Đoàn kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 49-TƯ/NQ tại Sơn La: Có biên chế nhưng vẫn thiếu người

17/04/2008
Đoàn kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 49-TƯ/NQ tại Sơn La: Có biên chế nhưng vẫn thiếu người
Sau khi làm việc và tiếp thu thông tin từ cơ sở (huyện Mai Sơn, TAND tỉnh và Sở Tư pháp), hôm nay (17/4), đoàn kiểm tra liên ngành tiếp tục làm việc với Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh Sơn La.

Qua gần 3 năm triển khai NQ 49, theo Phó Bí thư tỉnh ủy – Trưởng ban Chỉ đạo CCTP Sơn La Hoàng Văn Chất, các nội dung NQ 49 đã được triển khai thực hiện ở Sơn La và bước đầu có kết quả tốt. Tuy chưa gặp những vướng mắc, khó khăn lớn nhưng theo ông Chất, quá trình thực hiện NQ 49 của Sơn La còn có tồn tại, hạn chế, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến là trình độ, năng lực công tác của một bộ phận cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp chưa đồng đều, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của công tác tư pháp và CCTP. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ tư pháp, kiểm sát viên, thẩm phán, điều tra viên còn thiếu ở cả cấp tỉnh và huyện, lại chậm được bổ sung do thiếu nguồn cán bộ. Vì vậy, ông Chất cho rằng, đào tạo phải có địa chỉ (nghĩa là đào tạo xong phải bố trí được công việc) để không còn tình trạng kêu thiếu cán bộ.

Trên cơ sở đó, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La Thào Xuân Sùng cho biết, HĐND tỉnh đặt ra kế hoạch giám sát hoạt động của Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh và việc thực hiện NQ 49 trên địa bàn tỉnh 6 tháng/lần. Hiện nay, tỉnh vẫn đang tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn hạn chế. Tuy nhiên, theo ông Sùng, để công các CCTP có hiệu quả thì cần tăng cường công tác nghiên cứu, tổng kết, hướng dẫn kịp thời các văn bản mới ban hành để giúp địa phương tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện; tăng cường sự phối kết hợp giữa các khâu, các cơ quan tư pháp trong việc thực hiện tố tụng; đảm bảo tính đồng bộ của các văn bản pháp luật; phải tổ chức phối hợp giữa các bộ và tỉnh trong việc lựa chọn, đào tạo và qui hoạch, sử dụng đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp để giải quyết vấn đề khó khăn trong quá trình CCTP không chỉ của Sơn La mà còn nhiều địa phương khác là vấn đề thiếu nhân sự…

Thông qua những kết quả của cuộc kiểm tra, thay mặt đoàn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã bày tỏ sự ghi nhận về những kết quả đã đạt được của công cuộc CCTP tại tỉnh Sơn La đặt trong bối cảnh là một tỉnh miền núi còn nghèo và đang phải vượt qua nhiều khó khăn trên con đường công nghiệp hoá. Trong đó, Bộ trưởng đánh giá, chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp đã có chuyến biến theo hướng tốt, số lượng cán bộ tư pháp được chuẩn hóa về chuyên môn nghiệp vụ, chính trị, đáp ứng cơ bản; tổ chức bộ máy cơ quan tư pháp các cấp đã từng bước được củng cố, đặc biệt là để đáp ứng yêu cầu của việc tăng thẩm quyền cho tòa án cấp huyện...  Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Đoàn kiểm tra cũng nhận thấy công tác CCTP ở Sơn La trong thời gian qua vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, bất cập.

Theo Bộ trưởng, nhận thức về vị trí trung tâm của toà án và hoạt động xét xử trong CCTP ở Sơn La còn hạn chế dẫn đến sự chỉ đạo thiếu tập trung, chưa đưa ra được các giải pháp đồng bộ để đảm bảo thực hiện các yêu cầu trọng tâm, có tính chất đột phá của CCTP. Thực tế ở Sơn La cho thấy, luật sư vẫn mới chỉ tham gia theo chỉ định của các cơ quan tố tụng trong những trường hợp luật định bắt buộc phải có luật sư. Số lượng và chất lượng luật sư, công chứng, giám định tư pháp vẫn là một thách thức lớn của CCTP ở Sơn La, đòi hỏi phải có sự quan tâm lãnh đạo nhiều hơn, sát sao hơn của Ban chỉ đạo CCTP tỉnh để có những biện pháp bứt phá trong việc phát triển đội ngũ luật sư và những người làm công tác bổ trợ tư pháp của tỉnh để họ góp phần xứng đáng vào việc nâng cao chất lượng xét xử của toà án nói riêng, của hoạt động tố tụng nói chung theo yêu cầu CCTP, đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ pháp lý ngày một tăng từ phía các cơ quan, tổ chức và người dân trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội, giao lưu dân sự. Ngoài ra, việc tăng thẩm quyền xét xử của toà án cấp huyện tuy đã được chuẩn bị và triển khai kịp thời trong ngành toà án nhưng vẫn còn thiếu các biện pháp bảo đảm đồng bộ, nhất là về nguồn nhân lực, tài lực ở chính các cơ quan toà án và các cơ quan điều tra, kiểm sát cùng cấp.

Theo Bộ trưởng, một vấn đề nan giải chung của các cơ quan tư pháp Sơn La là thiếu nguồn cán bộ có đủ tiêu chuẩn để tuyển dụng và bổ nhiệm vào các chức danh tư pháp, mặc dù không thiếu biên chế. Nhưng các cơ quan và chính quyền tỉnh Sơn La chưa đề cập đến một quy hoạch tổng thể đội ngũ cán bộ tư pháp của tỉnh và quy hoạch các chức danh tư pháp của mỗi cơ quan. Vì vậy, Bộ trưởng cho rằng, đó nguyên nhân khiến Sơn La còn thiếu những chính sách và biện pháp đồng bộ, quyết liệt, kiên trì và hiệu quả từ khâu thu hút cán bộ trẻ, khâu cử đi đào tạo nguồn đến khâu sử dụng, luân chuyển, biệt phái các chức danh tư pháp giữa các cơ quan cùng cấp hoặc  theo ngành dọc.

Bộ trưởng đề nghị BCĐ CCTP Tỉnh xem xét, kịp thời chỉ đạo các cơ quan tư pháp đề xuất và triển khai các giải pháp có thể thực hiện được ngay trong phạm vi thẩm quyền của địa phương để khắc phục những hạn chế, bất cập đã được phân tích làm rõ nguyên nhân qua đợt kiểm tra này. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan tư pháp tiếp tục xây dựng các đề án có tính dự báo và khả thi về kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chức danh tư pháp cho giai đoạn trước mắt (đến năm 2010) và giai đoạn sau 2010 theo các định hướng của NQ49; chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc thực hiện các đề án này sau khi được phê duyệt.

Bộ trưởng cũng khẳng định sẽ nghiên cứu sâu và tổng hợp đầy đủ các thông tin thu được từ chuyến công tác để báo cáo với Ban chỉ đạo CCTP TƯ tình hình và những kiến nghị, đề xuất của BCĐ CCTP tỉnh, của các cơ quan tư pháp địa phương về những vấn đề thuộc thẩm quyền của trung ương, đặc biệt là các vấn đề ở tầm chính sách, chiến lược; nhanh chóng đáp ứng ngay những yêu cầu hợp lý của địa phương liên quan đến thẩm quyền của Bộ Tư pháp, đặc biệt trong việc nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành không còn phù hợp trong việc hướng dẫn nghiệp vụ, phân bổ chỉ tiêu biên chế và chỉ tiêu đào tạo nguồn chấp hành viên cho các cơ quan thi hành án, điều chỉnh hợp lý đầu tư xây dựng kho tang tài vật, nhà công vụ... /.

Huy Long