Nghị định 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh (Được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013) ra đời đã cho phép Văn phòng thừa phát lại có thẩm quyền thi hành án theo đơn yêu cầu tương tự như các Chi cục thi hành án dân sự. Theo đó, Thừa phát lại được quyền trực tiếp tổ chức thi hành theo đơn yêu cầu của đương sự đối với các bản án, quyết định sau đây:
+ Bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực của Tòa án cấp huyện nơi Thừa phát lại đặt văn phòng;
+ Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án cấp tỉnh đối với bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án cấp huyện nơi Thừa phát lại đặt văn phòng;
+ Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án cấp tỉnh đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp huyện nơi Thừa phát lại đặt văn phòng.
Việc Thừa phát lại trực tiếp thi hành các bản án, quyết định nêu trên của các Văn phòng thừa phát lại phải được tiến hành theo những thủ tục, trình tự hết sức chặt chẽ theo quy định của pháp luật về thi hành án. Theo đó, việc thi hành phải tuân theo các trình tự, thủ tục sau:
1- Tiếp nhận yêu cầu thi hành án
Khách hàng có nhu cầu thi hành án sẽ làm việc trực tiếp với thừa phát lại hoặc thư ký nghiệp vụ. Thừa phát lại hoặc thư ký nghiệp vụ phải tư vấn cho khách hàng về một số quy định pháp luật có liên quan đến thi hành án và thủ tục thi hành án.
Khi đến yêu cầu thi hành án, khách hàng cần mang các giấy tờ tùy thân có liên quan, bản án, quyết định của Tòa án, điền nội dung yêu cầu thi hành án vào Phiếu yêu cầu thi hành án (theo mẫu). Thừa phát lại hoặc thư ký nghiệp vụ có trách nhiệm kiểm tra tính hợp pháp của nội dung yêu cầu thi hành án, thẩm quyền thi hành án của Văn phòng.
Thừa phát lại hoặc thư ký nghiệp vụ đề nghị khách hàng điền vào Phiếu cung cấp thông tin (theo mẫu) những thông tin cần thiết liên quan đến việc thi hành án. Trong đó, xác định rõ việc yêu cầu Văn phòng xác minh điều kiện thi hành án của khách hàng và tổ chức thi hành bản án, quyết định.
2- Ký hợp đồng thi hành án
Sau khi được giải thích những quy định cơ bản về thi hành án, nhiệm vụ của thừa phát lại và kiểm tra tính hợp pháp của yêu cầu thi hành án, người yêu cầu thi hành án và Văn phòng Thừa phát lại tiến hành thỏa thuận về việc thi hành án. Văn bản thỏa thuận thể hiện dưới hình thức hợp đồng và có các nội dung chủ yếu sau:
+ Các thông tin cá nhân liên quan đến các bên tham gia ký kết hợp đồng;
+ Ngày, tháng, năm yêu cầu thi hành án; thời điểm thi hành án;
+ Các khoản yêu cầu thi hành theo bản án, quyết định; thời hạn thi hành án;
+ Chi phí, phương thức thanh toán; mức chi phí theo từng giai đoạn thi hành án gồm xác minh điều kiện thi hành án, thực hiện thi hành án, các trường hợp thanh lý hợp đồng;
+ Các thỏa thuận khác, nếu có (quyền lợi của người thứ ba; trường hợp bất khả kháng, chấm dứt hợp đồng...).
Văn bản thỏa thuận thi hành án được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.
3- Tổ chức thỏa thuận thi hành án
Căn cứ theo điều 6 của Luật Thi hành án dân sự thì đương sự có quyền thỏa thuận về việc thi hành án, nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Kết quả thi hành án theo thỏa thuận được công nhận. Do vậy, thừa phát lại khi thụ lý vụ việc có trách nhiệm mời các bên liên quan đến việc thi hành án đến trụ sở Văn phòng để thỏa thuận về việc thi hành án. Nếu các bên thỏa thuận được với nhau toàn bộ hoặc từng phần về việc thi hành án thì tiến hành lập biên bản về thỏa thuận đó.
Văn bản thỏa thuận phải nêu rõ thời gian, địa điểm, nội dung thỏa thuận, có chữ ký của các bên tham gia thỏa thuận và xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tiến hành việc thỏa thuận.
Trường hợp người phải thi hành án có yêu cầu về việc thi hành án khác với nội dung bản án, quyết định đã tuyên và được người được thi hành án chấp thuận thì việc thi hành án được thực hiện theo yêu cầu đó.
4- Xác minh điều kiện thi hành án
Việc có xác minh hay không xác minh điều kiện thi hành án trước khi tổ chức thi hành đã được quy định trong hợp đồng ký kết giữa các bên. Trường hợp đương sự yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại xác minh điều kiện thi hành án, thì Thừa phát lại tiến hành xác minh điều kiện thi hành án theo quy định.
Nếu khách hàng không yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại xác minh điều kiện thi hành án thì Thừa phát lại yêu cầu đương sự cung cấp kết quả xác minh điều kiện thi hành án và chịu trách nhiệm về kết quả xác minh do mình cung cấp. Thừa phát lại tổ chức thi hành bản án, quyết định trên cơ sở kết quả xác minh được cung cấp.
Nếu thấy kết quả xác minh do đương sự cung cấp thiếu khách quan, không chính xác thì Thừa phát lại có quyền từ chối sử dụng kết quả xác minh đó đồng thời nên tham mưu cho đương sự tự tiến hành xác minh lại hoặc thỏa thuận với đương sự để tự tiến hành xác minh trước khi tổ chức thi hành.
5- Ra quyết định
Nếu trực tiếp thi hành các bản án, quyết định theo yêu cầu của đương sự, Thừa phát lại phải thực hiện các thủ tục về thi hành án theo quy định của Nghị định 61/2009/NĐ-CP, Nghị định 135/2013/NĐ-CP cũng như các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
Theo đó, Trưởng văn phòng Thừa phát lại ra quyết định thi hành án trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ký hợp đồng thỏa thuận thi hành án với người yêu cầu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Quyết định thi hành án có các nội dung:
+ Tên, địa chỉ Văn phòng Thừa phát lại;
+ Ngày, tháng, năm ra văn bản;
+ Nội dung yêu cầu người phải thi hành án thi hành;
+ Thời hạn để người phải thi hành án tự nguyện thi hành.
Quyết định thi hành án phải phải vào sổ theo dõi quyết định thi hành án và được gửi cho Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện tại nơi có Văn phòng Thừa phát lại để phối hợp thi hành. Đồng thời phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp để kiểm sát việc thi hành án.
6- Thông báo về thi hành án
Sau khi có quyết định về thi hành án, Thừa phát lại phải tiến hành các thủ tục thi hành án. Việc thông báo phải thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản, trừ trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án. Việc thông báo được thực hiện theo các hình thức sau đây:
- Thông báo trực tiếp hoặc qua cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật: Thủ tục thông báo trực tiếp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức như sau:
+ Văn bản thông báo cho cá nhân phải được giao trực tiếp và yêu cầu người đó ký nhận hoặc điểm chỉ.
+ Trường hợp người được thông báo vắng mặt thì văn bản thông báo được giao cho một trong số những người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú với người đó, bao gồm vợ, chồng, con, ông, bà, cha, mẹ, bác, chú, cô, cậu, dì, anh, chị, em của đương sự, của vợ hoặc chồng của đương sự.
Việc giao thông báo phải lập thành biên bản. Ngày lập biên bản là ngày được thông báo hợp lệ.
Trường hợp người được thông báo không có người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú hoặc có nhưng người đó từ chối nhận văn bản thông báo hoặc người được thông báo vắng mặt mà không rõ thời điểm trở về thì người thực hiện thông báo phải lập biên bản về việc không thực hiện được thông báo, có chữ ký của người chứng kiến và thực hiện việc niêm yết công khai theo quy định tại Điều 42 của Luật thi hành án dân sự.
+ Trường hợp người được thông báo đã chuyển đến địa chỉ mới thì phải thông báo theo địa chỉ mới của người được thông báo.
Trường hợp người được thông báo là cơ quan, tổ chức thì văn bản thông báo phải được giao trực tiếp cho người đại diện theo pháp luật hoặc người chịu trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức đó và phải được những người này ký nhận. Trường hợp cơ quan, tổ chức được thông báo có người đại diện tham gia việc thi hành án hoặc cử người đại diện nhận văn bản thông báo thì những người này ký nhận văn bản thông báo. Ngày ký nhận là ngày được thông báo hợp lệ.
- Niêm yết công khai: Việc niêm yết công khai văn bản thông báo chỉ được thực hiện khi không rõ địa chỉ của người được thông báo hoặc không thể thực hiện được việc thông báo trực tiếp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Cơ quan thi hành án dân sự trực tiếp hoặc ủy quyền cho Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được thông báo hoặc cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thực hiện việc niêm yết. Việc niêm yết được thực hiện theo thủ tục sau đây:
+ Niêm yết văn bản thông báo tại trụ sở cơ quan thi hành án dân sự, trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được thông báo;
Lập biên bản về việc niêm yết công khai, trong đó ghi rõ ngày, tháng, năm niêm yết; số, ngày, tháng, năm, tên của văn bản thông báo; có chữ ký của người chứng kiến.
+ Thời gian niêm yết công khai văn bản thông báo là 10 ngày, kể từ ngày niêm yết. Ngày niêm yết là ngày được thông báo hợp lệ.
- Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng: Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng chỉ được thực hiện khi pháp luật có quy định hoặc khi đương sự có yêu cầu.
+ Trường hợp xác định đương sự đang có mặt tại địa phương nơi đương sự cư trú thì việc thông báo được thực hiện trên báo ngày trong hai số liên tiếp hoặc trên đài phát thanh, đài truyền hình của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của địa phương đó hai lần trong 02 ngày liên tiếp.
Trường hợp xác định đương sự không có mặt tại địa phương nơi đương sự cư trú thì việc thông báo được thực hiện trên báo ngày trong hai số liên tiếp hoặc trên đài phát thanh, đài truyền hình của trung ương hai lần trong 02 ngày liên tiếp.
+ Ngày thực hiện việc thông báo lần hai trên phương tiện thông tin đại chúng là ngày được thông báo hợp lệ.
Chi phí thông báo do người phải thi hành án chịu, trừ trường hợp pháp luật quy định ngân sách nhà nước chi trả hoặc người được thi hành án chịu.
Thừa phát lại có quyền áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án quy định tại khoản 3, Điều 66 của Luật Thi hành án dân sự. Khi áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án, Thừa phát lại có quyền và nghĩa vụ như Chấp hành viên, thực hiện các thủ tục quy định tại Điều 66, Điều 67, Điều 68 và Điều 69 của Luật Thi hành án dân sự.
7- Tự nguyện thi hành án và cưỡng chế thi hành án
Sau khi có thông báo thi hành án, thời hạn tự nguyện thi hành án là 15 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.
Trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, huỷ hoại tài sản hoặc trốn tránh việc thi hành án thì Thừa phát lại có quyền áp dụng ngay các biện pháp quy định tại các Điều 66, Điều 67, Điều 68 và Điều 69, Chương IV của Luật Thi hành án dân sự.
Sau khi hết thời hạn tự nguyện đã được ấn định trong quyết định thi hành án, Thừa phát lại có quyền ra quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quy định tại Điều 71 của Luật Thi hành án dân sự, trừ trường hợp đề nghị Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 40 của Nghị định 61/2009/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 14 Điều 2 Nghị định 135/2013/NĐ-CP).
Quyết định cưỡng chế thi hành án dân sự có các nội dung chủ yếu sau:
+ Tên, địa chỉ văn phòng Thừa phát lại; họ, tên Thừa phát lại ra quyết định cưỡng chế thi hành án;
+ Căn cứ ra quyết định cưỡng chế;
+ Đối tượng và biện pháp cưỡng chế thi hành án áp dụng;
+ Thời gian, địa điểm áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án.
Quyết định cưỡng chế thi hành án phải được gửi cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã) nơi tổ chức cưỡng chế thi hành án hoặc cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành án.
Khi áp dụng biện pháp cưỡng chế, Thừa phát lại có quyền, nghĩa vụ như Chấp hành viên và thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Trong trường hợp cưỡng chế thi hành án cần huy động lực lượng bảo vệ, Văn phòng Thừa phát lại phải báo cáo, xin ý kiến của Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp huyện nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại.
Trên cơ sở ý kiến của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại lập kế hoạch cưỡng chế, báo cáo Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, kèm theo hồ sơ thi hành án để Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự xem xét, phê duyệt kế hoạch cưỡng chế và ra quyết định cưỡng chế thi hành án. Văn bản của Trưởng văn phòng Thừa phát lại đề nghị Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại ra quyết định cưỡng chế và phê duyệt kế hoạch cưỡng chế phải có nội dung chủ yếu sau: Nội dung yêu cầu thi hành án của đương sự theo bản án, quyết định; điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; quá trình tổ chức thi hành án; biện pháp cưỡng chế thi hành án cần áp dụng; số lượng người, cơ quan tham gia bảo vệ cưỡng chế thi hành án; thời gian, địa điểm dự kiến thực hiện việc cưỡng chế thi hành án.
Trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Văn phòng Thừa phát lại, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự xem xét phê duyệt kế hoạch và ra quyết định cưỡng chế thi hành án; trường hợp cần phải áp dụng biện pháp cưỡng chế ngay thì Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự có ý kiến trong thời hạn 1 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Văn phòng Thừa phát lại.
Quyết định và kế hoạch cưỡng chế phải được gửi cho Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan công an cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức cưỡng chế và tổ chức có liên quan đến việc thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành án.
Trường hợp Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại không đồng ý ra quyết định và phê duyệt kế hoạch cưỡng chế thì phải có văn bản trả lời văn phòng Thừa phát lại nêu rõ lý do. Nếu không đồng ý với việc từ chối ra quyết định và phê duyệt kế hoạch cưỡng chế, Trưởng văn phòng Thừa phát lại có quyền khiếu nại đến Cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại để xem xét ra quyết định giải quyết trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của Cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, Trưởng văn phòng Thừa phát lại có quyền khiếu nại đến Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp để xem xét ra quyết định giải quyết trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại. Quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp có hiệu lực thi hành.
Sau khi được phê duyệt và ra quyết định cưỡng chế thi hành án, Thừa phát lại thực hiện việc cưỡng chế theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự, quy định của Nghị định 61/2009/NĐ-CP và Nghị định 135/2013/NĐ-CP về cưỡng chế thi hành án. Trưởng văn phòng Thừa phát lại chủ động liên hệ với Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan Công an cấp huyện nơi tổ chức cưỡng chế để phối hợp tổ chức việc bảo vệ cưỡng chế theo quy định.
Người phải thi hành án, người được thi hành án chịu các chi phí cưỡng chế thi hành án quy định của pháp luật thi hành án dân sự. Thừa phát lại chịu chi phí cưỡng chế thi hành án nếu việc cưỡng chế phải thực hiện lại do lỗi của Thừa phát lại.
8- Thanh toán tiền thi hành án và chấm dứt việc thi hành án
Số tiền thi hành án thu được từ vụ việc nào thì Thừa phát lại chi trả cho người được thi hành án theo văn bản yêu cầu của vụ việc đó sau khi trừ chi phí thi hành án mà người phải thi hành án chịu theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Số tiền còn lại, Thừa phát lại phải trả lại cho người phải thi hành án.
Nếu người phải thi hành án phải thi hành đối với nhiều người được thi hành án khác nhau do cùng một văn phòng Thừa phát lại thụ lý, thi hành, thì số tiền thi hành án thu theo quyết định cưỡng chế thi hành án nào được thanh toán cho những người được thi hành án đã có đơn yêu cầu tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế đó. Số tiền còn lại được thanh toán cho những người được thi hành án theo các quyết định thi hành án khác tính đến thời điểm thanh toán. Việc thanh toán thực hiện theo thứ tự ưu tiên như sau:
+ Tiền cấp dưỡng; tiền lương, tiền công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động; tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần;
+ Các khoản phải thi hành án khác theo bản án, quyết định.
Nếu trong cùng một hàng ưu tiên có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán được thực hiện theo tỷ lệ số tiền mà họ được thi hành án;
+ Số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp hoặc bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành án một nghĩa vụ cụ thể được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ được bảo đảm đó sau khi trừ các chi phí về thi hành án.
+ Thứ tự thanh toán tiền thi hành án về phá sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản.
Văn phòng Thừa phát lại phải phối hợp với Cơ quan thi hành án dân sự trong việc xử lý tài sản của người phải thi hành án để đảm bảo thi hành án.
Việc thi hành án của Thừa phát lại chấm dứt trong các trường hợp sau:
+ Người phải thi hành án đã thực hiện xong các nghĩa vụ thi hành án theo văn bản yêu cầu thi hành án hoặc người phải thi hành án, người được thi hành án là cá nhân chết, tổ chức, doanh nghiệp bị phá sản, giải thể mà không có ai kế thừa quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật;
+ Vụ việc bị đình chỉ theo quy định của pháp luật;
+ Theo thỏa thuận giữa Thừa phát lại và đương sự.
Hậu quả pháp lý của việc chấm dứt thi hành án của Thừa phát lại:
+ Khi việc thi hành án chấm dứt, văn phòng Thừa phát lại và người yêu cầu thi hành án phải thanh lý văn bản yêu cầu thi hành án;
+ Đối với số tiền, tài sản còn tồn đọng không có người nhận, thì văn phòng Thừa phát lại xử lý theo quy định của Luật thi hành án dân sự và pháp luật về tài sản vắng chủ.
Trưởng văn phòng Thừa phát lại phải gửi các quyết định về thi hành án cho Chi cục Thi hành án dân sự nơi đặt Văn phòng; cung cấp thông tin và phối hợp với Cơ quan thi hành án dân sự có liên quan trong việc xử lý tài sản kê biên, thanh toán tiền thi hành án.
Trưởng văn phòng Thừa phát lại phải phối hợp với Trưởng văn phòng Thừa phát lại khác có liên quan trong việc xử lý tài sản kê biên, thanh toán tiền thi hành án.
Trường hợp vụ việc chưa thi hành xong nhưng người yêu cầu đề nghị văn phòng Thừa phát lại chấm dứt việc thi hành án thì xử lý như sau:
+ Nếu người được thi hành án có văn bản yêu cầu không tiếp tục việc thi hành án thì Trưởng văn phòng Thừa phát lại ra quyết định đình chỉ thi hành án, trừ trường hợp việc đình chỉ thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích người thứ ba theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 của Luật thi hành án dân sự. Các bên cùng nhau thanh lý hợp đồng và giải quyết các vấn đề phát sinh. Khoản tiền, tài sản đã thu được trả lại cho người phải thi hành án;
+ Nếu người được thi hành án đề nghị chấm dứt hợp đồng thì các bên cùng nhau thanh lý hợp đồng và giải quyết các vấn đề phát sinh. Khoản tiền, tài sản đã thu được xử lý theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;
+ Thu hồi quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án; chấm dứt hợp đồng ủy quyền bán đấu giá, giải tỏa việc ngăn chặn; phong tỏa, kê biên tài sản, tài khoản và các văn bản liên quan khác (nếu có). Đối với vụ việc do Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại ra quyết định cưỡng chế thi hành án thì văn phòng Thừa phát lại có văn bản đề nghị Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại thu hồi quyết định cưỡng chế thi hành án. Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại phải ra quyết định thu hồi quyết định cưỡng chế thi hành án trong thời hạn không quá 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của văn phòng Thừa phát lại;
+ Trong quá trình thanh lý hợp đồng, nếu có tranh chấp thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Đương sự có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự, Văn phòng thừa phát lại xác nhận kết quả thi hành án. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của đương sự, cơ quan thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại phải cấp giấy xác nhận kết quả thi hành án.
Trên đây là những trình bày hết sức sơ lược về trình tự, thủ tục thi hành các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự đối với Thừa phát lại. Hy vọng những tóm lược trên sẽ cung cấp cho bạn đọc cái nhìn chung nhất là quy trình thi hành một bản án, quyết định của Thừa phát lại./.
Ths. Vũ Hoài Nam – NXB TP – Bộ Tư pháp
Tài liệu tham khảo
1. Từ điển Luật học – NXBTP – năm 2006.
2. Tổ chức Thừa phát lại – TS Nguyễn Đức Chính – NXBTP – 2006.
3. Tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại ở Việt Nam hiện nay – Ths Vũ Hoài Nam – NXBTP – 2013.
4. Luật thi hành án dân sự 2008.
5. Nghị định 61/2009/NĐ-CP ngày 27/4/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh.
6. Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định 61/2009/NĐ-CP ngày 27/4/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh.
7. Thông tư 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 28/02/2014 của Bộ Tư pháp – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao – Tòa án nhân dân tối cao – Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội.