Quyết định số 2313/QĐ-BTP ngày 10/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy chế tiếp nhận và xử lý thông tin phục vụ công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp

13/08/2012

Kiểm tra văn bản theo các nguồn tin là một phương thức kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý VBQPPL “2. Kiểm tra văn bản khi nhận được yêu cầu, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về văn bản có dấu hiệu trái pháp luật”. Như vậy, khi nhận được yêu cầu, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân về văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, thì cơ quan kiểm tra văn bản có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra văn bản đó theo thẩm quyền. Hiện nay, có rất nhiều thông tin về quy định pháp luật hoặc văn bản có dấu hiệu trái pháp luật được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân phản ánh về Bộ Tư pháp, Cục Kiểm tra VBQPPL. Từ các phản ánh này, nhiều văn bản có nội dung trái pháp luật đã được phát hiện và xử lý kịp thời, bảo đảm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, góp phần nâng cao chất lượng soạn thảo, ban hành văn bản. Thực tế cho thấy, các văn bản được phản ánh thông qua các phương tiện thông tin đại chúng hay do các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác kiến nghị, yêu cầu thường có nội dung liên quan đến quyền, lợi ích của công dân và cơ quan, tổ chức hay các doanh nghiệp, có tác động lớn đến đời sống kinh tế xã hội nên nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận xã hội. Thời gian qua, Bộ Tư pháp đã thực hiện kiểm tra, xử lý một số văn bản theo các nguồn thông tin và đã nhận được sự quan tâm và đồng tình ủng hộ của các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận xã hội.

Có thể nhận thấy, kiểm tra văn bản theo các nguồn thông tin có ý nghĩa quan trọng trong công tác kiểm tra văn bản. Vì vậy, việc ban hành văn bản quy định về trách nhiệm, trình tự, thủ tục tiếp nhận, xử lý thông tin phục vụ công tác kiểm tra văn bản; kiểm tra, xử lý, công bố và lưu trữ kết quả kiểm tra văn bản theo các nguồn thông tin; cung cấp thông tin cho báo chí về kiểm tra văn bản theo các nguồn thông tin ... là tiền đề quan trọng để triển khai có hiệu quả hơn nữa công tác kiểm tra văn bản theo các nguồn thông tin trong thực tiễn.

Xuất phát từ thực tiễn trên, ngày 10 tháng 8 năm 2012, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 2313/QĐ-BTP ban hành Quy chế tiếp nhận và xử lý thông tin phục vụ công tác kiểm tra VBQPPL của Bộ Tư pháp (sau đây gọi tắt là Quy chế).

Quy chế được xây dựng dựa trên những quan điểm chỉ đạo sau:

- Đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của kiểm tra, xử lý văn bản QPPL nói chung được quy định tại Nghị định số 40/2010/NĐ – CP của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản và nguyên tắc phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong kiểm tra văn bản theo các nguồn thông tin;

- Xây dựng trình tự, thủ tục tiếp nhận và xử lý thông tin phục vụ công tác kiểm tra văn bản rõ ràng, có hệ thống, phù hợp với quy định pháp luật về kiểm tra, xử lý văn bản;

- Đảm bảo việc xin ý kiến cũng như sự chỉ đạo kịp thời của Lãnh đạo Bộ Tư pháp trong toàn bộ quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin phục vụ công tác kiểm tra văn bản và kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật, cung cấp thông tin về văn bản được kiểm tra theo các nguồn thông tin.

Quy chế gồm 04 Chương, 16 điều, quy định về các nội dung như: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; Khái niệm thông tin và nguồn thông tin phục vụ công tác kiểm tra văn bản; Nguyên tắc tiếp nhận và xử lý thông tin; Trách nhiệm tiếp nhận thông tin của Cục Kiểm tra văn bản; Trách nhiệm tiếp nhận thông tin của các đơn vị thuộc Bộ; Trách nhiệm phân loại, xử lý thông tin; Trình tự, thủ tục kiểm tra, xử lý văn bản có dấu hiệu trái pháp luật; Chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin; Cung cấp kết quả kiểm tra, xử lý văn bản; Công bố kết quả xử lý văn bản trái pháp luật; lưu trữ kết quả kiểm tra văn bản theo các nguồn thông tin…

Ngoài việc quy định chặt chẽ trình tự, thủ tục tiếp nhận và xử lý thông tin phục vụ công tác kiểm tra văn bản, Quy chế quy định rõ ràng, cụ thể, nhấn mạnh vai trò phối hợp của các đơn vị thuộc Bộ với Cục Kiểm tra văn bản trong quá trình tiếp nhận và xử lý thông tin phục vụ công tác kiểm tra văn bản. Đặc biệt, xác định tính quan trọng và nhạy cảm của (hầu hết) các văn bản được kiểm tra theo các nguồn thông tin, Quy chế đã dành 01 điều (Điều 10) để quy định về “Chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin”, theo đó, các đơn vị, cá nhân thuộc Bộ trong quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin và kiểm tra văn bản theo các nguồn thông tin không được tự ý phát ngôn hoặc cung cấp thông tin về tính hợp pháp của văn bản, thông tin, tài liệu có liên quan khi chưa có kết luận chính thức về tính hợp pháp của văn bản của cơ quan và người có thẩm quyền kiểm tra, xử lý VBQPPL, đồng thời, quy định việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Tư pháp về kết quả kiểm tra văn bản được thực hiện theo Quyết định số 10/2007/QĐ-BTP ngày 07 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Tư pháp và theo quy định tại Điều 12 Quy chế này. Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ủy quyền cho người khác có trách nhiệm thuộc Bộ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí về văn bản có dấu hiệu trái pháp luật được tiếp nhận và kiểm tra theo các nguồn thông tin.

Việc ban hành Quy chế tiếp nhận và xử lý thông tin phục vụ công tác kiểm tra VBQPPL của Bộ Tư pháp là căn cứ quan trọng để Bộ triển khai có hiệu quả hơn nữa việc kiểm tra VBQPPL theo các nguồn thông tin tại Bộ. Hy vọng với vai trò chủ trì, làm đầu mối của Cục Kiểm tra văn bản và sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị thuộc Bộ, Quy chế này sẽ được triển khai thực hiện tốt, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác kiểm tra, xử lý VBQPPL và nâng cao hơn nữa vị thế của Bộ Tư pháp trong đời sống xã hội./.

Lê Thị Uyên – Cục Kiểm tra văn bản QPPL



File đính kèm