Cần ứng dụng CNTT để hiện đại hoá nền hành chính

15/06/2007
Trong Báo cáo tổng kết 5 năm 2001 – 2005 thực hiện chỉ thị 58, Bộ trưởng BCVT Đỗ Trung Tá, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT, đã tóm lược 9 thành tựu quan trọng quá trình thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị.

Trong Báo cáo tổng kết 5 năm 2001 – 2005 thực hiện chỉ thị 58, Bộ trưởng BCVT Đỗ Trung Tá, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT, đã tóm lược 9 thành tựu quan trọng quá trình thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị.

Trong đó, đáng ghi nhận là việc mạng thông tin quốc gia phát triển nhanh với nhiều loại hình dịch vụ, chất lượng ngày một tốt hơn. Giá cước giảm mạnh trên cơ sở xoá bỏ độc quyền doanh nghiệp. Thị trường viễn thông Việt Nam trong vài năm gần đây tăng trưởng thuộc hàng cao nhất thế giới, tới 25% mỗi năm. Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đã vượt qua một số nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc về mức độ sử dụng dịch vụ.

Trong lĩnh vực CNTT, công nghiệp phần cứng phát triển ổn định với tốc độ khá. Công nghiệp phần mềm trên đà phát triển tốt theo xu hướng xuất khẩu phần mềm. Việt Nam được tổ chức Kearney (Mỹ) đánh giá là một trong 25 quốc gia có sức hấp dẫn nhất về sản xuất phần mềm. Ứng dụng CNTT đã trở thành yếu tố quan trọng trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, và là yếu tố sống còn đối với các ngành đòi hỏi hội nhập quốc tế cao như ngân hàng, viễn thông, hàng không…

Ứng dụng CNTT trong các cơ quan Đảng và Nhà nước có bước thay đổi lớn. Hệ thống tổ chức chỉ đạo và quản lý Nhà nước đối với CNTT được tăng cường. Trước năm 2000, số bộ, ngành có trang tin điện tử rất ít. Hiện nay, có 22/26 bộ, 56/64 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đã có website chính thức, góp phần hiện đại hoá nền hành chính và tạo tiền đề cho việc phát triển Chính phủ điện tử.

Bộ trưởng Đỗ Trung Tá cũng đưa ra phân tích những vấn đề còn tồn tại trong 5 năm đầu thực hiện Chỉ thị 58. Trong số 4 trọng điểm của Chương trình Hành động, chỉ có Chương trình phát triển nguồn nhân lực CNTT được xây dựng và phê duyệt, nhưng lại gặp khó khăn khi triển khai vì không có cơ chế thực hiện rõ ràng. Cũng chỉ có 5 trong số 14 dự án, đề án CNTT trọng điểm được triển khai tốt, có kết quả rõ ràng. Số còn lại vẫn lúng túng, ách tắc, dẫn đến hiệu quả thực thi kém.

Sau Báo cáo tổng kết, đại biểu các bộ, ngành đã trình bày báo cáo và tham luận nhằm tập trung làm rõ những kết quả đã đạt được, các tồn tại và nguyên nhân, nhằm rút ra bài học kinh nghiệm. Một trong những thách thức chung hiện nay là nguồn kinh phí nhỏ giọt, khó tạo điều kiện cho ngành CNTT-VT có lực để “cất cánh” thực sự. Ngay trong Đề án Tin học hoá hoạt động của các cơ quan Đảng giai đoạn 2001 – 2005, một trong những đề án trọng điểm được triển khai tốt nhất, cũng vấp phải khó khăn này. Một số nội dung như kết nối mạng diện rộng của cơ quan Đảng tới các phường xã phải dừng lại vì thiếu kinh phí.

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 58, việc ứng dụng và phát triển CNTT – VT ở Việt Nam đã có những tiến bộ rõ rệt, đóng góp bước đầu cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tuy vậy, ngoại trừ lĩnh vực viễn thông đạt mức trung bình khá, CNTT Việt Nam vẫn còn tụt hậu khá xa so với các nước tiên tiến trong khu vực.

Nhằm chuẩn bị cho giai đoạn 2006 – 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiều văn bản quan trọng đối với việc phát triển CNTT, như: Chiến lược phát triển CNTT-TT Việt Nam đến năm 2010 và định hướng 2020, Kế hoạch Tổng thể phát triển thương mại điện tử đến 2010, Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng CNTT phục vụ hội nhập và phát triển,…

Bộ BCVT cũng đang khẩn trương xây dựng Chương trình Quốc gia về ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước và Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực CNTT Việt Nam đến 2020. Trên cơ sở các văn bản này, kết hợp với chiến lược phát triển của các ngành, lĩnh vực và địa phương, các đơn vị chủ quản sẽ phải xây dựng kế hoạch ứng dụng và phát triển CNTT giai đoạn 2006 – 2010 cho riêng mình.

Theo VietnamNet