Công văn về việc góp ý dự thảo các sự kiện nổi bật năm 2020 của Ngành Tư pháp

16/12/2020
Thực hiện Quy chế bình xét các sự kiện nổi bật hàng năm của Ngành Tư (ban hành kèm theo Quyết định số 2196/QĐ-BTP ngày 26/7/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp), Văn phòng Bộ đã tổng hợp, xây dựng Dự thảo 15 sự kiện nổi bật năm 2020 của Ngành Tư pháp (gửi kèm theo Công văn này). Văn phòng Bộ Tư pháp đề nghị:
1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đề xuất lựa chọn 10 sự kiện nổi bật nhất (có sắp xếp thứ tự các sự kiện) của Ngành Tư pháp năm 2020; đồng thời có ý kiến góp ý đối với tiêu đề và nội dung các sự kiện.
2. Cục Công nghệ thông tin, Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức thăm dò dư luận đối với các sự kiện nổi bật năm 2020 của Ngành Tư pháp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và trên Báo Pháp luật Việt Nam điện tử, việc thăm dò dư luận kết thúc trước 11h00 ngày 20/12/2020. Kết quả thăm dò dư luận gửi về Văn phòng Bộ trước 17h00 ngày 20/12/2020 để tổng hợp, báo cáo Hội đồng bình xét các sự kiện nổi bật hàng năm của Ngành Tư pháp.
Ý kiến góp ý của cơ quan, đơn vị gửi về Văn phòng Bộ Tư pháp hoặc qua địa chỉ hộp thư điện tử tonghopvpb@moj.gov.vn trước ngày 20/12/2020 để tổng hợp, hoàn chỉnh các sự kiện nổi bật năm 2020 của Ngành Tư pháp./.
 
DỰ THẢO 15 SỰ KIỆN NỔI BẬT NĂM 2020 CỦA NGÀNH TƯ PHÁP
 
1. Thực hiện hiệu quả vai trò tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoàn thành việc tổng kết các nghị quyết, chỉ thị; triển khai các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Nội dung sự kiện:
Bộ, ngành Tư pháp đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoàn thành việc tổng kết 02 Nghị quyết của Bộ Chính trị: Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; 03 Chỉ thị của Ban bí thư Trung ương Đảng: Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư ngày 30/3/2000 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư; Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 09/2/2009 của Ban Bí thư về hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp; Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Đồng thời, tích cực phối hợp với các cơ quan, tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các Kết luận quan trọng về kết quả tổng kết, thi hành các văn bản này.
Trên cơ sở đó, Bộ, ngành Tư pháp đã nghiên cứu, bổ sung các luận cứ quan trọng để tham mưu, đề xuất với Đảng, Chính phủ hoạch định đường lối, chính sách pháp luật đối với các lĩnh vực nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn tới, với vai trò chỉ đạo xuyên suốt của Đảng trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là các mục tiêu, định hướng, giải pháp tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật được thể hiện ở dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

2. Tham mưu cho Chính phủ tổ chức thành công Hội nghị về công tác xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật
Nội dung sự kiện:
Ngày 24/11/2020, Bộ Tư pháp đã tham mưu tổ chức thành công Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật. Đây là Hội nghị trực tuyến với quy mô toàn quốc, là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng thể chế ở nước ta hiện nay. Hội nghị thể hiện sự quan tâm sâu sắc và quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, tập trung tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh trong bối cảnh mới. Hội nghị cũng là dịp để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, nhà quản lý, cộng đồng nhìn nhận, đánh giá toàn diện, chính xác về kết quả thực hiện công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và công tác thi hành pháp luật trong nhiệm kỳ qua; bao gồm cả những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân để từ đó đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ, công chức đặc biệt là người đứng đầu của các cơ quan, tổ chức, địa phương về vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng và thi hành pháp luật, tăng cường các điều kiện bảo đảm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương và sự phối hợp của các cơ quan tổ chức trong các công tác này. Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao quyết tâm của Bộ Tư pháp trong việc đề xuất, chủ trì tổ chức Hội thảo, điều đó thể hiện tâm huyết, trách nhiệm và nỗ lực của Bộ, ngành tư pháp trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật trong 05 năm qua. Ghi nhận kết quả của Hội nghị và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã nghiên cứu, xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật để triển khai tới các cấp, các ngành có liên quan trong thời gian tới.

3. Tham mưu cho Chính phủ tổ chức rà soát, kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường giải phóng nguồn lực tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội
Nội dung sự kiện:
Trong năm 2020, với vai trò là cơ quan thường trực của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 12/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ và đầu mối tổ chức thực hiện nhiệm vụ rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo Quyết định số 209/QĐ-TTg ngày 07/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp – Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan trung ương, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp tập trung nguồn lực thực hiện rà soát, phát hiện các quy định của pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển; kiến nghị hoàn thiện pháp luật để giải phóng nguồn lực tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ trong một thời gian ngắn mặc dù gặp không ít khó khăn, đặc biệt là dịch Covid-19 nhưng với việc tổ chức thực hiện khoa học, hiệu quả, chủ động, sáng tạo, Bộ Tư pháp đã làm đầu mối giúp Tổ công tác cùng với các bộ, ngành, cơ quan trung ương thực hiện và hoàn thành kịp thời việc rà soát 8779 văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là 10 chuyên đề, lĩnh vực pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Báo cáo số 442/BC-CP ngày 01/10/2020 của Chính phủ về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XI; không chỉ nhận được sự đánh giá cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà còn có sự quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong. Hoạt động công tác này đã thể hiện vai trò của Bộ, ngành Tư pháp trong việc nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

4. Bộ, ngành Tư pháp tích cực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, chung tay cùng cả nước kịp thời ứng phó và giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 đến tình hình kinh tế - xã hội
Nội dung sự kiện:
Năm 2020, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả quốc gia trên thế giới; trong đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng đã và đang chịu nhiều tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Ngay khi có dịch bệnh bùng phát, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, cùng với sự đồng lòng, đoàn kết của toàn dân, toàn quân, công tác phòng, chống dịch đã đạt kết quả tốt, Việt Nam đã đẩy lùi và kiểm soát được dịch bệnh. Trong đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tham mưu cơ chế, chính sách phù hợp kích thích mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, tranh thủ và tận dụng tốt các cơ hội để phục hồi nhanh và phát triển bền vững các hoạt động kinh tế - xã hội; nghiên cứu giải pháp, cơ sở pháp lý để kiểm soát, ngăn ngừa các hành vi tác động tiêu cực đến công cuộc phòng, chống dịch trong cả nước.
Bộ, ngành Tư pháp cũng đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành, thực hiện rà soát, điều chỉnh các chương trình, kế hoạch, có giải pháp khắc phục ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong phạm vi toàn Ngành.

5. Tổ chức thành công Đại hội Thi đua yêu nước Ngành Tư pháp lần thứ V; kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
Nội dung sự kiện:
Ngày 01/11/2020, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước ngành tư pháp lần thứ V; kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất với sự tham dự và chỉ đạo của Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội.
Với chủ đề “Toàn ngành Tư pháp đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tích cực thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao”, Đại hội thi đua yêu nước lần thứ V có ý nghĩa hết sức quan trọng cho bước đường phát triển đi lên của Ngành Tư pháp. Đại hội không chỉ là dịp để Bộ, ngành Tư pháp đánh giá kết quả thực hiện các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020; tuyên dương thành tích của tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến; xác định phương hướng tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước của ngành tư pháp trong giai đoạn 2021-2025 theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị mà còn là dịp để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành Tư pháp ôn lại, thêm tự hào về truyền thống của ngành, tiếp tục ra sức thi đua, phát huy sáng kiến, lập thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực công tác, chào mừng Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 10 và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tiếp tục phấn đấu vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao trong giai đoạn mới. Tạị Đại hội, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Ngành Tư pháp.

6. Thể chế pháp luật trong một số lĩnh vực công tác của Bộ, ngành tiếp tục có bước hoàn thiện quan trọng
Nội dung sự kiện:
Năm 2020, cùng với việc phối hợp các Bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua 17 Luật và nhiều Nghị quyết, văn bản quan trọng khác trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, thể chế pháp luật của ngành Tư pháp đã có bước hoàn thiện pháp luật quan trọng khi Quốc hội thông qua 03 luật với tỷ lệ cao, cụ thể là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (tỷ lệ đại biểu Quốc hội thông qua là 92.96%); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (92.96%) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (93.5%). Việc 03 Luật do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng được Quốc hội thông qua đánh dấu bước hoàn thiện quan trọng đối với khung pháp lý trong các lĩnh vực công tác quan trọng thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành Tư pháp.
 
7. Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và Pháp luật: Giá trị và thực tiễn vận dụng tại Việt Nam”
Nội dung sự kiện:
Sáng ngày 30/11/2020, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức thành công Hội thảo khoa học cấp quốc gia Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và Pháp luật: Giá trị và thực tiễn vận dụng tại Việt Nam. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm và hưởng ứng của các ban, bộ, ngành trung ương, chính quyền một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cộng đồng các nhà luật học, chính trị học và sử học đến từ các cơ sở đào tạo, nghiên cứu với tổng cộng gần 50 chuyên đề, bài tham luận được gửi tới Hội thảo. Trong những năm qua, nhất là sau gần 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm nghiên cứu, kế thừa, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật để lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa cùng hệ thống pháp luật phát triển toàn diện, dựa trên nền tảng Hiến pháp và các đạo luật. Hội thảo được tổ chức tiếp tục là diễn đàn chính trị pháp lý quan trọng để tiếp tục nhận diện đầy đủ, sâu sắc, toàn diện hơn nữa và khẳng định giá trị, nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật; đánh giá đúng thực tiễn vận dụng Tư tưởng của Người về Nhà nước và pháp luật ở Việt Nam, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, đề xuất quan điểm vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật trong sự nghiệp xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật trong điều kiện, bối cảnh mới của đất nước.

8. Vượt qua khó khăn, kết quả công tác thi hành án dân sự về giá trị, đặc biệt là giá trị thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2016-2020
Nội dung sự kiện:
Năm 2020, các cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục phải thực hiện nghiêm chủ trương về cắt giảm biên chế, tinh giản bộ máy hành chính và chịu nhiều ảnh hưởng, tác động tiêu cực do thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 gây ra. Tuy vậy, với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, hiệu quả thông qua các giải pháp đồng bộ, linh hoạt, phù hợp diễn biến, tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu về cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, toàn Hệ thống Thi hành án dân sự đã không ngừng nỗ lực, vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Toàn hệ thống thi hành án dân sự đã tổ chức thi hành xong trên 53 nghìn tỷ đồng (tăng gần 1000 tỷ đồng so với năm 2019), trong đó, án tham nhũng, kinh tế thi hành xong trên 15 nghìn tỷ đồng; đặc biệt, các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi thi hành xong trên 14 nghìn tỷ đồng (bằng với tổng số tiền đã thi hành xong kể từ năm 2013 đến hết 2019). Qua đó đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giải phóng nguồn lực của xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương.

9. Chủ động, sáng tạo trong hợp tác quốc tế về pháp luật, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành Tư pháp
Nội dung sự kiện:
Năm 2020, trong điều kiện ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, công tác hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật được triển khai một cách sáng tạo, chủ động, không để nước ngoài can thiệp vào hoạt động xây dựng pháp luật, thích ứng với tình hình thế giới và trong nước, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị của Bộ, Ngành Tư pháp. Các hoạt động hợp tác song phương và đa phương được thúc đẩy mạnh mẽ phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành Tư pháp thông qua việc vận dụng linh hoạt hình thức làm việc trực tuyến để ký kết và triển khai nhiều thỏa thuận, chương trình hợp tác với các đối tác truyền thống, chiến lược với Bộ Tư pháp các nước Lào, Đức, Pháp, Azerbaijan; tổ chức Phiên họp lần thứ nhất của Tiểu ban Quản trị tốt, Pháp quyền và Quyền con người trong khuôn khổ UBHH Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU); chủ động tham gia các hoạt động của các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đề cử đại diện Việt Nam vào vị trí Hội đồng tư vấn của IDLO năm 2020; đàm phán thành công Dự án hợp tác pháp luật mới với JICA Nhật Bản giai đoạn 2021-2026, gia hạn Dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EU JULE) và Dự án ODA hỗ trợ cho Học viện Tư pháp Lào.
Đặc biệt, năm 2020 là lần đầu tiên Bộ Tư pháp Việt Nam và Nhật Bản ký Bản Ghi nhớ hợp tác về pháp luật và tư pháp trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ hai nước trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản; đăng cai tổ chức thành công Diễn đàn pháp luật ASEAN 2020 trong năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.  Năm 2020 cũng là lần đầu tiên trong gần 75 năm xây dựng và phát triển, tài liệu giới thiệu về Bộ Tư pháp phiên bản tiếng Anh được xây dựng với những thông tin tổng quan về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp; góp phần nâng cao, quảng bá hình ảnh Bộ, ngành Tư pháp trước cộng đồng quốc tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu, rộng hiện nay.

10. Kỷ niệm 35 năm ngày ra số báo đầu tiên của ngành Tư pháp
Nội dung sự kiện:

Ngày 9/7/2020, Báo Pháp luật Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 35 năm ngày phát hành số đầu tiên và đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất. Với vai trò là cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp, trải qua 35 năm xây dựng và trưởng thành, Báo Pháp luật Việt Nam đã tích cực truyền tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Qua đó, đã trở thành kênh thông tin, đàm luận chuyên sâu về các vấn đề pháp lý của Bộ, ngành Tư pháp; góp phần vào công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật cũng như công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp trong xã hội.  Nhiều tác phẩm báo chí của Báo Pháp luật Việt Nam được dư luận đánh giá cao, có tác động tích cực; được bạn đọc yêu mến, ghi nhận và được vinh danh tại các giải báo chí uy tín quốc gia được tổ chức hàng năm.

Với những đóng góp thiết thực nêu trên, trong ngày kỷ niệm 35 năm ra số báo đầu tiên, Báo Pháp luật Việt Nam vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ 2 để ghi nhận công lao, đóng góp của Báo trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước.

11. Tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Tư pháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, thực hiện xuất sắc vai trò tiên phong khi lần đầu tiên được lựa chọn làm Đại hội điểm Đảng bộ cấp trên cơ sở của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
Nội dung sự kiện:
Lần đầu tiêu được chọn là Đại hội điểm Đảng bộ cấp trên cơ sở, Đại hội Đại biểu Đảng bộ Bộ Tư pháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã được tổ chức thành công, bảo đảm chất lượng, vượt tiến độ 1,5 tháng, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Với chủ đề “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy truyền thống đoàn kết, trí tuệ, dân chủ, kỷ cương và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đưa công tác tư pháp phát triển bền vững lên tầm cao mới”, Đại hội đã đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra tồn tại hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển của Đảng Bộ trong 05 năm tới; kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Khóa X; bầu Ban Chấp hành Đảng Bộ khóa XI và đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đoàn Đại biểu của Đảng Bộ đã tham gia có chất lượng vào các hoạt động tại Đại hội XIII của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương; đồng chí Bí thư Đảng ủy Bộ Tư pháp được bầu vào Ban Chấp hành và bầu vào Đoàn Đại biểu của Đảng bộ Khối dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Qua đó nâng cao vị thế, uy tín của Đảng bộ Bộ Tư pháp trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương.

12. Vai trò của nhân lực ngành Tư pháp ngày càng được khẳng định, nâng cao
Nội dung sự kiện:
Năm 2020 đã chứng kiến, vai trò của đội ngũ cán bộ ngành Tư pháp ngày càng được nâng cao với việc bổ sung 02 Lãnh đạo Bộ Tư pháp; số lượng cán bộ Tư pháp được tín nhiệm tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ mới ở địa phương cao nhất từ trước đến nay. Kết quả này thể hiện sự ghi nhận về nỗ lực, phấn đấu của đội ngũ cán bộ tư pháp, là cơ hội để cán bộ của Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục phát huy được bản lĩnh chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác tư pháp và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của từng địa phương trong thời kỳ mới.
Trong năm, Bộ Tư pháp cũng đã phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nâng cấp các Trường Trung cấp Luật thành Trường Cao đẳng Luật tại ba miền Bắc, Trung, Nam. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước khởi đầu mới cho con đường đầy thách thức và cơ hội phía trước của các trường, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực pháp luật nói riêng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng và phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn hiện nay, qua đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh và khu vực.

13. Đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Nội dung:
Nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 26/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019 – 2021; trong bối cảnh cả nước chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo, hướng dẫn việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin đối với công tác phổ biến, giáo dục trong toàn Ngành. Nhờ đó, công tác tổ chức thi hành pháp luật tiếp tục có nhiều chuyển biến; việc đa dạng hóa hình thức, khai thác triệt để thế mạnh của công nghệ thông tin, cải thiện điều kiện tiếp cận thông tin về pháp luật đã giúp người dân và xã hội sử dụng, khai thác một cách thuận lợi hệ thống thông tin pháp luật được số hóa; kết nối, chia sẻ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm tính chính xác, đầy đủ, thiết thực, kịp thời, thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, các cuộc thi trực tuyến về kiến thức pháp luật với quy mô toàn quốc như: Pháp luật học đường, Pháp luật với mọi người,… đã tạo những sân chơi tìm hiểu pháp luật thực sự bổ ích, góp phần trang bị kiến thức pháp luật cho các thế hệ công dân, nhận được sự hưởng ứng. tham dự của đông đảo nhân dân trên toàn quốc. Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cũng thể hiện quyết tâm của Bộ, ngành Tư pháp sớm đưa tinh thần Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào cuộc sống.

14. Bộ Tư pháp tham mưu tổ chức thành công Hội nghị công tác dân vận trong hoạt động hòa giải
Nội dung sự kiện:
Ngày 13/07/2020, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị trực tuyến “Công tác dân vận trong hoạt động hòa giải”. Hội nghị đã tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội của công tác hòa giải ở cơ sở. Đây là một phương thức nhân văn giải quyết tranh chấp, xung đột trong đời sống nhân dân, ít tốn kém và hiệu quả bền vững; góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận. Từ đó, đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống; nâng cao nhận thức pháp luật của nhân dân; hình thành ý thức, thói quen tự giác chấp hành pháp luật, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng gia đình văn hóa, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hội nghị cũng đã đưa ra đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở như: Đề nghị Ban Dân vận Trung ương chỉ đạo các cấp ủy tiếp tục phát huy và nâng cao hơn nữa vai trò của công tác dân vận trong hoạt động hòa giải cơ sở. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức thực hiện của chính quyền, phối hợp chặt chẽ của Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc triển khai thực hiện; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên; tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật, hội thi hòa giải viên giỏi, tuyên truyền viên pháp luật giỏi với những nội dung phong phú, đa dạng và sinh động.

15. Tăng cường quản lý nhà nước về hộ tịch điện tử, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp và nâng cao mức độ hài lòng của người dân
Nội dung sự kiện:
Trong năm 2020, Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng, ban hành Nghị định số 87/2020/NĐ-CP về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến, theo đó quy định toàn diện các vấn đề về việc xây dựng, quản lý, cập nhật, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, Cơ sở dữ liệu khác của bộ, ngành, địa phương; cấp bản sao trích lục hộ tịch, xác nhận thông tin hộ tịch; đăng ký hộ tịch trực tuyến.
Việc ban hành Nghị định này đã khẳng định quyết tâm của Chính phủ nói chung, của Ngành Tư pháp nói riêng trong việc thực hiện thành công hệ thống an sinh xã hội số, góp phần cán đích, hoàn thành mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử. Nghị định sẽ là cơ sở pháp lý đảm bảo việc triển khai Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch; tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cho người dân, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền đăng ký hộ tịch của người dân, đặc biệt là quyền khai sinh cho trẻ em cũng như đơn giản hóa quy trình phối hợp, tra cứu thông tin của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; góp phần từng bước nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư.