Nhằm tạo cơ sở thúc đẩy công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp được thực hiện theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển của thông tin, truyền thông, qua đó, góp phần lan toả hình ảnh và những đóng góp của Bộ, ngành Tư pháp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước, ngày 31/12/2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 1996/QĐ-BTP về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp giai đoạn 2021 – 2026”. Đề án được triển khai thực hiện tại các đơn vị thuộc Bộ và Hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự.
Đề án được xây dựng dựa trên các quan điểm: Bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước về công tác truyền thông; Công tác truyền thông phải luôn đi trước một bước, song hành và gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành Tư pháp. Công tác truyền thông được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, khả thi, góp phần vào kết quả hoạt động, thành tựu chung của công tác Tư pháp; Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, vai trò của các đơn vị thuộc Bộ, của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện công tác truyền thông, bảo đảm phù hợp với xu thế phát triển của truyền thông trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Bảo đảm gắn kết chặt chẽ việc triển khai thực hiện Đề án với các chương trình, kế hoạch công tác của Bộ, ngành và của từng đơn vị.
Trên cơ sở bám sát quan điểm, mục tiêu xây dựng, Đề án đề ra 06 nhóm nhiệm vụ: (1) Nâng cao nhận thức của công chức, viên chức, người lao động các đơn vị thuộc Bộ và Hệ thống Thi hành án dân sự về vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn; đổi mới việc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện kế hoạch truyền thông tại các đơn vị thuộc Bộ; (2) Hoàn thiện các chính sách, quy định về công tác truyền thông trong phạm vi thẩm quyền của Bộ Tư pháp; (3) Đổi mới, đa dạng hoá các loại hình truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp; (4) Theo dõi, phản hồi và cung cấp thông tin cho báo chí; (5) Thiết lập cơ chế trao đổi, phối hợp, cung cấp, chia sẻ thông tin với các cơ quan báo chí, truyền thông để tạo thuận lợi trong công tác cung cấp, tiếp nhận và phản hồi thông tin về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp; (6) Kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu thực hiện công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành.
Về giải pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ, Đề án đề ra 06 nhóm giải pháp, cụ thể: (1) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền đối với công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp; (2) Chủ động, thường xuyên phối hợp với cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí trong việc nắm bắt, định hướng thông tin; tăng cường phối hợp với các cơ quan tư pháp địa phương, cơ quan truyền thông báo chí trong hoạt động trao đổi, cung cấp thông tin và phản hồi thông tin báo chí phản ánh đảm bảo đúng quy trình, kịp thời, hiệu quả và trong tổ chức thực hiện các chương trình truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành trên các phương tiện thông tin đại chúng; (3) Chú trọng đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đưa vào khai thác hệ thống công nghệ thông tin theo hướng hiện đại, thiết thực, hiệu quả, hỗ trợ tối đa việc thực hiện công tác truyền thông của Bộ, ngành; (4) Kịp thời bố trí, bổ sung nhân sự cho đơn vị chuyên trách tham mưu thực hiện công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp, đảm bảo đủ nguồn nhân lực để tổ chức triển khai các nhiệm vụ tại Đề án; (5) Tăng cường đầu tư, bố trí kinh phí cho công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp; kết hợp ưu tiên lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, đề án, dự án, tranh thủ huy động tối đa các nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án; (6) Thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án; kịp thời khen thưởng, tôn vinh các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia thực hiện Đề án.
Về trách nhiệm thực hiện: (1) Văn phòng Bộ là đơn vị đầu mối, chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai nhiệm vụ được nêu trong Đề án; xây dựng Kế hoạch chi tiết hàng năm thực hiện Đề án và tổ chức triển khai, đôn đốc, hướng dẫn, theo dõi; sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án; kịp thời khen thưởng, tôn vinh các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia, triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ tại Đề án; (2) Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Cục Công nghệ thông tin, Báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Nhà Xuất bản Tư pháp tích cực, chủ động năng cao năng lực, phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp; gắn kết chặt chẽ việc thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án này với các nhiệm vụ được giao tại các Đề án liên quan tới công tác thông tin, truyền thông khác mà đơn vị chủ trì. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan báo chí, truyền thông để hình thành, phát triển mạng lưới thông tin rộng khắp về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp; (3) Các đơn vị thuộc Bộ tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án; phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Bộ và các cơ quan báo chí trong và ngoài Bộ chủ động thông tin, truyền thông kịp thời, chính xác, hiệu quả về các nhiệm vụ, lĩnh vực công tác trọng tâm được người dân và xã hội quan tâm; (4) Tổng cục Thi hành án dân sự tổ chức triển khai và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Đề án này trong Hệ thống Thi hành án dân sự; (5) Vụ Hợp tác quốc tế chủ trì, phối hợp với Văn phòng Bộ nghiên cứu, đề xuất các hoạt động hợp tác quốc tế và tìm kiếm nguồn kinh phí hỗ trợ cho việc thực hiện Đề án; (6) Cục Kế hoạch - Tài chính bố trí, phân bổ nguồn kinh phí để phục vụ cho việc triển khai các nhiệm vụ được nêu trong Đề án theo quy định.
Kinh phí thực hiện Đề án này được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời, tranh thủ tối đa nguồn lực xã hội hóa, vận động tài trợ và các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật để thực hiện.
Quyết định phê duyệt Đề án có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành
(thông tin chi tiết xem File đính kèm).
Đinh Hoàng Yến - Phòng Truyền thông