Để tạo cơ sở pháp lý tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Văn phòng Đảng-Đoàn thể đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác đảng, đoàn thể của Bộ Tư pháp trong tình hình mới, thực hiện Quy định số 215-QĐ/TW ngày 05/12/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của đảng ủy cấp trên cơ sở thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương. Sau khi thống nhất với Ban cán sự đảng, ngày 28/11/2019, Đảng ủy Bộ Tư pháp đã ban hành
Quyết định số 303-QĐ/ĐU về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và mối quan hệ công tác của Văn phòng Đảng - Đoàn thể.
1. Về vị trí, chức năng
Văn phòng Đảng - Đoàn thể (gọi tắt là Văn phòng) là đơn vị tương đương cấp Vụ thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng tham mưu, giúp việc Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ và các tổ chức chính trị - xã hội của Bộ theo Quy định số 215-QĐ/TW ngày 05/12/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Điều lệ Đảng, Điều lệ của các tổ chức chính trị - xã hội và các quy định của pháp luật có liên quan.
Văn phòng không có tư cách pháp nhân, không có con dấu, tài khoản riêng. Quá trình hoạt động, khi cần thiết được sử dụng con dấu; ký thừa lệnh khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ, các tổ chức chính trị - xã hội thuộc Bộ và Quy chế làm việc của Bộ Tư pháp.
2. Về nhiệm vụ và quyền hạn
Theo Quyết định số 303-QĐ/ĐU, Văn phòng được giao 10 (mười) nhóm nhiệm vụ, quyền hạn, trọng tâm là:
Thứ nhất, tham mưu, giúp Ban cán sự đảng, Đảng ủy Bộ theo dõi chung việc quán triệt, phổ biến, tổ chức thực hiện các văn bản, nghị quyết của Trung ương, của cấp ủy cấp trên, các văn bản, nghị quyết do Ban cán sự đảng, Đảng ủy Bộ ban hành để tổ chức triển khai thực hiện các văn bản, nghị quyết của Trung ương và cấp ủy cấp trên tại Bộ. Văn phòng còn được giao nhiệm vụ đơn vị thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của Bộ (Ban Chỉ đạo 35 của Bộ).
Thứ hai, thực hiện 07 nhóm nhiệm vụ tham mưu, giúp việc Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Đảng ủy Bộ, trọng tâm là công tác xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác, quy chế làm việc; duy trì mối quan hệ công tác với cấp ủy cấp trên, với Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ, cấp ủy và Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ, các tổ chức chính trị - xã hội thuộc Bộ; xử lý, cung cấp thông tin, chuẩn bị nội dung phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Bộ; thực hiện chế độ thống kê, báo cáo, văn thư, lưu trữ, quản lý hồ sơ tài liệu nghiệp vụ công tác đảng, tài chính, phục vụ và thực hiện nhiệm vụ văn phòng cấp ủy; theo dõi, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ công tác đảng.
Thứ ba, chủ trì hoặc phối hợp với Ủy ban Kiểm tra, các Ban của Đảng ủy Bộ, đơn vị, tổ chức có liên quan tham mưu, đề xuất và thực hiện 08 nhóm nhiệm vụ của Đảng ủy Bộ trên các lĩnh vực công tác: i) Giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; ii) Tuyên giáo, dân vận và lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội; iii) Kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng; iv) Công tác xây dựng tổ chức đảng và quản lý, phát triển đảng viên; triển khai thực hiện các văn bản, nghị quyết; theo dõi tình hình hoạt động, phân loại, đánh giá chất lượng các tổ chức đảng, cấp ủy, đảng viên, các tổ chức chính trị - xã hội thuộc Bộ, công tác thi đua khen thưởng; công tác tổ chức bộ máy, cán bộ của Bộ theo quy chế phối hợp giữa Đảng ủy với Ban cán sự đảng Bộ và một số lĩnh vực công tác khác.
Thứ tư, chủ trì hoặc phối hợp với các Ban tham mưu, giúp việc Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực các tổ chức chính trị - xã hội thuộc Bộ (Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh Bộ) triển khai thực hiện 04 nhóm nhiệm vụ của văn phòng các tổ chức chính trị - xã hội; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ủy Bộ với các tổ chức chính trị - xã hội thuộc Bộ; triển khai các nhiệm vụ chuyên trách công tác đoàn thể xã hội của Bộ.
Thứ năm, thực hiện 05 nhóm nhiệm vụ với tư cách là một đơn vị tương đương cấp Vụ thuộc Bộ như xây dựng, trình ban hành và triển khai thực hiện quy hoạch, chương trình, kế hoạch công tác dài hạn và hàng năm của Văn phòng và các văn bản, đề án khác được Bộ trưởng phân công; tham gia nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đảng, đoàn thể và hoạt động của Văn phòng; sơ kết, tổng kết, thống kê, báo cáo, thi đua, khen thưởng; quản lý, sử dụng, thực hiện chế độ, chính sách đối với đội ngũ công chức của Văn phòng; lập, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí, cơ sở vật chất và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của Văn phòng; thực hiện các quy định về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Văn phòng còn được giao thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật hoặc do Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy, các tổ chức chính trị - xã hội giao.
3. Về cơ cấu tổ chức, biên chế
Văn phòng có Chánh Văn phòng, không quá 02 Phó Chánh Văn phòng và một số công chức chuyên trách công tác đảng, đoàn thể. Lãnh đạo Văn phòng do Bộ trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức và thực hiện chế độ, chính sách sau khi thống nhất ý kiến với Thường trực Đảng ủy Bộ. Văn phòng là đầu mối sinh hoạt hành chính của cán bộ chuyên trách công tác đảng, đoàn thể của Bộ do Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ phụ trách. Biên chế của Văn phòng thuộc biên chế hành chính của Bộ, do Bộ trưởng quyết định phân bổ theo đề nghị của Chánh Văn phòng và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
Quyết định còn quy định cụ thể về trách nhiệm và mối quan hệ công tác giữa Văn phòng Đảng - Đoàn thể với Lãnh đạo Bộ, các đơn vị thuộc Bộ, các tổ chức thuộc Bộ; với Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Đảng ủy, các tổ chức chính trị - xã hội thuộc Bộ, Ủy ban Kiểm tra và các Ban của Đảng ủy, các tổ chức chính trị - xã hội thuộc Bộ. Trên cơ sở Quyết định số 303-QĐ/ĐU, Chánh Văn phòng Đảng-Đoàn thể ban hành quy chế làm việc; phân công, giao nhiệm vụ cho các Phó Chánh Văn phòng và công chức thuộc Văn phòng bảo đảm thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao./.
Bình Minh