Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường làm việc tại tỉnh Thanh Hoá

14/04/2008
“Mỗi năm, có khoảng 100 sinh viên học Luật chính quy là con em tỉnh Thanh Hoá về quê hương thực tập, nhưng số người được ở lại hoặc tự nguyện ở lại công tác trong các cơ quan tư pháp của tỉnh chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Trong khi đó, ngay tại Sở Tư pháp, các Phòng chuyên môn đều thiếu cán bộ có trình độ đại học Luật, cả tỉnh mới có 8 người có trình độ đại học Luật làm việc tại tư pháp cấp xã” – Ông  Nguyễn Danh Lợi, Trưởng phòng Tổ chức, Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hoá phản ánh với Bộ trưởng Hà Hùng Cường cùng đoàn công tác của Bộ Tư pháp trong chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Hà Hùng Cường với Tỉnh uỷ, UBND và các cơ quan Tư pháp tỉnh Thanh Hoá ngày 12/4.

Đề nghị thu hút cử nhân Luật về tư pháp cơ sở

          Vậy tháo gỡ vấn đề này bằng cách nào? Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng, nếu cán bộ tư pháp cơ sở mà yếu về chuyên môn thì việc điều hành bằng pháp luật ở địa phương đó sẽ yếu, tất nảy sinh khiếu kiện, bởi vậy: “Cần có giải pháp đưa cử nhân Luật về cơ sở, qua đó sàng lọc và chọn ra những cán bộ tư pháp có năng lực”. Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư tỉnh uỷ Thanh Hoá băn khoăn giải pháp này sẽ khó thực hiện vì tư pháp cơ sở hiện nay mới chỉ được 1 biên chế, mà chỗ đó đương nhiên đã có người ngồi rồi. “Biên chế cho tư pháp cơ sở Tỉnh có thể chủ động và linh hoạt, chẳng hạn, nhiều đơn vị tư pháp cơ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh đã được bố trí 2 – 3 biên chế và họ làm việc rất hiệu quả. Nếu bố trí biên chế khó khăn thì Tỉnh có thể linh động cho ngành Tư pháp một số hợp đồng làm công tác tư pháp tại các xã, phường, thị trấn. Nếu thu hút được nhiều cử nhân Luật về cơ sở thì chắc chắn tư pháp cơ sở sẽ có nhiều chuyển biến” – Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói.

UBND các cấp “nợ” thi hành án: Tỉnh sẽ chỉ đạo trả ngay

Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hoá cho biết, trong năm 2007 vừa qua và quý I/2008, các mặt công tác của ngành Tư pháp Thanh Hoá đều có chuyển biến tích cực, ngành Tư pháp ngày càng khẳng định được vị thế của mình trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá và đại diện các cơ quan Tư pháp cũng ghi nhận sự chuyển biến và những kết quả khả quan của ngành Tư pháp trong công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, thi hành án dân sự, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp….

Tuy nhiên, ông Mai Văn Minh cũng cho rằng, còn có nhiều tồn tại cần có sự tháo gỡ và hỗ trợ từ phía Bộ Tư pháp cũng như của tất cả các ngành, các cấp của tỉnh. Những hạn chế có thể kể tới là hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật còn hạn chế, chưa tập trung theo đối tượng, lĩnh vực. Công tác hộ tịch, chứng thực cơ sở thực hiện còn sai sót. Đặc biệt, việc cải chính hộ tịch ở một số nơi còn biểu hiện tuỳ tiện. Trong công tác thi hành án dân sự, án có giá trị dưới 500 ngàn đồng bàn giao cho cấp xã hiệu quả rất thấp. Thêm vào đó, “Pháp lệnh Thi hành án dân sự quy định cơ quan Thi hành án dân sự có quyền phong toả tiền tại tài khoản và khấu trừ tại kho bạc nhà nước, tại cơ quan bảo hiểm, nhưng thực tế không thực hiện được. Đề nghị Bộ phối hợp với các ngành hữu quan có văn bản hướng dẫn, thống nhất thi hành” – ông Minh kiến nghị. Bà Mai Thị Hà, Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh cho biết thêm: “Hiện nay có 57 UBND các cấp và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nợ Thi hành án hơn 2,3 tỷ đồng và trên 100 tấn lúa. Chúng tôi đã nhiều lần vận động họ làm tờ trình đề nghị hỗ trợ kinh phí thi hành án nhưng họ coi như không và càng không có ý định thi hành. Năm trước, chúng tôi đã thí điểm phong toả tài khoản của UBND xã Quảng Thành nhưng bị họ phản ứng gay gắt, gây sức ép dư luận”. Phản ánh lại điều này với Bí thư Nguyễn Văn Lợi và Chủ tịch tỉnh Mai Văn Ninh, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhận được câu trả lời: “Những trường hợp này chúng tôi chưa nhận được kiến nghị của Thi hành án dân sự tỉnh, nếu nhận được phản ánh, chúng tôi sẽ yêu cầu trích ngân sách trả ngay vì các cơ quan chính quyền là nơi phải gương mẫu trong việc chấp hành thi hành án. Vừa qua, chúng tôi đã chỉ đạo mấy UBND cấp huyện trích ngân sách thực hiện nghĩa vụ thi hành án”.

       Luật quá rườm rà, phức tạp: khó cho địa phương thực hiện

Kiến nghị với Bộ trưởng Hà Hùng Cường cùng Đoàn công tác của Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Văn Lợi cho rằng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của nước ta hiện nay quá cồng kềnh, phức tạp và chung chung. Nhiều Luật cứ bảo người dân không nắm được chứ thật ra ngay lãnh đạo và cán bộ cũng không thể nhớ hết, mỗi khi cần dùng đến lại phải tra sổ sách. Nhiều luật đã không sát với thực tế lại không được sửa kịp thời, khiến cho quá trình áp dụng và thực thi luật ở địa phương gặp rất nhiều khó khăn, chẳng hạn như Luật Đất đai, Nghị định 84 hướng dẫn công tác giải phóng mặt bằng, Nghị định 88 về việc thành lập Hội v.v….

Đồng tình với ý kiến này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, Chính phủ và Quốc hội đã thấy rõ những hạn chế của hệ thống pháp luật Việt Nam và đang giao cho Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng một Đề án tổng rà soát, pháp điển hoá văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam từ năm 1976 đến nay, nhằm “phát quang, dọn dẹp” những văn bản chồng chéo, mâu thuẫn, hết hiệu lực trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Đối với những lĩnh vực công tác tư pháp cụ thể của tỉnh Thanh Hoá, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đề nghị lãnh đạo Tỉnh quan tâm tới công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ làm công tác bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp. “Cả tỉnh Thanh Hoá rộng lớn như vậy mà mới có 6 công chứng viên, 59 luật sư thì không thể đáp ứng nổi yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Đội ngũ công chứng viên phải phát triển mạnh cùng với sự phát triển của thị trường bất động sản, bởi nếu thiếu công chứng sẽ dễ dẫn đến những rủi ro về mặt pháp lý khi có tranh chấp xảy ra. Còn nếu thiếu luật sư thì sẽ không đảm bảo yêu cầu của quá trình cải cách tư pháp khi mục tiêu đặt ra là kết quả bản án phải dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên toà” – Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh. Trước mắt, để hạn chế những rủi ro cho các hợp đồng giao dịch bất động sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh cho phép Sở Tư pháp chuyển tất cả những giao dịch về bất động sản qua công chứng thực hiện, không để chứng thực tại UBND như hiện nay. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá đồng ý sẽ quan tâm và cân nhắc những đề nghị này.

Hồng Thuý

Trong thời gian tiếp xúc cử tri tại tỉnh Quảng Bình, ngày 11/4, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đã trao Quyết định bổ nhiệm Chấp hành viên và Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Bình cho ông Phạm Văn Lãnh, chấm dứt thời gian gần 3 năm không có Trưởng Thi hành án dân sự của tỉnh Quảng Bình.