Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường ký ban hành Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp

10/10/2012
Thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Kế hoạch của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị,  ngày 28/12/2011, Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 113-KH/BCS về việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (từ tháng 12/2011 đến năm 2015), trong đó quy định: “Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp phối hợp với Đảng uỷ Bộ và các đơn vị thuộc Bộ xây dựng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để tổ chức thực hiện trong toàn Ngành Tư pháp”.

Triển khai thực hiện Kế hoạch nêu trên của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp, Tổ chuyên trách của Bộ phận giúp việc tổ chức thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Thứ trưởng Lê Hồng Sơn - Phó trưởng Bộ phận - trực tiếp chỉ đạo đã tiến hành xây dựng hoàn thành “Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công  chức, viên chức Ngành Tư pháp”.

Ngày 03/10/2012, Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã ký Quyết định số 2659/QĐ-BTP về việc ban hành bản Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp nêu trên, kèm theo các nội dung cụ thể của Chuẩn mực.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hơn 67 năm xây dựng và phát triển,  Ngành Tư pháp có một bản Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp chung đối với cán bộ, công chức, viên chức của toàn Ngành, đặc biệt là trong điều kiện hiện nay khi toàn Đảng, toàn dân ta đang quyết tâm thực hiện đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, tăng cường phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp được xây dựng trên cơ sở quán triệt và thể hiện nổi bật tinh thần những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, về công tác tư pháp và người cán bộ tư pháp; phát huy truyền thống xây dựng, trưởng thành và phát triển của Ngành và yêu cầu nhiệm vụ, thực tiễn phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Đây là những tiêu chuẩn đạo đức cơ bản và toàn diện về phẩm chất nghề nghiệp của người cán bộ tư pháp gắn liền với đặc trưng, chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm công tác của Ngành Tư pháp, được quán triệt và thực hiện thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức toàn Ngành. Bản Chuẩn mực là phương châm, kim chỉ nam cho mọi hoạt động nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp và là tiêu chí để bộ, công chức, viên chức của Ngành rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Bản Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp thể hiện nổi bật và súc tích các chuẩn mực về lòng trung thành, phấn đấu của cán bộ, công  chức, viên chức Ngành Tư pháp đối với mục tiêu xây dựng Tổ quốc Việt Nam XHCN gắn liền với đặc trưng nhiệm vụ của Ngành; về thái độ ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức của Ngành trong quan hệ với nhân dân; về nguyên tắc, phương pháp thực hiện công tác tư pháp; về phẩm chất đạo đức đối với đồng nghiệp và bản thân mà cán bộ, công chức, viên chức  của Ngành cần nêu gương thực hiện. Đó là:

1. Với Tổ quốc - Trung thành, phấn đấu vì “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

2. Với nhân dân - Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân; phục vụ nhân dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.

 3. Với công tác tư pháp - Trách nhiệm, tận tụy, sáng tạo, kỷ cương, phụng công, thủ pháp, chí công vô tư.

4. Với đồng nghiệp - Đoàn kết, thân ái, hợp tác, cùng tiến bộ.

5. Với bản thân - Nêu gương cần, kiệm, liêm, chính, thượng tôn pháp luật.

Mỗi chuẩn mực nêu trên đều được diễn giải nội dung, yêu cầu cụ thể (ban hành kèm theo bản Chuẩn mực) để cán bộ, công chức, viên chức toàn Ngành nhận thức và thực hiện đúng đắn, thống nhất.

Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công  chức, viên chức Ngành Tư pháp” có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; Giám đốc Sở Tư pháp và Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức, quán triệt, triển khai thực hiện.

H. Hà (Văn phòng Bộ)