Tống đạt văn bản: việc khó, việc gấp nên giao TPL
Các ĐB đều có chung nhận định, hoạt động của Thừa phát lại (TPL) đã góp phần bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân; góp phần tạo môi trường pháp lý lành mạnh, đảm bảo các giao dịch dân sự, kinh tế đúng pháp luật. Đối với hoạt động tư pháp, việc thí điểm chế định TPL không những không cản trở mà còn hỗ trợ, giúp cho hoạt động tư pháp đúng pháp luật, hiệu quả hơn. Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm, sự đóng góp của người dân, xã hội đối với hoạt động bổ trợ tư pháp, giảm tải công việc cho các cơ quan nhà nước. Đặc biệt, hoạt động tống đạt của TPL đã giúp giảm tải công việc, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử và thi hành án, vị thế của Thẩm phán, Thư ký Toà án. Tương tự, hoạt động lập vi bằng của TPL đã tạo thêm một công cụ pháp lý để người dân tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế và trong quá trình tố tụng. Đồng thời, vi bằng do TPL lập cũng góp phần bổ sung nguồn chứng cứ, giúp các bên đương sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, hạn chế tranh chấp giữa các bên liên quan, tạo cơ sở để cơ quan tài phán xem xét, giải quyết vụ việc một cách khách quan, đúng pháp luật.
Điểm lại những kết quả nổi bật trong thời gian thí điểm TPL, ĐB Huỳnh Thành Lập, TP. Hồ Chí Minh khẳng định TPL rất cần thiết trong cuộc sống. Tuy nhiên, ĐB Huỳnh Thành Lập lưu ý, hiện việc tống đạt còn có những sai sót, một số trường hợp dẫn đến hoãn phiên tòa. Tuy nhiên, những thiếu sót này hoàn toàn có thể khắc phục. ĐB đề nghị Quốc hội ra Nghị quyết cho phép chính thức triển khai hoạt động TPL để tạo điều kiện thuận lợi cho dân cũng như cơ quan tài phán. ĐB Trương Trọng Nghĩa, TP Hồ Chí Minh chung nhận định và chỉ rõ, việc tống đạt rất quan trọng tác động trực tiếp đến quyền lợi của các bên. Tuy nhiên, thực tiễn, nhiều việc tống đạt thực hiện qua bưu điện người dân không nhận được dẫn đến “hỏng việc”. Do đó, ĐB Nghĩa đề nghị, những việc ở xa, việc khó, việc gấp thì nên giao TPL tống đạt. Tương tự, trong trường hợp xác minh điều kiện thi hành án cần phân loại rõ việc nào thi hành án làm việc nào TPL làm. Nên quy định trong quá trình thi hành án, người dân cần lập vi bằng hoặc hòa giải thì giao TPL.
ĐB Trần Văn Độ, An Giang đặc biệt lưu ý đến những hiệu quả mà TPL mang lại cho người dân. “Các nước người ta làm cả rồi. Sao mình phải e ngại. Như chủ trương xã hội hóa công chứng trước đây, bây giờ ta mở hệ thống Văn phòng công chứng, dân được lợi nhiều”. ĐB Độ nói và kiến nghị Quốc hội nên ra Nghị quyết chấm dứt thí điểm; cho phép áp dụng triển khai trên toàn quốc và giao Chính phủ tiếp tục thực hiện theo Nghị định đã ban hành và Nghị quyết này có hiệu lực đến khi có Luật về TPL. Đây cũng là quan điểm của ĐB Lê Thanh Vân, Hải Phòng, Phạm Xuân Thường (Thái Bình) nhưng ĐB nhấn mạnh thêm khi triển khai chính thức phải đảm bảo góp phần tinh giảm biên chế, tiết kiệm ngân sách, tạo chuyển biến trong ý thức chấp hành pháp luật.
Có nên giao TPL cưỡng chế thi hành án?
Trong lĩnh vực tống đạt văn bản giấy tờ, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh, TP Hồ Chí Minh đề xuất, nên giao TPL tống đạt cả những quyết định hành chính đến từng người dân. “Thực tế Tòa án rất khó khăn khi đương sự cho rằng không nhận được giấy tờ, nhất là nhiều vụ địa chỉ thường trú của đương sự không rõ ràng, hộ khẩu một nơi, người một nẻo. Trong khi đó, Luật tố tụng hành chính quy định chặt chẽ về thời hiệu khởi kiện”. Ông Ánh nói và kiến nghị thêm “nên có hướng dẫn thống nhất về trình tự lập vi bằng, bởi đây là cơ sở để sau này cơ quan tư pháp thẩm định tính hợp pháp của vi bằng”
Vấn đề gây nhiều ý kiến trái chiều trong phiên thảo luận là có nên giao TPL cưỡng chế thi hành án. Một số ĐB cho rằng, chỉ nên giao TPL tống đạt văn bản, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Văn Hiến, Bà Rịa Vũng Tàu thì “nên cho phép TPL thực hiện việc cưỡng chế với sự hỗ trợ của nhà nước để tránh tình trạng quan liêu, thêm quyền lựa chọn cho người dân”.
Trước đó, tại Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện chế định TPL, Chính phủ cho rằng, để góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động thi hành án của TPL, Nghị quyết của Quốc hội cần quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của TPL trong hoạt động thi hành án. Trên cơ sở đó, dự thảo Nghị quyết quy định: Khi thực hiện công việc về thi hành án dân sự, TPL có nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện các trình tự, thủ tục về thi hành án theo quy định của Luật thi hành án dân sự và các văn bản liên quan; có quyền áp dụng biện pháp bảo đảm cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự...; trong trường hợp cưỡng chế thi hành án cần huy động lực lượng bảo vệ, Trưởng Văn phòng TPL phải báo cáo, xin ý kiến của Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp huyện nơi phải cưỡng chế thi hành án...
Thu Hằng
Qua đánh giá chung, Uỷ ban Tư pháp thống nhất cho rằng, thí điểm chế định TPL là một chủ trương lớn về xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp, có ý nghĩa quan trọng trong Chiến lược cải cách tư pháp được xác định rõ trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Mặc dù còn có những hạn chế, bất cập nhưng đến nay, hoạt động của tổ các tổ chức TPL đã thu được những kết quả bước đầu quan trọng trên các mặt, phản ánh định hướng đúng đắn, phù hợp với chủ trương của Đảng và yêu cầu của Hiến pháp 2013. Qua kết quả tổng kết, về cơ bản các vấn đề về lý luận đã rõ, kết quả hoạt động của các tổ chức TPL thời gian qua là cơ sở thực tiễn quan trọng để xem xét cho phép mô hình tổ chức này được chính thức hoạt động. Do vậy, đa số ý kiến Uỷ ban Tư pháp tán thành đề nghị của Chính phủ về việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết ghi nhận kết quả đạt được và cho kết thúc việc thí điểm để chính thức thực hiện chế định TPL.
(Trích báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tổng kết thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết 36/2012/QH13 của Quốc hội và Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại)