Thực hiện nhiệm vụ giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác theo dõi thi hành pháp luật được quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP của Chính phủ ngày 23/7/2012 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật (Nghị định số 59/2012/NĐ-CP), ngày 12 tháng 5 năm 2017, Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2016 (Báo cáo số 133/BC-BTP kèm theo 05 Phụ lục).
Trong năm 2016, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về theo dõi tình hình thi hành pháp luật đã được Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện thông qua việc xây dựng, ban hành theo thẩm quyền văn bản pháp luật quy định về công tác theo dõi thi hành pháp luật. Về cơ bản, các Bộ, ngành, địa phương đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai, quán triệt tổ chức thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Kết quả tổng hợp của Bộ Tư pháp cho thấy 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng kế hoạch và tổ chức theo dõi thi hành pháp luật của địa phương mình. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: thể chế trong công tác theo dõi thi hành pháp luật còn thiếu và yếu; việc kiện toàn tổ chức, bộ máy và biên chế làm công tác theo dõi thi hành pháp luật gặp nhiều khó khăn; nguồn kinh phí bố trí riêng cho công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật rất hạn hẹp, lại thường được bố trí chậm so với yêu cầu triển khai công việc được giao; hoạt động tập huấn nghiệp vụ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật chưa được thực hiện thường xuyên; việc thực hiện chế độ báo cáo theo dõi thi hành pháp luật còn chưa được các Bộ, ngành và địa phương nghiêm túc thực hiện; việc kiểm tra, xử lý thông tin vụ việc đột xuất hoặc theo chuyên đề chưa thực hiện được kịp thời, thường xuyên; nhiều vụ việc “nóng” xảy ra trên địa bàn quản lý, gây bức xúc dư luận xã hội chậm được phát hiện, xử lý,…
Trong báo cáo công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2016, Bộ Tư pháp đã xác định phương hướng, giải pháp và các kiến nghị cụ thể với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, Ủy ban TW Mặt trận tổ quốc, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhằm tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, cách thức theo dõi thi hành pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật./.
Cục QLXLVPHC và TDTHPL