Kế hoạch tăng cường công tác PBGDPL nhằm nâng cao ý thức PL cho thanh, thiếu niên đến năm 2020

01/03/2018
Ngày 26/11/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2160/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011 – 2015, trong đó Bộ Tư pháp là cơ quan thường trực của Đề án. Đề án được ban hành nhằm triển khai thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên mà Nghị quyết số 45/NĐ-CP ngày 11/9/2009 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đề ra.

 
Sau 05 năm triển khai thực hiện Đề án (2010 – 2015), Đề án đã góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật, kỹ năng ứng xử pháp luật trong đời sống của thanh thiếu niên, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Các mục tiêu của Đề án cơ bản phù hợp với yêu cầu đời sống pháp luật của thanh thiếu niên; nhiều hoạt động đã tạo nên điểm sáng, có sức lan tỏa, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần vào sự chuyển biến về nhận thức, hành vi của thanh thiếu niên, qua đó đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự, ổn định chính trị - xã hội, chủ động phòng ngừa, loại bỏ, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật.
Ngày17/7/2017, Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành Quyết định số 1402/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn II (2016 – 2020). Để thực hiện mục tiêu “Giáo dục thanh niên về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa; ý thức tuân thủ pháp luật, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội”, Quyết định số 1402/QĐ-TTg giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan tiếp tục triển khai thực hiện Đề án tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên nhằm kế thừa, phát huy hiệu quả phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên mà Đề án mang lại trong giai đoạn 2010 – 2015; đồng thời khắc phục những hạn chế và tiếp tục thực hiện những mục tiêu chưa đạt được trong giai đoạn trước.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 21/02/2018, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 288/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch tiếp tục thực hiện Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên giai đoạn 2010-2015” đến năm 2020 với mục tiêu tổng quát đó là “Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, phát huy đầy đủ tinh thần tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật trong thanh, thiếu niên; đưa công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên phát triển ổn định, bền vững, đi vào chiều sâu, trở thành nhiệm vụ thường xuyên của cơ quan, tổ chức, đơn vị nhằm phát huy đầy đủ vai trò của thanh, thiếu niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đồng thời, đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2020 cơ bản đạt được các mục tiêu cụ thể sau:
Thứ nhất, phấn đấu 100% thanh niên là công chức, viên chức, người lao động; cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang được tuyên truyền, phổ biến về các hành vi bị nghiêm cấm và chế tài xử lý, về quyền, nghĩa vụ công dân; chính sách, pháp luật về thanh, thiếu niên.
Thứ hai, đến năm 2020, có từ 60% đến 90% thanh niên, thiếu niên đặc thù (nông thôn, miền núi, khuyết tật, bạo lực gia đình, công nhân…) được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực liên quan đến quyền, nghĩa vụ và đời sống, công việc của từng đối tượng, từng địa bàn.
Thứ ba, phấn đấu từ 80% trở lên thanh, thiếu niên tự do, sinh sống, lao động tại địa bàn cư trú được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực liên quan đến quyền, nghĩa vụ và đời sống, công việc của từng đối tượng, từng địa bàn; phấn đấu từ 70% trở lên thanh niên lao động ở nước ngoài được thông tin, phổ biến các quy định pháp luật Việt Nam và pháp luật nước sở tại trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ, đời sống, công việc.
Thứ tư, giảm từ 10 đến 20% số vi phạm pháp luật có liên quan đến thanh, thiếu niên.
Thứ năm, nâng cao năng lực, bồi dưỡng, tập huấn cập nhật kiến thức pháp luật mới và nghiệp vụ PBGDPL cho người làm công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên, cán bộ Đoàn thực hiện PBGDPL.
Đề án đặt ra một số nhóm nhiệm vụ như: (i) Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Đề án, đánh giá kết quả, khó khăn, vướng mắc, chia sẻ kinh nghiệm về công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên, tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết; (ii) Triển khai thực hiện PBGDPL, tăng cường tiếp cận pháp luật cho thanh, thiếu niên; (iii) Nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan đến thanh, thiếu niên gắn với PBGDPL cho thanh, thiếu niên ngay trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật; (iv) Nâng cao năng lực, kỹ năng PBGDPL, tiếp cận pháp luật cho báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; cán bộ quản lý, theo dõi công tác PBGDPL; cán bộ Đoàn, Hội, Đội; cán bộ quản lý nhà nước về thanh niên; (v) Thực hiện chỉ đạo điểm, nhân rộng các mô hình PBGDPL có hiệu quả cho thanh, thiếu niên (Nội dung cụ thể xem tại file đính kèm).
Bộ Tư pháp là Cơ quan thường trực có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Đề án. Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật làm đầu mối tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch; phối hợp với bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Đề án thuộc trách nhiệm chủ trì của Bộ Tư pháp tại Kế hoạch này./.
PBGDPL