Ngày 06/6/2016, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký
Quyết định số 1226/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Ngành Tư pháp giai đoạn 2016-2020. Theo Kế hoạch, mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong Bộ, Ngành Tư pháp giai đoạn 2016-2020 nhằm hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin truyền thông đáp ứng nhu cầu và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình nghiệp vụ của các đơn vị thuộc Bộ gắn với công tác cải cách hành chính. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tạo nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử, gắn liền với quá trình cải cách hành chính. Bảo đảm ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ, ngành Tư pháp được triển khai hiệu quả, đồng bộ và thống nhất theo định hướng chung…
Một số mục tiêu cụ thể tại Kế hoạch: Hàng năm phấn đấu duy trì, nâng cao thứ hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ Tư pháp so với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, phấn đấu xếp hạng tổng thể đứng trong tốp 5. Đến năm 2020, 100% các cuộc họp của Bộ Tư pháp với đơn vị cơ sở được thực hiện qua Hệ thống Hội nghị truyền hình (ngoại trừ các cuộc kiểm tra thực tế, khảo sát....). Tiếp tục tin học hóa các quy trình nghiệp vụ của Bộ/Ngành đặc biệt là các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; 100% dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 trở lên. Đảm bảo Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp cung cấp đầy đủ thông tin theo Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/06/2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên Trang thông tin điện tử hoặc Cổng Thông tin điện tử của cơ quan nhà nước; Kết nối Cổng thông tin điện tử của Bộ với Cổng thông tin điện tử Chính phủ và các Bộ, ngành;...
Theo dự kiến, việc triển khai đồng bộ, hiệu quả Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong Ngành Tư pháp giai đoạn 2016-2020 sẽ mang lại một số hiệu quả như góp phần thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tạo điều kiện cho việc hoàn thiện danh mục vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, hoàn thiện về bộ máy tổ chức, biên chế của các đơn vị tạo tiền đề quan trọng để thực hiện công tác tinh giản biên chế. Việc tin học hóa, tự động hóa các quy trình nghiệp vụ, các thủ tục giấy tờ văn bản theo cách làm việc hiện đại qua đó sẽ tạo ra phong cách lãnh đạo mới, các cách thức mới trong việc đưa ra các quyết định mang tính chiến lược của Lãnh đạo Bộ, thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ (
qua số liệu báo cáo, thống kê một cách đầy đủ, chính xác, nhanh chóng); đồng thời hỗ trợ các cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt công việc và nhiệm vụ của mình. Việc cải cách hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành đồng giúp tiết kiệm chi phí quản lý; phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn (
thông qua các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4), góp phần đẩy mạnh công cuộc hiện đại hóa và phát triển đất nước. Nâng cao chất lượng cung cấp thông tin, dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp, giúp người dân tiếp cận với pháp luật một cách dễ dàng, từ đó đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao hiểu biết của tổ chức, cá nhân về pháp luật, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
P.V