Ban hành Quy chế xây dựng kế hoạch của Bộ Tư pháp

01/04/2019
Ngày 26/3/2019, Bộ trưởng Lê Thành Long đã ký Quyết định số 678/QĐ-BTP về việc ban hành Quy chế xây dựng kế hoạch của Bộ Tư pháp, thay thế Quy chế xây dựng kế hoạch ban hành năm 2013.
Quy chế gồm 4 chương, 22 điều, quy định nguyên tắc, trình tự xây dựng, nội dung, hình thức trình bày, thẩm quyền ban hành/ phê duyệt và chế độ trách nhiệm trong hoạt động xây dựng 02 loại kế hoạch công tác: (1) Kế hoạch công tác hàng năm của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; (2) Kế hoạch công tác của Bộ Tư pháp hàng năm hoặc dài hạn về lĩnh vực chuyên môn thuộc phạm vi quản lý của Bộ.  
Quy chế năm 2019 có nhiều điểm mới căn bản so với Quy chế cũ, đặc biệt về phạm vi điều chỉnh và quy trình xây dựng các loại kế hoạch công tác.
Về phạm vi điều chỉnh: Quy chế mới đã loại khỏi phạm vi điều chỉnh 01 loại kế hoạch mà lâu nay Bộ không còn xây dựng (Kế hoạch công tác hàng năm của Bộ). Đồng thời bổ sung những kế hoạch thường xuyên được xây dựng ở Bộ như kế hoạch hoạt động đối ngoại, kế hoạch nghiên cứu khoa học của Bộ hằng năm; kế hoạch của Bộ triển khai hoặc sơ kết, tổng kết việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, nghị quyết, chỉ thị, đề án… (bằng cách không quy định loại trừ những kế hoạch này như Quy chế năm 2013).
Về quy trình xây dựng các loại kế hoạch công tác: Quy trình có nhiều cải tiến so với trước đây, bảo đảm đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện, đề cao tính chủ động nhưng vẫn kiểm soát tốt hoạt động xây dựng kế hoạch của các đơn vị.
Trình tự xây dựng các loại kế hoạch rút ngắn từ 5 bước (Quy chế cũ) xuống còn 4 bước, gồm: (1) Xây dựng dự thảo kế hoạch; (2) Lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo kế hoạch; (3) Thẩm tra dự thảo kế hoạch; (4) Trình Lãnh đạo Bộ ký ban hành hoặc phê duyệt kế hoạch.
Trong 4 bước công việc nói trên, các đơn vị được chủ động thực hiện bước thứ 2 (không bắt buộc phải lấy ý kiến 4 đơn vị như quy định của Quy chế cũ; việc có lấy ý kiến hay không và lựa chọn tổ chức, cá nhân để lấy ý kiến là do đơn vị xây dựng kế hoạch chủ động quyết định). Trường hợp tổ chức lấy ý kiến thì thời hạn góp ý và việc tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý thực hiện theo quy định của Quy chế.
Ngoài ra, khi xây dựng kế hoạch công tác hàng năm, các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ đã tự bảo đảm 100% chi thường xuyên không phải thực hiện bước thứ 3 (thẩm tra dự thảo kế hoạch). Sở dĩ có quy định đặc thù này vì theo pháp luật hiện hành, những đơn vị tự bảo đảm 100% chi thường xuyên có tính độc lập tương đối trong xây dựng và thực hiện kế hoạch công tác hàng năm. Trường hợp những đơn vị này được giao chủ trì xây dựng kế hoạch chuyên môn của Bộ (về lĩnh vực công tác của đơn vị) thì vẫn thực hiện quy trình thẩm tra như đối với các đơn vị khác.
Điểm rất mới nữa là Quy chế năm 2019 đã quy định cụ thể thời hạn gửi dự thảo kế hoạch để thẩm tra và thời hạn trình dự thảo kế hoạch đến Lãnh đạo Bộ để xem xét ký ban hành/phê duyệt. Những quy định này sẽ khắc phục tình trạng chậm ban hành/phê duyệt kế hoạch công tác của các đơn vị thuộc Bộ và kế hoạch công tác chuyên môn của Bộ hàng năm như lâu nay. Theo đó, kế hoạch công tác hàng năm của các đơn vị sẽ được phê duyệt sớm trong nửa đầu tháng 2 (quy định phải trình đến Lãnh đạo Bộ chậm nhất là ngày 31/1); kế hoạch chuyên môn của Bộ hàng năm được ban hành trong nửa cuối tháng 2 (quy định phải trình đến Lãnh đạo Bộ chậm nhất là ngày 15/2).
Quy chế mới có hiệu lực kể từ ngày ký. Cục Kế hoạch – Tài chính là đơn vị được giao trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện Quy chế.
Nếu đánh giá việc ban hành Quy chế xây dựng kế hoạch năm 2013 là một bước đột phá trong quản lý công tác kế hoạch ở phạm vi Bộ, ngành Tư pháp, thì Quy chế mới năm 2019 tiếp tục thể hiện sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ đối với công tác này; khẳng định ý nghĩa, vai trò quan trọng của kế hoạch đối với công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành với phương châm “Quản lý bằng kế hoạch và trên cơ sở kế hoạch”./.
Cục Kế hoạch – Tài chính