp độ thành tích đạt được. Trong đó cần lưu ý, danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương đã được xác định rõ tại Thông tư số 12/2019/TT-BNV ngày 4/11/2019 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành một số điều của nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật thi đua, khen thưởng (khoản 2 Điều 1).
Quyết định số 1496/QĐ-BTP có hiệu lực kể từ ngày 06/7/2022 đã tạo cơ sở vững chắc cho việc thực hiện đầy đủ chế độ chính sách, khuyến khích, động viên công chức, viên chức, người lao động tiếp tục cống hiến, đóng góp vào sự phát triển chung của Bộ, ngành Tư pháp./. 
Vũ Hoàng Tuấn