Công văn về việc lập Đề nghị của Chính phủ về Chương trình năm 2016; điều chỉnh Chương trình năm 2015 và khóa XIII

11/11/2014

Để chuẩn bị cho việc lập Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 và khóa XIII, Bộ Tư pháp đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ rà soát các dự án luật, pháp lệnh thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ khóa XIII, tổng kết, đánh giá việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 và triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015; trên cơ sở kết quả rà soát, tổng kết và căn cứ các định hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành mình; Nghị quyết số 20/2011/QH13 ngày 26/11/2011 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII để đề xuất các dự án đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 và khóa XIII (nếu có). Cụ thể như sau:

1. Về rà soát Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII; tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 và triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015

a) Về rà soát Chương trình khóa XIII

- Tổng số dự án luật, pháp lệnh mà Quý Cơ quan được giao chủ trì soạn thảo trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII (kể cả Chương trình chính thức và Chương trình chuẩn bị).

-  Số lượng dự án luật, pháp lệnh đã trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua hoặc cho ý kiến từ đầu nhiệm kỳ đến nay trong tổng số dự án mà Quý Cơ quan được giao chủ trì soạn thảo. Tình hình soạn thảo và dự kiến thời gian trình Chính phủ, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội các dự án còn lại.

- Tình hình điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII (tên các dự án văn bản đề nghị bổ sung hoặc xin rút khỏi Chương trình khóa XIII và lý do đề nghị bổ sung hoặc xin rút khỏi Chương trình; những dự án văn bản xin lùi thời hạn trình, lý do xin lùi thời hạn trình).

b) Kết quả thực hiện Chương trình năm 2014

- Tổng số dự án luật, pháp lệnh được giao chủ trì soạn thảo trong năm 2014.

-  Số lượng dự án luật, pháp lệnh đã trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua hoặc cho ý kiến trong năm 2014 trong tổng số dự án mà Quý Cơ quan được giao chủ trì soạn thảo. Tình hình soạn thảo và dự kiến thời gian trình Chính phủ, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội các dự án đã xin lùi, xin rút.

- Tình hình điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong năm 2014 (tên các dự án văn bản đề nghị bổ sung hoặc xin rút khỏi Chương trình trong năm 2014 và lý do đề nghị bổ sung hoặc xin rút khỏi Chương trình; những dự án văn bản xin lùi thời hạn trình, lý do xin lùi thời hạn trình).

c) Việc triển khai thực hiện Chương trình năm 2015

- Tổng số dự án luật, pháp lệnh thuộc Chương trình năm 2015 mà Quý Cơ quan được giao chủ trì soạn thảo.

- Tình hình triển khai soạn thảo (thành lập Ban soạn thảo, tiến hành tổng kết thi hành, xây dựng Báo cáo đánh giá tác động, dự thảo, gửi lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, gửi thẩm định, dự kiến thời gian trình Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội, khả năng bảo đảm tiến độ).

d) Đánh giá chung

Đánh giá chung về kết quả thực hiện Chương trình khóa XIII, Chương trình năm 2014 và việc triển khai thực hiện Chương trình năm 2015, trong đó đánh giá về những kết quả đạt được; tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và kiến nghị giải pháp khắc phục.

2. Về đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016

Năm 2016 là năm chuyển tiếp giữa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và khóa XIV, dự kiến Quốc hội sẽ tổ chức 03 kỳ họp, trong đó có 01 kỳ họp của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII (kỳ họp thứ 11, dự kiến vào tháng 3/2016) và 02 kỳ họp của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV (kỳ họp thứ nhất và kỳ họp thứ hai, dự kiến vào tháng 8 và tháng 11/2016). Tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIII tập trung vào nhiệm vụ tổng kết nhiệm kỳ, tại Kỳ họp thứ nhất (dự kiến tháng 8/2015), Quốc hội khoá XIV sẽ dành nhiều thời gian cho công tác tổ chức bộ máy nhà nước. Do vậy, tại hai Kỳ họp này, thời gian dành cho công tác xây dựng pháp luật sẽ rất hạn chế.

Xuất phát từ đặc thù của năm 2016, đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ chuẩn bị đề xuất về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 của cơ quan mình theo các yêu cầu sau:

- Tiếp tục thể chế hoá kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng được khẳng định trong các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

- Tiếp tục ưu tiên đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016: (1) Các dự án luật, pháp lệnh nhằm triển khai thi hành Hiến pháp, trong đó tiếp tục sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các dự án về tổ chức bộ máy nhà nước và các thiết chế trong hệ thống chính trị, về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; (2) Các dự án đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, đã được chuẩn bị tốt, đã có dự thảo và cần sớm ban hành để đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu quản lý đất nước trong giai đoạn mới.

- Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 cần tiếp tục đặt trọng tâm vào việc thực hiện ba khâu đột phá chiến lược đã được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020.

- Chỉ đưa vào Chương trình năm 2016 những dự án có thuyết minh rõ ràng về mục đích, sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các nội dung cơ bản của dự án luật, pháp lệnh và mối quan hệ giữa các luật, pháp lệnh có liên quan; kiên quyết không đưa vào Chương trình những dự án chưa đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

- Việc đưa các dự án vào Chương trình năm 2016 phải tính đến quỹ thời gian, nguồn lực, mức độ chuẩn bị và tiến độ soạn thảo; tránh dồn quá nhiều dự án vào một cơ quan nhằm bảo đảm chất lượng và tiến độ soạn thảo, thẩm tra dự án.

- Cân đối về số lượng các dự án giữa ba kỳ họp trong năm 2016 của Quốc hội để đề xuất hợp lý. Theo đó, tại kỳ họp thứ nhất của năm 2016, thông thường Quốc hội chỉ thông qua khoảng 3 đến 5 dự án luật, không cho ý kiến các dự án luật; tại kỳ họp thứ 2 của năm 2016, Quốc hội sẽ cho ý kiến khoảng 2 đến 3 dự án; tại kỳ họp thứ 3 của năm 2016, Quốc hội sẽ thông qua khoảng 8 đến 10 dự án và cho ý kiến từ 8 đến 10 dự án.

Về hồ sơ, đề nghị Quý Cơ quan thực hiện theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 22, khoản 1 Điều 23 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các Điều 2 đến Điều 6 của Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 05/3/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể:

- Đối với các dự án luật, pháp lệnh đã có trong Chương trình khóa XIII, hồ sơ bao gồm: (1) Thuyết minh đề nghị đưa dự án luật, pháp lệnh vào Chương trình năm 2016; (2) Đề cương dự thảo luật, pháp lệnh.

- Đối với các dự án luật, pháp lệnh chưa có trong Chương trình khóa XIII, hồ sơ bao gồm: (1) Thuyết minh đề nghị đưa dự án luật, pháp lệnh vào Chương trình năm 2016; (2) Báo cáo đánh giá tác động sơ bộ; (3) Đề cương dự thảo luật, pháp lệnh.

3. Về điều chỉnh Chương trình năm 2015 và khóa XIII

Đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ đề xuất về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 và khóa XIII (nếu có) theo các yêu cầu sau đây:

- Các dự án luật, pháp lệnh đề nghị điều chỉnh (xin lùi thời hạn trình, rút hoặc bổ sung vào Chương trình).

- L‎ý do đề nghị điều chỉnh.

Để bảo đảm chất lượng Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 và khóa XIII, Bộ Tư pháp sẽ kiên quyết không đưa vào dự thảo Đề nghị của Chính phủ các dự án luật, pháp lệnh không đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc không thuyết minh rõ sự cần thiết phải bổ sung, rút khỏi Chương trình năm 2015 và đưa vào Chương trình năm 2016.

Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình năm 2014, triển khai thực hiện Chương trình năm 2015 và đề xuất của các Bộ, cơ quan ngang Bộ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 và khóa XIII (nếu có) xin gửi về Bộ Tư pháp trước ngày 30/11/2014 để tổng hợp thành Đề nghị chung của Chính phủ (đồng thời gửi bản thư điện tử đến địa chỉ: chuongtrinhluat@gmail.com). Về thông tin chi tiết, xin liên hệ theo số điện thoại 62739387 hoặc 0974.224.696 (gặp đồng chí Nguyễn Thị Phương Liên).

Bộ Tư pháp xin gửi kèm theo Công văn này mẫu tham khảo Báo cáo đánh giá tác động văn bản quy phạm pháp luật đề nghị đưa vào Chương trình.