Nhận tống đạt một văn bản giấy tờ ngoài những khó khăn như các cơ quan, tổ chức chưa biết thừa phát lại là ai, cơ chế phối hợp như thế nào… thì chính các văn bản được tống đạt nhiều khi cũng gây khó cho thừa phát lại. Đơn cử, chỉ một giấy tờ mà thiếu đi một trong các thông tin cá nhân như ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân, họ tên bố mẹ… là thừa phát lại đã “không biết đâu mà lần”. Trưởng Văn phòng thừa phát lại Hoàn Kiếm Nguyễn Toàn Thắng cho biết thêm: nhiều trường hợp thay đổi Tổ dân phố, thay đổi số nhà, số khu, nhất là trong các khu tập thể, khó khăn trong việc tìm địa chỉ, không biết cụ thể đương sự ở Tổ nào nên khó xác định được tổ trưởng, tổ phó là ai để xin xác nhận trong trường hợp tống đạt không thành.
Ngoài ra, cũng theo ông Thắng, đối với người phải tống đạt là người đang chấp hành bản án tù giam không có thông tin nên khi người nhà không cung cấp thông tin rõ ràng hoặc có tâm lý che dấu thông tin, việc tống đạt gián tiếp thông qua người nhà cam kết giao tận tay cho đương sự gặp nhiều rủi ro và sai về mặt thủ tục. Bên cạnh đó, trường hợp đương sự không có mặt tại địa chỉ (đi làm vắng, đi học) nên phải tống đạt gián tiếp thông qua người thân hoặc Thủ trưởng cơ quan của đương sự. Trường hợp này phải mời tổ trưởng dân phố làm chứng, xin chứng thực của UBND hoặc Cơ quan của đương sự. Thủ tục này mất nhiều thời gian và phải gặp gỡ, liên lạc với nhiều người.
Ngoài ra, nhiều thừa phát lại còn phản ánh, ngay cả việc họ đi niêm yết văn bản tống đạt cũng gặp khó khăn khi bản thân chính quyền, người dân tại khu vực đó không cho niêm yết vì nại ra rằng ở địa phương này… không có ai như vậy.
Trong khi việc tìm đương sự như “mò kim đáy biển” thì cơ chế phối hợp giữa thừa phát lại với chính quyền, công an, tổ trưởng dân phố lại chưa cụ thể, rõ ràng nên việc tống đạt càng trở nên khó khăn hơn. Lý do không chỉ người dân mà cả nhiều cán bộ trong cơ quan nhà nước nhiều người còn không hiểu đúng, hiểu đủ về thừa phát lại nên không chịu hợp tác. Trong khi theo quy định của pháp luật hiện hành, trong trường hợp tống đạt gián tiếp, đương sự từ chối nhận văn bản Thư ký nghiệp vụ phải xin xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố hoặc cảnh sát khu vực, sau đó lên UBND phường hoặc Công an phường để chứng thực chữ ký của tổ trưởng tổ dân phố hoặc cảnh sát khu vực đó.
Trưởng Văn phòng Nguyễn Toàn Thắng đề xuất: cơ quan yêu cầu tống đạt ghi rõ thông tin về con người, địa chỉ….để tạo thuận lợi cho việc tống đạt. Nếu chưa cụ thể về địa chỉ thì cơ quan yêu cầu tống đạt có thể cung cấp thêm bản photo các quyết định, văn bản thi hành án.
Còn Giám đốc Sở Tư pháp Vĩnh Long Nguyễn Hòa Bình thì đề nghị, Tòa án nhân dân tối cao cần hướng dẫn địa phương thống nhất trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về thủ tục cấp, tống đạt hoặc thông báo trực tiếp cho cá nhân và thủ tục niêm yết công khai, tránh tình trạng thẩm phán giao việc tống đạt cho thừa phát lại nhưng Ủy ban cấp xã lại không xác nhận. Việc này không những khó khăn cho thừa phát lại mà còn khó cho cả Tòa án nếu văn bản tống đạt không đúng thủ tục quy định có thể sẽ bị hủy án
Thu Hằng
Đến thời điểm 31/7/2014 các văn phòng Thừa phát lại tại các địa phương mở rộng thí điểm mới tống đạt được gần 5 ngàn văn bản, trong đó nhiều văn phòng Thừa phát lại chưa tống đạt được văn bản nào như một số Văn phòng Thừa phát lại ở Quảng Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa...