Thông cáo báo chí công tác Tư pháp Quý I/2017I. KẾT QUẢ CÔNG TÁC CHỦ YẾU QUÝ I VÀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM QUÝ II/2017
1. Kết quả công tác chủ yếu Quý I/2017
Trong Quý I/2017, Bộ, ngành Tư pháp đã bám sát Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm:>1.1. Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, xử lý, rà soát VBQPPL tiếp tục được triển khai tích cực ngay từ đầu năm, góp phần nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự thảo VBQPPL.Bộ Tư pháp đã tích cực phối hợp với các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện để trình tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV thông qua đối với 03 dự án luật và 01 dự thảo Nghị quyết[1]; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 03/4 văn bản[2], đang tiếp tục hoàn thiện để trình Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại; đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ theo các kế hoạch triển khai thi hành các luật sắp có hiệu lực thi hành: Luật đấu giá tài sản, Luật tiếp cận thông tin.Bộ đã thẩm định 41 dự thảo VBQPPL, 22 đề nghị xây dựng VBQPPL[3] và 24 điều ước quốc tế; đã kiểm tra 903 văn bản của các Bộ, ngành, địa phương; bước đầu phát hiện 16 văn bản sai về nội dung (06 văn bản của Bộ, cơ quan ngang Bộ, 10 văn bản của địa phương) và đã ra 16 thông báo đối với các văn bản sai nói trên. Hiện nay, có 13 văn bản đã xử lý, các văn bản còn lại đang trong quá trình xử lý theo quy định.
Bộ đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc ban hành văn bản quy định chi tiết. Kết quả: đối với 37 văn bản quy định chi tiết 15 luật đã có hiệu lực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành được 12/37 văn bản (09 nghị định, 01 quyết định, 02 thông tư), tỷ lệ ban hành cao hơn so với Quý I/2016. Riêng Bộ Tư pháp đến nay không nợ văn bản quy định chi tiết.
1.2. Công tác THADS đã thực hiện sơ kết 06 tháng đầu năm 2017 vào ngày 17/4/2017, theo đó, kết quả THADS từ ngày 01/10/2016 đến ngày 31/3/2017 như sau: Về việc: Tổng số việc phải thi hành là 578.515 việc, trong đó: Số có điều kiện thi hành là 435.752 việc, chiếm 75,32% trong tổng số phải thi hành. Số giải quyết xong trong số có điều kiện thi hành là 225.116 việc, tăng 5,89% so với cùng kỳ năm 2016; đạt tỉ lệ 51,66% (tăng 3,24% so với cùng kỳ năm 2016). Về tiền: Tổng số phải thi hành là 136.226 tỷ 184 triệu 233 nghìn đồng, trong đó: Số có điều kiện thi hành là 92.681 tỷ 814 triệu 052 nghìn đồng, chiếm 68,04% trong tổng số phải thi hành. Số thi hành xong trong số có điều kiện thi hành là 16.908 tỷ 704 triệu 065 nghìn đồng, tăng 81,24% so với cùng kỳ năm 2016; đạt tỉ lệ 18,24% (tăng 8,18% so với cùng kỳ năm 2016). Riêng đối với các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng, đã thi hành xong 1.654 việc, tương ứng với số tiền là 10.524 tỷ 470 triệu 399 nghìn đồng.
Bộ Tư pháp cũng đã tích cực thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 06/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác THADS; tập trung giải quyết các vụ việc thi hành án trọng điểm, các vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng, các vụ việc khiếu nại tố cáo phức tạp, kéo dài.
1.3. Công tác hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp, nuôi con nuôi, bồi thường nhà nước:
- Về lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực:
Bộ Tư pháp đã tập trung triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 - 2024; triển khai phần mềm đăng ký khai sinh, kết nối cấp số định danh cá nhân tại 12 địa phương (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, An Giang, Hà Nam, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Khánh Hòa) và huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Tính từ ngày 01/01/2017 đến ngày 25/4/2017, Hệ thống đã thực hiện đăng ký khai sinh cho 182.467 trường hợp, cấp số định danh cá nhân cho 132.074 trẻ em, nâng tổng số đăng ký khai sinh từ ngày 01/01/2016 đến ngày 25/4/2017 trên Hệ thống lên là 566.814 trường hợp và cấp số định danh cá nhân trên Hệ thống lên là 440.262 trẻ em. Liên quan đến việc báo chí phản ánh một số vấn đề khó khăn, vướng mắc và các sai phạm trong việc đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn tại một số địa phương (Quảng Trị, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Hà Nội…), Bộ đã chỉ đạo Cục hộ tịch, quốc tịch, chứng thực yêu cầu các địa phương kiểm tra thông tin, chỉ đạo xử lý nghiêm nếu có sai phạm và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các địa phương.
Bộ đã trình Chủ tịch nước giải quyết 1.085 hồ sơ xin thôi, xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam, trong đó có 1.077 hồ sơ xin thôi quốc tịch; 07 hồ sơ xin nhập quốc tịch; 01 hồ sơ xin trở lại quốc tịch và trả lời 265 trường hợp tra cứu, xác minh quốc tịch cho Sở Tư pháp các địa phương, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an và Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.
Bộ cũng đã chuẩn bị hồ sơ tài liệu liên quan đến tiến hành việc kiểm tra, thực hiện Kết luận thanh tra lĩnh vực chứng thực tại một số đơn vị là đối tượng thanh tra trên địa bàn thành phố Hà Nội. Chuẩn bị tổ chức thanh tra chuyên ngành lĩnh vực quốc tịch tại TP Hồ Chí Minh; thanh tra chuyên ngành lĩnh vực hộ tịch, chứng thực tại Cao Bằng, Yên Bái, Bắc Ninh trong Quý II/2017.
- Về lĩnh vực lý lịch tư pháp: Tính đến hết Quý I/2017 đã có 58/63 Sở Tư pháp triển khai cấp Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính và 59/63 Sở Tư pháp triển khai Phân hệ đăng ký cấp Phiếu LLTP trực tuyến. Trung tâm LLTP quốc gia đã cấp 95 Phiếu LLTP (52 Phiếu số 1 và 43 Phiếu số 2); đồng thời, đã thực hiện cập nhật 12.335 bản LLTP, 4.203 thông tin LLTP bổ sung và đưa vào lưu trữ 4.432 hồ sơ LLTP bằng giấy.
- Về lĩnh vực nuôi con nuôi: Bộ Tư pháp đã giải quyết được 90 trường hợp xin trẻ em Việt Nam làm con nuôi người nước ngoài theo đúng các quy định của pháp luật.
- Về lĩnh vực bồi thường nhà nước: Bộ Tư pháp đã tiếp nhận và xử lý đối với 10 đơn thư yêu cầu cung cấp thông tin, hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường, trong đó thực hiện cung cấp thông tin, hỗ trợ việc thực hiện quyền yêu cầu bồi thường cho 06 trường hợp; 03 trường hợp lưu đơn tiếp tục theo dõi; 01 trường hợp đang tiếp tục nghiên cứu, giải quyết.
1.4. Công tác bổ trợ tư pháp: Bộ tiếp tục theo dõi, đôn đốc việc thành lập Hội công chứng viên của các địa phương (đến nay, trên cả nước đã có 37 Hội công chứng viên được thành lập); bổ nhiệm công chứng viên đối với 23 trường hợp; cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư đối với 140 trường hợp, cấp Giấy phép hành nghề luật sư nước ngoài cho 04 trường hợp; cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá đối với 96 trường hợp; cấp Chứng chỉ hành nghề quản tài viên đối với 67 trường hợp; bổ nhiệm 06 Thừa phát lại.
Bộ đã quyết định thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư của 29 trường hợp, trong đó có 17 trường hợp thu hồi theo nguyện vọng và 12 trường hợp[4] do bị kỷ luật xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư; đã miễn nhiệm công chứng viên đối với 04 trường hợp[5]; đã thu hồi chứng chỉ hành nghề đấu giá tài sản đối với 02 trường hợp[6]
Thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2017, trong thời gian qua, Thanh tra Bộ Tư pháp đã tiến hành thanh tra một số tổ chức bán đấu giá tài sản và đã ban hành các kết luận thanh tra đối với từng trường hợp cụ thể. Theo đó, ngày 06/03/2017, Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp đã ký ban hành Kết luận thanh tra số 09/KL-TTR đối với Công ty TNHH Bán đấu giá tài sản số 1 Hà Tĩnh và ngày 22/3/2017, Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp đã ký ban hành Kết luận thanh tra số 11/KL-TTR về việc thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản tại Công ty Cổ phần Đấu giá Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh.
Liên quan đến phản ánh của Trung tâm tin tức VTV24 Đài truyền hình Việt Nam về việc một Văn phòng Công chứng trên địa bàn TP Hà Nội thực hiện việc chứng thực bản sao không đúng quy định của pháp luật, ngày 03/3/2017 Bộ Tư pháp đã có Thông cáo báo chí về vấn đề này. Theo đó, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Sở Tư pháp Hà Nội tiến hành thanh tra Văn phòng công chứng có liên quan theo quy định. Tuy nhiên, do nội dung thanh tra phức tạp, Sở Tư pháp Hà Nội đã ban hành Quyết định về việc gia hạn thời hạn thanh tra để kiểm tra, xác minh thêm. Hiện nay, việc thanh tra đang tiếp tục được tiến hành theo quy định; Bộ Tư pháp sẽ thông tin sau khi có kết luận thanh tra.
1.5. Công tác tiếp công dân: Bộ Tư pháp đã tiếp 99 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo. Trong đó có 81 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền (chiếm 81,8%). Lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng đã tổ chức 01 buổi tiếp công dân định kỳ tháng 2; gần đây nhất, ngày 14/4/2017, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã chủ trì buổi tiếp công dân về nội dung liên quan đến lĩnh vực thi hành án dân sự.
2. Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác Quý II/2017
2.1. Chuẩn bị tốt nội dung phục vụ Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ chỉnh lý, hoàn thiện Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.
2.2. Hoàn thiện để trình Chính phủ 04 văn bản thuộc Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Quý II là: (1) Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Tư pháp; (2) Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu giá tài sản; (3) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật lý lịch tư pháp; (4) Đề án đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021.
2.3. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ theo các kế hoạch triển khai thi hành các luật sắp có hiệu lực: Luật đấu giá tài sản, Luật tiếp cận thông tin; chuẩn bị các điều kiện triển khai thi hành các luật sau khi được kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV thông qua. Tiếp tục theo dõi, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, trong đó đặc biệt là 25 văn bản quy định chi tiết 15 luật đã có hiệu lực. Tổ chức một số đoàn công tác làm việc với Bộ, ngành về công tác xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh.
2.4. Thực hiện nhiệm vụ thẩm định, góp ý tham gia xây dựng đề nghị xây dựng VBQPPL và dự án, dự thảo VBQPPL năm 2017 đảm bảo tiến độ và chất lượng.
2.5. Tổ chức triển khai thực hiện Nghị định thay thế Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngay sau khi Chính phủ ban hành; hoàn thành việc ban hành các văn bản nội bộ sau khi Nghị định thay thế Nghị định số 22/2013/NĐ-CP được Chính phủ ban hành. Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ về công tác cán bộ; phê duyệt Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2015 - 2021 của các đơn vị thuộc Bộ.
2.6. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ và các đơn vị thuôc Bộ; mở rộng việc triển khai việc sử dụng chữ ký số tại các đơn vị thuộc Bộ.
2.7. Triển khai sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2017.
II. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN; MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 22/2017/NĐ-CP NGÀY 24/2/2017 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ HÒA GIẢI THƯƠNG MẠI
1. Tình hình triển khai thi hành Luật đấu giá tài sản
1.1. Ngày 17/11/2016, Luật đấu giá tài sản được Quốc hội thông qua (có hiệu lực từ ngày 01/7/2017), đánh dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đấu giá tài sản. Để triển khai kịp thời, thống nhất và hiệu quả Luật, ngày 04/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 410/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật đấu giá tài sản.
Kế hoạch gồm 04 nội dung chủ yếu như sau: (1) Tổ chức rà soát các VBQPPL hiện hành liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc xây dựng, ban hành mới các VBQPPL bảo đảm phù hợp với quy định của Luật; (2) Xây dựng và vận hành trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản; (3) Rà soát đội ngũ đấu giá viên, doanh nghiệp đấu giá tài sản; bồi dưỡng kỹ năng hành nghề cho đội ngũ đấu giá viên; đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện quản lý nhà nước về đấu giá tài sản; (4) Tổ chức tập huấn chuyên sâu và quán triệt việc thi hành và phổ biến nội dung của Luật.
Hiện nay, Bộ Tư pháp đang triển khai các nội dung nêu trên theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật đấu giá tài sản do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng, hiện Nghị định này đã được thẩm định và đang hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ, đảm bảo được ban hành có hiệu lực cùng thời điểm Luật có hiệu lực.
1.2. Liên quan đến việc báo chí phản ánh về vấn đề đấu giá biển số xe, Bộ Tư pháp xin thông tin như sau:
Một trong những quan điểm chỉ đạo cơ bản của việc xây dựng Luật đấu giá tài sản là quy định thống nhất về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản. Tài sản đấu giá bao gồm tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá và tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá. Bên cạnh đó, Luật đấu giá tài sản đã có quy định mở theo hướng các tài sản khác mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá thì sẽ được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật đấu giá tài sản (chẳng hạn như quyền khai thác cảng biển, sân bay...).
Hiện nay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đang chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp xem xét, xây dựng cơ chế về đấu giá biển số xe báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2017. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các Bộ, ngành có liên quan trong việc xây dựng, tham gia ý kiến về văn bản, đề án nêu trên.
2. Những nội dung cơ bản của Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ về hòa giải thương mại
Ngày 24/02/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại. Nghị định được ban hành nhằm cung cấp thêm một phương thức giải quyết tranh chấp thương mại và khuyến khích các bên tranh chấp sử dụng hòa giải thương mại để giải quyết tranh chấp, cũng như chủ trương xã hội hóa các nguồn lực xã hội trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hòa giải viên.
2.1. Phạm vi giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại là tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại hoặc tranh chấp giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại hoặc tranh chấp khác giữa các bên theo quy định của pháp luật.
2.2. Nghị định quy định các tiêu chuẩn của hòa giải viên thương mại như có năng lực hành vi dân sự, có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, độc lập, vô tư, khách quan, có trình độ đại học trở lên và đã qua thực tế công tác trong lĩnh vực được đào tạo từ 02 năm trở lên, có kỹ năng hòa giải, hiểu biết pháp luật, hiểu biết tập quán kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực liên quan. Ngoài các tiêu chuẩn trên, tổ chức cung cấp dịch vụ hòa giải thương mại có thể quy định các tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại của tổ chức mình cao hơn. Đồng thời, quy định cụ thể các trường hợp không được làm hòa giải viên thương mại; quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên thương mại, những hành vi bị cấm đối với hòa giải viên thương mại.
2.3. Tổ chức hòa giải thương mại bao gồm Trung tâm hòa giải thương mại và Trung tâm trọng tài có cung cấp dịch vụ hòa giải thương mại. Theo đó, Trung tâm hòa giải thương mại được Bộ Tư pháp cấp Giấy phép thành lập khi có sáng lập viên là công dân Việt Nam có đủ tiêu chuẩn quy định tại Nghị định này đề nghị thành lập. Trung tâm hòa giải thương mại được hoạt động sau khi được cấp Giấy phép thành lập.
2.4. Nghị định quy định tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài đã được thành lập và hoạt động hợp pháp tại nước ngoài, tôn trọng Hiến pháp và pháp luật Việt Nam thì được phép hoạt động tại Việt Nam dưới các hình thức chi nhánh hoặc văn phòng đại diện của tổ chức hòa giải nước ngoài với các quyền và nghĩa vụ cụ thể được quy định trong Nghị định.
III. VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỤ THỂ
1. Thông báo về việc chấm dứt giải quyết khiếu nại, tố cáo
Trong Quý I/2017, Bộ Tư pháp đã ra thông báo về việc chấm dứt giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với 02 vụ việc, cụ thể:
- Vụ việc của ông Nguyễn Xuân Dục và bà Nguyễn Thị Đoài (trú tại Tranh Ngô, xã Tam Sơn, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) khiếu nại, tố cáo Chi cục trưởng và Chấp hành viên Chi cục THADS huyện Cẩm Khê tổ chức cưỡng chế thi hành Bản án dân sự sơ thẩm số 04/2014/DSST ngày 21/3/2014 của TAND huyện Cẩm Khê trái pháp luật;
- Vụ việc của ông Nguyễn Văn Đức và bà Phan Thị Nhung (trú tại khu 2, xã Hà Lộc, thị xã Phú Thọ) khiếu nại việc Chấp hành viên Chi cục THADS thị xã Phú Thọ tổ chức cưỡng chế kê biên tài sản không đúng quy định pháp luật và không trả lại 7.000.000 đồng do ông Đức để dưới cốp xe máy bị kê biên... (xin gửi kèm theo 02 Thông báo).
2. Về vụ việc THADS liên quan đến Công ty Đông Nam (TP. Hồ Chí Minh)
Việc THADS liên quan đến Công ty Đông Nam thuộc thẩm quyền của Cục THADS TP Hồ Chí Minh. Trong quá trình thi hành án, do có khiếu nại, Cục THADS TP Hồ Chí Minh và Tổng cục THADS đã giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đã chỉ đạo kiểm tra, rà soát toàn bộ vụ việc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ. Kết quả kiểm tra, rà soát cho thấy việc tổ chức thi hành án và giải quyết khiếu nại được thực hiện đúng quy trình, thủ tục, pháp luật và đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ.
Ngày 10/3/2017, Tổng cục THADS đã có Công văn số 857/TCTHADS-VP gửi các cơ quan thông tấn, báo chí về vụ việc này. Hiện nay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Tổng cục THADS yêu cầu Cục trưởng Cục THADS TP Hồ Chí Minh khẩn trương chỉ đạo Chấp hành viên tiếp tục tổ chức thi hành án theo đúng quy định của pháp luật.
3. Về việc Bộ Tư pháp được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì rà soát quy định về việc thực hiện đăng ký, cấp biển số ôtô, xe máy
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát các quy định về việc thực hiện đăng ký, cấp biển số xe ô tô, xe máy. Ngày 16/02/2017, Bộ Tư pháp đã có công văn đề nghị Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnhh Thừa Thiên Huế rà soát các VBQPPL thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành có liên quan đến việc thực hiện đăng ký, cấp biển số xe ô tô, xe máy. Theo đó, các VBQPPL có nội dung liên quan đến việc thực hiện đăng ký, cấp biển số xe ô tô, xe máy, gồm: 01 Luật (Luật giao thông đường bộ) và 08 Thông tư, trong đó có 02 Thông tư do Bộ trưởng Bộ Tài chính, 02 Thông tư do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, 04 Thông tư do Bộ trưởng do Bộ Công an ban hành.
Qua rà soát, các nội dung liên quan trực tiếp đến việc thực hiện đăng ký, cấp biển số xe ô tô, xe máy, chủ yếu tập trung vào 02 Thông tư do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành là Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 04/4/2014 của Bộ Công an quy định về đăng ký xe và Thông tư số 41/2016/TT-BCA ngày 12/10/2016 của Bộ Công an về quy trình đăng ký xe. Trong Thông tư số 15/2014/TT-BCA còn một số điểm chưa có sự thống nhất dẫn đến việc có thể mở rộng đối tượng cấp biển số xe nền màu xanh, chữ và số màu trắng cho xe hoạt động nghiệp vụ, phục vụ công tác bảo đảm an ninh.
Trên cơ sở kết quả rà soát, để bảo đảm sự nhất quán giữa các VBQPPL liên quan đến đăng ký, cấp biển số xe ô tô, xe máy, Bộ Tư pháp đã có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ: (1) Đề nghị Bộ Công an phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Thông tư số 15/2014/TT-BCA theo hướng quy định cụ thể đối tượng cấp biển số xe ô tô, xe máy, nhất là đối với các đối tượng được quy định tại điểm a khoản 6 Điều 31 Thông tư số 15/2014/TT-BCA nhằm phù hợp với mô hình tổ chức mới của Bộ Công an theo Nghị định số 106/2016/NĐ-CP; bảo đảm đúng loại hình, đối tượng và nguồn gốc từ ngân sách nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và yêu cầu thực tiễn công tác; (2) Đề nghị Bộ Công an tăng cường hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định mới của Thông tư số 41/2016/TT-BCA, có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 về quy định quy trình đăng ký xe, nhất là các quy định về cấp biển số xe mới, đổi, cấp lại đăng ký, biển số xe, đăng ký sang tên di chuyển xe, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký xe và quy định bỏ việc chuyển đổi hệ biển số trắng sang biển số xanh và ngược lại./.
[1] Cụ thể là: Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi), Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017[2] Cụ thể là: (i) Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017; (ii) Nghị định của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm; (iii) Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021.[3] Trong đó, một số văn bản được dư luận quan tâm như: dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu; đề nghị xây dựng Nghị định quy định về quản lý đường thủy nội địa và cảng bến thủy nội địa.[4] Cụ thể là: (1) 03 trường hợp bị xử lý kỷ luật xóa tên do không thực hiện nghĩa vụ đóng phí thành viên, không tham gia sinh hoạt, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ luật sư từ 02 năm trở lên: Nguyễn Thị Phương Thùy (Sơn La); Hà Thị Thiêng, Nguyễn Hữu Phước (Lâm Đồng); (2) 08 trường hợp bị xử lý kỷ luật xóa tên do vi phạm quy định của Luật luật sư, Điều lệ Liên đoàn luật sư và Quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp của luật sư Việt Nam: Lê Văn Hiền (Bà Rịa - Vũng Tàu); Dương Mạnh Hùng, Lê Xuân Tân, Bùi Kiến Quốc (Hà Nội); Nguyễn Kỳ Anh Kiệt, Nguyễn Minh Dương, Bùi Mạnh Tình, Trần Lê Tiến (TP Hồ Chí Minh); (3) 01 trường hợp bị kết án về tội Cưỡng đoạt tài sản theo Bản án số 71/2016/HSST ngày 18/5/2016 của TAND thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang: Lê Anh Ngọc (Bắc Ninh).[5] Cụ thể là: (1) Ông Trần Đình Chiến (Đà Nẵng), lý do: đã bị xử phạt vi phạm hành chính đến lần thứ hai trong hoạt động hành nghề công chứng mà còn tiếp tục vi phạm; (2) Ông Nguyễn Hữu Cần (Quảng Bình) và ông Đoàn Quang Định (Hải Dương), lý do: theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật công chứng; (3) Công chứng viên Thạch Văn Lành, Trưởng Văn phòng công chứng Cộng sự Trà Vinh đã bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng, lý do: công chứng viên này đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự[6] Cụ thể là: ông Nguyễn Văn Được (Bình Thuận) và bà Nguyễn Thị Bích Thủy (Bến Tre), lý do: không còn hoạt động trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản