Biện pháp chống phá giá trong hệ thống các biện pháp phòng vệ thương mại (phần 1)

Trong thương mại quốc tế, các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ được coi là ba cột trụ của hệ thống các biện pháp phòng vệ thương mại (trade remedies) và được áp dụng để bảo vệ thị trường nội địa trước sự thâm nhập của hàng hoá nước khác.

Về bản chất, biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp được áp dụng để đối phó với hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không công bằng của hàng hóa nhập khẩu. Trong khi biện pháp chống bán phá giá là để đối phó với hành vi bán sản phẩm với giá thấp nhằm chiếm lĩnh thị trường và tiến tới loại bỏ dần các đối thủ cạnh tranh thì biện pháp chống trợ cấp được áp dụng để loại bỏ tác động tiêu cực gây ra cho ngành sản xuất hàng hóa trong nước xuất phát từ các chính sách trợ cấp của chính phủ nước xuất khẩu.

Văn bản quy phạm pháp luật về các biện pháp phòng vệ trong thương mại quốc tế
Để tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và bảo vệ lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp trong nước, Việt Nam đã ban hành các văn bản quy định pháp luật về các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Các văn bản đó gồm: 
>>Pháp lệnh 42/2002/PL-UBTVQH10 ngày 11/ 06/ 2002 về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam
>>Nghị định 150/2003/NĐ-CP ngày 8/12/2003 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam
>>Pháp lệnh 20/2004/PL-UBTVQH11 ngày 29/04/2004 về việc chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam
>>Nghị định 90/2005/NĐ-CP ngày 11/07/2005 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Chống bán phá giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam
>>Pháp lệnh số 22/2004/PL-UBTVQH11 ngày 20/08/2004 về chống trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam
>>Nghị định số 89/2005/NĐ-CP ngày 11/07/2005 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Chống trợ cấp hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam
>>Thông tư số 38/2015/TT-BCT ngày 25/03/2015 quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu
Cơ quan quản lý nhà nước về chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ
Để thực thi một cách hiệu quả những chính sách, quy định đã được ban hành, Chính phủ đã thành lập Cục Quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương có chức năng giúp Bộ Trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước về chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Cục Quản lý cạnh tranh được quy định tại Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ và Quyết định số 848/QĐ-BCT ngày 05/02/2013 của Bộ công Thương. 
Những nội dung cần lưu ý về biện pháp chống phá giá
Điều VI của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại cho phép các bên tham gia kí kết hiệp định áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, ví dụ các biện pháp áp dụng lên hàng nhập khẩu được bán với giá xuất khẩu thấp hơn “giá trị thông thường” (thường là mức giá bán tại thị trường nội địa nước xuất khẩu) nếu hàng nhập khẩu bán phá giá đó gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa của nước nhập khẩu tham gia kí kết hiệp định. Chi tiết các qui tắc về giám sát áp dụng biện pháp này được nêu trong Hiệp định chống bán phá giá kí kết tại vòng đàm phán Tokyo cuối cùng. Vòng đàm phán Uruguay đã rà soát lại Hiệp định này để giải quyết nhiều lĩnh vực mà Hiệp định hiện hành còn chưa chính xác và chi tiết.
Đặc biệt, Hiệp định sau rà soát cung cấp các qui tắc chi tiết hơn và rõ ràng hơn liên quan đến phương pháp xác định một mặt hàng bị bán phá giá, các tiêu chí cần xem xét khi quyết định hàng nhập khẩu bán phá giá gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa, các qui trình cần phải tuân thủ trong việc khởi xướng và tiến hành điều tra chống bán phá giá cũng như việc thực thi và gia hạn các biện pháp chống bán phá giá. Thêm vào đó, hiệp định mới này cũng làm rõ vai trò của cơ quan giải quyết tranh chấp trong các vụ kiện liên quan đến hoạt động chống bán phá giá tiến hành bởi chính quyền nội địa.
Dựa trên phương pháp xác định một sản phẩm xuất khẩu bị bán phá giá, Hiệp định mới bổ sung các điều khoản tương đối cụ thể về những vấn đề như là tiêu chí phân bổ chi phí khi giá xuất khẩu được so sánh với giá trị thông thường “được xây dựng” và các qui tắc để đảm bảo rằng giá xuất khẩu và giá trị thông thường của sản phẩm được so sánh công bằng, do vậy không tùy tiện tạo ra hay làm tăng biên độ bán phá giá.
Hiệp định tăng cường các yêu cầu trong việc xác định mối quan hệ nhân quả giữa hàng nhập khẩu bán phá giá và thiệt hại đối với ngành sản xuất nội địa của nước nhập khẩu. Việc kiểm tra hàng hóa nhập khẩu bán phá giá tác động đến ngành sản xuất nội địa phải bao gồm sự đánh giá tất cả các nhân tố kinh tế liên quan trong điều kiện sản xuất của ngành đó.Hiệp định nhấn mạnh thêm định nghĩa thuật ngữ “ngành sản xuất nội địa”.Ngoài một số ngoại lệ, “ngành sản xuất nội địa” đề cập đến các nhà sản xuất nội địa của toàn bộ sản phẩm tương tự hoặc đến các nhà sản xuất có tổng sản lượng chiếm phần lớn trong toàn bộ sản lượng nội địa của các sản phẩm đó.
Các thủ tục rõ ràng về phương thức khởi xướng các vụ kiện chống bán phá giá và tiến hành điều tra đã được xây dựng. Cùng với đó là các điều kiện đảm bảo rằng các bên liên quan đều có cơ hội đưa ra bằng chứng.Các điều khoản về việc áp dụng biện pháp tạm thời, về việc sử dụng cam kết giá trong vụ kiện chống bán phá giá, và trong thời hạn của các biện pháp chống bán phá giá đã được củng cố. Chính vì vậy, cải tiến đáng kể so với Hiệp định hiện hành bao gồm điều khoản bổ sung trong đó quy định các biện pháp chống bán phá giá sẽ hết hạn sau 5 năm kể từ khi có quyết định áp thuế, trừ khi có quyết định cho rằng, việc chấm dứt áp dụng biện pháp sẽ tái diễn hiện tượng bán phá giá và tiếp tục gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa.
Điều khoản mới yêu cầu điều tra chống bán phá giá phải chấm dứt ngay lập tức nếu các cơ quan có thẩm quyền xác định biên độ bán phá giá là tối thiểu (thấp hơn 2% giá xuất khẩu của mặt hàng) hoặc lượng hàng hóa nhập khẩu là không đáng kể (khi lượng hàng hóa nhập khẩu từ một nước chiếm ít hơn 3% tổng lượng nhập khẩu của mặt hàng đó vào nước nhập khẩu).
Hiệp định yêu cầu phải có thông báo chi tiết và kịp thời tất cả các quyết định chống bán phá giá tạm thời hay chính thức tới Ủy ban Thực thi Chống bán phá giá. Hiệp định sẽ tạo cơ hội cho các bên tham vấn về bất cứ vấn đề nào liên quan đến việc thực thi hiệp định hay bổ sung mục tiêu cho hiệp định, và yêu cầu thành lập Ban hội thẩm xem xét tranh chấp
Câu hỏi thường gặp
Bán phá giá là gì?
Bán phá giá trong thương mại quốc tế có thể hiểu là hiện tượng xảy ra khi một loại hàng hoá được xuất khẩu từ nước này sang nước khác với mức giá thấp hơn giá bán của hàng hoá đó tại thị trường nội địa nước xuất khẩu.
Cụ thể, nếu một sản phẩm của nước A bán tại thị trường nước A với giá X nhưng lại được xuất khẩu sang nước B với giá Y (Y Trong WTO, đây được xem là “hành vi cạnh tranh không lành mạnh” của các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài đối với ngành sản xuất nội địa nước nhập khẩu. Và các “vụ kiện chống bán phá giá” và tiếp đó là các biện pháp chống bán phá giá (kết quả của các vụ kiện) là một hình thức để hạn chế hành vi này.
“Vụ kiện” chống bán phá giá là gì?
Đây thực chất là một quy trình Kiện - Điều tra - Kết luận - Áp dụng biện pháp chống bán phá giá (nếu có) mà nước nhập khẩu tiến hành đối với một loại hàng hoá nhập khẩu từ một nước nhất định khi có những nghi ngờ rằng loại hàng hoá đó bị bán phá giá vào nước nhập khẩu gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất sản phẩm tương tự của nước nhập khẩu
Mặc dù thường được gọi là “vụ kiện” (theo cách gọi ở Việt Nam), đây không phải thủ tục tố tụng tại Toà án mà là một thủ tục hành chính và do cơ quan hành chính nước nhập khẩu thực hiện. Thủ tục này nhằm giải quyết một tranh chấp thương mại giữa một bên là ngành sản xuất nội địa và một bên là các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài; nó không liên quan đến quan hệ cấp chính phủ giữa hai nước xuất khẩu và nhập khẩu.
Vì trình tự, thủ tục và các vấn đề liên quan được thực hiện gần giống như trình tự tố tụng xử lý một vụ kiện tại toà nên thủ tục này còn được xem là “thủ tục bán tư pháp”. Ngoài ra, khi kết thúc vụ kiện, nếu không đồng ý với quyết định cuối cùng của cơ quan hành chính, các bên có thể kiện ra Toà án (lúc này, vụ việc xử lý tại toà án thực sự là một thủ tục tố tụng tư pháp).
Hộp 1 - Những yếu tố cơ bản của một “vụ kiện chống bán phá giá”
  • Đối tượng của vụ kiện là một loại hàng hoá nhất định nhập khẩu từ một hoặc một số nước xuất khẩu;
  • “Nguyên đơn” của vụ kiện là ngành sản xuất nội địa nước nhập khẩu sản xuất ra sản phẩm tương tự với sản phẩm bị cho là bán phá giá gây thiệt hại;
  • “Bị đơn” của vụ kiện là tất cả các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất và xuất khẩu loại hàng hoá/sản phẩm là đối tượng của đơn kiện;
  • Cơ quan xử lý vụ kiện là một hoặc một số cơ quan hành chính được nước nhập khẩu trao quyền điều tra chống bán phá giá và quyết định việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
Thuế chống bán phá giá là gì?
Thuế chống bán phá giá là biện pháp chống bán phá giá được sử dụng phổ biến nhất, được áp dụng đối với sản phẩm bị điều tra và bị kết luận là bán phá giá vào nước nhập khẩu gây thiệt hại cho ngành sản xuất nước đó.
Về bản chất, đây là khoản thuế bổ sung (ngoài thuế nhập khẩu thông thường) đánh vào sản phẩm nước ngoài nhập khẩu là đối tượng của quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
Vấn đề chống bán phá giá được quy định ở đâu?
Trong WTO, các nguyên tắc về chống bán phá giá được quy định tại:
  • Điều VI Hiệp định chung về thuế quan và Thương mại (GATT) (bao gồm các nguyên tắc chung về vấn đề này);
  • Hiệp định về chống bán phá giá (Agreement on Antidumping Practices - ADA) chi tiết hoá Điều VI GATT (các quy tắc, điều kiện, trình tự thủ tục kiện - điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá cụ thể)
Mỗi nước lại có quy định riêng về vấn đề chống bán phá giá (xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc chung liên quan của WTO). Các vụ kiện chống bán phá giá và việc áp thuế chống bán phá giá thực tế ở các nước tuân thủ các quy định nội địa này.
Hộp 2 - Các nhóm nội dung chính của Hiệp định chống bán phá giá
- Nhóm các quy định về điều kiện áp thuế (cách thức xác định biên phá giá, thiệt hại, mối quan hệ nhân quả giữa việc bán phá giá và thiệt hại, cách thức xác định mức thuế và phương thức áp thuế…)
- Nhóm các quy định về thủ tục điều tra (điều kiện nộp đơn kiện, các bước điều tra, thời hạn điều tra, quyền tố tụng của các bên tham gia vụ kiện, biện pháp tạm thời…)
Đối với doanh nghiệp, để có hiểu biết chung về những vấn đề cơ bản nhất về chống bán phá giá trong thương mại quốc tế, doanh nghiệp chỉ cần tiếp cận các quy định của WTO về vấn đề này là đủ. Tuy nhiên, để biết chi tiết về trình tự, thủ tục, cơ quan có thẩm quyền… trong các vụ kiện chống bán phá giá cụ thể ở mỗi thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp cần tìm hiểu các quy định pháp luật về chống bán phá giá của nước đó
Điều kiện áp dụng biện pháp chống bán phá giá là gì?
Không phải cứ có hiện tượng hàng hoá nước ngoài bán phá giá là nước nhập khẩu có thể áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hoá đó.
Theo quy định của WTO thì việc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá chỉ có thể thực hiện nếu cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu, sau khi đã tiến hành điều tra chống bán phá giá , ra kết luận khẳng định sự tồn tại đồng thời của cả 03 điều kiện sau:
  • Hàng hoá nhập khẩu bị bán phá giá (với biên độ phá giá không thấp hơn 2%);
  • Ngành sản xuất sản phẩm tương tự của nước nhập khẩu bị thiệt hại đáng kể hoặc bị đe doạ thiệt hại đáng kể hoặc ngăn cản đáng kể sự hình thành của ngành sản xuất trong nước (gọi chung là yếu tố “thiệt hại”);
  • mối quan hệ nhân quả giữa việc hàng nhập khẩu bán phá giá và thiệt hại nói trên;
Biên độ phá giá được tính như thế nào?
Biên độ phá giá được tính toán theo công thức:
Biên độ phá giá = (Giá Thông thường – Giá Xuất khẩu)/Giá Xuất khẩu
Trong đó:
- Giá Thông thường là giá bán của sản phẩm tương tự tại thị trường nước xuất khẩu (hoặc giá bán của sản phẩm tương tự từ nước xuất khẩu sang một nước thứ ba; hoặc giá xây dựng từ tổng chi phí sản xuất ra sản phẩm, chi phí quản lý, bán hàng và khoản lợi nhuận hợp lý – WTO có quy định cụ thể các điều kiện để áp dụng từng phương pháp này);
- Giá Xuất khẩu là giá trên hợp đồng giữa nhà xuất khẩu nước ngoài với nhà nhập khẩu (hoặc giá bán cho người mua độc lập đầu tiên).
Hộp 3 - Sản phẩm tương tự
Sản phẩm tương tự với sản phẩm bị điều tra là:
  • Sản phẩm giống hệt (có tất cả các đặc tính giống sản phẩm đang bị điều tra);
  • Sản phẩm gần giống (có nhiều đặc điểm gần giống với sản phẩm đang bị điều tra), trong trường hợp không có sản phẩm giống hệt. 
Yếu tố “thiệt hại” được xác định như thế nào?
Việc xác định “thiệt hại” là một bước không thể thiếu trong một vụ điều tra chống bán phá giá và chỉ khi kết luận điều tra khẳng định có thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa nước nhập khẩu thì nước nhập khẩu mới có thể xem xét việc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá.
  • Về hình thức, các thiệt hại này có thể tồn tại dưới 02 dạng: thiệt hại thực tế, hoặc nguy cơ thiệt hại (nguy cơ rất gần);
  • Về mức độ, các thiệt hại này phải ở mức đáng kể;
  • Về phương pháp, các thiệt hại thực tế được xem xét trên cơ sở phân tíchtất cả các yếu tố có liên quan đến thực trạng của ngành sản xuất nội địa (ví dụ tỷ lệ và mức tăng lượng nhập khẩu, thị phần của sản phẩm nhập khẩu, thay đổi về doanh số, sản lượng, năng suất, nhân công…)
Một mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu không nhiều có thể bị kiện chống bán phá giá không?
Theo quy định của WTO, nước nhập khẩu không được tiến hành điều tra (và không được áp thuế đối kháng) nếu nước xuất khẩu là nước đang phát triển và có lượng nhập khẩu sản phẩm liên quan ít hơn 3% tổng nhập khẩu hàng hoá tương tự vào nước nhập khẩu.Là một nước đang phát triển, Việt Nam được hưởng quy chế này.
Tuy nhiên, quy định này sẽ không được áp dụng nếu tổng lượng nhập khẩu sản phẩm liên quan từ tất cả các nước xuất khẩu có hoàn cảnh tương tự (cũng là nước đang phát triển có lượng nhập khẩu thấp hơn 3%) chiếm trên 7% tổng lượng nhập khẩu hàng hoá tương tự vào nước nhập khẩu.
Hộp 4 – Xác định lượng nhập khẩu “không đáng kể” (trong vụ kiện chống bán phá giá) như thế nào?
Giả sử Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ và Campuchia (là các nước đang phát triển) cùng với nhiều nước khác cùng nhập khẩu một mặt hàng X vào nước Y.
Trong đó:
  • Hàng Trung Quốc chiếm 10% tổng lượng nhập khẩu hàng X vào Y;
  • Các nước Việt Nam, Ấn Độ, Campuchia mỗi nước chiếm 2,5% tổng lượng nhập khẩu hàng X vào Y;
  • 82,5% tổng lượng nhập khẩu hàng X vào Y đến từ các nước khác.
Nếu ngành sản xuất mặt hàng X của nước Y định kiện chống bán phá giá mặt hàng X chỉ của Việt Nam nhập khẩu vào Y thì đơn kiện sẽ bị bác hoặc nếu vụ kiện đã khởi xướng thì cũng sẽ bị đình chỉ do Việt Nam là nước đang phát triển và có lượng nhập khẩu ít hơn 3% tổng nhập khẩu hàng X vào Y.
Nếu vụ kiện chống lại Việt Nam và Trung Quốc thì cũng theo tiêu chí này, vụ việc có thể sẽ tiếp tục với hàng Trung Quốc nhưng phải chấm dứt với hàng Việt Nam.
Tuy nhiên nếu vụ kiện tiến hành chống lại cả Việt Nam, Campuchia, Ấn Độ và Trung Quốc thì vụ kiện sẽ được tiến hành bình thường với tất cả 4 nước này vì tổng lượng nhập khẩu hàng X vào nước Y từ 3 nước Việt Nam, Ấn Độ, Campuchia (nước đang phát triển có lượng nhập trong tổng nhập hàng X vào Y dưới 3%) là 7,5% (cao hơn mức 7% theo quy định).
Ai được quyền kiện chống bán phá giá?
Một vụ kiện chống bán phá giá chỉ có thể được tiến hành nếu nó được bắt đầu bởi các chủ thể có quyền khởi kiện là: 
  • Ngành sản xuất sản phẩm tương tự của nước nhập khẩu (hoặc đại diện của ngành); hoặc
  • Cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu ;
Hầu hết các vụ kiện chống bán phá giá trên thực tế đều được khởi xướng từ đơn kiện của ngành sản xuất nội địa nước nhập khẩu.
Để được xem xét thì đơn kiện phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
  • Các nhà sản xuất ủng hộ đơn kiện có sản lượng sản phẩm tương tự chiếm ít nhất 50% tổng sản lượng sản xuất ra bởi tất cả các nhà sản xuất đã bày tỏ ý kiến ủng hộ hoặc phản đối đơn kiện; và
  • Các nhà sản xuất ủng hộ đơn kiện phải có sản lượng sản phẩm tương tự chiếm ít nhất 25% tổng sản lượng sản phẩm tương tự của toàn bộ ngành sản xuất trong nước.
Hộp 5 - Ví dụ về điều kiện khởi kiện của ngành sản xuất nội địa nước xuất khẩu
Giả sử ngành sản xuất mặt hàng A của nước B muốn kiện các nhà xuất khẩu Việt Nam vì đã bán phá giá mặt hàng A vào nước B.
Nếu ngành sản xuất mặt hàng A của nước B có tổng cộng 5 nhà sản xuất (NSX), trong đó:
  • NSX 1 sản xuất ra 9% tổng sản lượng nội địa A của nước B
  • NSX 2 sản xuất ra 5% tổng sản lượng nội địa A của nước B
  • NSX 3 và 4 sản xuất ra 15% tổng sản lượng nội địa A của nước B
  • NSX 5 sản xuất ra 56% tổng sản lượng nội địa A của nước B
Nếu NSX 4 (15%) khởi kiện, các NSX 1 (9%), 2 (5%), 3 (15%) đều bày tỏ ý kiến về việc khởi kiện này và NSX 5 (56%) không có ý kiến gì thì:
  • Nếu NSX 2 (5%) ủng hộ, NSX 1 (9%) và 3 (15%) phản đối: tổng sản lượng của các NSX ủng hộ (NSX 4 và 2) là 20% nhỏ hơn so với 24% tổng sản lượng của các NSX phản đối (NSX 1 và 3) =>Đơn kiện sẽ bị bác do không thoả mãn điều kiện i).
  • Nếu NSX 1 (9%) ủng hộ, NSX 2 (5%) và 3 (15%) phản đối: tổng sản lượng của các NSX ủng hộ (NSX 4 và 1) là 24% lớn hơn so với 20% tổng sản lượng của các NSX phản đối (NSX 2 và 3) nhưng lại nhỏ hơn 25% => Đơn kiện sẽ bị bác do thoả mãn điều kiện i) nhưng không thỏa mãn điều kiện ii).
Trình tự một vụ kiện chống bán phá giá?
Một vụ kiện chống bán phá giá thực chất là tổng hợp các bước điều tra xác minh các yêu cầu trong đơn kiện để kết luận có đủ điều kiện áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hoá bị kiện hay không.
Có thể tóm tắt các bước cơ bản của “vụ kiện chống bán phá giá” như sau:
  • Bước 1 : Ngành sản xuất nội địa nước nhập khẩu nộp đơn kiện (kèm theo chứng cứ ban đầu);
  • Bước 2 : Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi xướng điều tra (hoặc từ chối đơn kiện, không điều tra);
  • Bước 3 : Điều tra sơ bộ về việc bán phá giá và về thiệt hại (qua bảng câu hỏi gửi cho các bên liên quan, thu thập, xác minh thông tin, thông tin do các bên tự cung cấp);
  • Bước 4 : Kết luận sơ bộ (có thể kèm theo quyết định áp dụng biện pháp tạm thời như buộc đặt cọc, ký quỹ...);
  • Bước 5 : Tiếp tục điều tra về việc bán phá giá và về thiệt hại (có thể bao gồm điều tra thực địa tại nước xuất khẩu);
  • Bước 6 : Kết luận cuối cùng;
  • Bước 7 : Quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá (nếu kết luận cuối cùng khẳng định có việc bán phá giá gây thiệt hại) ;
  • Bước 8 : Rà soát lại biện pháp chống bán phá giá (hàng năm cơ quan điều tra có thể sẽ điều tra lại biên phá giá thực tế của từng nhà xuất khẩu và điều chỉnh mức thuế)
  • Bước 9 : Rà soát hoàng hôn (5 năm kể từ ngày có quyết định áp thuế chống bán phá giá hoặc rà soát lại, cơ quan điều tra sẽ tiến hành điều tra lại để xem xét chấm dứt việc áp thuế hay tiếp tục áp thuế thêm 5 năm nữa).
Từ bước 1 đến bước 7 của một vụ điều tra chống bán phá giá thường kéo dài khoảng 18 tháng đến 2 năm.Tuy nhiên, bước 8 và 9 có thể kéo rất dài sau đó. Ví dụ, trong vụ kiện cá tra, cá basa ở Hoa Kỳ chẳng hạn, đơn kiện nộp ngày 28/6/2002, quyết định áp thuế ban hành ngày 7/8/2003. Sau đó 2005 và 2006 đều đã có rà soát lần 1, 2 đối với một số công ty xuất khẩu của Việt Nam.
Hộp 6 - Doanh nghiệp Việt Nam thường gặp khó khăn gì trong quá trình bị điều tra chống bán phá giá ở nước ngoài?
  • Về Bảng câu hỏi : Nội dung rất phức tạp, đòi hỏi cung cấp nhiều thông số trong khi thời hạn trả lời lại ngắn;
  • Về chứng từ, kế toán : Nhiều loại chi phí sản xuất, kinh doanh không được chấp nhận do các chứng từ, tài liệu kế toán cần thiết để chứng minh; hệ thống kế toán không theo chuẩn quốc tế, thiếu minh bạch;
  • Về chi phí : không có nguồn chi phí dự trù cho việc tham kiện ở nước ngoài (đặc biệt là chi phí cho luật sư);
  • Về hành động : Bị động trong đối phó (do không hiểu biết về công cụ chống bán phá giá và thực trạng), do đó dẫn tới những cách ứng xử không hợp lý gây hệ quả xấu (ví dụ không hợp tác, không trung thực, không đúng thời hạn…); Thiếu đoàn kết (không tạo được tiếng nói chung để cùng bảo vệ lợi ích).
 

Phạm Nguyệt Hằng (tổng hợp)


Các tin khác