KH tổ chức sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2016

16/06/2016
Để đánh giá kết quả thực hiện công tác tư pháp, thi hành án dân sự (sau đây gọi chung là công tác tư pháp) 6 tháng đầu năm, triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2016, Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch tổ chức sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2016 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Đánh giá kịp thời, khách quan, toàn diện kết quả thực hiện nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực của công tác tư pháp 6 tháng đầu năm; xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác 6 tháng cuối năm 2016, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong các mặt công tác, địa bàn còn tồn tại, hạn chế, tạo tiền đề thực hiện thành công các nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong cả năm 2016 và các định hướng công tác tư pháp nhiệm kỳ 2016-2020.
2. Yêu cầu
a) Việc sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2016 đảm bảo bám sát các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ theo các Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; đồng thời gắn kết chặt chẽ với sơ kết công tác của các Bộ, ngành, địa phương để tham mưu toàn diện, hiệu quả cho Lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương trong chỉ đạo công tác tư pháp thời gian tới.
b) Việc tổ chức Hội nghị bảo đảm hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm.
II. NỘI DUNG SƠ KẾT CÔNG TÁC TƯ PHÁP 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2016 VÀ TRIỂN KHAI CÔNG TÁC 6 THÁNG CUỐI NĂM 2016
1. Sơ kết công tác tư pháp năm 2016 tập trung vào 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2016 (được xác định tại mục III, Phần thứ hai của Báo cáo số 12/BC-BTP ngày 20/01/2016 của Bộ Tư pháp về Tổng kết công tác tư pháp năm 2015, nhiệm kỳ 2011-2015; định hướng nhiệm kỳ 2016-2020 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác năm 2016).
2. Các nội dung chuyên đề sơ kết công tác tư pháp năm 2016:
- Triển khai thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Triển khai thi hành Luật hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành.
3. Tham luận của các Bộ, ngành, địa phương theo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
III. TỔ CHỨC HỘI NGHỊ SƠ KẾT CÔNG TÁC TƯ PHÁP 6 THÁNG ĐẦU NĂM VÀ TRIỂN KHAI CÔNG TÁC 6 THÁNG CUỐI NĂM 2016 CỦA NGÀNH TƯ PHÁP
1. Hình thức, địa điểm, thời gian tổ chức
a) Về hình thức và địa điểm: Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2016 được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 64 điểm cầu (điểm cầu Trung ương - điểm cầu chính và điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).
Điểm cầu Trung ương dự kiến được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, số 11A Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội.
b) Về thời gian: Dự kiến Hội nghị được tổ chức trong 1/2 ngày, trong khoảng từ ngày 10-15/7/2016.
2. Thành phần tham dự Hội nghị
a) Đối với điểm cầu Trung ương
- Đại biểu mời dự:
+ Đại diện các cơ quan, tổ chức ở Trung ương: Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
+ Thủ trưởng Tổ chức Pháp chế các Bộ, ngành.
+ Đại diện một số cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương.
- Đại biểu triệu tập:
+ Lãnh đạo Bộ Tư pháp.
+ Lãnh đạo cấp Vụ các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
+ Chánh Văn phòng, Trưởng Phòng Hành chính - Tổng hợp hoặc tương đương các đơn vị thuộc Bộ; Chuyên viên cao cấp, Chuyên viên chính của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; Đại diện Lãnh đạo Trung tâm đăng ký giao dịch bảo đảm tại thành phố Hà Nội.
+ Ban Thư ký giúp việc Lãnh đạo Bộ.
Dự kiến: khoảng 250 đại biểu.           
b) Đối với điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố:
- Đại biểu mời dự: Đại diện Ban Nội chính, Văn phòng UBND, Văn phòng HĐND; các Sở, ngành: Nội vụ, Tài chính, Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát; Chủ nhiệm Đoàn luật sư, Chủ tịch Hội luật gia, Chủ tịch Hội Công chứng (nếu có).
Đại diện một số cơ quan thông tấn, báo chí.
- Đại biểu triệu tập:
+ Giám đốc, các Phó giám đốc và Chánh Văn phòng Sở Tư pháp; Cục trưởng và Chánh Văn phòng Cục THADS; Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện và một số công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã.
+ Đại diện Lãnh đạo Trường Trung cấp Luật và Trung tâm đăng ký giao dịch bảo đảm (đối với địa phương có Trường, Trung tâm).
Tổng số: khoảng 30 đại biểu/điểm cầu = 1900 đại biểu.
3. Tài liệu tại Hội nghị
- Các báo cáo, văn bản về các nội dung sơ kết nêu tại mục II.1, II.2 của Kế hoạch này.
- Bản tổng hợp tiếp nhận và trả lời kiến nghị của tổ chức pháp chế Bộ, ngành, địa phương đối với công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ Tư pháp 6 tháng đầu năm 2016.
- Các tài liệu khác theo yêu cầu của Lãnh đạo Bộ.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Văn phòng Bộ
a) Chủ trì xây dựng: Báo cáo sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp công tác tư pháp 6 tháng cuối năm 2016; Bản tổng hợp tiếp nhận và trả lời kiến nghị của tổ chức pháp chế Bộ, ngành, địa phương đối với công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ Tư pháp 6 tháng đầu năm 2016; các bài phát biểu, kết luận của Lãnh đạo Bộ tại Hội nghị; đề xuất các tham luận tập trung vào công tác tư pháp cơ sở.
b) Đề xuất thành lập Ban Tổ chức và Tổ giúp việc Hội nghị; xây dựng Quyết định về việc tổ chức Hội nghị; chuẩn bị văn bản đề nghị Văn phòng Chính phủ quan tâm, giúp Bộ Tư pháp bố trí phòng họp trực tuyến, bảo đảm các điều kiện kỹ thuật tại điểm cầu Trung ương, chỉ đạo các địa phương thiết lập đường truyền, phòng họp và các vấn đề kỹ thuật để phục vụ Hội nghị; chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, các Bộ, ngành và địa phương chuẩn bị các thủ tục hành chính và công tác tổ chức Hội nghị; chuẩn bị Giấy mời, Giấy triệu tập đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương.
c) Chủ trì, phối hợp với Cục Công nghệ thông tin, Báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, các đơn vị báo chí trong và ngoài ngành Tư pháp tổ chức tuyên truyền, phổ biến các nội dung liên quan đến Hội nghị này.
d) Đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ được phân công, chủ động báo cáo xin chủ trương và ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ.
2. Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật chuẩn bị, xây dựng Báo cáo chuyên đề về việc triển khai thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, báo cáo Lãnh đạo Bộ phụ trách phê duyệt và gửi Văn phòng Bộ trước ngày 05/7/2016 và báo cáo, tham luận tại Hội nghị.
3. Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực chuẩn bị, xây dựng Báo cáo chuyên đề về kết quả triển khai thi hành Luật hộ tịch và văn bản hướng dẫn thi hành, báo cáo Lãnh đạo Bộ phụ trách phê duyệt và gửi Văn phòng Bộ trước ngày 05/7/2016 và báo cáo, tham luận tại Hội nghị.
4. Cục Công nghệ thông tin chủ trì liên hệ, phối hợp với các địa phương đảm bảo hạ tầng kỹ thuật phục vụ Hội nghị.
5. Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm triển khai thực hiện Kế hoạch này; chuẩn bị các ý kiến tham luận, các thủ tục hành chính và công tác tổ chức Hội nghị tại địa phương; phối hợp với Văn phòng UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chuẩn bị Giấy mời, Giấy triệu tập đại biểu tham dự Hội nghị tại địa phương và các điều kiện khác để tổ chức Hội nghị.
6. Pháp chế các Bộ, ngành có trách nhiệm triển khai thực hiện Kế hoạch này; chuẩn bị các ý kiến tham luận của Lãnh đạo Bộ, ngành tại Hội nghị (nếu có).
7. Kinh phí tổ chức, thực hiện các nhiệm vụ liên quan được thực hiện theo chế độ tài chính hiện hành./.