Đổi mới quy trình soạn thảo, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở các Bộ, cơ quan ngang bộ

06/06/2006
Đổi mới quy trình soạn thảo, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở các Bộ, cơ quan ngang bộ
Nhằm khắc phục tình trạng luật, pháp lệnh chờ nghị định và thông tư hướng dẫn, ngày 6/6, Ban Xây dựng pháp luật (Văn phòng Chính phủ) đã tổ chức Hội thảo “Đề án đổi mới quy trình soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ”. Hội thảo đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đại diện các Bộ, ngành, các chuyên gia xây dựng chính sách và pháp luật trên cả nước tới tham dự.

Tại Hội thảo, đại biểu của các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao thống nhất với đánh giá của Ban soạn thảo Đề án rằng, các quy định về quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khá tản mạn, chưa đầy đủ, thiếu tính hệ thống và có giá trị pháp lý thấp.

Những bất cấp và nguyên nhân

Trong hầu hết các quy chế xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ ban hành thiếu sự tách bạch giữa các quy định về quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; chưa có quy định gắn kết việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan cấp trên...

Nhiều đại biểu cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng trên là:

Việc lập dự kiến chương trình, kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, cơ quan ngang bộ hiện nay chưa khoa học, chưa dựa trên cơ sở chiến lược phát triển dài hạn của ngành, lĩnh vực. Nhiều Bộ mới chỉ dừng ở mức độ như phát hiện nhu cầu mang tính chủ quan, hoặc phục thuộc, bị động vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan cấp trên, nên chương trình xây dựng không phù hợp, tính khả thi thấp.

Công tác tổ chức, triển khai soạn thảo tuy là một trọng tâm của quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, song không ít tổ, nhóm soạn thảo thường hay sử dụng bộ máy tham mưu giúp việc chủ trì soạn thảo, vì vậy xảy ra tình trang “chấp bút trong phòng kính”…

Sự phối hợp giữa các đơn vị, tổ chức trong góp ý và tổ chức tiếp thu ý kiến hoàn thiện dự thảo còn hạn chế và mang nặng tính hình thức. Nhiều trường hợp trả lời chậm, thậm chí không có ý kiến trả lời dẫn đến làm chậm tiến độ soạn thảo văn bản.

Công tác lấy ý kiến đối tượng chịu sự điều chỉnh còn rất hạn chế, việc công bố công khai dự thảo trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên website của Chính phủ, sau đó là các các Bộ, cơ quan ngang bộ hầu như chưa thực hiện được...

Thu hút sự phản biện , tham gia góp ý của nhân dân

Các đại biểu dự hội thảo cho rằng, yêu cầu cấp bách hiện nay phải đổi mới quy trình xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 

Trước tiên phải gắn kết việc xây dựng, ban hành văn bản của Bộ với việc xây dựng, ban hành triển khai các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước cấp trên ban hành, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục triệt để tình trạng thiếu văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết trong quá trình triển khai thực hiện văn bản luật, Nghị định. Đồng thời phải bảo đảm tính minh bạch, dân chủ của quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, trong đó xây dựng và thực hiện có hiệu quả cơ chế thu hút sự tham gia xây dựng, phản biện, góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và nhân dân về nội dung văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình xây dựng, ban hành và sau khi được ban hành.

Thiết lập quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật áp dụng thống nhất đối với các bộ, cơ quan ngang bộ. Trong đó chú trọng tới, quy trình mới phải được xây dựng trên cơ sở bảo đảm các yêu cầu của cải cách hành chính, lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử.

Quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cần được thực hiện thống nhất theo ba giai đoạn: Xây dựng chính sách, phê duyệt chính sách, quy phạm hóa chính sách, trong đó tập trung nghiên cứu làm rõ và có đổi mới căn bản về khái niệm văn bản quy phạm pháp luật.

Nhiều đại biểu lưu ý đến việc nâng cao chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành cần phải huy động mạnh mẽ sự tham gia đóng góp của các tầng lớp nhân dân vào quá trình dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Đại biểu Dương Thanh Mai, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp nhấn mạnh đến vai trò của Website Chính phủ và Website của các Bộ, cơ quan ngang bộ, đó là con đường ngắn nhất, trực tiếp nhất, ít thời gian nhất để có thể lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, luật sư, cán bộ chuyên ngành vào việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, cơ quan ngang bộ./.

(Theo website Chính phủ)