Công văn về việc đánh giá, phân loại công chức, viên chức, người lao động năm 2015

14/12/2015

Thực hiện công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hàng năm theo quy định tại Luật Cán bộ, công chức năm 2008; Luật Viên chức năm 2010; Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Tư pháp yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ tổ chức đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị mình trong năm 2015, cụ thể như sau:

1. Mục đích, yêu cầu

- Đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhằm làm rõ ưu điểm, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu về tư tưởng, phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Kết quả đánh giá và phân loại là căn cứ để quy hoạch, bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ chính sách khác đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

- Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bảo đảm khách quan, toàn diện, cụ thể và thực chất; lấy kết quả, chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, công vụ làm thước đo chủ yếu để đánh giá và phân loại. Kiên quyết khắc phục tình trạng nể nang, hình thức trong đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

- Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá và phân loại của đơn vị mình; xác định cụ thể về trách nhiệm cá nhân người đứng đầu và trách nhiệm của tập thể trong việc đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; thực hiện nguyên tắc dân chủ, công khai đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được đánh giá và phân loại.

2. Đối tượng đánh giá và phân loại

- Công chức, viên chức, người lao động của các đơn vị thuộc Bộ;

- Những người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn quy định tại Nghị định 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ.

3. Nội dung, thời gian đánh giá

Nội dung đánh giá đối với công chức được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 56 Luật Cán bộ, công chức năm 2008. Nội dung đánh giá viên chức được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 44 Luật Viên chức năm 2010.

- Thời gian đánh giá và phân loại: Tính từ ngày 01/01/2015 đến ngày 10/12/2015 (ước tính đến ngày 31/12/2015).

4. Về thẩm quyền, trách nhiệm, tiêu chí đánh giá

4.1. Thẩm quyền, trách nhiệm đánh giá

a) Từng công chức, viên chức, người lao động tự đánh giá kết quả công tác, tự phân loại và chịu trách nhiệm về nội dung đánh giá, phân loại bản thân.

b) Thẩm quyền, trách nhiệm đánh giá cán bộ, công chức thực hiện theo quy định tại Điều 57 Luật Cán bộ, công chức; thẩm quyền, trách nhiệm đánh giá viên chức thực hiện theo quy định tại Điều 43 Luật Viên chức, Nghị định số 56/2015/NĐ-CP được cụ thể hóa như sau:

- Lãnh đạo Bộ đánh giá, phân loại công chức là người đứng đầu đơn vị thuộc Bộ được phân công phụ trách;

- Người đứng đầu đơn vị thuộc Bộ đánh giá, phân loại đối với công chức, viên chức, người lao động từ cấp phó của đơn vị trở xuống (trừ viên chức từ cấp phó trở xuống thuộc đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục), đồng thời chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, phân loại và có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện về Vụ Tổ chức cán bộ;

- Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục đánh giá, phân loại viên chức từ cấp phó trở xuống trong đơn vị, chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, phân loại và có trách nhiệm báo cáo Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ và Vụ Tổ chức cán bộ kết quả thực hiện.

4.2. Tiêu chí đánh giá

Tiêu chí đánh giá công chức, viên chức, người lao động thực hiện theo quy định tại Nghị định số 56/2015/NĐ-CP.

5. Trình tự, thủ tục đánh giá công chức, viên chức, người lao động

5.1. Đối với công chức là Lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ, Lãnh đạo phòng (và tương đương) thuộc (trực thuộc) đơn vị thuộc Bộ

Bước 1. Công chức, viên chức làm báo cáo tự đánh giá kết quả công tác theo Mẫu số 1 (đối với công chức) và Mẫu số 2 (đối với viên chức) ban hành kèm theo hướng dẫn này.

Bước 2. Tổ chức cuộc họp tham gia góp ý

- Thành phần cuộc họp:

+ Đối với Lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ, thành phần cuộc họp gồm: Lãnh đạo đơn vị, Trưởng các phòng, và đại diện cấp ủy đảng, công đoàn, đoàn thanh niên cùng cấp;

+ Đối với Lãnh đạo cấp phòng, thành phần cuộc họp gồm: toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong phòng.

- Trình tự cuộc họp

+ Cá nhân trình bày bản tự đánh giá kết quả công tác theo Mẫu 1 (đối với công chức) và Mẫu 2 (đối với viên chức);

+ Tập thể tham gia góp ý, người chủ trì cuộc họp kết luận, lập thành biên bản;

+ Thông qua biên bản góp ý tại cuộc họp.

Bước 3. Lấy ý kiến bằng văn bản của cấp ủy đảng tại đơn vị.

Bước 4. Căn cứ kết quả công tác của công chức, viên chức:

- Lãnh đạo Bộ nhận xét ưu, nhược điểm và phân loại công chức là Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ được phân công phụ trách (tại Mục IV của Phiếu đánh giá, phân loại) sau khi tham khảo ý kiến của cấp ủy đơn vị và Biên bản cuộc họp góp ý đối với Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ.

- Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ nhận xét ưu, nhược điểm và phân loại công chức, viên chức là cấp phó trong đơn vị thuộc Bộ (tại Mục IV của Phiếu đánh giá, phân loại) sau khi tham khảo ý kiến của cấp ủy đơn vị và Biên bản góp ý đối với cấp phó của đơn vị.

- Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ nhận xét ưu, nhược điểm và phân loại công chức, viên chức là Lãnh đạo cấp phòng (tại Mục IV của Phiếu đánh giá, phân loại) sau khi tham khảo ý kiến của Lãnh đạo đơn vị phụ trách phòng (tại khoản 2 Mục III của Phiếu đánh giá, phân loại), ý kiến của cấp ủy đơn vị và Biên bản góp ý đối với Lãnh đạo cấp phòng.

5.2. Đối với công chức, viên chức, người lao động không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

Bước 1. Công chức, viên chức, người lao động làm báo cáo tự đánh giá kết quả công tác theo Mẫu số 1 (đối với công chức) và Mẫu số 2 (đối với viên chức) ban hành kèm theo Công văn này.

Bước 2. Tổ chức cuộc họp tham gia góp ý

- Thành phần cuộc họp: Tập thể công chức, viên chức, người lao động  cùng làm việc ở phòng (và tương đương);

- Trình tự cuộc họp

+ Cá nhân trình bày báo cáo tự đánh giá kết quả công tác theo Mẫu số 1 (đối với công chức) và Mẫu số 2 (đối với viên chức);

+ Tập thể góp ý, người chủ trì cuộc họp kết luận, ghi thành biên bản;

+ Thông qua biên bản góp ý tại cuộc họp.

Bước 3. Căn cứ kết quả công tác của công chức, viên chức, người lao động:

* Đối với đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước:

- Trưởng phòng (và tương đương) nhận xét ưu, nhược điểm của công chức, người lao động (tại khoản 2 Mục III của Phiếu đánh giá, phân loại). Thủ trưởng đơn vị nhận xét ưu, nhược điểm và phân loại công chức, viên chức sau khi tham khảo ý kiến của Lãnh đạo đơn vị phụ trách phòng (khoản 3 Mục III của Phiếu đánh giá, phân loại), ý kiến của Trưởng phòng và Biên bản góp ý của phòng.

- Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục đánh giá, phân loại viên chức từ cấp phó trở xuống trong đơn vị sau khi tham khảo ý kiến của Phó thủ trưởng đơn vị sự nghiệp, ý kiến của cấp ủy (nếu có) và biên bản họp đơn vị.

* Đối với đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ:

- Trưởng phòng (và tương đương) nhận xét ưu, nhược điểm của viên chức, người lao động (tại khoản 2 Mục III của Phiếu đánh giá, phân loại). Thủ trưởng đơn vị hoặc người được giao thẩm quyền đánh giá, phân loại viên chức nhận xét ưu, nhược điểm và phân loại viên chức, người lao động sau khi tham khảo ý kiến của Lãnh đạo đơn vị phụ trách phòng (nếu có, tại khoản 3 Mục III của Phiếu đánh giá, phân loại), ý kiến của Trưởng phòng và Biên bản góp ý của phòng.

5.3. Đối với công chức, viên chức, người lao động biệt phái, việc đánh giá do cơ quan sử dụng cán bộ, công chức, viên chức thực hiện theo Công văn này và gửi tài liệu đánh giá về cơ quan cử biệt phái để lưu vào hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

6. Tổ chức thực hiện

6.1. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ tổ chức quán triệt mục đích, yêu cầu, nội dung đánh giá, phân loại công chức, viên chức, người lao động tới toàn thể công chức, viên chức, người lao động của đơn vị mình và các đơn vị trực thuộc để thống nhất nhận thức và triển khai thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm, thực chất theo quy định của pháp luật và hướng dẫn tại Công văn này; báo cáo kết quả đánh giá công chức, viên chức và người lao động năm 2015 về Bộ (qua Vụ Tổ chức cán bộ để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ) (Mẫu Phiếu đánh giá công chức, Phiếu đánh giá viên chức, Báo cáo tổng hợp kết quả đánh giá công chức, viên chức đề nghị khai thác trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp tại Mục văn bản điều hành), cụ thể như sau:

- Đối với các Vụ, Cục, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ:

Thủ trưởng đơn vị tổ chức đánh giá công chức, người lao động năm 2015 của đơn vị mình và gửi Công văn kèm theo Phiếu đánh giá, phân loại  và Báo cáo tổng hợp kết quả đánh giá, phân loại công chức, người lao động năm 2015 của đơn vị về Bộ (qua Vụ Tổ chức cán bộ) trước ngày 31/12/2015.

- Đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ:

Thủ trưởng đơn vị tổ chức đánh giá công chức, viên chức năm 2015 của đơn vị mình, chịu trách nhiệm quản lý và lưu hồ sơ Phiếu đánh giá, phân loại viên chức năm 2015  đối với các viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị mình theo phân cấp.

Gửi Công văn, Bản báo cáo tổng hợp kết quả đánh giá công chức, viên chức, người lao động của đơn vị, kèm theo Phiếu đánh giá, phân loại công chức năm 2015 của cấp Trưởng, cấp Phó của đơn vị sự nghiệp về Bộ (qua Vụ Tổ chức cán bộ) trước ngày 31/12/2015.

- Đối với đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục

Thủ trưởng đơn vị tổ chức đánh giá công chức, viên chức năm 2015 của đơn vị mình, chịu trách nhiệm quản lý và  lưu hồ sơ Phiếu đánh giá, phân loại năm 2015 đối với các viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị mình theo phân cấp hiện hành.

Bản báo cáo tổng hợp kết quả đánh giá công chức, viên chức, người lao động của đơn vị, kèm theo Phiếu đánh giá, phân loại  năm 2015 của cấp Trưởng, cấp Phó đơn vị, viên chức giữ ngạch Chuyên viên chính và tương đương trở lên thuộc đơn vị đề nghị báo cáo Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ xem xét, có ý kiến đánh giá, tổng hợp chung với Báo cáo tổng hợp kết quả đánh giá, phân loại công chức, viên chức, người lao động năm 2015 của đơn vị thuộc Bộ và gửi về Bộ (qua Vụ Tổ chức cán bộ) trước ngày 31/12/2015.

6.2. Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, ngoài trách nhiệm quy định tại điểm 6.1 nêu trên, có trách nhiệm:

- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thi hành án dân sự địa phương tiến hành đánh giá, phân loại công chức và người lao động theo quy định.

- Tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ (qua Vụ Tổ chức cán bộ) trước ngày 31/12/2015 về kết quả đánh giá công chức và người lao động trong hệ thống thi hành án dân sự.

Báo cáo tổng hợp kết quả đánh giá, phân loại công chức, viên chức và người lao động năm 2015 của các đơn vị thuộc Bộ, ngoài bản giấy, đề nghị gửi bản điện tử qua địa chi email: huynq@moj.gov.vn để thuận lợi cho việc tổng hợp.

Bộ Tư pháp đề nghị Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ khẩn trương thực hiện./.



File đính kèm