Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW

26/02/2015

Để triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị và các văn bản có liên quan một cách thống nhất, đồng bộ, hiệu quả trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp; đồng thời, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của Lãnh đạo Bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật, ngày 25/02/2015, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 341/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị nói trên.

Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị có nội dung bao quát, tổng thể chỉ đạo về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong đó đã yêu cầu các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả của các công tác nói trên. Để triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 02/10/2014, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kế hoạch số 2343/KH-TTCP, trong đó có bổ sung thêm việc thực hiện Luật Tiếp công dân và Nghị định số 64/2014/NĐ-CP. Ngày 11/11/2014, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng đã ký Chương trình phối hợp số 01-CTPH/MTTQ-TTCP-BTP-HLG-LĐLS về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở. Sự phối hợp này cũng được triển khai thực hiện trên cơ sở chỉ đạo tại Chỉ thị số 35-CT/TW. Vì vậy, Thanh tra Bộ đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho Bộ trưởng ban hành Kế hoạch với phạm vi bao gồm Chỉ thị số 35-CT/TW, Kế hoạch số 2343/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ, Chương trình phối hợp số 01-CTPH/MTTQ-TTCP-BTP-HLG-LĐLS.

Kế hoạch được ban hành gồm 3 phần với 7 nhóm nhiệm vụ lớn, cụ thể:

(1) Quán triệt Chỉ thị số 35-CT/TW, Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản khác liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo;

(2) Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, pháp luật về hòa giải ở cơ sở trong ngành Tư pháp;

(3) Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo; kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài;

(4) Kiện toàn tổ chức, bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo;

(5) Bảo đảm việc cung cấp thông tin về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng;

(6) Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; pháp luật về hòa giải ở cơ sở;

(7) Tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý.

Trong mỗi nhóm nhiệm vụ nói trên có các nhiệm vụ cụ thể, phân công đơn vị thực hiện, đơn vị phối hợp và tiến độ hoàn thành nhiệm vụ.

Để bảo đảm việc cung cấp thông tin về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, Kế hoạch đã quy định nhiệm vụ xây dựng và vận hành Trang thông tin điện tử về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng thuộc Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp. Đây sẽ là một trong những kênh hữu hiệu để kịp thời cung cấp thông tin về việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng của ngành Tư pháp, như công bố thông tin, lịch tiếp công dân của Bộ Tư pháp theo Luật Tiếp công dân; công khai các kết luận thanh tra, quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo; hướng dẫn nghiệp vụ, nghiên cứu, trao đổi, hỏi đáp về tiếp công dân, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng…

Việc triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch sẽ góp phần quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành Tư pháp, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với hoạt động của Ngành./.

Thanh tra Bộ Tư pháp