HỘI NGHỊ ĐỐI THOẠI NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ PHÁT SINH THÔNG QUA HOẠT ĐỘNG PHÁP ĐIỂN HỆ THỐNG QUY PHẠM PHÁP LUẬT TRONG LĨNH VỰC ĐẦU TƯ

HỘI NGHỊ ĐỐI THOẠI NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ PHÁT SINH THÔNG QUA HOẠT ĐỘNG PHÁP ĐIỂN HỆ THỐNG QUY PHẠM PHÁP LUẬT TRONG LĨNH VỰC ĐẦU TƯ Ngày 13/10/2017 tại thành phố Hà Nội, Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm pháp luật đã tổ chức Hội nghị đối thoại về những vấn đề pháp lý phát sinh qua hoạt động pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu tư với sự hỗ trợ của của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020. Tới tham dự Hội nghị là đại biểu của các Bộ, ngành, văn phòng luật sư, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Đ/c Đồng Ngọc Ba – Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã nêu rõ tầm trọng của việc xây dựng Bô Pháp điển, vì hiện nay hệ thống vân bản quy phạm pháp luật rất cồng kềnh, một văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên ban hành phải kèm theo rất nhiều văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của cơ quan có thẩm quyền ở cấp dưới,  điều đó làm cho hệ thống pháp luật trở nên quá đồ sộ, chưa kể đến việc các cơ quan hành pháp thường xuyên ban hành các văn bản để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình. Với một lượng lớn các chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản pháp quy như trên tương ứng với các hình thức văn bản nhất định làm chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát văn bản dẫn đến hệ quả của tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp giữa các văn bản là điều không tránh khỏi. Thậm chí có cả những khoảng trống các quan hệ xã hội chưa có các quy phạm pháp luật quy định, điều chỉnh. Thông qua việc pháp điển, việc sắp xếp các quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến nhau vào một chỗ góp phần chỉ ra những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp để cơ quan nhà nước kịp thời ban hành văn bản quy phạm pháp luật khác để sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ cho phù hợp cũng như kịp thời ban hành văn bản mới để quy định, điều chỉnh các quan hệ xã hội cần điều nhỉnh nhưng chưa có quy phạm pháp luật nào quy định. Do đó, từ kết quả pháp điển các đề mục, các chủ đề trong Bộ pháp điển sẽ giúp hoạt động lập quy được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng yêu cầu điều chỉnh của các quan hệ xã hội; đồng thời đảm bảo sự phù hợp với các văn bản của cấp trên và và các văn bản của cơ quan quản lý về lĩnh vực đó.

Ngoài ra, khi tất cả các quy phạm pháp luật đã được sắp xếp một cách hệ thống trong Bộ pháp điển thì việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định sẽ được thực hiện một cách dễ dàng hơn trên cơ sở các quy định trong Bộ pháp điển mà không phải tiến hành rà soát, kiểm tra các văn bản phân tán trong hệ thống pháp luật như hiện nay. Bộ pháp điển được cấu thành từ 45 Chủ đề và 265 Đề mục - mỗi đề mục chứa đựng QPPL điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội nhất định. Hiện nay, Chính phủ đã thông qua 36/265 đề mục để chính thức đưa vào khai thác, sử dụng trên mạng internet, trong đó có đề mục Đầu tư. Đây được xem là đề mục quan trọng, liên quan trực tiếp đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Mục đích của pháp điển là giúp pháp luật đi vào cuộc sống một cách thuận lợi hơn. Do vậy, việc tuyên truyền, phổ biến kết quả pháp điển đề mục Đầu tư được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cơ quan, nhà nước có thẩm quyền.
 Tại hội nghị các đại biểu đã được giới thiệu về cấu trúc của Đề mục đầu tư, cách tra cứu đề mục trên công thông tin điện tử của Bộ Tư pháp một cách thuận tiện và dễ dàng. Đề mục Đầu tư được xác định theo Luật Đầu tư năm 2014 và được pháp điển với danh mục 11 văn bản Quy phạm pháp luật bao gồm các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh

 Trên cơ sở lắng nghe các bài trình bày của các báo cáo viên tham gia hội nghị, các đại biểu tham dự hội nghĩ đều cho rằng việc xây dựng Bộ pháp điển ở Việt Nam nói chung và đề mục Đầu tư kinh doanh nói riêng là hết sức cần thiết, góp phần tạo bước chuyển biến mới về chất của hệ thống pháp luật, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam Xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đồng thời, Bộ pháp điển góp phần nâng cao tính thống nhất, đồng bộ, tính công khai, minh bạch cũng như nâng cao sự tin tưởng của người dân, doanh nghiệp đối với hệ thống pháp luật. Tuy nhiên có một số ý kiến cho rằng cần phải cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới, có hiệu lực một cách kịp thời vào Bộ pháp điển để người dùng có thể tra cứu theo hệ thống dễ dàng hơn.
Kết thúc hội nghị, lãnh đạo Cục Kiểm tra văn bản QPPL cảm ơn sự đóng góp ý kiến của các đại biểu tham dự đồng thời cũng đánh giá về độ chính xác của các văn bản quy phạm pháp luật được đưa vào Bộ pháp điển để các cá nhân, tổ chức có thể yên tâm tra cứu và hy vọng thông qua việc sử dụng, khai thác Bộ pháp điển, các cá nhân, tổ chức có những phản hồi tích cực để Bộ pháp điển ngày càng hoàn thiện hơn.

 

Trần Thị Minh Nguyệt


File đính kèm
Các tin khác