Thông cáo báo chí công tác tư pháp Quý I năm 2016I. KẾT QUẢ CÔNG TÁC CHỦ YẾU TRONG QUÝ I VÀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CÔNG TÁC QUÝ II NĂM 2016
1. Kết quả công tác chủ yếu trong Quý I năm 2016
Trong Quý I/2016, Bộ, Ngành Tư pháp đã bám sát Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm:
1.1. Công tác xây dựng, góp ý, thẩm định VBQPPL được triển khai tích cực ngay từ đầu năm, góp phần nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ soạn thảo dự thảo VBQPPL.
Trong Quý I/2016, đối với 57 văn bản quy định chi tiết 20 luật đã có hiệu lực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành được 20/57 văn bản (09 nghị định, 10 thông tư, 01 thông tư liên tịch), tỷ lệ ban hành cao hơn so với Quý I năm 2015.
Bộ Tư pháp đã thẩm định 15 dự thảo VBQPPL, 16 điều ước quốc tế; trả lời, góp ý 123 dự thảo văn bản, 37 điều ước quốc tế; chuẩn bị tốt dự án Luật Tiếp cận thông tin trình Quốc hội thông qua; đang tích cực tổ chức triển khai các Kế hoạch triển khai thi hành: Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), Luật Tố tụng hành chính.
Bộ Tư pháp đã kiểm tra 725 văn bản của các Bộ, ngành, địa phương, trong đó có 05 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh; bước đầu phát hiện 15 văn bản sai về nội dung (03 văn bản của Bộ, cơ quan ngang Bộ, 12 văn bản của địa phương) và đã ra 15 thông báo đối với 15 văn bản sai về nội dung được kiểm tra, phát hiện. Hiện các văn bản này đang trong quá trình xử lý theo quy định.
1.2. Về lĩnh vực kiểm soát TTHC, trong Quý I/2016, Bộ Tư pháp đã tham gia ý kiến đối với 83 TTHC tại 17 dự thảo VBQPPL, trong đó, đề nghị không quy định 03 thủ tục, sửa đổi 77 thủ tục không hợp lý (chiếm 96,4%); thẩm định 50 TTHC tại 10 dự thảo VBQPPL, trong đó, đề nghị không quy định 18 thủ tục, sửa đổi 30 thủ tục không hợp lý (chiếm 96% tổng số TTHC quy định tại các dự thảo). Các Bộ, ngành đã hoàn thành việc đơn giản hóa 32 TTHC, nâng tổng số TTHC đã hoàn thành thực thi phương án đơn giản hóa lên 4.513/4.723 TTHC đã được Chính phủ phê duyệt tại 25 Nghị quyết chuyên đề (đạt tỷ lệ 95.55%).
Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016 và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/1/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính xây dựng dự thảo TTLT hướng dẫn liên thông trong các việc về công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế để triển khai thống nhất trong phạm vi toàn quốc.
Theo đánh giá sơ bộ, khi áp dụng mô hình liên thông này, ước tính sẽ tiết kiệm được chi phí và mang lại nhiều lợi ích, cụ thể như: Chi phí tuân thủ TTHC theo quy trình hiện tại (chỉ tính số thu nhập bị mất do thời gian đi lại tìm hiểu thủ tục, chuẩn bị và nộp hồ sơ) là khoảng 355.000 đồng/trường hợp (tính thời gian thực hiện ngắn nhất, không phải chờ đợi và thời gian đi lại tối thiểu), khi áp dụng liên thông còn khoảng 145.000 đồng/trường hợp; giảm bớt được các hồ sơ trùng lặp, không cần thiết; hạn chế thất thoát thuế cho Nhà nước và tăng cường theo dõi, quản lý biến động đất đai; giúp Văn phòng đăng ký đất đai giảm tải công việc; đối với cá nhân, tổ chức, hộ gia đình, số lần đi lại làm TTHC là tối giản, chỉ phải đi đến duy nhất một đầu mối là Tổ chức hành nghề công chứng để nộp hồ sơ, ký hợp đồng và nhận kết quả thay vì phải đi lại 3 - 4 lần đến 3 cơ quan, tổ chức như hiện nay…
1.3. Về kết quả công tác thi hành án dân sự (THADS) 5 tháng đầu năm 2016 (từ 01/10/2015 đến hết ngày 29/02/2016): Về việc: Tổng số việc phải thi hành là 492.688 việc, trong đó, số có điều kiện thi hành là 393.486 việc (giảm 17.92% so với cùng kỳ năm 2015); chiếm 79.87% trong tổng số phải thi hành (giảm 18.31% so với cùng kỳ năm 2015). Số giải quyết xong trong số có điều kiện thi hành là 164.995 việc (tăng 2.92% so với cùng kỳ năm 2015); đạt tỉ lệ 41.93% (tăng 8.49% so với cùng kỳ năm 2015); Về tiền: Tổng số tiền phải thi hành là 109.641 tỷ 853 triệu 206 nghìn đồng, trong đó, số có điều kiện thi hành là 93.385 tỷ 228 triệu 961 nghìn đồng (tăng 14.39% so với cùng kỳ năm 2015); chiếm 85.17% trong tổng số phải thi hành (giảm 9.08% so với cùng kỳ năm 2015). Số thi hành xong trong số có điều kiện thi hành là 7.379 tỷ 564 triệu 048 nghìn đồng (tăng 11.10% so với cùng kỳ năm 2015); đạt tỉ lệ 7.90% (giảm 0.23% so với cùng kỳ năm 2015).
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 107/2015/QH13 của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại, Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 107/2015/QH13 và đang triển khai thực hiện các nội dung theo Kế hoạch này. Cụ thể hóa chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp và nhiệm vụ hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 16/02/2016 Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã có Quyết định số 202/QĐ-BTP về việc giao Cục Bổ trợ tư pháp giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về TPL và có Quyết định số 203/QĐ-BTP giao Tổng cục THADS thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến chế định TPL. Hiện nay, tại 13 địa phương thực hiện thí điểm đã thành lập 53 Văn phòng TPL với tổng số nhân lực đang làm việc tại 53 Văn phòng là 638 người, trong đó có 135 TPL; 306 Thư ký nghiệp vụ và 197 nhân viên khác.
1.4. Công tác hộ tịch, lý lịch tư pháp, nuôi con nuôi:
- Về lĩnh vực hộ tịch, Bộ Tư pháp đã trình Chủ tịch nước giải quyết 1.031 hồ sơ xin thôi, xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam, trong đó có 1.025 hồ sơ xin thôi quốc tịch; 01 hồ sơ xin nhập quốc tịch; 05 hồ sơ xin trở lại quốc tịch và trả lời 717 trường hợp tra cứu, xác minh quốc tịch cho Sở Tư pháp các địa phương, Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao. Đồng thời, đã triển khai thí điểm phần mềm đăng ký khai sinh, kết nối cấp số định danh cá nhân từ ngày 04/01/2016 tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An; chuẩn bị sơ kết 3 tháng triển khai thực hiện thí điểm phần mềm. Tính đến ngày 05/4/2016, các cơ quan đăng ký hộ tịch tại 04 địa phương thí điểm đã đăng ký khai sinh cho 71.763 trẻ em, cấp số định danh cá nhân cho 68.908 trường hợp.
- Về lĩnh vực LLTP, Bộ Tư pháp đã tiếp nhận 77 hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP và cấp 78 Phiếu LLTP cho người nước ngoài đã từng cư trú tại Việt Nam.; nhận được 50.577 thông tin LLTP, thông tin về thay đổi, cải chính hộ tịch, các bản án, quyết định thi hành án; tích hợp được 16.669 LLTP (6.407 LLTP điện tử và 10.262 LLTP bằng giấy), lập và đưa vào lưu trữ được 14.850 hồ sơ LLTP bằng giấy. Các Sở Tư pháp đã nhận và tiếp nhận, kiểm tra, phân loại được 120.772 thông tin LLTP; lập được 26.603 LLTP.
Trung tâm LLTP quốc gia và nhiều Sở Tư pháp đã phối hợp chuẩn bị triển khai đăng ký cấp Phiếu LLTP trực tuyến, việc chuyển bản LLTP điện tử đã được chính thức thực hiện và bước đầu đã mang lại kết quả khá khả quan, tiết kiệm được thời gian, công sức, cũng như chi phí cho việc cung cấp thông tin. Bộ cũng đang chuẩn bị tổng kết 05 năm thi hành Luật LLTP và 04 năm thi hành Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ (dự kiến tổ chức ngày 25/4/2016 tại Hà Nội).
- Về lĩnh vực nuôi con nuôi, Bộ Tư pháp đã tiếp nhận 104 hồ sơ, giải quyết được 88 trường hợp xin trẻ em Việt Nam làm con nuôi, trong đó 07 trường hợp thuộc hồ sơ của năm 2016; phối hợp ban hành Thông tư liên tịch về theo dõi tình hình phát triển của trẻ em Việt Nam được cho làm con nuôi nước ngoài và bảo vệ trẻ em trong trường hợp cần thiết và ký kết Quy chế về phối hợp công tác giải quyết việc nuôi con nuôi đối với trẻ em đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội.
1.5. Công tác bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp đã thẩm tra hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư đối với 258 trường hợp, cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư cho 23 trường hợp, thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư cho 11 trường hợp, cấp Giấy phép hành nghề tại Việt Nam của luật sư nước ngoài đối với 10 trường hợp; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chứng viên đối với 13 trường hợp, miễn nhiệm công chứng viên đối với 4 trường hợp; cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá đối với 92 trường hợp, cấp Chứng chỉ hành nghề quản tài viên đối với 106 trường hợp.
1.6. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: Nhằm đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền về việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, Bộ Tư pháp đã đưa vào vận hành Chuyên mục Hướng tới cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021” trên Cổng thông tin điện tử của Bộ. Bộ cũng đã có Công văn số 522/BTP-PBGDPL hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền, phổ biến các quy định về Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND và các quy định pháp luật có liên quan khác cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong thời gian từ ngày 10/3/2016 đến hết ngày 22/5/2016.
Tính đến ngày 30/3/2016, nhiều Bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền, phổ biến Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND (như Hội luật gia Việt Nam, Đắk Lắk, Ninh thuận, An Giang, Lâm Đồng, Hải Phòng, Cần Thơ, Sóc Trăng, Yên Bái, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nam...). Bộ cũng đã phát hành nhiều tài liệu tuyên truyền, phổ biến nội dung pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND (11 tờ gấp, 80 tình huống hỏi đáp; Đề cương giới thiệu Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND và các Đề cương giới thiệu các VBQPPL về tổ chức bộ máy nhà nước...) nhằm giúp các Bộ, ngành, địa phương có tài liệu tuyên truyền, phổ biến trong đợt bầu cử này.
1.7. Về công tác tiếp công dân, Bộ Tư pháp đã tiếp 80 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo. Trong đó có 33 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền (chiếm 41%), 47 lượt công dân đến khiếu nại không thuộc thẩm quyền (chiếm 59%). So với cùng kỳ năm trước, số lượt tiếp công dân đến Bộ Tư pháp để khiếu nại, tố cáo giảm 31% và không có đoàn khiếu nại, tố cáo đông người.
Thực hiện các quy định của Luật Tiếp công dân, trong Quý I/2016, Lãnh đạo Bộ đã có 02 buổi tiếp với 6 lượt công dân đến từ một số địa phương liên quan đến lĩnh vực THADS, đồng thời chỉ đạo trực tiếp các đơn vị có liên quan giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng trình tự, quy định của pháp luật, đặc biệt là đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài.
2. Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác Quý II năm 2016
2.1. Tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các văn kiện, Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền về việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.
2.2. Tiếp tục triển khai và đẩy nhanh tiến độ các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến năm 2016 (Luật Ban hành quyết định hành chính, Luật Đấu giá tài sản, Luật Chứng thực, Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi)); hoàn thiện Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016; tập trung xây dựng, hoàn thành đúng tiến độ 08 văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong Quý II/2016; chủ động đôn đốc, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, đặc biệt là 37 văn bản quy định chi tiết 16 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực.
2.3. Chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để triển khai thi hành các luật, bộ luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2016: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Ban hành VBQPPL, Luật Tố tụng hành chính.
2.4. Hoàn thiện báo cáo rà soát đánh giá tác động của hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với hệ thống pháp luật Việt Nam, đề xuất Danh mục các luật, pháp lệnh, nghị định cần phải sửa đổi, bổ sung, ban hành mới để phù hợp với các cam kết trong TPP; kiến nghị lộ trình cụ thể, ưu tiên các văn bản cần phải ban hành ngay để đảm bảo thực thi Hiệp định.
2.5. Xây dựng, triển khai thực hiện cơ chế liên thông trong việc công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế.
2.6. Tổ chức thành công các hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống Thi hành án dân sự; triển khai sơ kết công tác tư pháp và công tác Thi hành án dân sự 06 tháng đầu năm 2016.
II. MỘT SỐ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA DỰ ÁN LUẬT TIẾP CẬN THÔNG TIN
Luật Tiếp cận thông tin được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII gồm 5 chương, 37 Điều với các nội dung chủ yếu như sau:
1. Về chủ thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin: Cụ thể hóa quy định tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013, Luật quy định chủ thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin là công dân. Để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của nhóm đối tượng là người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người dưới 18 tuổi thực hiện quyền tiếp cận thông tin thông qua người đại diện theo pháp luật. Đối với các trường hợp là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam được bảo hộ một số quyền, lợi ích chính đáng theo nguyên tắc đối xử quốc gia hoặc có đi có lại, do vậy, Luật quy định những trường hợp này chỉ được yêu cầu cung cấp những thông tin có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của họ.
2. Về chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin: Xuất phát từ quan điểm chỉ đạo Luật điều chỉnh mối quan hệ về tiếp cận thông tin giữa Nhà nước và công dân, do đó, Luật quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước từ cơ quan hành pháp, tư pháp đến cơ quan lập pháp cung cấp thông tin cho công dân; đồng thời quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. Tuy nhiên, các cơ quan chỉ có trách nhiệm cung cấp các thông tin do mình tạo ra. Riêng đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện khó khăn, để tạo thuận lợi cho công dân trong việc yêu cầu cung cấp thông tin và căn cứ vào thực tiễn nắm giữ thông tin của UBND (là nơi tiếp nhận hầu hết các thông tin chính thức của các cơ quan nhà nước cấp trên và là cấp cơ sở gần với người dân nhất, nơi cung cấp và giải đáp mọi nhu cầu, vướng mắc cho người dân), Luật giao thêm trách nhiệm cho UBND cấp xã thực hiện việc cung cấp các thông tin do mình nhận được từ cơ quan khác. Việc cung cấp thông tin của các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức sự nghiệp dịch vụ công liên quan đến tình hình thực hiện nhiệm vụ, quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách nhà nước đã và đang được thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan và theo điều lệ, quy chế của các tổ chức đó.
3. Cách thức tiếp cận thông tin: Luật quy định công dân được tiếp cận thông tin bằng hai cách thức: (1) Tự do tiếp cận thông tin do cơ quan nhà nước công khai; (2) Yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin.
4. Phạm vi thông tin được tiếp cận: Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc xác định phạm vi thông tin mà mình được tiếp cận. Theo đó, công dân được tiếp cận tất cả thông tin của cơ quan nhà nước theo quy định của Luật này, trừ thông tin công dân không được tiếp cận và thông tin không đáp ứng các điều kiện quy định tại Luật này. Đồng thời, quy định cụ thể thông tin mà cơ quan nhà nước phải công khai và cung cấp theo yêu cầu, cụ thể:
- Các loại thông tin và cách thức công khai thông tin trên trang/cổng thông tin điện tử, phương tiện thông tin đại chúng và đăng Công báo, niêm yết. Theo đó, các thông tin phải được công khai gồm: Thông tin mà pháp luật quy định phải được công khai; TTHC và quy trình giải quyết công việc của cơ quan có liên quan đến cá nhân, tổ chức và quy định cụ thể các hình thức, thời điểm công khai thông tin, trong đó có quy định về việc công khai thông tin trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, trên phương tiện thông tin đại chúng, đăng Công báo, niêm yết;
- Các loại thông tin được cung cấp theo yêu cầu gồm: (1) Thông tin phải được công khai nhưng chưa được công khai; đã hết thời hạn công khai hoặc đang được công khai nhưng vì lý do khách quan người yêu cầu không thể tiếp cận; (2) Thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình đủ điều kiện cung cấp theo quy định tại Điều 7 của Luật này; (3) Thông tin liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người yêu cầu cung cấp thông tin nhưng không thuộc loại thông tin quy định tại Điều 17 của Luật này.
5. Trình tự, thủ tục yêu cầu tiếp cận thông tin: Luật quy định cụ thể trình tự, thủ tục, thời hạn cung cấp thông tin theo yêu cầu trên tinh thần bảo đảm cho công dân được cung cấp thông tin một cách thuận tiện, nhanh chóng và ít tốn kém nhất. Cơ quan được yêu cầu cung cấp thông tin có trách nhiệm xem xét, giải quyết kịp thời yêu cầu cung cấp thông tin theo trình tự và thời hạn luật định (đối với yêu cầu cung cấp thông tin đơn giản, có sẵn và có thể cung cấp ngay, cơ quan được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin ngay cho người yêu cầu hoặc trong thời hạn chậm nhất là 03 hoặc 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ; đối với các thông tin phức tạp thì thời hạn cung cấp thông tin chậm nhất là 15 ngày làm việc. Trường hợp cơ quan được yêu cầu cần thêm thời gian để xem xét, tìm kiếm, tập hợp, sao chép, giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin thì có thể gia hạn tùy thuộc vào cách thức cung cấp thông tin tối đa không quá 10 hoặc 15 ngày làm việc và phải có văn bản thông báo cho người yêu cầu về việc gia hạn trong thời hạn cung cấp thông tin).
6. Về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân: Để bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, Luật quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc bố trí cán bộ đầu mối tiếp nhận và cung cấp thông tin; lập Danh mục thông tin phải được công khai, thông tin cung cấp theo yêu cầu; rà soát, phân loại, kiểm tra và bảo đảm tính bí mật của thông tin trước khi cung cấp… và giao Bộ Thông tin và Truyền thông giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn kỹ thuật các biện pháp và quy trình bảo vệ thông tin và bảo vệ các hệ thống quản lý thông tin, Bộ Tư pháp giúp Chính phủ theo dõi chung việc thi hành Luật này./.