Tại phiên họp Hội đồng thẩm định, sau khi nghe ông Mai Lương Khôi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp (đại điện cơ quan chủ trì soạn thảo) báo cáo tóm tắt sự cần thiết, quá trình nghiên cứu soạn thảo, những nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết và những vấn đề cần xin ý kiến, các thành viên Hội đồng đã tập trung trao đổi, thảo luận và cho ý kiến thẩm định về các nội dung theo Điều 36 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 (sự cần thiết ban hành văn bản, sự phù hợp với đường, chủ trương của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống, đồng bộ, khả thi của văn bản…).
1. Về các vấn đề chung
Các thành viên Hội đồng thẩm định đều nhất trí cao về sự cần thiết ban hành Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại nhằm thực hiện chính thức chế định này trong phạm vi toàn quốc, khắc phục một số hạn chế, bất cập trong thời gian qua; tạo cơ sở pháp lý và thực tiễn cho việc xây dựng Luật thừa phát lại trong thời gian tới, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Dự thảo Nghị quyết là phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng; tiếp tục cụ thể chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc xã hội hóa hoạt động tư pháp, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị. Về cơ bản, nội dung của dự thảo Nghị quyết đã bảo đảm tính hợp Hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ, khả thi và tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc gia nhập.
Về trình tự, thủ tục, hồ sơ dự thảo Nghị quyết, các thành viên Hội đồng thẩm định đều nhất trí cho rằng, hồ sơ dự thảo Nghị quyết là đầy đủ và đã được cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng theo đúng trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008.
2. Về nội dung cụ thể
Về việc xây dựng Đề án thực hiện chế định Thừa phát lại tại khoản 2 Điều 1 dự thảo Nghị quyết, nhiều đại biểu cho rằng, sau khi Nghị quyết này ban hành, chế định Thừa phát lại sẽ chính thức được công nhận và thực hiện trên phạm vi toàn quốc, nên việc nghiên cứu, xây dựng đề án thực hiện chế định Thừa phát lại tại các địa phương là không cần thiết; việc xây dựng Đề án thực hiện chế định Thừa phát lại tại các địa phương chỉ phù hợp cho giai đoạn thực hiện thí điểm. Các thành viên Hội đồng cho rằng, dự thảo Nghị quyết nên quy định theo hướng giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng quy hoạch về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại cho phù hợp với thực trạng kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Về điều kiện, tiêu chuẩn của Thừa phát lại tại Điều 2 của dự thảo Nghị quyết, các thành viên Hội đồng thẩm định cơ bản nhất trí với quy định Thừa phát lại là người phải có các tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức và được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để thực hiện các hoạt động như tống đạt văn bản, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo Nghị quyết còn thiếu đối tượng là luật sư, bên cạnh đó tiêu chuẩn về thời gian công tác trong ngành pháp luật trên 05 năm là có phần hơi khắt khe, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc bổ sung đối tượng là luật sư và điều kiện về thời gian kinh nghiệm công tác để bảo đảm tính khả thi và tương đồng với các lĩnh vực bổ trợ tư pháp khác như luật sư, công chứng, thi hành án.
Về việc kiểm sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với hoạt động Thừa phát lại (Điều 6 dự thảo Nghị quyết), đa số thành viên Hội đồng thẩm định cho rằng, dự thảo Nghị quyết còn quy định chung chung, chưa rõ về thẩm quyền của Tòa án đối với các hoạt động của Thừa phát lại, nhất là việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động tống đạt văn bản, giấy tờ của tòa án, xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức thi hành án. Bên cạnh đó, việc dự thảo Nghị quyết giao cho Chính phủ quy định việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với hoạt động Thừa phát lại là chưa thực sự phù hợp với các luật tố tụng, Luật khiếu nại.
Về các vấn đề xin ý kiến, do còn có ý kiến khác nhau thẩm quyền tổ chức thi hành án của Thừa phát lại, việc đào tạo nghề đối với Thừa phát lại và chính sách ưu đãi đối với tổ chức hành nghề Thừa phát lại. Do đó, các thành viên Hội đồng thẩm định đều nhất trí với quan điểm của cơ quan chủ trì soạn thảo về việc xin ý kiến Chính phủ, Quốc hội về 03 vấn đề nêu trên như trong dự thảo Tờ trình.
Ngoài ra, các thành viên Hội đồng thẩm định còn cho ý kiến thẩm định về các nội dung khác như vấn đề tổ chức hành nghề của Thừa phát lại (Điều 5 dự thảo Nghị quyết), trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hoạt động của Thừa phát lại (Điều 7 dự thảo Nghị quyết), ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo, dự thảo Tờ trình, các hồ sơ tài liệu có liên quan.... nhằm giúp cơ quan chủ trì soạn thảo chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.
Kết thúc cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu kết luận hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã đảm bảo đúng trình tự, thủ tục rút gọn được quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và đủ điều kiện để đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội. Tuy nhiên, trước khi trình đề nghị Tổng cục Thi hành án dân sự khẩn trương, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết cho phù hợp và đảm bảo tính khả thi. Đối với những nội dung không tiếp thu thì cần nêu rõ lý do và có giải trình cụ thể./.
Vụ VĐCXDPL
Ảnh: Cục Công nghệ thông tin