Vĩnh Phúc triển khai công tác tư pháp năm 2008: Phấn đấu về đích sớm

11/01/2008
Ngày 11/1, Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2008. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Vĩnh Phúc Trịnh Đình Dũng đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Báo cáo công tác năm 2007 của Sở Tư pháp Vĩnh Phúc do ông Nguyễn Hữu Thảo, Phó Giám đốc Sở trình bày cho biết, trong năm 2007, Sở Tư pháp đã tích cực, chủ động triển khai một số nhiệm vụ đạt chất lượng khá, đặc biệt là các nhiệm vụ có sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp như công tác xây dựng, kiểm tra và thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, công tác thi hành án dân sự,công tác trợ giúp pháp lý, phổ biến giáo dục pháp luật và hành chính tư pháp. Các nội dung công tác chính trong năm của ngành Tư pháp theo kế hoạch đến nay đã cơ bản hoàn thành, một số việc hoàn thành tốt như công tác phổ biến giáo dục pháp luật, công tác hành chính tư pháp, đặc biệt là công tác kiểm tra, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật đã đi vào nền nếp.

Tuy nhiên, Sở Tư pháp Vĩnh Phúc cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác Tư pháp trong năm 2007 còn có những tồn tại, hạn chế và khó khăn. Đó là chất lượng một số việc chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, công tác tham mưu ở một số đơn vị còn hạn chế, một số việc triển khai thực hiện tiến độ chậm. Có thể kể đến một số khó khăn này như Nghị định số 05/2005/NĐ-CP của Chính phủ về bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh chưa được các cấp, các ngành thực hiện một cách nghiêm túc.Do đó, đã làm giảm hiệu quả và hiệu lực công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản. Quá trình thực hiện Nghị định 79/NĐ-CP tại UBND cấp xã đã bộc lộ nhiều bất cập về cơ sở vật chất, con người như hầu hết cấp xã không có máy phô tô, dẫn đến người dân đến yêu cầu chứng thực gặp khó khăn, có nhiều trường hợp phải phô tô tài liệu ở nơi khác cách xã hàng chục km. Việc tiếp nhận hồ sơ chủ yếu giao cho cán bộ Tư pháp - Hộ tịch thực hiện trong khi đó trang thiết bị, điều kiện làm việc chưa được quan tâm đầu tư đúng mức nên hiệu quả còn hạn chế. Trong quá trình thảo luận, các đại biểu tham dự Hội nghị tiếp tục chỉ ra những khó khăn khác và đề xuất những giải pháp khắc phục cụ thể.

           Để phát huy những kết quả đã đạt được trong công tác năm 2007 và giảm dần những hạn chế, khó khăn, Sở Tư pháp Vĩnh Phúc đặt ra 8 nhiệm vụ trọng tâm công tác cho năm 2008. Các nhiệm vụ này được xây dựng trên phương hướng tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo của tỉnh ủy về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và bám sát nội dung theo Chương trình công tác trọng tâm của ngành Tư pháp năm 2008, tích cực, chủ động, sáng tạo triển khai các mặt công tác theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc Trịnh Đình Dũng đánh giá rất cao hiệu quả hoạt động của công tác tư pháp trong thời gian qua. Ông Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, với một tỉnh có tốc độ  thu hút đầu tư, phát triển kinh tế nhanh và cao như Vĩnh Phúc, ngành Tư pháp góp phần rất quan trọng vào công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, tham mưu và trực tiếp tham gia vào quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải phóng mặt bằng, góp phần giữ vững ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng ghi nhận và biểu dương những kết quả mà ngành Tư pháp Vĩnh Phúc đã đạt được. Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp và Tư pháp các địa phương sẽ được giao thêm nhiều nhiệm vụ mới, do đó, Tư pháp Vĩnh Phúc cần chủ động và nỗ lực hơn nữa trong việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm công tác đã đề ra, phấn đấu cùng các ngành khác của địa phương thực hiện tốt mục tiêu về đích sớm trong năm bản lề 2008. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Hà Hùng Cường yêu cầu ngành Tư pháp Vĩnh Phúc quan tâm hơn nữa tới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, không chỉ đối với người dân mà với cả đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, nhất là với đội ngũ cán bộ cơ sở. Đồng thời, tư pháp Vĩnh Phúc cũng cần đặc biệt quan tâm, chú trọng tới công tác cải cách hành chính, tạo chuyển biến cơ bản trong lĩnh vực thi hành án dân sự, nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở và tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ khác đã đề ra  trong lộ trình cải cách tư pháp.

Hồng Thúy