Một số thông tin nổi bật về hoạt động của Bộ Tư pháp trong thời gian từ ngày 01/03/2010 đến ngày 07/03/2010

11/03/2010

I. Xây dựng đề án văn bản

1. Ngày 01/3/2010, Lãnh đạo Bộ Tư pháp có buổi làm việc với Vụ Hành chính tư pháp về Đề án thành lập Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia. Tại cuộc họp, Lãnh đạo Bộ chỉ đạo: việc xây dựng Trung tâm cần có lộ trình, bảo đảm việc xác định rõ trách nhiệm cung cấp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan Tư pháp, Công an... Dự kiến Đề án sẽ được lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và hoàn tất các thủ tục trình Chính phủ trong tháng 3/2010.

2. Ngày 02/3/2010, Lãnh đạo Bộ Tư pháp có buổi làm việc với Vụ Pháp luật hình sự - hành chính về Dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề về phạm vi điều chỉnh; cơ cấu, bố cục của Luật; các hình thức xử phạt; thẩm quyền xử phạt; thủ tục xử phạt; cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt; vấn đề liên quan đến tính dân chủ; các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính; vấn đề đưa vào cơ sở chữa bệnh.

3. Ngày 02/3/2010, Lãnh đạo Bộ Tư pháp có buổi làm việc với Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế về Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật dân sự (phần sở hữu và hợp đồng). Tại cuộc họp các đại biểu tập trung thảo luận về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, theo đó có 2 phương án đặt ra: (i) sửa đổi phần sở hữu tài sản và hợp đồng; (ii) sửa toàn diện Bộ luật dân sự. Dự kiến vấn đề này sẽ được Bộ Tư pháp báo cáo Thường trực Chính phủ trong tháng này.

4. Ngày 03/3/2010, Lãnh đạo Bộ Tư pháp chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo Đề án tổng thể “Xây dựng và nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật TP.HCM và Học viện Tư pháp” để triển khai kế hoạch, thảo luận đề cương Đề án tổng thể, nội dung các tiểu đề án và phân công nhiệm vụ. Dự kiến Đề án tổng thể gồm 3 tiểu Đề án: Đề án của Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật TP.HCM và Học viện Tư pháp, do các cơ sở đào tạo trực tiếp triển khai xây dựng, hoàn thiện trước ngày 15/3/2010 và trình Ban Chỉ đạo liên ngành cho ý kiến, quyết định trong trước ngày 18/32010. Đề án tổng thể sẽ kết nối 3 tiểu đề án và hoàn thành trong tháng 5, dự kiến trình Chính phủ trong tháng 8/2010.

5. Ngày 04/3/2010, Lãnh đạo Bộ Tư pháp chủ trì cuộc họp Tổ biên tập Dự án Luật Thủ đô. Tại cuộc họp, Lãnh đạo Bộ chỉ đạo việc xây dựng Luật Thủ đô phải dựa trên Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, Pháp lệnh Thủ đô và các quy định của các Nghị định, Thông tư được triển khai có hiệu quả trên thực tế; Dự thảo Luật được xây dựng theo hướng là luật khung nhưng phải quy định cụ thể, rõ ràng, có sự lượng hoá, tránh quy định quá chung chung, mang tính khẩu hiệu; làm rõ nét những tính đặc thù, những vấn đề ưu tiên cho Thủ đô và phải có những quy định nghiêm để thực hiện.

II. Các đề án, văn bản do Bộ Tư pháp ban hành

Ngày 01/3/2010, Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư liên tịch số 06/2010/TTLT-BTP-BTNMT sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-BTP-BTNMT ngày 16/6/2005 hướng dẫn về việc đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BTP-BTNMT ngày 13/6/2006 sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-BTP-BTNMT. Thông tư liên tịch số 06/2010/TTLT-BTP-BTNMT đã góp phần giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong việc đăng ký giao dịch bảo đảm của các người dân, doanh nghiệp, từ đó thúc đấy các giao dịch được ký kết và thực hiện an toàn, công khai, minh bạch.

III. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp và xây dựng pháp luật

1. Ngày 01/3/2010, Lãnh đạo Bộ Tư pháp tiếp Đại sứ các nước Canada, Australia, Đan Mạch, Ireland, Italia, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Hoa Kỳ và đại diện UNICEF tại Việt Nam về vấn đề nuôi con nuôi của Việt Nam. Tại cuộc gặp, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã cung cấp cho các vị Đại sứ những vấn đề liên quan đến nuôi con nuôi ở Việt Nam mà họ quan tâm, đặc biệt là sự tham gia của công chúng vào quá trình xây dựng dự thảo Luật Nuôi con nuôi và những qui định của dự thảo Luật Nuôi con nuôi về phí và sử dụng khoản phí nhận con nuôi, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, biện pháp bảo đảm thực hiện một số qui định trong dự thảo Luật, sự tương thích với Công ước LaHay và hiệu lực của Luật.

2. Ngày 02/3/2010, tại thủ đô An-giê của CHDCND An-giê-ri, hai đoàn chuyên gia pháp lý của Bộ Tư pháp Việt Nam và An-giê-ri đã kết thúc tốt đẹp đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp giữa hai quốc gia và Bản Ghi nhớ về hợp tác pháp luật giữa Bộ Tư pháp hai nước. Theo đó, phạm vi tương trợ tư pháp điều chỉnh bao gồm tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu liên quan đến tương trợ tư pháp về dân sự; triệu tập người làm chứng, người giám định; thu thập, cung cấp chứng cứ và các yêu cầu tương trợ tư pháp khác về dân sự. Ngoài ra, dự thảo Hiệp định còn có một chương về công nhận và thi hành các bản án, quyết định của Toà án nước ngoài và quyết định của trọng tài nước ngoài. Đây là một trong các nội dung quan trọng đã được quy định tại tất cả các Hiệp định tương trợ tư pháp mà ta đã ký với các nước khác.

IV. Các hoạt động khác

Ngày 02/3/2010, Ban Thường vụ Đảng uỷ Bộ Tư pháp đã phê duyệt Kế hoạch công tác Đoàn và phong trào thanh niên Bộ Tư pháp năm 2010. Theo đó, các nhiệm vụ trọng tâm của công tác Đoàn và phong trào thanh niên của Bộ Tư pháp trong năm 2010 được tập trung vào một số vấn đề sau: tập trung giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức lối sống cho đoàn viên thanh niên, hướng tới kỷ niệm 65 năm thành lập Ngành Tư pháp, 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; tổ chức thực hiện các công trình, phần việc thanh niên, động viên lực lượng cán bộ trẻ tích cực hoàn thành nhiệm vụ chính trị và công tác chuyên môn, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình công tác năm 2010 của Ngành Tư pháp; nâng cao chất lượng cơ sở Đoàn và Đoàn viên; tổ chức cho Đoàn viên, thanh niên đóng góp vào các dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng các cấp; các dự thảo luật, pháp lệnh, đề án do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo.