Thông cáo báo chí văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 01 năm 2024

22/02/2024
Thực hiện khoản 2, khoản 3 Điều 12 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 và Thông tư số 07/2021/TT-BTP ngày 01/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về quy định việc ban hành thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ Chính phủ ban hành, trên cơ sở tổng hợp thông tin do các bộ, cơ quan ngang bộ cung cấp, Bộ Tư pháp ra Thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 01 năm 2024, cụ thể như sau:
I. DANH MỤC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH
Các Nghị định của Chính phủ:
1. Nghị định số 01/2024/NĐ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2024 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2013, Nghị định số 64/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016, Nghị định số 125/2018/NĐ-CP ngày 19 tháng 9 năm 2018, Nghị định số 117/2021/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2021, Nghị định số 70/2022/NĐ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2022);
2. Nghị định số 04/2024/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2024 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp;
3. Nghị định số 06/2024/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2024 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa.
II. HIỆU LỰC THI HÀNH, SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH BAN HÀNH VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
1. Nghị định số 01/2024/NĐ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2024 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2013, Nghị định số 64/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016, Nghị định số 125/2018/NĐ-CP ngày 19 tháng 9 năm 2018, Nghị định số 117/2021/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2021, Nghị định số 70/2022/NĐ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2022)
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2024.
- Điều khoản chuyển tiếp: Trường hợp hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ (cấp lại chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ; cấp đổi chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ; chấp thuận cơ sở đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ; cấp lại giấy chấp thuận cơ sở đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ) đã gửi đến Cục Đường bộ Việt Nam trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2013, Nghị định số 64/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016, Nghị định số 125/2018/NĐ-CP ngày 19 tháng 9 năm 2018, Nghị định số 117/2021/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2021 và Nghị định số 70/2022/NĐ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2022).
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
- Sự cần thiết ban hành:
Ngày 06/8/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 tại Quyết định số 933/QĐ-TTg, trong đó giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì thực thi phương án đơn giản hoá thủ tục hành chính, xây dựng theo trình tự thủ tục rút gọn để sửa đổi, bổ sung Nghị định số 70/2022/NĐ-CP ngày 27/9/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đường bộ. Do đó, việc ban hành Nghị định số 01/2024/NĐ-CP ngày 01/01/2024 của Chính phủ là cần thiết.
- Mục đích ban hành:
Việc xây dựng Nghị định số 01/2024/NĐ-CP ngày 01/01/2024 của Chính phủ để thực hiện theo chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 18/8/2017 thực hiện đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, giảm bớt thành phần hồ sơ cần khai báo khi thực hiện thủ tục hành chính, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời để thực hiện 19 Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ và đẩy mạnh triển khai Đề án 06 của Chính phủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, giảm bớt thành phần hồ sơ cần khai báo khi thực hiện thủ tục hành chính.
c) Nội dung chủ yếu:
- Về bố cục của Nghị định: Nghị định gồm 03 Điều, cụ thể như sau:
+ Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 03/9/2013, Nghị định số 64/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016, Nghị định số 125/2018/NĐ-CP ngày 19/9/2018, Nghị định số 117/2021/NĐ-CP ngày 22/12/2021 và Nghị định số 70/2022/NĐ-CP ngày 27/9/2022).
+ Điều 2. Điều khoản chuyển tiếp.
+ Điều 3. Hiệu lực thi hành.
- Nội dung cơ bản của Nghị định:
Sửa đổi theo hướng bãi bỏ (lược bỏ) các trường thông tin của công dân đã có trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thay thế các trường thông tin (về giới tính, dân tộc, quốc tịch, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú…) bằng 03 trường thông tin: họ và tên, ngày tháng năm sinh, số định danh cá nhân/chứng minh nhân dân… trong đó, trường hợp các trường thông tin không cần thiết với cả người dân cũng như đối với cơ quan quản lý nhà nước thì lược bỏ; trường hợp các trường thông tin cần thiết để bảo đảm quản lý nhà nước đã có trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì không yêu cầu người dân cung cấp nhưng vẫn quy định trong văn bản để các đơn vị có cơ sở pháp lý khai thác thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cụ thể, thay thế Phụ lục IV, Phụ lục VI, Phụ lục VII kèm theo Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tương ứng bằng Phụ lục I, Phụ lục II, Phụ lục III kèm theo Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ.
2. Nghị định số 04/2024/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2024 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 3 năm 2024.
- Điều khoản chuyển tiếp:
+ Các công ty nông, lâm nghiệp đã hoàn thành sắp xếp, đổi mới vẫn là doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ nhưng hoạt động không hiệu quả và cần sắp xếp, đổi mới lại thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số 118/2014/NĐ- CP ngày 17 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp và quy định tại Nghị định này.
+ Đối với các công ty nông, lâm nghiệp chưa hoàn thành sắp xếp, đổi mới trước ngày Nghị định này có hiệu lực mà có phương án sắp xếp, đổi mới đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đáp ứng các quy định tại Nghị định này thì tiếp tục thực hiện theo phương án được phê duyệt.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
- Sự cần thiết ban hành:
Cơ sở pháp lý
Bộ Chính trị khóa XII ban hành Kết luận số 82-KL/TW ngày 29/7/2020 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 984/QĐ- TTg ngày 23/6/2021 về Kế hoạch triển khai Kết luận số 82-KL/TW của Bộ Chính trị; Văn Phòng Chính phủ có các văn bản: số 5824/VPCP-ĐMDN ngày 06/9/2022; số 08/TB-VPCP ngày 13/01/2023; số 281/TB-VPCP ngày 18/7/2023; số 7156/VPCP-ĐMDN ngày 18/9/2023 về ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2014/NĐ-CP.
Cơ sở thực tiễn
Triển khai Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp (Nghị quyết số 30-NQ/TW), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp (Nghị định 118/2014/NĐ-CP). Tính đến ngày 31/12/2022, sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW và Nghị định 118/2014/NĐ-CP, cả nước có 256 công ty nông, lâm nghiệp (120 công ty TNHHMTV nông nghiệp và 136 công ty TNHHMTV lâm nghiệp) do 49 địa phương, tập đoàn, tổng công ty quản lý, thực hiện sắp xếp, đổi mới. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tổng thể của 40/41 tỉnh, thành phố và các tập đoàn, tổng công ty với 252/256 công ty nông, lâm nghiệp. Số doanh nghiệp đã hoàn thành sắp xếp, đổi mới chuyển sang hoạt động theo mô hình mới là 161/256 công ty nông, lâm nghiệp đạt 62,9%. Quá trình triển khai thực hiện Nghị định 118/2014/NĐ-CP còn một số tồn tại, bất cập:
+ Một số công ty nông, lâm nghiệp sản xuất, kinh doanh chưa hiệu quả, tình hình tài chính còn nhiều khó khăn, chưa bảo đảm các yêu cầu của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước, kinh doanh thua lỗ, mất vốn nhà nước, giao khoán đất nhưng không quản lý được đất đai và sản phẩm khoán.
+ Các công ty thuộc diện duy trì mô hình công ty TNHH MTV thực hiện nhiệm vụ công ích phần lớn chưa được bổ sung vốn điều lệ. Cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ công ích đối với rừng phòng hộ, đặc dụng xen kẹp, rừng sản xuất là rừng tự nhiên đang tạm dừng khai thác chưa được thực hiện.
+ Đa số công ty nông, lâm nghiệp được cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối hoạt động chưa hiệu quả, chưa thu hút được vốn đầu tư bên ngoài; việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung thâm canh gắn với công nghiệp chế biến và thị trường đã có nhưng chưa nhiều; một số công ty không quản lý được sản phẩm khoán, chưa tìm được đối tác chiến lược.
+ Một số công ty chuyển sang mô hình công ty TNHH 2 thành viên trở lên vẫn chưa cải thiện được tình hình sản xuất kinh doanh, chưa hình thành được các vùng sản xuất nông, lâm sản hàng hóa tập trung thâm canh gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
+ Một số công ty nông, lâm nghiệp bị giải thể nhưng không giải thể được do mất khả năng thanh toán.
+ Công tác quản lý đất đai còn bất cập: việc đo đạc, rà soát, cắm mốc ranh giới, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm.
+ Một số công ty nông, lâm nghiệp sau chuyển đổi mô hình chưa thu hút được vốn, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất dẫn đến hiệu quả sử dụng đất, tài nguyên rừng còn hạn chế, chưa hình thành được các vùng sản xuất nông lâm sản, hàng hóa tập trung thâm canh gắn với công nghiệp chế biến và thị trường.
Từ những lý do cơ bản nêu trên, việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2014/NĐ-CP trình Chính phủ xem xét ban hành là rất cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương, chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 82-KL/TW, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
- Mục đích ban hành:
Giải quyết các tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp khi thực hiện Nghị định số 118/2014/NĐ-CP.
c) Nội dung chủ yếu:
- Về bố cục của Nghị định: Nghị định bao gồm 4 điều, cụ thể như sau:
+ Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.
+ Điều 2. Bãi bỏ khoản 2, khoản 3 Điều 2 và khoản 5 Điều 23 Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.
+ Điều 3. Hiệu lực thi hành.
+ Điều 4. Trách nhiệm thi hành.
3. Nghị định số 06/2024/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2024 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 03 năm 2024.
- Quy định chuyển tiếp:
+ Các văn bản thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng bến thủy nội địa, bến khách ngang sông, bến thủy nội địa phục vụ thi công công trình chính và các Quyết định công bố, công bố lại, gia hạn hoạt động bến thủy nội địa, bến khách ngang sông, bến thủy nội địa phục vụ thi công công trình chính đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được thực hiện đến khi hết thời hạn quy định của văn bản. Hết thời hạn quy định của văn bản, các tổ chức, cá nhân thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
+ Các hồ sơ đề nghị thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng bến thủy nội địa, bến khách ngang sông, bến thủy nội địa phục vụ thi công công trình chính và các hồ sơ đề nghị công bố, công bố lại, gia hạn hoạt động bến thủy nội địa, bến khách ngang sông, bến thủy nội địa phục vụ thi công công trình chính, công bố đóng bến thủy nội địa đã được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì cơ quan có thẩm quyền đã tiếp nhận hồ sơ tiếp tục thực hiện giải quyết theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực tại thời điểm tiếp nhận hồ sơ.
+ Trong thời hạn 90 ngày làm việc, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, Sở Giao thông vận tải thực hiện bàn giao hồ sơ đề nghị công bố, công bố lại hoạt động bến thủy nội địa đã được giải quyết về Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có thẩm quyền công bố, công bố lại, gia hạn hoạt động bến thủy nội địa theo quy định tại khoản 2 và khoản 5 Điều 1 Nghị định này. Trong thời gian chưa bàn giao, tiếp nhận hồ sơ, nếu có trường hợp đề nghị công bố lại hoạt động bến thủy nội địa thì Sở Giao thông phối hợp cung cấp trước hồ sơ bến đó cho Ủy ban nhân dân cấp huyện để công bố hoạt động lại bến thủy nội địa.
+ Đối với hình thức thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến qua Cổng dịch vụ công thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
Ngày 15/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, theo đó có đề ra nhiệm vụ "đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cho cấp đó giải quyết, đảm bảo nguyên tắc quản lý ngành, lãnh thổ, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực, phiền hà cho nhân dân".
Ngày 10/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 04/NQ-CP về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước với mục tiêu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm phân định rõ nhiệm vụ và quyền hạn, thẩm quyền và trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ; giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch,...
Ngày 30/8/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1015/QĐ-TTg phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong đó, có các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đường thủy nội địa được quy định tại Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28/01/2021 của Chính phủ. Theo đó, thực hiện phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) từ Sở Giao thông vận tải về Uỷ ban nhân dân cấp huyện đối với nhóm các thủ tục: Công bố hoạt động bến khách ngang sông, bến thủy nội địa phục vụ thi công công trình chính (mã TTHC: 1.009455); Công bố hoạt động bến thủy nội địa (mã TTHC: 1.009454); Công bố lại hoạt động bến thủy nội địa (mã TTHC: 1.003658); Thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng bến khách ngang sông, bến thủy nội địa phục vụ thi công công trình chính (mã TTHC: 1.009453).
Những nội dung sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28/01/2021 của Chính phủ là yêu cầu về phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ GTVT trong lĩnh vực đường thủy nội địa nhằm thực hiện các quan điểm, mục tiêu tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ, Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ, Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28/01/2021 của Chính phủ liên quan đến phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đường thủy nội địa là cần thiết.
c) Nội dung chủ yếu:
- Về bố cục: Nghị định gồm 03 Điều, 01 Phụ lục như sau:
+ Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28/01/2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa.
Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2; bổ sung điểm d khoản 2; sửa đổi, bổ sung điểm c, điểm d khoản 5 Điều 15; sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 16; sửa đổi, bổ sung khoản 4, khoản 10 Điều 18; bãi bỏ điểm b, điểm c khoản 4 Điều 20 và sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 4 Điều 20.
+ Điều 2. Quy định chuyển tiếp.
+ Điều 3. Điều khoản thi hành.
- Nội dung cơ bản của Nghị định:
Việc sửa đổi quy định tại Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28/01/2021 của Chính phủ theo hướng phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng bến khách ngang sông, bến thủy nội địa phục vụ thi
công công trình chính nhằm cụ thể hoá nội dung Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo nguyên tắc cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cho cấp đó giải quyết các thủ tục hành chính, góp phần giảm thiểu thời gian, chi phí đi lại cho người dân, doanh nghiệp.
Trên đây là Thông cáo báo chí văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 01 năm 2024 Bộ Tư pháp xin thông báo./.