Hội nghị đối thoại về các Vướng mắc Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. Tìm cách tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp.

Luật Doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung được thực hiện từ 1/7/2015 và Luật Đầu tư được thực hiện từ tháng 8/2015 nhưng việc bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện các văn bản pháp luật vẫn chưa có sự tiến triển rõ rệt và đồng bộ dẫn đến sự mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật, gây vướng mắc cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Những “nút thắt”

Các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, đã có nhiều cải tiến nhưng còn nhiều thủ tục chưa hợp lý, chưa cụ thể, do đó cần phải sửa đổi để cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các “nút thắt”...

Theo ông Quách Ngọc Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong thi hành Luật Doanh nghiệp, có một số vướng mắc, đó là chưa có hướng dẫn về trình tự, thủ tục, điều kiện và cơ quan có thẩm quyền xác nhận vốn pháp định đối với một số ngành, nghề đòi hỏi phải có vốn pháp định như: điện ảnh, dịch vụ đòi nợ, kinh doanh bất động sản, cung cấp dịch vụ cảng hàng không... dẫn đến việc thành lập doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề này hầu như chưa thực hiện được. Cùng đó, chưa tách biệt rõ giữa yêu cầu thành lập doanh nghiệp và yêu cầu về điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Luật Doanh nghiệp đã yêu cầu phải có một số điều kiện kinh doanh như bản sao chứng chỉ hành nghề của người quản lý và xác nhận về vốn pháp định tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp. Quy định nói trên hiện không còn hợp lý, gây khó khăn, tốn kém không cần thiết cho việc thành lập doanh nghiệp.

“Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp sau đăng ký chưa hiệu quả. Các doanh nghiệp chưa quan tâm, chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản trị doanh nghiệp, nhất là các quyền và nghĩa vụ của cổ đông, thành viên, cách thức phân chia, thực thi quyền lực và giám sát việc thực thi quyền lực trong doanh nghiệp, dẫn đến các quyền của nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nhỏ chưa được bảo vệ theo quy định của pháp luật”, ông Tuấn khẳng định.

Còn ông Phan Đức Hiếu – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư là hai luật luôn đi đôi với nhau để điều chỉnh tất cả các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp như: thành lập doanh nghiệp, tổ chức quản lý của doanh nghiệp, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp... Tuy nhiên trong quá trình thực hiện hai luật trên, doanh nghiệp gặp phải rất nhiều vướng mắc. Việc một số quy định trong hai luật mâu thuẫn và chồng chéo nhau làm cho doanh nghiệp lúng túng trong quá trình hoạt động của mình. Nghiên cứu hai luật này chúng ta thấy rằng có rất nhiều vấn đề cần phải làm sáng tỏ để cho hoạt động kinh doanh được điều chỉnh thống nhất, tránh tình trạng doanh nghiệp khó xử khi phải đứng giữa hai luật…

 “Về phía doanh nghiệp cần chủ động nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, các quy định về quản trị doanh nghiệp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Các Hiệp hội Doanh nghiệp tăng cường trợ giúp doanh nghiệp đào tạo nhân lực, kỹ năng quản trị, giám sát các cơ quan nhà nước, phát hiện, kiến nghị xử lý các vướng mắc trong thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Ðầu tư”, ông Hiếu chia sẻ.
 

Sửa đổi luật để tháo gỡ cho doanh nghiệp

Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp gần như là “anh em song sinh” , trước kia có nhiều nội dung gắn liền với nhau nhưng hiện đã tách riêng, một luật quy định về nội bộ doanh nghiệp, một luật quy định về quan hệ của doanh nghiệp với bên ngoài... Bộ Kế hoạch và đầu tư đã tổng hợp ý kiến đề nghị sửa đổi bổ sung Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư trên cơ sở công văn, ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan của các bộ, ban ngành; UBND cấp tỉnh; SKHĐT các tỉnh, thành phố; Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, VCCI, VBF và một số tổ chức cá nhân.

 Theo đánh giá của ông Phan Đức Hiếu, hiện chúng ta có quá nhiều Luật chuyên ngành và các luật này thường chồng chéo lên nhau. Ví như vấn đề cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy phép thành lập doanh nghiệp. Để đồng bộ thì bản thân Luật Doanh nghiệp không thể sửa đổi một mình được mà các Luật chuyên ngành khác cũng phải sửa đổi cho phù hợp với những tiêu chí cơ bản của Luật Doanh nghiệp, có như vậy khi Luật Doanh nghiệp sửa đổi đi vào thực tế mới phát huy được hiệu quả.

Với Luật Doanh nghiệp, hầu hết các kiến nghị, đề nghị sửa đổi bổ sung nhằm làm rõ nội hàm điều kiện đầu tư kinh doanh (cho ai,trong trường hợp nào?); cải cách thủ tục hành chính, tạo ra tính thống nhất trong quá trình ban hành, áp dụng pháp luật, bình đẳng của các loại hình doanh nghiệp trong và ngoài nước thực hiện việc đầu tư, kinh doanh; tránh sự chồng chéo giữa các đạo luật, góp phần tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng cho các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.

Quy định về người đại diện pháp luật cho doanh nghiệp, đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng dẫn của công ty hợp danh có nhiều người đại diện theo pháp luật. Ngoài ra, đề nghị quy định người đại diện theo pháp luật có quyền và nghĩa vụ như nhau và điều lệ công ty phải quy định cụ thể số lượng và chức danh quản lý của các đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và đăng ký với cơ quan đăng ký doanh nghiệp; đề nghị xác định phạm vi đại diện của từng người đại diện pháp luật. Quy định quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp, đề nghị bổ sung người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là đối tượng không được thành lập doanh nghiệp.

Về phát hành trái phiếu, đề nghị bổ sung nội dung “Hoạt động phát hành trái phiếu của công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán áp dụng theo pháp luật chứng khoán” để phân định rõ phạm vi áp dụng giữa Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán với hoạt động phát hành trái phiếu. Về nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đề nghị xem xét, sửa đổi quy định ghi nhận vốn điều lệ trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo vốn điều lệ thực góp để bảo đảm độ chính xác, thực chất thông tin về quy mô doanh nghiệp…

“Luật Doanh nghiệp cần cải cách mang tính đột phá hơn nữa thì mới có thể đảm bảo được quyền tự do kinh doanh, khơi dậy và phát huy được các nguồn lực trong xã hội để đưa vào kinh doanh”, ông Quách Ngọc Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định
 

Trước những yêu cầu của sự nghiệp đổi mới sâu rộng nền kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế, việc phải xây dựng một khung khổ pháp lý thống nhất về đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm hồ sơ và thủ tục, giảm thời gian và chi phí để nâng cao mức xếp hạng về năng lực cạnh tranh của môi trường kinh doanh... là rất cần thiết.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, cơ chế bảo vệ nhà đầu tư là một trong những vấn đề Việt Nam cần cải thiện nhằm tạo dựng môi trường đầu tư an toàn, tin cậy và có sức hấp dẫn hơn so với các nước trong khu vực… Bởi vậy, các cá nhân, tổ chức kiến nghị trong quá trình sửa đổi Luật Đầu tư phải bảo tính ổn định, công bằng; đề xuất điều chỉnh các điểm bất hợp lý về thẩm quyền quyết định đối với một số chương trình, dự án để cởi bỏ các thủ tục gây cản trở không cần thiết. Đề nghị sửa đổi, bổ sung để phân định rõ mối quan hệ giữa Luật Đầu tư với các luật liên quan khác, gồm: Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề được đề nghị làm rõ nội hàm, tiêu chí của ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời bổ sung lý do “để bảo vệ tài nguyên và môi trường” và giao Chính phủ quy định chi tiết tiêu chí xác định ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; đề nghị sửa đổi theo hướng cho phép bộ, cơ quan ngang bộ quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong trường hợp luật, pháp lệnh, nghị định giao quy định để phù hợp với đặc thù của hoạt động ngân hàng. Về bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật, để giải quyết dứt điểm và tránh những vướng mắc, khiếu kiện, cần nghiên cứu giao thẩm quyền cho Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án xử lý đối với những trường hợp này. Trường hợp thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đề nghị hướng dẫn rõ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36, vì với các công ty đại chúng tỷ lệ sở hữu nước ngoài có thể thường xuyên thay đổi qua ngưỡng 51% vốn điều lệ, do đó có thể dẫn đến việc thay đổi ứng xử với các doanh nghiệp này (giả sử trước khi cấp Giấy chứng nhận đầu tư, doanh nghiệp có dưới 51% vốn nước ngoài nhưng trong quá trình cấp Giấy chứng nhận đầu tư lại có trên 51% vốn nước ngoài, hoặc ngược lại)…

“Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện là nhiệm vụ thường xuyên được quy định tại Điều 8 Luật Đầu tư”, ông Quách Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Có nên bỏ con dấu doanh nghiệp?
 

 Nhiều doanh nghiệp hiện băn khoăn về những quy định liên quan đến con dấu doanh nghiệp. Tuy nhiên, có nên “bỏ hẳn” hay “giữ lại” con dấu doanh nghiệp là vấn đề cần thảo luận.

 Ông Quách Ngọc Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sẽ kiến nghị Quốc hội về việc bãi bỏ hoàn toàn quy định con dấu doanh nghịêp. Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển, để đáp ứng nhu cầu phát triển đó thì việc bỏ con dấu là cần thiết, hạn chế được thủ tục phức tạp. Chúng ta hiện nay đang cho đẩy mạnh việc kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam, nhưng con dấu cũng là điều mà khiến nhiều nhà đầu tư thấy khó hiểu, khi mà chữ ký của người đại diện theo pháp luật phải đợi con dấu thì mới có giá trị pháp lý.

“Người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp mới là người thay mặt, nhân danh doanh nghiệp đó ký các giấy tờ giao dịch với chủ thể khác, tạo sự ràng buộc pháp lý của giấy tờ giao dịch đó đối với doanh nghiệp mà người ký nhân danh. Nói cách khác, đã có chữ ký của người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp thì đồng nghĩa với văn bản đã ký đó phát sinh giá trị pháp lý ràng buộc doanh nghiệp rồi. Bản thân con dấu không thể thay cho người đại diện của doanh nghiệp được. Câu chuyện cần giải quyết ở đây là nâng cao cơ chế để xác thực được chữ ký của người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp”, ông Tuấn đề xuất.

 Đồng tình với ý kiến của ông Tuấn, ông Phan Văn Tân - Hội Luật gia Hà Nội cho rằng, nên bỏ hẳn con dấu thay vì quy định “nửa vời” như hiện nay. Xu hướng bỏ con dấu này càng ngày càng rõ rệt. Theo thông tin từ Ngân hàng Thế giới thì hiện nay có trên 110 quốc gia đã bỏ yêu cầu phải có con dấu trong hoạt động của doanh nghiệp. Họ trả lại giá trị pháp lý ràng buộc doanh nghiệp cho chữ ký của người đại diện hợp pháp nhân danh doanh nghiệp.

 Ngược lại, theo ông Phùng Quang Đê - Công ty Luật TNHH Quốc tế Phùng Nguyên và ông Nguyễn Ngọc Khánh- Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc dân cùng quan điểm: Nên giữ nguyên quy định về con dấu như trước đây, bởi từ trước tới nay, con dấu được xem như là “linh hồn” của doanh nghiệp…

Gần đây chúng ta đang đi đến thống nhất ba điểm nghẽn của nền kinh tế đó là thể chế, nhân lực và hạ tầng, dù quyết luyệt đến đâu cũng được nhưng chúng ta nên giảm cái cần giảm nhưng có những cái thực tiễn đòi chỉ chưa thể giảm được. Đặc biệt, Việt Nam hiện tại vẫn chưa phát triển nên việc bỏ con dấu lúc này là chưa phù hợp.
Luật sư Phùng Quang Đê- Giám đốc Công ty Luật TNHH quốc tế Phùng Nguyên:
Việc không đồng nhất giữa các luật doanh nghiệp, giấy phép con, thực thi còn chồng chéo đang “trói chân” doanh nghiệp. Hàng năm, ở nước ta có khoảng 10 Bộ luật được thông qua, khoảng 100 Nghị định được ban hành và có đến 600 -700 Thông tư được ra đời. Luật và Nghị định thì ít thay đổi, nhưng Thông tư thì thay đổi liên tục, đem lại rất nhiều rủi ro cho doanh nghiệp. Và với các doanh nghiệp kinh doanh những ngành nghề thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì luôn sợ “giấy phép con”. Giấy phép con, thậm chí là “giấy phép cháu” đã trở thành một rào cản vô hình cho sự phát triển của các doanh nghiệp và nền kinh tế
Luật sư Công Văn Thọ- Giám đốc Văn phòng Luật sư Thọ Khang Ninh và cộng sự:
Luật Dân sự hoặc các luật quan trọng khác thường thì 10 năm mới điều chỉnh, các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp thì 5 năm cần tổng hợp các ý kiến xem những nội dung quy định nào bất cập để có thể điều chỉnh bằng các Nghị định, Thông tư. Hiện nay, chúng ta thực hiện sửa ngọn rồi sau đó mới đến gốc và trong quá trình sửa đổi, bổ sung thì có nhiều nội dung rất tốt, phù hợp với thực tiễn nhưng ra diễn đàn Quốc hội thì các đại biểu chưa đồng ý nên cần đặt ra giải pháp để có thể sửa đổi, được thực tế chấp nhận là rất quan trọng…


Trần Thanh Tùng