Họp Ban Chỉ đạo thực hiện chế định Thừa phát lại Trung ương

13/08/2015
Họp Ban Chỉ đạo thực hiện chế định Thừa phát lại Trung ương
Chiều 12/8, Ban Chỉ đạo thực hiện chế định Thừa phát lại (TPL) Trung ương đã họp phiên thứ 4. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường – Trưởng Ban Chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Sơn cùng tham dự phiên họp.

Mặc dù việc thí điểm TPL mới chỉ được triển khai ở 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với những điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau nhưng tính thuyết phục về hiệu quả xã hội của hoạt động TPL đã lan tỏa ra ngoài phạm vi các tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm.

   

Đánh giá chung về việc triển khai thực hiện thí điểm chế định TPL, ông Hoàng Sỹ Thành, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS khẳng định: việc thực hiện chế định là một hướng đi đúng về cải cách tư pháp, phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội và hoạt động tư pháp nước ta cũng như xu thế hội nhập quốc tế. Thí điểm chế định TPL không cản trở mà còn góp phần bổ trợ, giúp cho hoạt động tư pháp hiệu quả, đúng pháp luật hơn; đồng thời góp phần thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động bổ trợ tư pháp mà Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra. Bên cạnh đó, việc thực hiện TPL tạo cơ chế để người dân, xã hội tham gia sâu hơn, tích cực hơn vào quá trình quản lý xã hội, chủ động trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, góp phần vào tiến trình xây dựng nền dân chủ XHCN, xây dựng nền tư pháp hiệu quả, trong sạch.

   

Chia sẻ về kết quả triển khai thí điểm chế định TPL thời gian qua, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cho biết: mặc dù còn một số khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn đầu thực hiện nhưng đến thời điểm hiện nay, nhận thức của tòa án ở các địa phương về chế định TPL đã được nâng lên rõ rệt. Tòa án các địa phương đã dần chấp nhận phương thức hợp tác với TPL và đều đã ký hợp đồng với các Văn phòng TPL. Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho biết: hiện nay trình độ của Thư ký của một số Văn phòng TPL còn chưa được đảm bảo, nhận thức về tống đạt chưa đầy đủ, thậm chí có tình trạng sửa chữa văn bản tống đạt. Vì vậy, cần tăng cường đào tạo, hướng dẫn cho Thư ký TPL để đảm bảo đúng các thủ tục, yêu cầu tố tụng.

Khẳng định việc thực hiện thí điểm chế định TPL là phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập của đất nước, đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn của đời sống kinh tế xã hội, tuy nhiên đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng chỉ rõ một số tồn tại trong hoạt động này như đội ngũ TPL còn hạn chế về năng lực, kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp; các Văn phòng TPL chưa thực sự chủ động liên hệ và quảng bá hình ảnh... Đặc biệt, tâm lý e ngại và thiếu sự tin tưởng của người dân là một vấn đề rất quan trọng ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động TPL. Vì vậy, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị cần ban hành chế định để đảm bảo cơ sở pháp lý cho sự tồn tại lâu dài của TPL, từ đó tạo được niềm tin vủa người dân đối với chế định này.

   

Đồng tình với ý kiến này, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính chỉ rõ: nhiều tồn tại của hoạt động TPL là do tính thí điểm mang lại như địa vị của TPL chưa được khẳng định; các quy định về TPL còn yếu và xung đột với các quy định khác, dẫn tới hoạt động của TPL chưa được như mong muốn...  Nguyên Thứ trưởng nhận định: Qua thí điểm cho thấy chủ trương TPL được Đảng, Nhà nước đề ra đã được kiểm nghiệm trên thực tế và khẳng định tính đúng đắn của chế định này, vì vậy việc kiến nghị Quốc hội cho thực hiện “chính thức” TPL là hợp lý và cần thiết.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường yêu cầu Ban Chỉ đạo đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương gửi kết quả tổng kết thí điểm, Tổng cục THADS tiếp thu đầy đủ ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện báo cáo tổng kết. Vì thời gian thí điểm không dài, Bộ trưởng cũng lưu ý, phải cập nhật số liệu mới (đến hết 31/8) để báo cáo Chính phủ. Nội dung báo cáo cũng cần nhận diện rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, từ đó có những đề xuất, kiến nghị xác đáng.