1. Vị trí thi tuyển
- Phó Giám đốc Học viện Tư pháp phụ trách công tác đào tạo.
- Giám đốc Trung tâm Dữ liệu, Thông tin và Thống kê thi hành án dân sự Tổng cục Thi hành án dân sự.
2. Đối tượng dự tuyển
a) Công chức, viên chức lãnh đạo cấp Phòng, cấp Vụ hoặc trong quy hoạch lãnh đạo cấp Phòng, cấp Vụ các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức pháp chế bộ, ngành;
b) Công chức, viên chức lãnh đạo cấp Phòng, cấp Vụ hoặc trong quy hoạch lãnh đạo cấp Phòng, cấp Vụ của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội;
c) Viên chức đang làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập;
d) Luật sư, công chứng viên và những người là công dân Việt Nam đang làm việc tại các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, các tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
3. Điều kiện, tiêu chuẩn đăng ký dự tuyển
3.1. Điều kiện, tiêu chuẩn chung
- Đạt tiêu chuẩn chung đối với cán bộ quản lý theo quy định tại Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 18/6/1997 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Có đủ sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
- Không trong thời gian bị thi hành kỷ luật, không có án tích.
- Có đầy đủ hồ sơ, lý lịch cá nhân được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
3.2. Tiêu chuẩn cụ thể đối với từng vị trí thi tuyển
a) Đối với thi tuyển Phó Giám đốc Học viện Tư pháp
- Về trình độ chuyên môn: Có trình độ Tiến sỹ Luật hoặc đang học Nghiên cứu sinh chuyên ngành Luật.
- Về trình độ quản lý nhà nước: Đã qua lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên và tương đương trở lên.
- Về trình độ lý luận chính trị: Có trình độ cao cấp lý luận chính trị và tương đương; đang học hoặc đã bố trí học lớp cao cấp lý luận chính trị.
- Về trình độ ngoại ngữ, tin học: Có trình độ ngoại ngữ C và tương đương trở lên, trình độ tin học B và tương đương trở lên.
- Về độ tuổi: Không quá 55 tuổi đối với nam, không quá 50 tuổi đối với nữ.
- Về thâm niên công tác: Có ít nhất 06 năm kinh nghiệm công tác trong ngành Tư pháp hoặc trong lĩnh vực tư pháp, pháp luật.
- Về kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý: Có ít nhất 05 năm tham gia giảng dạy và quản lý giáo dục, đào tạo.
Đối với trường hợp người dự thi đang học Nghiên cứu sinh chuyên ngành Luật, nếu trúng tuyển thì phải hoàn thành khóa học và được cấp bằng Tiến sỹ Luật trong nhiệm kỳ bổ nhiệm.
b) Đối với thi tuyển Giám đốc Trung tâm Dữ liệu, Thông tin và Thống kê thi hành án dân sự Tổng cục Thi hành án dân sự
- Về trình độ chuyên môn: Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Luật hoặc đại học chuyên ngành Công nghệ thông tin trở lên.
- Về trình độ quản lý nhà nước: Đã qua lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên và tương đương trở lên.
- Về trình độ lý luận chính trị: Có trình độ cao cấp lý luận chính trị và tương đương; đang học hoặc đã bố trí học lớp cao cấp lý luận chính trị.
- Về trình độ ngoại ngữ, tin học: Có trình độ ngoại ngữ C và tương đương trở lên; người tốt nghiệp chuyên ngành Luật trở lên phải có trình độ tin học B và tương đương trở lên.
- Về độ tuổi: Không quá 55 tuổi đối với nam, không quá 50 tuổi đối với nữ.
- Về thâm niên công tác: Có ít nhất 06 năm kinh nghiệm công tác trong ngành Tư pháp hoặc trong lĩnh vực tư pháp, pháp luật.
- Về kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý: Có ít nhất 03 năm đảm nhiệm vị trí lãnh đạo cấp Phòng và tương đương trở lên.
3.3. Đối với những trường hợp dự thi là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập; luật sư, công chứng viên và những người là công dân Việt Nam đang làm việc tại các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, các tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế tại Việt Nam nếu chưa đáp ứng các tiêu chuẩn về trình độ quản lý nhà nước và lý luận chính trị thì được phép hoàn thiện tiêu chuẩn sau khi trúng tuyển và phải hoàn thành trong nhiệm kỳ bổ nhiệm; và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 05 năm trở lên trong lĩnh vực công tác phù hợp với vị trí thi tuyển (không kể thời gian tập sự, thử việc và nếu có thời gian công tác không liên tục thì được cộng dồn).
4. Môn thi
Thí sinh đăng ký thi tuyển lãnh đạo cấp Vụ của Bộ Tư pháp năm 2013 chuẩn bị Đề án, bảo vệ Đề án trước Hội đồng thi tuyển và trả lời câu hỏi do Hội đồng đặt ra.
Thí sinh sẽ nhận đề án để chuẩn bị sau khi được thông báo đủ điều kiện dự thi; được cung cấp các thông tin cơ bản để tham khảo.
Thời gian chuẩn bị Đề án là 20 ngày kể từ ngày nhận tên Đề án từ Hội đồng thi tuyển.
5. Thành phần hồ sơ đăng ký dự thi
a) Đơn đăng ký thi tuyển;
b) Công văn đồng ý của cơ quan, đơn vị sử dụng (đối với trường hợp đang là công chức, viên chức);
c) Bản sao bản đánh giá công chức, viên chức trong 02 năm gần nhất; bản nhận xét đánh giá của cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị sử dụng về năng lực công tác, phẩm chất đạo đức, tinh thần kỷ luật (đối với trường hợp đang là công chức, viên chức).
d) Sơ yếu lý lịch theo mẫu 2C-BNV/2008 ban hành kèm theo Quyết định số 02/2008/QĐ-BNV ngày 06/10/2008 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (có xác nhận của cơ quan, đơn vị);
đ) Bản sao các văn bằng chứng chỉ và giấy chứng nhận ưu tiên (nếu có);
e) Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp trong thời hạn 30 ngày, tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển;
g) Bản sao các quyết định, tên văn bản, đề án:
- Đối với trường hợp tham gia xây dựng văn bản, đề án thì phải có quyết định của người có thẩm quyền cử tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập văn bản, đề án kèm theo tên của văn bản, đề án đã được cấp có thẩm quyền thông qua.
- Đối với trường hợp tham gia xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học hoặc chủ trì, tham gia xây dựng các chương trình, đề án phát triển tổng thể kinh tế - xã hội của địa phương thì phải có quyết định của người có thẩm quyền cử tham gia Ban Chủ nhiệm hoặc có xác nhận tham gia nghiên cứu đề tài, chương trình, đề án của cấp có thẩm quyền.
6. Thời gian, địa điểm nhận hồ sơ đăng ký dự thi
Thời gian nhận hồ sơ: Từ ngày 25/10/2013 đến hết ngày 14/11/2013.
Địa điểm nhận hồ sơ: Phòng Công tác cán bộ Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp, 58-60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội. (SĐT: 04.62739367)
* Hội đồng thi tuyển không trả lại hồ sơ đối với thí sinh không trúng tuyển.
7. Thời gian tổ chức bảo vệ Đề án
Hội đồng thi tuyển dự kiến khai mạc kỳ thi và tổ chức bảo vệ Đề án vào giữa tháng 12/2013.
8. Các thông tin liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan và vị trí thi tuyển được quy định tại các văn bản sau:
- Đối với vị trí Phó Giám đốc Học viện Tư pháp: Quyết định số 23/2004/QĐ-TTg ngày 25/2/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Học viện Tư pháp; Quyết định số 1901/QĐ-BTP ngày 13/7/2010 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Tư pháp; Các văn bản khác có liên quan.
- Đối với vị trí Giám đốc Trung tâm Dữ liệu, Thông tin và Thống kê thi hành án dân sự Tổng cục Thi hành án dân sự: Luật Thi hành án dân sự; Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày 09/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự; Quyết định số 745/QĐ-TCTHADS ngày 11/10/2012 của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Dữ liệu, Thông tin và Thống kê thi hành án dân sự; Các văn bản khác có liên quan./.