Phúc đáp Công văn số 110/BDN ngày 20/7/2006 của Ban Dân nguyện, Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc trả lời các kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XI, sau khi nghiên cứu, Bộ Tư pháp xin trả lời như sau:
1. Kiến nghị của cử tri các tỉnh Bạc Liêu, Tây Ninh :"Đề nghị các cơ quan chức năng tổ chức triển khai sâu rộng Luật phòng chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để cử tri hiểu, thực hiện và giám sát việc thực hiện Luật trong đời sống xã hội", Bộ Tư pháp xin trả lời như sau:
Sau khi Luật phòng, chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được thông qua, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng (kèm theo Quyết định số 30/2006/QĐ-TTg ngày 6/02/2006) và Chương trình hành động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (kèm theo Quyết định số 25/2006/QĐ-TTg ngày 26/01/2006). Hai Chương trình này đều xác định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, uỷ ban nhân dân các cấp, các cơ quan báo chí trong việc tố chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp về các quy định của 2 đạo luật nêu trên. Hầu hết các bộ, ngành trung ương đã triển khai nội dung 2 đạo luật đến cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị mình.
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Tư pháp đã hướng dẫn cơ quan tư pháp địa phương, tổ chức pháp chế các bộ, ngành tuyên truyền, phổ biến Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đến cán bộ, công chức và toàn thể nhân dân, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2006.
Bộ Tư pháp đã tổ chức 01 lớp tập huấn giới thiệu nội dung 2 đạo luật nêu trên cho các báo cáo viên pháp luật trung ương và phóng viên một số báo, đài trung ương; phối hợp với Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ (là 2 cơ quan được giao chủ trì việc xây dựng 2 luật nói trên) biên soạn Đề cương giới thiệu nội dung 2 luật gửi các Sở Tư pháp, Pháp chế các bộ, ngành; biên soạn 02 cuốn Đặc san tuyên truyền pháp luật chuyên đề về Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cấp phát cho Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các bộ, ngành, địa phương để sử dụng làm tài liệu tuyên truyền trong cán bộ, nhân dân.
Ở địa phương, một trong những nội dung trọng tâm của công tác PBGDPL 6 tháng đầu năm 2006 là tập trung phổ biến, giới thiệu nội dung các văn bản pháp luật được thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XI, đặc biệt là Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Việc phổ biến, tuyên truyền 2 luật gắn liền với việc xây dựng Chương trình, Kế hoạch hành động của địa phương trong triển khai 2 đạo luật quan trọng này. Hầu hết các địa phương đã tổ chức hội nghị quán triệt, tập huấn, giới thiệu Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho cán bộ, nhân dân trong tỉnh (Theo Báo cáo số 48/BC-HĐPH ngày 20/6/2006 về công tác PBGDPL 6 tháng đầu năm của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Tây Ninh thì tỉnh đã ban hành Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tổ chức hội nghị triển khai 2 luật cho 420 đại biểu là lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, chủ tịch UBND các huyện, thị; trưởng phòng tư pháp, chánh thanh tra các huyện, thị; tổ chức giới thiệu 2 luật cùng các văn bản luật khác cho 2.470 lượt người; một số sở, ngành, đoàn thể trong tỉnh cũng đã tổ chức phổ biến 2 luật cho cán bộ, công chức, hội viên của ngành, đoàn thể mình). Một số tỉnh tổ chức cuộc thi tìm hiểu Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như: Cần Thơ, Quảng Bình, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Có thể nói, Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bước đầu đã được các bộ, ngành, địa phương tổ chức nghiên cứu, quán triệt, phổ biến trong cán bộ và nhân dân.
Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ chỉ đạo cơ quan tư pháp địa phương, hướng dẫn tổ chức pháp chế các bộ, ngành tiếp tục phổ biến, tuyên truyền sâu rộng nội dung Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động, trong đó chú trọng tuyên truyền kết quả thi hành 2 luật, gắn việc tuyên truyền với việc thực hiện các Chương trình, Kế hoạch hành động cụ thể, với cuộc vận động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
2. Kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng: "Đề nghị cần có báo cáo tổng kết tình hình thi hành án dân sự, thông báo công khai cho cử tri biết tổng số tiền phải thi hành án, số đã thu hồi, giải pháp để thu hồi tài sản chưa được thu hồi", Bộ Tư pháp xin trả lời như sau:
Công tác thi hành án dân sự được chuyển giao từ Toà án nhân dân các cấp sang các cơ quan thuộc Chính phủ từ năm 1993, đến nay đã đạt được những kết quả nhất định. Nhìn chung, các cơ quan thi hành án cả nước đã có nhiều cố gắng, số lượng vụ việc được giải quyết và giá trị tiền, tài sản thu được năm sau cao hơn so với năm trước; nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng nhiều năm đã được giải quyết; tạo ra những chuyển biến tích cực về nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan trong công tác thi hành án.v.v.
Hàng năm, Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan thi hành án dân sự địa phương đều tiến hành tổng kết tình hình công tác thi hành án dân sự trong năm. Tháng 4/2003, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tổng kết 10 năm (1993-2002) công tác thi hành án dân sự, đánh giá những kết quả đã đạt được, những hạn chế tồn tại và nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm trong công tác thi hành án dân sự; sơ kết việc chuyển giao một số vụ việc thi hành án có giá trị không quá 500.000 đồng cho Uỷ ban nhân dân cấp xã trực tiếp đôn đốc thi hành tháng vào tháng 6/2005. Ở địa phương, nhiều nơi cơ quan Tư pháp, cơ quan thi hành án dân sự báo cáo kết quả công tác thi hành án hàng năm với Uỷ ban nhân dân, Hội đồng nhân dân và các Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương, như: Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20/2001/CT-TTg ngày 11/9/2001 về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự.
Kết quả thi hành án về việc và tiền năm 2005 có tổng số việc phải thi hành là 533.344 việc, trong đó: có điều kiện thi hành 288.724 việc, chưa có điều kiện thi hành 206.724 việc, đình chỉ 9.054 việc, uỷ thác 17.487 việc, trả lại đơn yêu cầu thi hành án 12.865 việc, trong số có điều kiện thi hành thì đã tổ chức thi hành 177.991 việc, đạt 61,77%. Tổng số tiền phải thu là 17.744.564.440.000 đồng (mười bảy nghìn bảy trăm bốn bốn tỷ năm trăm sáu tư triệu bốn trăm bốn mươi nghìn đồng). Trong đó số có điều kiện thi hành là 4.171.009.444.000 đồng (Bốn nghìn một trăm bảy mươi mốt nghìn tỷ linh chín triệu bốn trăm bốn mươi bốn nghìn đồng), đã thu được 1.663.985.752.000 đồng (Một nghìn sáu trăm sáu mươi ba tỷ chín trăm tám muơi nhăm tỷ bảy trăm năm mươi hai nghìn đồng), đạt 39,89%.
Sáu tháng đầu năm 2006, tổng số việc phải thi hành là 466.436 việc (thụ lý mới 158.356 việc) số việc có điều kiện thi hành 277.808 việc, trong đó số việc đã giải quyết xong 144.956 việc, bao gồm: Thi hành xong 116.121 việc, đình chỉ 6.834 việc, uỷ thác 13.291 việc, trả đơn 8.710 việc. Trong số vụ việc có điều kiện thi hành, số việc thi hành đều 20.096 việc, số việc thi hành dở dang 77.631 việc, số việc thi hành chưa có kết quả 35.225 việc, số việc đã giải quyết (giải quyết xong, thi hành đều, thi hành dở dang) là 242.583 việc, trong đó: Số việc hoãn 14.014 việc, số việc tạm đình chỉ 1.586 việc, số việc chưa có điều kiện thi hành 173.028 việc, số việc chuyển kỳ sau 321.485 việc, số việc cưỡng chế 1.968 việc.
Tỷ lệ số việc giải quyết xong/số việc có điều kiện thi hành bằng 52%, tỷ lệ số việc đã giải quyết/số việc có điều kiện thi hành bằng 87%.
- Về tiền, tổng số tiền phải thi hành là 17 nghìn 225 tỉ 943 triệu 926 nghìn đồng, trong đó: Số có điều kiện thi hành là 4 nghìn 690 tỉ 020 triệu 828 nghìn đồng; số tiền giải quyết do đình chỉ, uỷ thác, trả đơn 696 tỉ 956 triệu 757 nghìn đồng; số tiền đã thu được 958 tỉ 919 triệu 379 nghìn đồng, (bao gồm thu nộp Ngân sách Nhà nước 134 tỉ 366 triệu 044 nghìn đồng, thu trả cơ quan tổ chức xã hội 406 tỉ 170 triệu 555 nghìn đồng và thu trả công dân 148 tỉ 382 triệu 780 nghìn đồng).
Để nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự địa phương tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao vai trò của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp, đề cao trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân địa phương trong công tác thi hành án theo quy định của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân và Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004, tập trung giải quyết một bước căn bản số án dân sự tồn đọng. Nhiều địa phương cũng đã chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả đợt tập trung cao điểm về thi hành án dân sự trên địa bàn toàn tỉnh đạt hiệu quả nhất định tạo sự chuyển biến về nhận thức cho cấp uỷ, chính quyền địa phương, Ban chỉ đạo thi hành án huyện, thị xã và công dân trong tỉnh, nhờ đó công tác thi hành án ngày càng đẩy mạnh đi vào nề nếp, số lượng việc và tiền thu được ngày càng tăng.
Tuy nhiên, nhiều vụ việc thi hành án tồn đọng do chưa có điều kiện thi hành. Qua tổng rà soát và phân loại, đến nay còn 181.551 việc tồn đọng do không có điều kiện thi hành, thể hiện ở các dạng:
- Người phải thi hành án không có tài sản, nguồn thu nhập để thi hành án (78.097 việc, chiếm 43,01%);
- Người phải thi hành án đang thụ hình không có tài sản, nguồn thu nhập (56.670 việc, chiếm 31,21%)
- Người phải thi hành án bỏ nơi cư trú hoặc không có địa chỉ rõ ràng (18.249 việc, chiếm 10,05%);
- Cơ quan, tổ chức doanh nghiệp phải thi hành án nhưng đã giải thể (3.096 việc, chiếm 1,71%);
- Lý do khác, như: Án tuyên không rõ ràng hoặc không phù hợp với thực tế (25.439 việc, chiếm 14,01 %);
Số lượng việc thi hành án tồn đọng phần nhiều do các nguyên nhân khách quan mà cơ quan thi hành án không thể thi hành được, nhưng cũng có một phần chủ quan từ phía cơ quan quản lý, chỉ đạo và thi hành án. Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thi hành án tiếp tục rà soát, phân loại để thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành án.
3. Kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Bình: "Đề nghị các cấp, các ngành tăng cường kiểm tra, giám sát đối với công tác thi hành án dân sự, nhất là thực hiện nghĩa vụ bồi thường dân sự", Bộ Tư pháp xin trả lời như sau:
Xác định một trong những biện pháp bảo đảm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự là phải tăng cường kiểm tra, giám sát đối với công tác thi hành án dân sự, trong thời gian qua, nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân đã tiến hành công tác giám sát hoạt động thi hành án, như: Đắc Nông, Phú Thọ, Quảng Ngãi. Nhiều nơi, Hội đồng nhân dân đã yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự trực tiếp báo cáo, giải trình về thi hành án dân sự, như: Nghệ An, Sơn La, Hà Giang, Đắc Nông, Quảng Ngãi v.v... Hoạt động kiểm sát thi hành án dân sự được nhiều địa phương chú trọng thực hiện. Nhiều cơ quan thông tin báo chí đã kịp thời phản ánh những điển hình, những sai phạm trong hoạt động thi hành án dân sự, góp phần tác động tích cực đến ý thức công vụ, phẩm chất đạo đức, hạn chế tiêu cực của Chấp hành viên, cán bộ thi hành án.
Bộ Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự và các cơ quan Tư pháp, thi hành án dân sự cũng thực hiện nhiều đợt kiểm tra hoạt động thi hành án, với nhiều hình thức, như: kiểm tra định kỳ, kiểm tra chuyên đề, kiểm tra chéo, kiểm tra đột xuất v.v... Từ đầu năm 2006 đến nay, Bộ Tư pháp đã tiến hành kiểm tra định kỳ công tác thi hành án dân sự được 8 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bắc Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và thanh tra, kiểm tra đột xuất về việc tổ chức thi hành một số vụ việc thi hành án phức tạp, có khiếu nại kéo dài tại một số tỉnh, như: Hải Phòng, Hà Tây, Lào Cai. Kết thúc mỗi đợt kiểm tra, Bộ Tư pháp đều có kết luận đánh giá ưu điểm, tồn tại trong hoạt động nghiệp vụ của các đơn vị, chỉ rõ sai phạm, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, đơn vị liên quan. Trong 06 tháng đầu năm 2006, đã xử lý kỷ luật 33 trường hợp Chấp hành viên, cán bộ thi hành án vi phạm kỷ luật với các hình thức sau: buộc thôi việc: 05; cảnh cáo: 18; khiển trách: 07; cách chức: 03.
Qua kiểm tra phát hiện những sai sót kịp thời uốn nắn, chỉ đạo tập trung phân loại án và tổ chức thi hành những vụ việc có điều kiện để đảm bảo quyền lợi của người được thi hành án, trong đó có nghĩa vụ bồi thường dân sự. Riêng trong 6 tháng đầu năm năm 2006, số tiền đã thu trả cơ quan tổ chức xã hội 75 tỉ 359 triệu 583 nghìn đồng và thu trả công dân 288 tỉ 651 triệu 193 nghìn đồng, giá trị hiện vật đã thu được ước tính là 255 tỷ 305 triệu 913 nghìn đồng.
4. Kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Giang: "Việc thi hành án hình sự, đặc biệt là các hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo, phạt cải tạo không giam giữ được giao cho chính quyền địa phương quản lý, giáo dục chưa có hiệu quả. Nhiều địa phương có tỷ lệ phạm tội mới trong thời gian thử thách cao. Đề nghị Chính phủ, Bộ Tư pháp cần có tổng kết về việc thi hành hình phạt nêu trên để có biện pháp quản lý, giáo dục hiệu quả hơn, đồng thời có biện pháp tuyên truyền, kiểm tra việc thực hiện các quy định về thi hành án phạt tù nhưng được hưởng án treo ở các cơ quan và các phường, xã", Bộ Tư pháp xin trả lời như sau:
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành thì việc thi hành hình phạt khác ngoài hình phạt tù (như: cải tạo không giam giữ, quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, quyền hạn, quản lý người bị phạt tù được hưởng án treo v.v...) giao cho chính quyền cơ sở hoặc các tổ chức, cơ quan, đoàn thể nơi người bị kết án cư trú, làm việc đảm nhận. Chính phủ đã ban hành một số văn bản pháp luật hướng dẫn việc thi hành một số hình phạt này, như: Nghị định số 59/2000/NĐ-CP ngày 30/10/2000 quy định việc thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội, Nghị định số 60/2000/NĐ-CP ngày 30/10/2000 quy định việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ, Nghị định số 61/2000/NĐ-CP ngày 30/10/2000 quy định việc thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo, Nghị định số 53/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001 hướng dẫn thi hành các hình phạt cấm cư trú và quản chế.
Bộ Tư pháp đã tổ chức 02 Đoàn đi khảo sát tình hình 05 năm thi hành 05 loại hình phạt gồm: án treo, cải tạo không giam giữ, quản chế, cấm cư trú và giáo dục tại xã, phường, thị trấn tại 04 tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nam Định và Hải Phòng. Nhìn chung, hiệu quả thi hành các loại án này ở địa phương còn thấp, chỉ có một số ít xã, phường làm tốt. Đặc biệt, việc uỷ thác thi hành án treo, cải tạo không giam giữ thực hiện không có hiệu quả và gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, nhưng trong đó có nguyên nhân liên quan đến quy định của pháp luật. Một số quy định của pháp luật về thi hành các loại án này chưa thật cụ thể, chưa sát thực nên chưa tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành có hiệu quả. Ví dụ: quy định Toà án giao sổ theo dõi cho người được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ nhưng trên thực tế có trường hợp Toà án không giao sổ theo dõi cho người bị kết án hoặc người bị kết án không đến nhận; có nơi Toà án phải giao về chính quyền địa phương rồi mới giao lại cho người bị kết án, khi hết thời hạn chấp hành án, ít trường hợp người bị kết án giao lại sổ theo dõi cho người có trách nhiệm theo dõi, giám sát; pháp luật quy định cho người phải chấp hành án ngoài tù quá nhiều quyền nên nhiều khi họ lợi dụng, gây khó khăn cho chính quyền cơ sở trong việc theo dõi, quản lý dẫn đến tình trạng “chính quyền phải chạy theo người bị kết án”. Ngoài ra, pháp luật chưa giao cho một cơ quan cụ thể nào chịu trách nhiệm quản lý thống nhất việc thi hành án hình sự ngoài tù từ tỉnh đến huyện và về đến cơ sở để theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở chính quyền địa phương trong việc thi hành các loại án này. Pháp luật cũng không quy định việc Toà án được theo dõi quá trình thi hành án của người chấp hành án nên quá trình thi hành án như thế nào Toà án không nắm được v.v...
Nhiều vấn đề bất cập cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cần phải được tháo gỡ theo hướng cần có một cơ quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thi hành án treo và án cải tạo không giam giữ, phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở trong việc tổ chức thi hành các loại án này; cơ chế bảo đảm thi hành đối với người bị kết án và có biện pháp xử lý phù hợp khi người bị kết án không chấp hành đúng quy định của pháp luật tạo điều kiện cho chính quyền cơ sở quản lý, giám sát, giáo dục người bị kết án, khắc phục tình trạng hiện nay là chính quyền phải "chạy theo" người bị kết án; cần có quy định cụ thể về cơ chế uỷ thác thi hành các án hình sự ngoài tù để bảo đảm hiệu quả của việc uỷ thác thi hành án; tiếp tục hoàn thiện các quy định của Nghị định 60 và Nghị định 61 của Chính phủ về thi hành án treo và án cải tạo không giam giữ theo hướng các quy định về nghĩa vụ của người bị kết án cần nghiêm khắc hơn nữa, bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa của hình phạt v.v...
Chính phủ đã báo cáo với Quốc hội về tình trạng này và đề xuất xây dựng Bộ luật Thi hành án điều chỉnh thống nhất, toàn diện về tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự, hành chính, hình sự, bảo đảm quán triệt và thể chế hoá chủ trương, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp với định hướng nguyên tắc là tập trung thống nhất một đầu mối quản lý thi hành án vào Bộ Tư pháp được thể hiện trong các Nghị quyết Trung ương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/05/2005 của Bộ Chính trị, xây dựng hệ thống cơ quan thi hành án từ trung ương đến địa phương. Bộ luật Thi hành án được thông qua sẽ là cơ sở pháp lý để khắc phục tình trạng bất cập hiện nay về thi hành án, trong đó có việc quản lý, theo dõi thi hành các hình phạt hình sự khác ngoài hình phạt tù.
5. Kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hoá: "Nhà nước cần thành lập cơ quan chuyên môn để xem xét và định giá các loại tài sản để công dân được định giá tài sản khi có nhu cầu, số liệu định giá của cơ quan này là căn cứ pháp lý để Toà án giải quyết vụ kiện, đảm bảo thời gian giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật. Vì hiện nay, theo quy định hiện hành thì Toà án ra quyết định thành lập Hội đồng định giá, thành phần là các cơ quan chuyên môn về giá, song sự tham gia của các cơ quan này không đầy đủ nên không thể định giá, vì vậy vụ án lại phải kéo dài nhưng không có một văn bản nào quy định chế tài bắt buộc về vấn đề này ", Bộ Tư pháp xin trả lời như sau:
Về việc định giá tài sản trong tố tụng hình sự: Thực hiện sự phân công của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 26/2005/NĐ-CP ngày 02/3/2005 về Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự. Theo đó, Hội đồng định giá tài sản được thành lập ở Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và ở quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Hội đồng định giá tài sản ở cấp tỉnh, cấp huyện do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thành lập. Hội đồng định giá tài sản ở trung ương do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định thành lập.
Về việc định giá tài sản trong tố tụng dân sự: việc định giá tài sản trong tố tụng dân sự, trong đó có việc thành lập Hội đồng định giá tài sản đã được quy định của Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 và Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao số 04/2005/NQ-HĐTP ngày 17/9/2005 hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự về “chứng minh và chứng cứ”.
6. Kiến nghị của cử tri thành phố Hồ Chí Minh "Đề nghị:
- Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 48 Nghị định số 05/2005/NĐ-CP theo hướng buộc bồi thường thiệt hại (nếu có) hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự với người tham gia đấu giá có hành vi phá rối, cản trở cuộc dấu giá hoặc liên kết, thông đồng dìm giá để đủ sức răn đe thay vì chỉ truất quyền tham gia đấu giá và không được hoàn trả tiền đặt trước như hiện nay;
- Bổ sung thêm căn cứ để huỷ kết quả phiên đấu giá được quy định tại Điều 32 Nghị định 05/2005/NĐ-CP của Chính phủ trong trường hợp có liên kết, thông đồng của người tham gia đấu giá; vi phạm trình tự, thủ tục đấu giá;
- Chỉnh sửa Điều 40 Nghị định 05/2005/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng quy định chỉ người có thẻ Đấu giá viên mới có quyền điều khiển phiên đấu giá để tăng cường tính chịu trách nhiệm cá nhân, riêng những trường hợp tài sản đặc thù thì những người có chuyên môn nhưng không phải là Đấu giá viên sẽ có nhiệm vụ tư vấn trên cơ sở hợp đồng thuê".
Về những vấn đề trên, Bộ Tư pháp xin trả lời như sau:
Bộ Tư pháp đang chuẩn bị phối hợp với một số Bộ có liên quan (Tài chính, Nội vụ) để xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn Nghị định số 05/2005/NĐ-CP nhằm giúp các địa phương tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành Nghị định. Những điều khoản trong Nghị định còn chưa phù hợp sẽ được tập hợp, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.
7. Kiến nghị của cử tri thành phố Hồ Chí Minh: "Đề nghị sớm có kết luận chính thức về việc cho phép hoặc không cho phép tồn tại 02 Trung tâm có chức năng bán đấu giá tài sản trên địa bàn Thành phố. Quan điểm của Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh về việc này như sau: ở mỗi tỉnh, thành nên áp dụng mô hình 01 Trung tâm theo quy định của Nghị định 05, có nhiều văn phòng được phân chia theo địa hạt hoặc khu vực và thống nhất một đầu mối quản lý nhằm nâng cao trách nhiệm, thuận tiện trong việc quản lý nhà nước, khắc phục được những chồng chéo, bất cập trong thời gian qua", Bộ Tư pháp xin trả lời như sau:
Về vấn đề này, theo quy định tại Điều 36 của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP thì việc bán đấu giá tài sản chủ yếu thông qua các tổ chức doanh nghiệp. Trong trường hợp cần thiết thì ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập một Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản.
Năm 2005, Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố Hồ Chí Minh được duy trì 2 Trung tâm cùng có chức năng bán đấu giá tài sản (một Trung tâm do Sở Tư pháp trực tiếp quản lý và một Trung tâm do Sở Tài chính trực tiếp quản lý). Lý do được đưa ra là nguồn hàng bán đấu giá của thành phố rất lớn, lại thuộc nhiều chủng loại khác nhau…, nên nếu chỉ có một Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thì rất khó đảm bảo thực hiện tốt công tác bán đấu giá tài sản trên địa bàn thành phố. Ngày 22/7/2005, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 4079/VPCP-XDPL về việc tổ chức kiểm tra thực hiện Nghị định số 05/2005/NĐ-CP. Công văn đã thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc mỗi tỉnh, thành phố chỉ thành lập một Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản. Các đơn vị sự nghiệp không được thành lập và hoạt động theo quy định của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP thì không có chức năng bán đấu giá tài sản, do đó không được phép thực hiện việc bán đấu giá tài sản.
Tiếp theo đó, ngày 15/5/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/2006/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện Nghị định số 05/2005/NĐ-CP, mà một trong những nội dung quan trọng của Chỉ thị là khẳng định Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm về việc chỉ thành lập một Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tại địa phương theo quy định của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP. Đối với những địa phương đã thành lập thêm đơn vị sự nghiệp có chức năng bán đấu giá tài sản ngoài Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thì phải chuyển chức năng bán đấu giá tài sản cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản hoặc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp đó thành doanh nghiệp bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và quy định của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP. Việc chuyển đổi phải được thực hiện xong trước ngày 30/6/2006.
Như vậy, Nghị định số 05/2005/NĐ-CP, Công văn chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ cũng như Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đều khẳng định một nguyên tắc thống nhất là mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ có thể có một Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản. Quy định này không có ngoại lệ đối với bất kỳ một tỉnh, thành phố nào. Đối với những địa phương có số lượng tài sản bán đấu giá lớn thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phải tăng cường về cán bộ và bảo đảm về cơ sở vật chất cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản để Trung tâm thực hiện tốt nhiệm vụ bán đấu giá tài sản. Mặt khác, Trung tâm có thể được phép thành lập thêm các chi nhánh, văn phòng đại diện… tại những nơi xa trung tâm để có thể đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
8. Kiến nghị của cử tri tỉnh Tây Ninh " Đề nghị xem xét phối hợp huỷ bỏ Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-BTP-BTNMT ngày 16/6/2005 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường vì thủ tục bắt buộc người dân khi vay ngân hàng có thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì giấy chứng nhận đó phải được Phòng Tài nguyên và môi trường huyện, thị xác nhận trên giấy chứng nhận mới được vay, đồng thời còn phải đóng khoản lệ phí 60.000 đồng theo quy định tại điểm 9.3 Mục I viện dẫn mức thu phí, lệ phí được thực hiện theo quy định của Thông tư 33/2002/TTLT-BTC-BTP ngày 12/4/2002 của Bộ Tài Chính và Bộ Tư pháp là không phù hợp. Vấn đề đặt ra là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ không có giá trị, việc xác nhận của Phòng Tài nguyên và Môi trường mới có giá trị, việc tẩy xoá trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ như thế nào khi một năm người dân có thể vay nhiều lần, làm mất thẩm mỹ đối với loại giấy tờ có giá trị lớn được người dân coi là tài sản của mình, đồng thời mức thu phí có hợp lòng dân không ?”, Bộ Tư pháp xin trả lời như sau:
Thứ nhất, về sự cần thiết phải ban hành Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-BTP-BTNMT:
Việc đăng ký các giao dịch về quyền sử dụng đất nói chung, đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất nói riêng là một trong những nội dung quan trọng của hoạt động quản lý nhà nước về đất đai, vì thông qua đó, các thông tin về tình trạng pháp lý của thửa đất được cập nhật kịp thời, đảm bảo tính minh bạch, an toàn cho các giao dịch trên thị trường bất động sản, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, cũng như nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Với ý nghĩa nêu trên, Điều 130 của Luật Đất đai năm 2003 và Điều 153, Điều 154 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai đã quy định về trình tự, thủ tục đăng ký thế chấp và xoá đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất được thực hiện tại các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những quy định chung, cần tiếp tục được cụ thể hóa để thuận tiện cho việc áp dụng trong thực tiễn. Do vậy, Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-BTP-BTNMT nhằm minh bạch hoá trình tự, thủ tục và tạo điều kiện cho người dân khi thực hiện đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, đồng thời không trái với các văn bản do Quốc hội và Chính phủ ban hành.
Thứ hai, về một số nội dung cụ thể về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất:
+ Về việc chỉnh lý Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 và Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai thì việc chỉnh lý Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một thủ tục bắt buộc khi Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất (xem điểm c khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều 130 Luật Đất đai, khoản 2 Điều 153 và Điều 154 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP). Do vậy, việc Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-BTP-BTNMT quy định Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất chỉnh lý Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bên thế chấp là phù hợp với Luật Đất đai và Nghị định số 181/2004/NĐ-CP về vấn đề này. Cách thức chỉnh lý Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Thời gian trước đây, theo Quyết định số 24/2004/QĐ-BTNMT ngày 01 tháng 11 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc xác nhận thế chấp quyền sử dụng đất được thực hiện trực tiếp trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (tại trang 4). Do đó, phản ánh của cử tri tỉnh Tây Ninh về việc tẩy xoá trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là xác đáng.
Để tháo gỡ vướng mắc nêu trên, ngày 21/7/2006, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 08/2006/QĐ-BTNMT quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, theo đó việc xác nhận các giao dịch về quyền sử dụng đất chỉ được thực hiện trên Trang bổ sung của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
+ Về lệ phí đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất: Theo quy định của Thông tư liên tịch số 33/2002/TTLT-BTC-BTP ngày 12/4/2002 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn chế độ thu nộp và quản lý, sử dụng lệ phí đăng ký và phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm và cho thuê tài chính thì khi đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, người yêu cầu đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất phải nộp lệ phí cho mỗi lần đăng ký là 60.000 đồng.
Tuy nhiên, để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của nông dân, hộ gia đình nghèo vay vốn với mức vay thấp, thời hạn ngắn để phục vụ sản xuất nông nghiệp, hiện nay Bộ Tư pháp đang phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, chuẩn bị phương án sửa đổi các quy định về phí, lệ phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm theo hướng vừa đảm bảo mức lệ phí phù hợp với người dân, vừa đảm bảo kinh phí hoạt động cho Văn phòng đăng ký.
9. Kiến nghị của cử tri tỉnh Ninh Thuận: "Theo quy định của pháp luật hiện hành, đối với vụ án có người phạm tội là vị thành niên bắt buộc phải có luật sư tham gia ngay từ đầu từ khi khởi tố bị can để giám sát Cơ quan điều tra. Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều vụ án Đoàn Luật sư không cử được luật sư hoặc Đoàn có cử nhưng luật sư không tham gia, gây khó khăn cho Cơ quan điều tra trong việc đảm bảo tính pháp lý trong thủ tục tố tụng. Đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành có văn bản quy định rõ hơn về vấn đề này", Bộ Tư pháp xin trả lời như sau:
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc xây dựng cơ chế để bảo đảm quyền Hiến định của mọi công dân nói chung và của bị can, bị cáo nói riêng, đó là “Quyền bào chữa”. Ngày 25/7/2001, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Luật sư, đây là bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế luật sư ở nước ta, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc hoàn thiện cơ chế bảo đảm thực hiện quyền bào chữa, một trong những quyền cơ bản của công dân.
Thực hiện Pháp lệnh Luật sư năm 2001, đến nay chúng ta đã xây dựng được một đội ngũ luật sư chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn cao. Trong gần 5 năm thi hành Pháp lệnh Luật sư, tính đến ngày 31/6/2006 cả nước đã có 4070 luật sư, luật sư tập sự (trong đó 2409 luật sư có Chứng chỉ hành nghề luật sư và 1660 luật sư tập sự). Số lượng luật sư đã tăng hơn gần 200% so với số lượng luật sư trước khi Pháp lệnh Luật sư năm 2001 có hiệu lực. Có thể nói đây là giai đoạn phát triển có tính chất đột biến về số lượng luật sư, góp phần đáp ứng nhu cầu đã và đang tăng nhanh của xã hội về dịch vụ của luật sư. Chỉ trong vòng chưa đầy 5 năm (tính đến hết tháng 6/2006) các luật sư trong cả nước đã thành lập được 998 tổ chức hành nghề luật sư bao gồm 781 Văn phòng luật sư do một luật sư thành lập, 208 Văn phòng luật sư do một số luật sư thành lập, 9 Công ty luật hợp danh. Các tổ chức hành nghề luật sư còn lập được tổng cộng 175 chi nhánh tại các tỉnh, thành phố khác. Có thể khẳng định rằng, tổ chức và hoạt động luật sư trong những năm qua đã đáp ứng một phần nhu cầu giúp đỡ pháp lý bao gồm việc tham gia tố tụng, thực hiện tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác của cá nhân, tổ chức.
Trong việc tham gia tố tụng hình sự, theo báo cáo của trên 40 Đoàn luật sư thì trong 3 năm (từ năm 2002 đến tháng 12/2005), các luật sư đã tham gia tố tụng hơn 25.000 vụ án hình sự, trong đó việc tham gia tố tụng án hình sự do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu theo quy định của pháp luật là hơn 10.000 vụ án. Đặc biệt ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, Tây nguyên các luật sư chủ yếu chỉ tham gia bào chữa theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.
Việc bào chữa cho bị can, bị cáo theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng được các luật sư tích cực tham gia, và về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu về số lượng vụ việc. Đại đa số luật sư là những người có phẩm chất đạo đức tốt, yêu nghề và có "tâm" trong hoạt động nghề nghiệp. Các Đoàn luật sư đã thường xuyên giáo dục phẩm chất đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp đối với các luật sư khi tham gia các vụ án theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.
Tuy nhiên cũng phải nói rằng, trong việc tham gia bào chữa cho bị can, bị cáo theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, có một số Đoàn luật sư (như Đoàn luật sư Sơn La, Kon Tum, Bắc Kạn, Cao Bằng) do số lượng luật sư quá ít hoặc hai tỉnh Điện Biên, Lai Châu chưa có Đoàn luật sư nên không đáp ứng được yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng đối với những vụ án cần có luật sư. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng. Đồng thời, vẫn còn hiện tượng một số luật sư khi tham gia bào chữa cho bị can, bị cáo theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng đã chưa làm hết trách nhiệm của mình, hoặc từ chối không tham gia khi được Đoàn luật sư cử, hoặc có tham gia thì bào chữa cho bị cáo qua loa, hình thức, cho xong việc v.v... Đây là những luật sư đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp luật sư cần phát hiện, phải lên án và xử lý kỷ luật.
Nghị quyết số 49 - NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 đã chỉ rõ: “Đào tạo, phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn. Hoàn thiện cơ chế bảo đảm để luật sư thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên toà, đồng thời xác định rõ chế độ trách nhiệm đối với luật sư. Nhà nước tạo điều kiện về pháp lý để phát huy chế độ tự quản của tổ chức luật sư; đề cao trách nhiệm của các tổ chức luật sư đối với thành viên của mình”. Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XI (từ ngày 16/5 đến ngày 29/6 năm 2006 đã thông qua Luật Luật sư và Nghị quyết về việc thi hành Luật Luật sư. Ngày19/7/2006 Chủ tịch nước đã ký quyết định công bố Luật Luật sư và Nghị quyết về việc thi hành Luật Luật sư. Luật Luật sư và Nghị quyết về việc thi hành Luật Luật sư có hiệu lực từ ngày 01/01/2007.
Luật Luật sư được Quốc hội khoá XI thông qua là sự tiếp tục hoàn thiện chế định luật sư. Luật Luật sư ra đời với hiệu lực pháp lý cao hơn sẽ góp phần nâng cao vị trí của luật sư và nghề luật sư trong xã hội, xây dựng đội ngũ luật sư đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, có đạo đức nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu của xã hội nói chung và yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng nói riêng.
Trên đây là ý kiến trả lời của Bộ Tư pháp đối với các kiến nghị của cử tri liên quan đến lĩnh vực công tác thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp, xin kính gửi Ban Dân nguyện, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, các Đoàn Đại biểu Quốc hội để tổng hợp, trả lời cử tri.
Nơi nhận: - Như trên; - Các đồng chí Thứ trưởng; - Lưu VP (VT, TH). | BỘ TRƯỞNG (Đã ký) Uông Chu Lưu |