Công văn v/v xây dựng kế hoạch công tác và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020

28/11/2019
Thực hiện Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và các quy định của Bộ Tư pháp liên quan đến xây dựng kế hoạch công tác; để kịp thời tổ chức phân bổ và giao dự toán ngân sách năm 2020 cho các đơn vị dự toán thuộc Bộ trước ngày 31/12/2019, bảo đảm sự gắn kết giữa kế hoạch công tác chuyên môn với việc quản lý, sử dụng ngân sách, Bộ Tư pháp hướng dẫn một số nội dung trong công tác đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch công tác và dự toán thu, chi ngân sách năm 2019; xây dựng kế hoạch công tác và dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2020 của đơn vị, cụ thể như sau:
I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH CÔNG TÁC NĂM 2019 VÀ DỰ KIẾN KẾ HOẠCH CÔNG TÁC NĂM 2020  
1. Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch công tác năm 2019
- Việc đánh giá mức độ kết quả thực hiện nhiệm vụ cần bám sát 2 loại kế hoạch:
(1) Kế hoạch công tác năm 2019 của đơn vị đã được Lãnh đạo Bộ phê duyệt từ đầu năm (kế hoạch công tác năm).
(2) Kế hoạch công tác của Bộ về các lĩnh vực chuyên môn mà đơn vị quản lý/phụ trách, đã được Lãnh đạo Bộ ký ban hành và đơn vị được giao chủ trì triển khai thực hiện (kế hoạch theo lĩnh vực chuyên môn).
- Thời điểm chốt số liệu để đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch (cả kế hoạch công tác năm và kế hoạch theo lĩnh vực chuyên môn) là  ngày 15/11/2019, đồng thời ước thực hiện đến 31/12/2019 theo mẫu biểu tại Phụ lục số 07 kèm theo Công văn này.
2. Dự kiến kế hoạch công tác năm 2020  
Đơn vị cần dự kiến các nhiệm vụ/nhóm nhiệm vụ chủ yếu sẽ thực hiện trong năm 2020 (theo Biểu mẫu số 05 ban hành kèm theo Quy chế xây dựng kế hoạch của Bộ Tư pháp). Nếu là nhiệm vụ chuyển tiếp từ năm 2019 thì ở cột ghi chú của mẫu số 05 cần ghi rõ là “nhiệm vụ chuyển tiếp từ năm 2019”.
Đối với những nhiệm vụ cần được bố trí kinh phí, đề nghị đơn vị thực hiện đầy đủ theo yêu cầu nêu tại Điểm 2 Mục II Công văn này.
II. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN DỰ TOÁN THU, CHI NGÂN SÁCH NĂM 2019 VÀ DỰ KIẾN DỰ TOÁN THU, CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2020
Căn cứ dự toán NSNN năm 2020 đơn vị đã lập và báo cáo Bộ (lập ở thời điểm tháng 7/2019); tình hình thực hiện dự toán đến thời điểm ngày 15/11/2019, ước thực hiện đến cuối năm và dự kiến kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trong năm 2020, đơn vị lập Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2019 và dự kiến dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2020, trong đó cần chú ý đánh giá theo từng lĩnh vực, nhiệm vụ, đặc biệt là những nhiệm vụ đặc thù mới phát sinh của đơn vị, kèm thuyết minh chi tiết. Ngoài ra, đề nghị đơn vị báo cáo một số nội dung sau:
1. Đánh giá tình hình thực hiện dự toán NSNN năm 2019
1.1. Thời điểm chốt số liệu để đánh giá kết quả thực hiện dự toán năm 2019 là ngày 15/11/2019 (Cục Kế hoạch - Tài chính đã tổng hợp số liệu giải ngân thực tế tại Kho bạc nhà nước của đơn vị trên hệ thống Tabmis tại Phụ lục số 06), đồng thời ước thực hiện đến ngày 31/12/2019.
1.2. Báo cáo kết quả mua sắm, sửa chữa lớn, thanh lý tài sản năm 2019.
1.3. Đánh giá chi tiết tình hình thực hiện đối với một số khoản chi triển khai một số Đề án lớn gồm: Đề án Đổi mới công tác trợ giúp pháp lý (Cục Trợ giúp pháp lý); Đề án xây dựng Học viện Tư pháp thành trường trọng điểm đào tạo chức danh tư pháp theo Quyết định số 2083/QĐ-TTg (Học viện Tư pháp); Đề án đào tạo trọng điểm cán bộ về pháp luật theo Quyết định số 549/QĐ-TTg (Trường Đại học Luật Hà Nội), Đề án đào tạo luật sư hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2010 - 2020 theo Quyết định số 123/QĐ-TTg (Học viện Tư pháp, Cục Bổ trợ Tư pháp); Đề án Đổi mới, nâng cao  hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018-2022 theo Quyết định số 242/QĐ-TTg (Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật); Đề án Đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc cho các cơ quan Thi hành án dân sự giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 77/QĐ-TTg (Tổng cục THADS); Văn phòng Bộ đánh giá tình hình thực hiện các vụ kiện quốc tế.
1.4. Tổng cục THADS báo cáo, đánh giá chi tiết số thu phí thi hành án dân sự năm 2019, tình hình quản lý, sử dụng số phí thi hành án điều hòa; kinh phí tạm ứng cưỡng chế, kinh phí may sắm trang phục.
1.5. Các đơn vị quản lý hành chính thực hiện theo quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP, Nghị định số 117/2013/NĐ-CP báo cáo tình hình sử dụng số kinh phí quản lý hành chính tiết kiệm được năm 2019 (chi thu nhập tăng thêm, chi phúc lợi, khen thưởng, chi trích lập quỹ dự phòng ổn định thu nhập).
1.6. Các đơn vị sự nghiệp báo cáo tình hình phân phối số chênh lệch thu chi năm 2019, chi thu nhập tăng thêm, số trích các quỹ, lũy kế quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp đến hết năm 2019.
1.7. Ban quản lý dự án chuyên trách; các đơn vị có nguồn kinh phí phi dự  án tổng hợp báo cáo tình hình tiếp nhận, sử dụng các nguồn vốn viện trợ không hoàn lại năm 2019, báo cáo chi tiết từng dự án, từng đơn vị và từng nhiệm vụ.
2. Đối với nội dung dự kiến dự toán NSNN năm 2020
2.1. Các đơn vị có nguồn phí được để lại: Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Cục Bổ trợ Tư pháp, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia lập dự toán chi từ nguồn phí được để lại (chi tiết nội dung, đơn vị sử dụng).
2.2. Đối với kinh phí sửa chữa, bảo trì, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất các đơn vị lập dự toán kinh phí thực hiện tổng hợp chung vào dự toán ngân sách năm 2020 của đơn vị. Hồ sơ tài liệu kèm theo dự toán kinh phí thực hiện theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch số 92/2017/TT-BTC ngày 18/9/2017 của Bộ Tài chính, cụ thể gồm: thuyết minh chi tiết về tên công trình; mục tiêu sữa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng; sự cần thiết, lý do thực hiện; văn bản phê duyệt của cấp có thẩm quyền; khối lượng công việc dự kiến; thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc; dự toán kinh phí theo các nguồn vốn và phân kỳ thực hiện hàng năm.
2.3. Đối với kinh phí ứng dụng công nghệ thông tin, gửi kèm hồ sơ: văn bản giao nhiệm vụ và phê duyệt dự toán của cấp có thẩm quyền theo phân cấp của Bộ.
2.4. Đối với kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học, bảo vệ môi trường, hoạt động kinh tế, gửi kèm hồ sơ: văn bản giao nhiệm vụ và kinh phí của cấp có thẩm quyền theo phân cấp của Bộ.
2.5. Thuyết minh cơ sở xây dựng dự toán các khoản chi đặc thù (cơ sở pháp lý, nội dung chi, mức chi, các nội dung liên quan khác) năm 2020 trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả. Dự toán chi đặc thù xây dựng trên cơ sở tình hình thực hiện ngân sách năm 2019, dự kiến nhiệm vụ năm 2020 (làm rõ các khoản chi chỉ phát sinh năm 2019, không phát sinh năm 2020, các khoản phát sinh tăng theo chế độ, lĩnh vực đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt).
2.6. Đối với các Chương trình, Đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt cần chủ động sắp xếp thứ tự ưu tiên theo mức độ cần thiết, khả năng triển khai trong năm 2020 để hoàn thành nhiệm vụ chính trị trên cơ sở nguồn lực ngân sách nhà nước được phân bổ. Đồng thời cần thuyết minh rõ các nội dung: tổng kinh phí được phê duyệt cho Chương trình đề án; dự toán kinh phí đã bố trí, kinh phí đã thực hiện và dự kiến thực hiện đến hết năm 2019; số kinh phí đề nghị bố trí năm 2020.
2.7. Các cơ sở đào tạo đánh giá kết quả thực hiện chính sách miễn, giảm học phí theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ, hỗ trợ chi phí học tập theo Quyết định số 66/2013/QĐ-TTg và chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp theo Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg, căn cứ danh sách đối tượng được miễn học phí, giảm học phí; mức thu học phí của từng ngành, nghề đào tạo được cấp có thẩm quyền quyết định để dự kiến số kinh phí miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập năm 2020.
2.8. Báo cáo kinh phí tiền lương năm 2020, các đơn vị báo cáo chi tiết tiền lương, phụ cấp các khoản đóng góp theo quy định của từng công chức, viên chức, hợp đồng lao động không thời hạn theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP; hợp đồng lao động (đối với đơn vị sự nghiệp); kèm Bảng thanh toán tiền lương thực tế của đơn vị tháng 12 năm 2019 theo mẫu quy đinh.
Lưu ý tất cả các đơn vị dự toán (đơn vị quản lý hành chính và đơn vị sự nghiệp) đều phải gửi Bảng thanh toán tiền lương thực tế của đơn vị tháng 12 năm 2019 để phục vụ cho việc xác định quỹ tiền lương năm 2020 và xác định số trích lập Quỹ thi đua khen thưởng tập trung của Ngành.
III. VỀ BIỂU MẪU VÀ THỜI GIAN GỬI BÁO CÁO
1. Đối với công tác kế hoạch, đơn vị báo cáo số liệu theo mẫu tại Phụ lục số 07 kèm theo Công văn này và Biểu mẫu số 05 ban hành kèm theo Quy chế xây dựng kế hoạch của Bộ Tư pháp.
2. Đối với công tác đánh giá và lập dự toán NSNN năm 2020, đơn vị lập biểu mẫu tại các Phụ lục kèm theo Công văn này, trong đó:
- Các đơn vị dự toán thuộc khối quản lý hành chính: lập các mẫu tại các Phụ lục số 01, 02, 05.
- Các đơn vị sự nghiệp:
+ Đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề (Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp, các Trường Trung cấp luật): các mẫu tại các Phụ lục số 03, 03a, 03b, 03c, 03d, 05;
+ Đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực văn hóa, thông tin (Báo pháp luật Việt Nam, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Nhà Xuất bản Tư pháp): các mẫu tại các Phụ lục số 03, 03i, 05;
+ Đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ (Viện Khoa học pháp lý): các mẫu tại các Phụ lục số 03, 03e, 03g, 03h, 05;
+ Đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác (Trung tâm lý lịch Tư pháp quốc gia, các đơn vị sự nghiệp thuộc các Cục): các mẫu tại các Phụ lục số 01, 03, 03h, 05.
- Ban quản lý dự án chuyên trách, đơn vị có nguồn phi dự án lập mẫu tại Phụ lục số 04, 04a.
Ngoài các phụ lục nêu trên, các nhiệm vụ đề nghị bố trí ngoài định mức, kinh phí không thường xuyên các đơn vị đều phải lập và gửi dự toán chi tiết.
3. Thời gian gửi Báo cáo, các biểu mẫu và dự toán chi tiết kinh phí thực hiện các nhiệm vụ về Bộ (qua Cục Kế hoạch - Tài chính) chậm nhất ngày 06/12/2019 (Báo cáo và các phụ lục: 08 bộ, dự toán chi tiết: 02 bộ); đồng thời gửi file dữ liệu vào email: quangtt@moj.gov.vn (các đơn vị cần lưu ý việc gửi các file biểu mẫu, dự toán chi tiết phục vụ công tác tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính theo dõi, kiểm tra theo quy định).