Bộ Tư pháp và Hội Luật gia Việt Nam đã ban hành Chương trình phối hợp thực hiện công tác giai đoạn 2018-2023.
Chương trình này quy định hoạt động phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Hội Luật gia Việt Nam trong công tác xây dựng pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; tư vấn pháp luật; trợ giúp pháp lý; bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực; nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế giai đoạn 2018-2023.
Về công tác xây dựng pháp luật
Thực hiện công tác xây dựng pháp luật theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Tư vấn, phản biện chính sách, pháp luật trong xây dựng, thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Hướng dẫn thực hiện đánh giá tác động chính sách, thủ tục hành chính; kỹ năng đánh giá tác động chính sách, thủ tục hành chính trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật, kiến nghị với cơ quan nhà nước những vấn đề về xây dựng và thi hành pháp luật.
Rà soát, nghiên cứu nhằm phát hiện các vướng mắc, bất cập, mâu thuẫn để sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Tư pháp và các lĩnh vực công tác có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam.
Về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở
Đề xuất, triển khai các biện pháp cụ thể, thiết thực nhằm phổ biến sâu rộng Hiến pháp, các luật, pháp lệnh mới ban hành và các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Tư pháp và cho đối tượng là hội viên Hội Luật gia các cấp phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi Bên.
Thực hiện có hiệu quả Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành; hướng dẫn chủ đề, nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức có hiệu quả “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” hằng năm.
Thực hiện có hiệu quả Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021 và Kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2012-2016” đến năm 2021.
Thiết lập kênh trao đổi, cung cấp, cập nhật, chia sẻ thông tin, tư liệu giữa hai Bên về các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; cung cấp thông tin, tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi Bên.
Phát huy đầy đủ vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương; phối hợp xây dựng, khai thác, sử dụng có hiệu quả đội ngũ báo cáo viên pháp luật của Hội Luật gia Việt Nam và huy động hội viên Hội Luật gia Việt Nam tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Thực hiện thông tin, truyền thông về hoạt động chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai các lĩnh vực công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ của hai Bên theo cách thức phù hợp.
Về công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý
Chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý, Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Xây dựng, quản lý, trao đổi thông tin về hoạt động mạng lưới tư vấn viên pháp luật, trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên trợ giúp pháp lý, luật sư có uy tín, kinh nghiệm để tham gia tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho từng nhóm đối tượng và vụ việc cụ thể; chú trọng người nghèo, người dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách và những nhóm người yếu thế trong xã hội; phối hợp tạo điều kiện tiếp cận thông tin, tài liệu liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý để thực hiện trợ giúp pháp lý.
Liên kết hoạt động tư vấn pháp luật tại các Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội luật gia các tỉnh, thành phố với các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý trong triển khai các hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho từng đối tượng cụ thể; khuyến khích, tạo điều kiện cho Trung tâm tư vấn pháp luật đủ điều kiện đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý hoặc ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý; quản lý, giám sát việc thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm tư vấn pháp luật, tư vấn viên pháp luật theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý.
Phát hiện, giới thiệu người thuộc diện trợ giúp pháp lý đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước ở địa phương và Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước giới thiệu khách hàng cho các Trung tâm tư vấn pháp luật trong trường hợp tiếp người không thuộc diện được trợ giúp pháp lý.
Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo, khen thưởng, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Về công tác nghiên cứu khoa học; bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực và hợp tác quốc tế
Khảo sát, nghiên cứu chính sách, pháp luật liên quan đến các lĩnh vực công tác thuộc phạm vi phối hợp; đề xuất các giải pháp thúc đẩy việc thực hiện và giám sát việc thực hiện hiệu quả pháp luật trong lĩnh vực tư pháp; các biện pháp huy động sự tham gia của xã hội trong hoạt động tư pháp.
Tổ chức các hội thảo, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn triển khai các hoạt động; trao đổi tháo gỡ vướng mắc trong quá trình xây dựng, thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý của mỗi Bên.
Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ có liên quan đến các lĩnh vực công tác thuộc phạm vi phối hợp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, nguồn lực và điều kiện của mỗi Bên.
Biên soạn, xây dựng tài liệu nâng cao năng lực, nhận thức về pháp luật; tài liệu hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ trong các lĩnh vực công tác thuộc phạm vi phối hợp cho cán bộ, hội viên Hội Luật gia các cấp.
Trao đổi và sử dụng đội ngũ chuyên gia của hai Bên đối với các hoạt động thuộc phạm vi phối hợp.
Thực hiện các dự án hợp tác quốc tế; tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, các đoàn đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ chung của hai Bên.