Trong những năm qua công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì trụ sở làm việc của các đơn vị dự toán thuộc Bộ và các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương đã từng bước đi vào nề nếp và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số đơn vị thực hiện chưa tuân thủ đúng trình tự và thủ tục theo quy định của pháp luật về bảo trì công trình xây dựng. Mặt khác, Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 đã được Quốc hội khóa XIII ban hành và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015, các Nghị định hướng dẫn chi tiết các nội dung của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 đã được Chính phủ ban hành, trong đó có Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành nói trên một số điểm tại Thông tư số 03/2011/TT-BTP ngày 17/01/2011 của Bộ Tư pháp phân cấp quản lý tài chính, tài sản, đầu tư xây dựng cơ bản cho Tổng cục Thi hành án dân sự và cơ quan Thi hành án dân sự và Quyết định số 50/QĐ-BTP ngày 09/4/2011 của Bộ Tư pháp về phân cấp và ủy quyền trong quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước do Bộ Tư pháp quản lý đã không còn phù hợp. Hiện tại, Bộ Xây dựng đang chủ trì xây dựng Thông tư quy định chi tiết việc thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, thiết kế và dự toán xây dựng công trình, trong đó có hướng dẫn việc thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật của dự án sửa chữa, cải tạo và nâng cấp công trình có tổng mức đầu tư dưới năm tỷ đồng. Vì vậy, để đảm bảo tính toàn diện của văn bản, Bộ sẽ điều chỉnh lại một số nội dung tại Thông tư số 03/2011/TT-BTP và Quyết định số 50/QĐ-BTP sau khi Thông tư trên được Bộ Xây dựng ban hành.
Trong khi chờ sửa đổi, bổ sung các văn bản nêu trên, Bộ hướng dẫn các đơn vị dự toán thực hiện thủ tục sửa chữa công trình xây dựng, thiết bị như sau:
1. Đối với trường hợp sửa chữa công trình, thiết bị có chi phí dưới 5 trăm triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước (kinh phí hành chính) thì Thủ trưởng đơn vị quản lý sử dụng công trình tự quyết định về kế hoạch sửa chữa với các nội dung sau: Tên bộ phận công trình hoặc thiết bị cần sửa chữa, thay thế; lý do sửa chữa hoặc thay thế, mục tiêu sửa chữa hoặc thay thế; khối lượng công việc; dự kiến chi phí, dự kiến thời gian thực hiện và thời gian hoàn thành.
2. Đối với trường hợp sửa chữa công trình, thiết bị có chi phí thực hiện từ 5 trăm triệu đồng trở lên từ nguồn vốn ngân sách nhà nước (kinh phí hành chính) thì Thủ trưởng đơn vị quản lý sử dụng công trình tổ chức lập, trình thẩm định và phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng hoặc Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình;
3. Đối với trường hợp sửa chữa công trình, thiết bị thực hiện theo quy trình lập, thẩm định và phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình hồ sơ trình thẩm định bao gồm:
- Tờ trình thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình theo Mẫu số 04 quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng;
- Nội dung Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng theo quy định tại Điều 55 của Luật Xây dựng.
- Thẩm quyền thẩm định: Theo quy định tại Điều 10, 13 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP.
Yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị dự toán thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng kinh phí hành chính để sửa chữa công trình xây dựng. Tổng cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm thông báo và hướng dẫn các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương thực hiện.
Bộ thông báo cho các đơn vị biết và tổ chức thực hiện./.