Muốn giữ quốc tịch Việt Nam, phải đăng ký định kỳ

26/02/2008
Chiều ngày 26/2, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Trưởng Ban soạn thảo Dự án Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi) đã có buổi làm việc cùng các thành viên Tổ biên tập Dự án Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi). Tại buổi làm việc này, nhiều định hướng quan trọng đã được quyết định. Nhiều vướng mắc trong khâu xử lý các vấn đề phát sinh khi sửa Luật theo nguyên tắc một quốc tịch mềm dẻo đã tìm được hướng giải quyết.

Viết lại Điều 3 cho phù hợp với tình hình đất nước.

Nếu như tại các buổi làm việc trước, các thành viên Ban soạn thảo Dự án Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi còn băn khoăn và chưa quyết định dứt khoát sẽ bỏ hay không bỏ nguyên tắc một quốc tịch thì đến buổi làm việc chiều qua, cuộc họp đã nhất trí đi theo hướng nguyên tắc một quốc tịch mềm dẻo. Điều này có nghĩa là Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi vẫn giữ nguyên tắc một quốc tịch, nhưng quy định linh hoạt các trường hợp được giữ quốc tịch gốc là quốc tịch Việt Nam. "Một quốc tịch mềm dẻo không có nghĩa là bỏ Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam hiện hành mà là viết lại Điều 3 theo hướng phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế hiện nay, đồng thời có cơ chế đăng ký và quản lý công dân Việt Nam ở nước ngoài một cách hữu hiệu" - Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết. Cũng theo cách xử lý này, Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi sẽ cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được giữ quốc tịch gốc là quốc tịch Việt Nam với điều kiện họ phải đăng ký định kỳ tại Cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài, chẳng hạn 5 năm đăng ký một lần. Quá thời hạn đó, nếu người Việt Nam định cư ở nước ngoài không đăng ký và không đưa ra được lý do chính đáng thì họ đương nhiên mất quốc tịch Việt Nam. Sau này, nếu họ hồi hương và muốn có quốc tịch Việt Nam thì họ phải làm các thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cùng các đại biểu tham dự cuộc họp cũng tính đến các trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi tuổi cao muốn trở lại Việt Nam sinh sống, người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam thì khi họ nhập quốc tịch Việt Nam không nhất thiết phải yêu cầu họ từ bỏ quốc tịch nước ngoài. Đối với trẻ em Việt Nam làm con nuôi người nước ngoài thì khi đủ 18 tuổi, người đó có quyền lựa chọn quốc tịch…. Đi kèm với các quy định này sẽ là các quy định về nguyên tắc quốc tịch hữu hiệu theo đúng thông lệ quốc tế trong xử lý các vấn đề  hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, thương mại…. phát sinh khi một công dân có hai quốc tịch.

Như vậy, vấn đề cơ bản nhất và cũng là vấn đề "vướng" nhất khi soạn thảo Dự án Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi đã cơ bản thống nhất được hướng giải quyết.

Đổi mới tư duy về "ra", "vào" quốc tịch

Cũng trong buổi làm việc chiều qua, Bộ trưởng Hà Hùng Cường và các thành viên Tổ biên tập Dự án Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi đã định ra những phương hướng cơ bản trong quá trình xây dựng các quy định liên quan đến thủ tục giải quyết các việc về quốc tịch. "Đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ. Những quy định gì nếu thực tế chứng minh là không cần thiết thì bỏ" - Bộ trưởng Hà Hùng Cường chỉ đạo. Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng yêu cầu Tổ biên tập nghiên cứu chỉnh lý các quy định tại dự án Luật sửa đổi sao cho thể hiện rõ ràng, minh bạch các quy định về tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quốc tịch; bỏ những điều khoản trùng dẫm với các luật khác đã ban hành từ năm 1998 đến nay; đưa vào dự luật những điều khoản thi hành mang tính khả thi v.v…

Dự kiến, Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi sẽ được Bộ Tư pháp trình Chính phủ vào tháng 3 tới 

 Hồng Thuý