Vẫn còn tâm lý e ngại
Báo cáo với Đoàn công tác, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hồ Xuân Hương cho biết, đến nay Hà Nội đã có 8 Văn phòng thừa phát lại với trên 35 thừa phát lại và hơn 80 thư ký nghiệp vụ và nhân viên. Sau 8 tháng hoạt động, các văn phòng đã lập 720 vi bằng, tống đạt gần 4 ngàn văn bản của Tòa án và thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án 39 vụ, tổ chức 7 vụ thi hành án.Vì là chế định mới nên công tác tuyên truyền đã được thành phố chỉ đạo, triển khai quyết liệt; bước đầu các cơ quan cũng đã có sự phối hợp tích cực với thừa phát lại.
Mặc dù vậy, theo ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP, Trưởng ban chỉ đạo thừa phát lại TP. thì việc triển khai ở Hà Nội vẫn chậm so với yêu cầu. Do coi thừa phát lại là tư nhân nên cán bộ trong một số cơ quan nhà nước vẫn có tâm lý e ngại. Đặc biệt, khi thừa phát lại đi xác minh ở một số xã phường còn bị từ chối vì cán bộ cơ sở chưa biết thừa phát lại là ai. Bên cạnh đó, do pháp luật hiện hành còn nhiều độ “vênh” so với thực tiễn nên cũng gây khó khăn cho thừa phát lại.
Còn theo phán ánh của đại diện các văn phòng thừa phát lại trên địa bàn Hà Nội thì ngoài vấn đề nhận thức “chưa thông”, hiện nay mức chi phí tống đạt văn bản quá thấp, nhiều văn phòng phải bù lỗ, tống đạt nhiều trường hợp không rõ địa chỉ nên thừa phát lại phải đi lại nhiều lần; trong lập vi bằng cũng chưa rõ trường hợp nào được lập, trường hợp nào không; trong xác minh điều kiện thi hành án nhiều cơ quan tổ chức không phối hợp với thừa phát lại. Đáng chú ý, hiện nay việc tống đạt giấy tờ cho phạm nhân trong các trại giam hết sức khó khăn, thậm chí không thực hiện được vì trại giam không cho trích xuất phạm nhân. Theo các thừa phát lại, hiện đang có tình trạng Tòa án yêu cầu tạm dừng việc tống đạt giấy tờ trước khi vụ án hình sự được đưa ra xét xử (chỉ tống đạt sau khi vụ án hình sự được đưa ra xét xử)…
Vấn đề này theo Phó giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Duy Ngọc thì việc trích xuất phạm nhân còn liên quan đến quy định của BLTTHS. Công an Hà Nội đã báo cáo lên Bộ Công an để tìm cách tháo gỡ. “Lâu dài các ngành nên có thông tư liên tịch thì việc thực hiện sẽ được thống nhất, hiệu quả”. Phó Chánh án TANDTP. Hà Nội Tạ Quốc Hùng cũng gợi ý “trước mắt thừa phát lại có thể thông qua giám thị trại để gửi văn bản vào mà không nhất thiết phải trích xuất bị cáo ra”.
Hà Nội phải tăng tốc
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã ghi nhận và đánh giá cao kết quả của các văn phòng thừa phát lại sau 8 tháng hoạt động. “Kết quả này nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Thành ủy, UBND thành phố, sự đồng thuận của tất cả các cấp, ngành trên địa bàn”. Bộ trưởng nhấn mạnh, thời gian sắp tới là giai đoạn mà Hà Nội phải tăng tốc bởi đến cuối 2015 Chính phủ sẽ báo cáo với Quốc hội về kết quả sau thời gian thí điểm ở các địa phương. Do đó, Hà Nội phải thấy được đây là vinh dự cũng là trách nhiệm đối với việc thí điểm chế định này.
Ghi nhận phản ánh của các văn phòng thừa phát lại, của đại diện các cơ quan về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thừa phát lại, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết từ hoạt động thí điểm thừa phát lại này, Bộ Tư pháp sẽ xây dựng dự thảo Luật thừa phát lại, cố gắng tháng 5/2015 sẽ báo cáo Quốc hội để có thể trình dự thảo này lên Quốc hội vào năm 2016.
Bộ trưởng cũng lưu ý, thời gian tới ngoài việc tập trung tuyên truyền sâu rộng về thừa phát lại, thì UBND TP. cần tăng cường công tác giao ban giữa các ngành liên quan để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc. Bản thân các văn phòng thừa phát lại cũng chủ động trong công tác tham mưu cho TP. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của bản thân các thừa phát lại, Bộ trưởng tin tưởng chế định này sẽ thành công tốt đẹp.
Thu Hằng
Cũng trong sáng 21/11, Bộ trưởng và đoàn công tác đã đến thăm và làm việc tại Văn phòng thừa phát lại Ba Đình. Tại đây Bộ trưởng đã ghi nhận những kết quả khả quan mà văn phòng này đã đạt được và mong muốn, văn phòng thừa phát lại Ba Đình xác định rõ nhiệm vụ chính trị của mình, tiếp tục khắc phục khó khăn để góp phần vào thành công của chế định thừa phát lại trên địa bàn Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung.