Góp ý dự thảo Công ước về hiệu lực quốc tế của việc mua bán tàu theo phương thức tư pháp

05/05/2022
Theo Chương trình dự kiến Phiên họp thứ 55 của Ủy ban Luật Thương mại quốc tế thuộc Liên hợp quốc (UNCITRAL) từ 27/6 đến 15/7/2022, Ủy ban sẽ thảo luận thông qua dự thảo Công ước về hiệu lực quốc tế của việc bán tàu theo phương thức tư pháp (dự thảo Công ước). Việt Nam hiện là thành viên của UNCITRAL và đã cử đại diện tham gia Nhóm công tác VI của UNCITRAL để xây dựng dự thảo Công ước. Dự kiến sau khi UNCITRAL thông qua, dự thảo sẽ được trình lên Đại hội đồng Liên hợp quốc nhằm mục tiêu tổ chức lễ ký vào năm 2023.
Công ước đưa ra bảo vệ pháp lý cho người mua hướng đến mục tiêu tăng giá bán tàu theo phương thức tư pháp, vì lợi ích của cả chủ tàu và chủ nợ, bao gồm cả những người có quyền cầm giữ và nhà tài trợ tàu.
Công ước trao hiệu lực quốc tế cho việc bán tàu theo phương thức tư pháp. Việc bán tàu theo phương thức tư pháp phải do tòa án hoặc cơ quan công quyền khác quyết định, phê duyệt hoặc xác nhận bằng cách bán đấu giá công khai hoặc theo thỏa thuận tư được thực hiện dưới sự giám sát và chấp thuận của tòa án; và tiền bán được cung cấp, phân chia cho các chủ nợ. Nếu hiệu lực của việc bán tàu này tại quốc gia thành viên bán là trao quyền sở hữu sạch cho người mua, nghĩa là tàu không bị ràng buộc bởi các thế chấp và biện pháp bảo đảm (kể cả quyền cầm giữ hàng hải) được xác lập trước thời điểm bán tàu thì hiệu lực đó cũng được duy trì tại các quốc gia thành viên khác (hiệu lực quốc tế). Hiệu lực đó chỉ bị từ chối khi rõ ràng trái với chính sách công của quốc gia liên quan.
Khi việc bán tàu theo phương thức tư pháp đáp ứng quy định của pháp luật nước bán và Công ước (đặc biệt là việc thông báo cho những người liên quan), người mua tàu và người mua tiếp theo chỉ cần xuất trình giấy chứng nhận bán tàu theo phương thức tư pháp (đúng mẫu của Công ước) để:
(i) thực hiện các thủ tục đăng ký, xóa, thay đổi đối với đăng ký tàu và các biện pháp bảo đảm hoặc thế chấp (Trường hợp đăng ký mới có thể phải tuân thủ thêm một số yêu cầu khác của quốc gia đăng ký); hoặc
(ii) đề nghị không bắt giữ tàu hoặc thả tàu nếu việc bắt giữ phát sinh từ các yêu cầu liên quan đến các biện pháp bảo đảm hoặc thế chấp mà tàu không còn bị ràng buộc.
Dự thảo Công ước nếu được thông qua có khả năng ảnh hưởng lớn đến hoạt động hàng hải và tài chính cung cấp trong lĩnh vực hàng hải, đặc biệt là tại các quốc gia chưa có cơ chế ghi nhận quyền sở hữu sạch tương ứng như dự thảo Công ước.
Để chuẩn bị cho Phiên họp nêu trên, nhằm đảm bảo Công ước khả thi và hiệu quả,  Bộ Tư pháp đề nghị các Cơ quan nghiên cứu, gửi văn bản góp ý trực tiếp nội dung dự thảo Công ước.
Văn bản góp ý gửi đến Phòng Tư pháp quốc tế và Tương trợ tư pháp, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp (địa chỉ: 58-60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội; số điện thoại: 6273.9445 hoặc 6273.9532) và qua địa chỉ email: haguevietnam@moj.gov.vn chậm nhất là ngày 13/05/2022.
(Dự thảo Công ước tiếng Anh, tiếng Việt tại tệp đính kèm).