Ngày 21/5/2013, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 1165/QĐ-BTP về việc ban hành Quy chế xây dựng kế hoạch của Bộ Tư pháp. Đây là lần đầu tiên Bộ Tư pháp có một quy chế riêng về kế hoạch. Quy chế gồm 4 Chương, 21 Điều, quy định về nguyên tắc, trình tự xây dựng, nội dung chủ yếu, hình thức, thẩm quyền ban hành hoặc phê duyệt kế hoạch và chế độ trách nhiệm trong hoạt động xây dựng kế hoạch của Bộ Tư pháp.
Quy chế này không điều chỉnh hoạt động xây dựng tất cả các loại kế hoạch, mà chỉ giới hạn điều chỉnh đối với 3 loại: (1) Kế hoạch công tác tư pháp hàng năm của Bộ (hoặc ngành) Tư pháp; (2) Kế hoạch công tác hàng năm hoặc dài hạn của Bộ (hoặc ngành) Tư pháp theo lĩnh vực chuyên môn thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp; (3) Kế hoạch công tác hàng năm của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp. Hoạt động xây dựng kế hoạch của Bộ Tư pháp về đối ngoại, nghiên cứu khoa học, soạn thảo hoặc tổng kết thi hành một văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch công tác 6 tháng, hàng quý, hàng tháng của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ… không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế này.
Đối tượng áp dụng của Quy chế là các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động xây dựng 3 loại kế hoạch nêu trên. Riêng đối với hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự, tại Điều 19 Quy chế quy định: “Trên cơ sở vận dụng các quy định của Quy chế này, Tổng cục Thi hành án dân sự hướng dẫn các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương xây dựng kế hoạch công tác thi hành án dân sự hàng năm của cơ quan, phù hợp với đặc thù công tác thi hành án dân sự và tình hình địa phương; Bảo đảm sự thống nhất về hình thức, cơ cấu nội dung chủ yếu và thẩm quyền ký ban hành hoặc phê duyệt kế hoạch”.
Kể từ ngày Quy chế xây dựng kế hoạch của Bộ Tư pháp có hiệu lực thi hành (21/5/2013), những quy định về xây dựng chương trình công tác năm của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ tại Quy chế làm việc của Bộ Tư pháp (ban hành kèm theo Quyết định số 880/QĐ-BTP ngày 28/4/2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp), Quy chế làm việc mẫu của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp (ban hành kèm theo Quyết định số 2377/QĐ-BTP ngày 02/11/2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp), không phù hợp với Quy chế này hết hiệu lực thi hành.
Có thể nói, hiện nay trong lĩnh vực quản lý nhà nước về kế hoạch, chưa có văn bản pháp luật nào quy định về hình thức, nội dung, quy trình xây dựng, tiêu chí phân loại và đánh giá chất lượng các loại kế hoạch... Điều này khiến các Bộ, ngành gặp khó khăn trong việc quản lý công tác xây dựng kế hoạch ở Bộ, ngành mình. Trong bối cảnh đó, Quy chế xây dựng kế hoạch của Bộ Tư pháp được ban hành là một bước đột phá về thể chế trong quản lý công tác kế hoạch (ở phạm vi Bộ, ngành Tư pháp). Là dấu ấn thành công bước đầu của việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp mà Đề án Đổi mới công tác xây dựng kế hoạch trong ngành Tư pháp đã đề ra./.
Vụ Kế hoạch – Tài chính