Kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 67/2013/NQ-QH13 (Từ Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội đến nay)

26/10/2015

1. Ngày 21/10/2015, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ,  Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã ký Báo cáo số 555/BC-CP về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 67/2013/QH13 về việc tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành (Nghị quyết số 67/2013/QH13) từ Kỳ họp thứ 8 đến nay, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10.

2. Báo cáo khẳng định, để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 67/2013/QH13, từ sau Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tăng cường chỉ đạo, điều hành. Tại tất cả các phiên họp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đều kiểm điểm, chỉ đạo công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết, đưa nội dung này vào các nghị quyết phiên họp và đề ra nhiều giải pháp cụ thể. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đã quan tâm, tập trung chỉ đạo sát sao hơn công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết. Đặc biệt, khi luật, pháp lệnh chuẩn bị có hiệu lực, nhiều Bộ đã chủ động phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan để đôn đốc, chỉ đạo, giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh và xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết. Bộ Tư pháp cùng với việc tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp để quán triệt, đã phối hợp với Văn phòng CHính phủ đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết và theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện.

Về kết quả xây dựng, trình dự án luật, pháp lệnh, với yêu cầu triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, trong thời gian qua Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua 31 văn bản (29 luật, 01 pháp lệnh và 01 nghị quyết), trong đó Chính phủ trình là 25/31 văn bản, nâng tổng số luật, pháp lệnh, nghị quyết được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ đến nay lên 99 văn bản, trong đó Chính phủ đã trình 89/99 văn bản (chiếm 89,89%). Trong quá trình soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh, cơ quan chủ trì soạn thảo đã cố gắng nghiên cứu, xác định rõ nội dung chính sách pháp luật, quy định cụ thể, hạn chế luật khung, luật ống, cũng như nội dung giao quy định chi tiết; trong trường hợp có nội dung ủy quyền, giao quy định chi tiết thì khi trình dự án luật, pháp lệnh trình kèm theo dự thảo văn bản quy định chi tiết.

Về Kết quả công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, ngoài việc rà soát, lập Danh mục và tổ chức phân công soạn thảo văn bản quy định chi tiết, ban hành Kế hoạch triển khai thi hành luật, pháp lệnh, các Bộ, ngành tiếp tục quan tâm chỉ đạo và tổ chức hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến luật, pháp lệnh; tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ; bố trí các nguồn lực bảo đảm cho công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết, cũng như hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và báo cáo về tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết.

Về kết quả ban hành văn bản quy định chi tiết.

- Qua kết quả rà soát, thống kê từ đầu nhiệm kỳ đến nay (7/2011- 10/2015), Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua 99 luật, pháp lệnh, trong đó có 91/99 luật, pháp lệnh có nội dung giao quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Để quy định chi tiết 91 luật, pháp lệnh nêu trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ cần xây dựng, ban hành 500 văn bản quy định chi tiết gồm: (i) 414 văn bản (216 nghị định, 21 quyết định, 160 thông tư, 17 thông tư liên tịch) quy định chi tiết 79 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và (ii) 86 văn bản (33 nghị định, 04 quyết định, 47 thông tư, 02 thông tư liên tịch) quy định chi tiết thi hành 12 luật sẽ có hiệu lực trong năm 2016 và 2017.

Kết quả tính đến ngày 15/10/2014 (thời điểm Chính phủ có Báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8), Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành được 247/414 văn bản (147 nghị định, 13 quyết định, 81 thông tư, 06 thông tư liên tịch) quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực.

- Nếu tính từ ngày 15/10/2014 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ có nhiệm vụ phải hoàn thành việc xây dựng, ban hành 167 văn bản quy định chi tiết, gồm: (i) 21/167 văn bản (07 nghị định, 12 thông tư, 02 thông tư liên tịch) quy định chi tiết thi hành 14 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực từ năm 2014 trở về trước (nợ chưa ban hành từ trước ngày 15/10/2014 chuyển sang); (ii) 146/167 văn bản (62 nghị định, 08 quyết định, 67 thông tư, 09 thông tư liên tịch) quy định chi tiết thi hành 24 luật, pháp lệnh có hiệu lực trong năm 2015. Đồng thời, có nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu, xây dựng 86 văn bản (33 nghị định, 04 quyết định, 47 thông tư, 02 thông tư liên tịch) quy định chi tiết thi hành 12 luật sẽ có hiệu lực trong năm 2016 và 2017 để ban hành kịp thời có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật.

Kết quả từ ngày 15/10/2014 đến ngày 21/10/2015, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành được 110/167 văn bản (57 nghị định, 08 quyết định, 43 thông tư, 02 thông tư liên tịch) quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, chiếm 65,87%. Số nợ chưa ban hành là 57/167 văn bản (12 nghị định, 36 thông tư, 09 thông tư liên tịch) quy định chi tiết thi hành 19 luật đã có hiệu lực thi hành, chiếm 34,13%, trong đó có 05 văn bản (03 thông tư, 02 thông tư liên tịch) quy định chi tiết 04 luật đã có hiệu lực từ năm 2014 trở về trước và 52 văn bản (12 nghị định, 33 thông tư, 07 thông tư liên tịch) quy định chi tiết 15 luật có hiệu lực trong năm 2015.

Riêng đối với 86 văn bản quy định chi tiết 12 luật sẽ có hiệu lực trong năm 2016 và 2017, hiện nay các Bộ, cơ quan ngang Bộ đang tích cực nghiên cứu xây dựng để ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành, bảo đảm chất lượng, tiến độ, cố gắng để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật. Nhiều văn bản đã sớm hoàn thành việc soạn thảo, thẩm định và đã được trình cơ quan có thẩm quyền để xem xét ban hành như các dự thảo nghị định quy định chi tiết Luật hộ tịch, Luật bảo hiểm xã hội, Luật căn cước công dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.

3. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết còn một số hạn chế, bất cập nhất định, nhất là tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết vẫn chưa được khắc phục. Bên cạnh đó, vẫn còn có trường hợp văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh có nội dung chưa phù hợp với pháp luật hiện hành. Điều này làm giảm hiệu lực, hiệu quả của luật, pháp lệnh, ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

Tuy nhiên, nhìn chung trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết; Bộ Tư pháp thường xuyên theo dõi, đôn đốc tình hình thực hiện, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết; thực hiện kiểm tra, xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chậm triển khai thi hành luật, pháp lệnh và nợ chưa ban hành văn bản. Công tác xây dựng pháp luật đã gắn kết hơn với công tác thi hành pháp luật; hoạt động góp ý, thẩm định, kiểm soát thủ tục hành chính, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật đã được lồng ghép, gắn kết chặt chẽ với nhau và tập trung vào một đầu mối là tổ chức pháp chế góp phần rút ngắn quy trình xây dựng, ban hành văn bản, nâng cao chất lượng công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Mặc dù, khối lượng công việc là rất nặng nề, nhưng đội ngũ cán bộ, công chức pháp chế tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã có rất nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết. Những phản ứng chính sách của dư luận xã hội đã được các cơ quan quản lý, ban hành văn bản nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu xử lý kịp thời góp phần minh bạch hệ thống pháp luật, nâng cao tính khả thi của văn bản; sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc xây dựng, triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết ngày càng được tăng cường. So với thời gian trước khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 67/2013/QH13, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thời gian qua đã có sự chuyển biến rõ rệt. Chất lượng văn bản tiếp tục được nâng lên bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi của văn bản; tình trạng văn bản có nội dung gây búc xúc dư luận đã được hạn chế; một số văn bản quy định chi tiết đã được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật.

Những kết quả nêu trên đã góp phần tích cực vào việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng trong các quy định của pháp luật và nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà Đảng, Quốc hội đã đề ra, bảo đảm quốc phòng và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; bảo đảm tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế; đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải thiện môi trường kinh doanh; mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; bảo đảm quyền, lợi ích của người dân.

4. Qua kết quả thống kê, cho thấy nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành trong thời gian từ nay tới Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội là rất nặng, gồm: (i) Tiếp tục nghiên cứu xây dựng, ban hành 143 văn bản quy định chi tiết (57 văn bản nợ chưa ban hành và 86 văn bản quy định chi tiết 12 luật sẽ có hiệu lực trong năm 2016 và đầu năm 2017); (ii) Tổ chức triển khai thi hành các luật, pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ tới nay. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức triển khai thi hành các dự án luật sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (dự kiến có 14 dự án).

Chính vì vậy, trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ: (i) thực hiện nghiêm các giải pháp nhằm tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết mà Quốc hội đã đề ra trong Nghị quyết số 20/2011/QH13, Nghị quyết số 67/2013/QH13, Nghị quyết số 75/2014/QH13; đồng thời, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức triển khai thi hành kịp thời, đồng bộ, hiệu quả Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 ngay khi có hiệu lực; (ii) Ưu tiên, tập trung thời gian, nguồn lực cho công tác xây dựng luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết; thực hiện giải pháp ban hành một văn bản để quy định chi tiết nhiều nội dung được giao, hạn chế số lượng văn bản quy định chi tiết; phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan và với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình soạn thảo, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh; hạn chế nội dung giao quy định chi tiết trong các dự án luật, pháp lệnh, chuẩn bị dự thảo văn bản quy định chi tiết trình kèm theo dự án luật, pháp lệnh để bảo đảm tiến độ và chất lượng, từng bước khắc phục tình trạng nợ ban hành văn bản; không giao các Bộ, cơ quan ngang Bộ ban hành các thông tư liên tịch; dự kiến hợp lý thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh để bảo đảm tính khả thi trong việc chuẩn bị các điều kiện tổ chức triển khai thi hành và ban hành văn bản quy định chi tiết; (iii) Đề cao vai trò, tinh thần trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, lấy kết quả thực hiện công tác này là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ theo năm công tác và theo nhiệm kỳ; (iv) Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế ở Bộ, ngành và địa phương. Tăng cường vai trò và hoạt động của Ban soạn thảo, Tổ biên tập, pháp chế các Bộ, ngành, địa phương trong công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh và soạn thảo, ban hành văn bản; nâng cao chất lượng công tác góp ý, thẩm định, thẩm tra, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật; quan tâm lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu tác động của văn bản để đảm bảo sự phù hợp với thực tiễn; (v) Chuẩn bị các điều kiện tổ chức triển khai thi hành hiệu quả Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, nhất là quy trình xây dựng, phân tích, đánh giá chính sách pháp luật, bảo đảm làm rõ chính sách khi dự thảo luật, pháp lệnh; tránh ban hành luật khung, luật ống; hạn chế nội dung ủy quyền, giao quy định chi tiết.

Vụ VĐCXDPL