I. Xây dựng đề án, văn bản
1. Ngày 28/10/2009, Lãnh đạo Bộ Tư pháp có buổi làm việc với Vụ Pháp luật dân sự kinh tế về một số nội dung của dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi (phần Hợp đồng). Tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung vào một số nội dung quy định tại khoản 1, khoản 3 và khoản 4 của Điều 302; khoản 5 Điều 474 và Điều 624 của dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi. Việc sửa đổi các quy định nêu trên sẽ được Ban soạn thảo tiếp tục cân nhắc trên cơ sở thông lệ quốc tế, các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia và kinh nghiệm của một số nước về từng vấn đề có liên quan.
2. Ngày 29/10/2009, Lãnh đạo Bộ Tư pháp chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Lý lịch tư pháp. Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung thảo luận và cho ý kiến về một số nội dung như: phạm vi hướng dẫn của Nghị định và địa vị pháp lý của Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia. Về phạm vi hướng dẫn của Nghị định, Ban soạn thảo nhất trí về việc Nghị định sẽ tập trung hướng dẫn 3 vấn đề theo quy định của Luật và một số vấn đề khác có liên quan; về địa vị pháp lý của Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia: Ban soạn thảo nhất trí theo hướng đây sẽ là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Tư pháp, còn ở địa phương, tùy theo điều kiện và khối lượng công việc sẽ giao cho Phòng Lý lịch tư pháp thuộc Sở Tư pháp hoặc thành lập Trung tâm riêng.
3. Ngày 29/10/2009, Lãnh đạo Bộ Tư pháp chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định số 08/2000/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm. Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung thảo luận và cho ý kiến về một số nội dung như: phạm vi điều chỉnh của Nghị định; thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm có hiệu lực và vấn đề quản lý nhà nước đối với công tác đăng ký giao dịch bảo đảm ở địa phương. Dự kiến trong tháng 11/2009, Dự thảo Nghị định nêu trên sẽ được Bộ Tư pháp gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành có liên quan.
II. Hội nghị, Hội thảo, Tọa đàm
1. Ngày 28/10/2009, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến về công tác thi hành án dân sự năm 2009 tại 5 điểm cầu: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về việc tổ chức thực hiện Luật Thi hành án dân sự, Nghị định của Chính phủ về củng cố, kiện toàn tổ chức, cán bộ cơ quan thi hành án dân sự địa phương.
2. Trong 02 ngày 26 và 27/10/2009, Bộ Tư pháp tổ chức Lớp tập huấn về Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh. Lớp tập huấn tập trung giới thiệu về một số nội dung như: mô hình tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh; những thông tin chung về nghề Thừa phát lại tại Pháp; cách thức hoạt động và quản lý một Văn phòng Thừa phát lại và một số kỹ năng nghề nghiệp.
3. Ngày 27/10/2009, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Báo cáo rà soát đánh giá pháp luật, chính sách và các mô hình phòng ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật ở Việt Nam” nhằm đánh giá Báo cáo và đề xuất bổ sung các biện pháp phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội.
4. Ngày 29/10/2009 tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Bộ Tư pháp đã phổi hợp tổ chức Hội thảo “Tiêu chí và phương pháp sơ kết Nghị quyết số 48-NQ/TW và đánh giá nhu cầu pháp luật giai đoạn 2011-2020”. Tại buổi Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về một số vấn đề như: nội dung và kỹ thuật lập pháp để đánh giá; khi đánh giá cần chú ý đến hai đặc tính của hệ thống pháp luật, đó là tính toàn diện, đồng bộ, thống nhất của hệ thống và tính hợp lý, phù hợp của cả hệ thống cũng như từng văn bản quy phạm pháp luật.
5. Ngày 30/10/2009, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị sơ kết công tác thi đua, khen thưởng ngành Tư pháp từ ngày 01/01/2007 đến tháng 9/2009. Tại Hội nghị các đại biểu tập trung thảo luận và đánh giá những kết quả đã đạt được và những mặt còn tồn tại, yếu kém trong công tác thi đua, khen thưởng của ngành Tư pháp trong giai đoạn vừa qua và đề ra các biện pháp chấn chỉnh để công tác thi đua, khen thưởng ngày càng chính xác, thực chất, hiệu quả hơn.
III. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp và xây dựng pháp luật
1. Ngày 26/10/2009, tại Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Bộ Tư pháp tiếp Ngài Davidson, Cố vấn pháp luật Cao cấp về Scotland của Chính phủ Anh và ông Mark Kent, Đại sứ Vương quốc Anh tại Hà Nội. Tại buổi tiếp, hai bên trao đổi về tiến trình xây dựng Luật Tiếp cận thông tin tại Việt Nam và một số vấn đề liên quan đến Dự án sửa đổi Luật Báo chí. Tại buổi tiếp, ngài Davidson cũng chia sẻ một số kinh nghiệm của Anh trong hai lĩnh vực trên.
2. Ngày 28/10/2009, Lãnh đạo Bộ Tư pháp có buổi tiếp thân mật Đoàn đàm phán của Hàn Quốc trước vòng đàm phán thứ nhất Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc). Tại buổi gặp, hai bên bày tỏ vui mừng về việc sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đã phát triển nhanh chóng, hai bên đã trở thành đối tác quan trọng của nhau và đang phấn đấu trở thành đối tác toàn diện trong thế kỷ 21.
3. Trong các ngày từ 28 - 30/10/2009, Bộ Tư pháp chủ trì Vòng đàm phán thứ nhất Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Tham gia đoàn đàm phán, ngoài các cán bộ của Bộ Tư pháp, còn có đại diện Toà án nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng Chính phủ. Tại vòng đàm phán thứ nhất này, hai bên thảo luận các nội dung tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, thương mại và nguyên tắc xây dựng Hiệp định tương trợ tư pháp.