Ngày 29/02/2012, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 308/QĐ-BTP phê duyệt Kế hoạch công tác năm 2012 của Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính.
Trọng tâm của Kế hoạch công tác năm 2012 của Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính là công tác xây dựng pháp luật với các nhiệm vụ sau đây:
a) Là đơn vị Thường trực của Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp trong việc nghiên cứu, đề xuất những nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; đơn vị thường trực giúp Bộ trưởng trong việc nghiên cứu, góp ý những vấn đề sửa đổi, bổ sung Hiến pháp mà Bộ trưởng được phân công với tư cách là thành viên của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp;
b) Phối hợp với Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện Dự án Luật xử lý vi phạm hành chính để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào tháng 5/2012;
c) Phối hợp với Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện Dự án Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật để Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3;
d) Tổ chức tổng kết 11 năm thi hành Bộ luật hình sự, khảo sát tình hình thi hành Bộ luật hình sự ở một số địa phương; tổ chức một số hội thảo khoa học để đề xuất các nội dung sửa đổi Bộ luật hình sự;
đ) Nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính;
e) Chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực tài chính, kế toán, thuế và chứng khoán, trình lãnh đạo liên ngành ký ban hành vào Quý II/2012;
g) Chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực môi trường, đất đai, trình lãnh đạo liên ngành ký ban hành vào Quý II/2012;
h) Chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về đặt tiền hoặc tài sản để bảo đảm, trình Lãnh đạo liên ngành ký ban hành vào Quý II/2012;
i) Tham gia xây dựng các văn bản nằm trong Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh 2012 của Quốc hội, Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Vụ; văn bản mới phát sinh được bổ sung vào các chương trình và được Lãnh đạo Bộ phân công.
Các lĩnh vực công tác khác cũng sẽ được triển khai một cách đồng bộ, bao gồm:
1. Công tác tổ chức, cán bộ:
a) Hoàn thiện và ban hành Quy chế làm việc của Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính;
b) Tiếp tục đề xuất việc bổ nhiệm các lãnh đạo cấp phòng; làm tốt công tác nhân sự, phát hiện và có kế hoạch bồi dưỡng cán bộ nguồn để bổ sung vào quy hoạch đội ngũ lãnh đạo cấp phòng và cấp Vụ;
c) Đề nghị bổ sung công chức cho các Phòng theo đúng số lượng chỉ tiêu biên chế được phân bổ;
d) Tiếp tục bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cán bộ mới được tuyển dụng;
đ) Quan tâm đến nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng thêm của cán bộ, công chức; tạo điều kiện tối đa để cán bộ, công chức được đào tạo, bồi dưỡng thêm.
2. Công tác góp ý, thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật
Thực hiện các hoạt động góp ý, thẩm định đúng tiến độ; bảo đảm chất lượng và hiệu quả.
3. Công tác thực hiện chương trình, đề án
a) Thực hiện kế hoạch hoạt động năm 2012 của Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 - 2015 (Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 5): Bổ sung, sửa đổi hệ thống pháp luật, chính sách về tư pháp cho người chưa thành niên; tăng cường nhận thức và nâng cao năng lực về tư pháp đối với người chưa thành niên cho đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật, cán bộ làm việc với người chưa thành niên là nạn nhân, nhân chứng, người chưa thành niên vi phạm pháp luật; xây dựng và thực hiện thí điểm việc xử lý chuyển hướng thân thiện hơn đối với người chưa thành niên phạm tội.
b) Thực hiện các hoạt động của Dự án Hệ thống tư pháp thân thiện với người chưa thành niên thuộc Chương trình hợp tác Việt Nam - UNICEF về bảo vệ trẻ em: Nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật hình sự liên quan đến người chưa thành niên.
c) Thực hiện các hoạt động rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm trong khuôn khổ Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011 - 2015:
- Nghiên cứu hoàn thiện chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm trong pháp luật hình sự và xử lý vi phạm hành chính;
- Nghiên cứu nội dung về phòng, chống mại dâm, tổ chức các cuộc họp tư vấn góp ý, thẩm định, bình luận nội dung văn bản nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tính khả thi của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác phòng, chống mại dâm;
- Nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, đánh giá tác động, các quy định Pháp lệnh phòng, chống mại dâm và một số văn bản thi hành (Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội);
d) Thực hiện các hoạt động liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma tuý, HIV/AIDS.
đ) Thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ Đề án “Thực hiện chỉ thị số 44-CT/TW ngày 20/7/2010 của Ban Bí thư về công tác nhân quyền trong tình hình mới và thực hiện các khuyến nghị được Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc thông qua theo cơ chế kiểm điểm định kỳ” (gọi tắt là Đề án UPR):
- Nghiên cứu đánh giá tính tương thích của Bộ luật hình sự với các điều ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam là thành viên;
- Đề xuất một số nội dung liên quan của Bộ luật hình sự nhằm tăng cường quyền con người;
- Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống hình phạt trong Bộ luật hình sự;
- Nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền đưa Luật ban hành quyết định hành chính vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2013.
e) Thực hiện hoạt động trong khuôn khổ Chương trình phát triển nghề xã hội: Rà soát, đánh giá pháp luật về nghề công tác xã hội và đề xuất hướng hoàn thiện.
g) Thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ Dự án UNDP:
- Nghiên cứu, đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992;
- Nghiên cứu quy trình chuẩn của việc xem xét và quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính trong Luật Xử lý vi phạm hành chính;
- Xây dựng báo cáo đánh giá thực tiễn thi hành một số quy định của Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự liên quan đến quyền con người.
h) Nghiên cứu xây dựng Đề án: “Xác định vai trò, tiêu chí của hệ thống pháp luật về quản lý hành chính của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo hướng công khai, dân chủ, minh bạch, hiệu quả, gần dân và thúc đẩy sự phát triển”. Nhiệm vụ này được xác định trong Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020.
i) Chương trình cải cách hành chính: Xây dựng, trình Bộ trưởng ban hành chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của Bộ theo chương trình, kế hoạch cải cách hành chính nhà nước của Chính phủ và sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đề xuất các giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả cải cách thể chế hành chính nhà nước để Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
k) Thực hiện báo cáo chuyên đề tổng kết việc thực hiện quyền đại diện và quyền làm chủ của nhân dân tại địa bàn huyện, quận, phường nơi thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường; nghiên cứu cơ chế bảo đảm thực hiện quyền đại diện và quyền làm chủ của nhân dân trong điều kiện không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường. Nhiệm vụ này được phân công tại Kế hoạch số 06/KH-BCĐKTCHĐND của Ban chỉ đạo trung ương thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường.
l) Triển khai các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực trạng về tiếp cận thông tin tại các bộ, ngành, địa phương phục vụ cho việc tiếp tục hoàn thiện dựng Dự án Luật tiếp cận thông tin theo kế hoạch triển khai Chỉ thị số 44 về công tác nhân quyền trong tình hình mới.
4. Công tác thi hành pháp luật
a) Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật.
b) Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính.
5. Công tác nghiên cứu khoa học
Nghiên cứu đề tài cấp Bộ: “Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 dưới góc nhìn của Chính phủ”.
6. Hướng dẫn nghiệp vụ
a) Hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương về kỹ năng soạn thảo, thẩm định, đánh giá tác động văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở cuốn sổ tay về vấn đề này.
b) Hướng dẫn việc thực hiện Thông tư số 25/TT-BTP ngày 27/12/2011 của Bộ Tư pháp về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và văn bản quy phạm pháp luật liên tịch.
c) Hướng dẫn các bộ, ngành về kỹ thuật hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, về xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện việc hợp nhất đối với các văn bản ban hành trước thời điểm Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực.
7. Tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật
a) Biên soạn và phát hành một số tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật để giới thiệu các văn bản mới được ban hành có liên quan đến lĩnh vực công tác của Vụ.
b) Cử cán bộ, công chức tham gia giảng bài tại các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng, giới thiệu văn bản pháp luật mới.
Kế hoạch công tác năm 2012 của Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính còn thể hiện cam kết của toàn thể cán bộ, công chức trong việc thi đua hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn theo tinh thần “Tự Tin - Chủ Động - Trách Nhiệm” và hưởng ứng cuộc vận động thi đua “Về đích sớm” do Bộ phát động.
Để tổ chức thực hiện Kế hoạch, Lãnh đạo Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính sẽ có các biện pháp chỉ đạo, điều hành kịp thời, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ đề ra; thường xuyên nắm bắt tiến độ và kết quả thực hiện Kế hoạch công tác; định kỳ 6 tháng và hàng năm tổ chức đánh giá tình hình thực hiện, báo cáo đầy đủ, nghiêm túc theo quy định. Các đồng chí Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng phụ trách đơn vị thuộc Vụ có trách nhiệm triển khai thực hiện Kế hoạch công tác năm 2012 của Vụ trong đơn vị mình. Đồng thời, các công chức trong đơn vị cũng sẽ phát huy tính chủ động, sáng tạo, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong giải quyết công việc của đơn vị; phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả để cùng hoàn thành các nhiệm vụ được giao./.
Phòng Tổng hợp - Hành chính, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính