Tổng cục THADS: Tiếp tục chấn chỉnh kỷ cương, nâng cao hiệu quả công tác báo chí trong toàn Hệ thống

30/07/2015
Trong thời gian qua, các cơ quan báo chí đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thi hành án dân sự, thường xuyên, kịp thời phản ánh những kết quả, đóng góp của Hệ thống đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương thông qua việc giữ vững ổn định an ninh trật tự, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phối hợp, phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong Hệ thống tổ chức thi hành án dân sự, nhất là tại các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, chậm được khắc phục, làm ảnh hưởng đáng kể đến hình ảnh, uy tín của Ngành.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động báo chí trong toàn Hệ thống, căn cứ Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26/4/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật báo chí, Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước và Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg ngày 04/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; với mục tiêu thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông báo chí, xây dựng hình ảnh đẹp về người công chức thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự “kỷ cương, trách nhiệm, tin cậy, thân thiện”, ngày 31 tháng 7 năm 2015, Tổng cục Thi hành án dân sự đã ban hành văn bản số 2558/TCTHADS-VP yêu cầu Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, cụ thể:

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác chỉ đạo, lãnh đạo của Cục trưởng, Chi cục trưởng đối với công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí

- Tiếp tục nhận thức sâu sắc, đúng đắn, đầy đủ về tầm quan trọng của công tác báo chí nói chung, công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí nói riêng trong việc tạo sự đồng tình, ủng hộ của các cấp, các ngành, dư luận xã hội và nhân dân địa phương đối với hoạt động thi hành án dân sự trên địa bàn quản lý.

- Quan tâm, chấn chỉnh việc thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong công tác phát ngôn, nêu cao tính trách nhiệm trong phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, tổ chức quán triệt kịp thời, đầy đủ các quy định pháp luật về trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí trong đội ngũ công chức, người lao động của cơ quan, đơn vị.

- Chủ động hơn trong công tác đối thoại, cung cấp thông tin một cách đầy đủ, trung thực, toàn diện cho các cơ quan báo chí, trong đó chú ý đến báo chí địa phương; quan tâm phản ánh gương người tốt, việc tốt, tôn vinh những đóng góp của cơ quan thi hành án, những tấm gương tận tụy, mẫu mực của công chức làm công tác thi hành án.

- Có biện pháp cụ thể để từng bước chuyên nghiệp hóa công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa Cục, Chi cục với cơ quan báo chí. Công chức được giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí phải được trang bị đầy đủ các kiến thức, quy định pháp luật về báo chí; kỹ năng giao tiếp báo chí; tuân thủ chặt chẽ quy trình phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; nhanh nhạy trong phản ứng, phản hồi ý kiến trước thông tin báo chí và vấn đề được dư luận xã hội quan tâm; chính xác, chuẩn mực, nghiêm túc trong sử dụng ngôn ngữ.

Thứ hai, về triển khai một số quy định cụ thể của pháp luật về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí tại các Cục, Chi cục

Văn bản tập trung hướng dẫn việc thực hiện quy định về Người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí tại Cục, Chi cục Thi hành án dân sự; Tiêu chuẩn của Người phát ngôn, Người được ủy quyền phát ngôn; các trường hợp từ chối, không phát ngôn và cung cấp thông tin. Đặc biệt, văn bản đã hướng dẫn việc tiếp và làm việc với nhà báo, quy trình chuẩn bị nội dung thông tin phát ngôn và cung cấp cho báo chí, theo đó “nội dung thông tin phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí phải được chuẩn bị một cách khoa học, chu đáo, chặt chẽ, đảm bảo chính xác, đầy đủ, kịp thời, đúng yêu cầu về nội dung và thời hạn cung cấp thông tin. Các nội dung thông tin phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí phải được Cục trưởng, Chi cục trưởng nghiên cứu, rà soát kỹ và cho ý kiến trước khi phát ngôn hoặc cung cấp. Trường hợp cần thiết, có thể tổ chức họp tập thể lãnh đạo Cục, Chi cục cho ý kiến đối với nội dung thông tin”.

Văn bản cũng tập trung hướng dẫn hoạt động xử lý thông tin báo chí và trách nhiệm giải trình của các cơ quan thi hành án dân sự thông qua việc phúc đáp các ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân, tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến hoặc đăng, phát trên báo chí, đặc biệt là báo chí tại địa phương, theo đó, trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được hoặc từ ngày báo chí đăng, phát, Cục trưởng, Chi cục trưởng tổ chức rà soát, nghiên cứu kỹ và có văn bản thông báo cho cơ quan báo chí kết quả hoặc biện pháp giải quyết. Ngoài ra, văn bản cũng hướng dẫn các địa phương thực hiện việc đề nghị đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính khi có căn cứ cho rằng báo chí đăng tải thông tin sai sự thật về lĩnh vực, địa bàn do cơ quan mình quản lý.

Thứ ba, về trách nhiệm tổ chức thực hiện

Văn bản quy định cụ thể trách nhiệm của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện và Chánh Văn phòng Tổng cục trong việc tổ chức hoạt động phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, cụ thể:

Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện có trách nhiệm:

- Phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí và hướng dẫn tại công văn này đến toàn thể công chức và người lao động tại cơ quan, đơn vị; Đảm bảo kỷ luật, kỷ cương trong công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí tại cơ quan, đơn vị.

- Chịu trách nhiệm về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Cục, Chi cục, kể cả trong trường hợp ủy quyền cho người khác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

- Có biện pháp kiện toàn, bồi dưỡng đội ngũ công chức Văn phòng Cục, công chức làm công tác văn phòng các Chi cục đảm bảo đủ năng lực tham mưu, giúp Cục trưởng, Chi cục trưởng triển khai nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí tại cơ quan, đơn vị; xem xét, hỗ trợ kinh phí cho Người phát ngôn, Người được ủy quyền phát ngôn của cơ quan mình để thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

- Thực hiện chế độ báo cáo tình hình phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn về Tổng cục Thi hành án dân sự (có thể lồng ghép trong báo cáo của cơ quan, đơn vị theo quy định về chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo chỉ đạo của Tổng cục).

- Xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc trách nhiệm quản lý không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

Chánh Văn phòng Tổng cục có trách nhiệm:

- Giúp Tổng Cục trưởng quản lý, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí tại các cơ quan thuộc Hệ thống tổ chức thi hành án dân sự.

- Kiến nghị, đề xuất Tổng Cục trưởng xem xét tuyên dương khen thưởng đối với những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc hoặc kỷ luật đối với những cá nhân sai phạm trong việc thực hiện các quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí./.

                      Văn phòng Tổng cục THADS