HỘI NGHỊ ĐỐI THOẠI VỀ THỰC HIỆN CÁC THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC TƯ PHÁP LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

HỘI NGHỊ ĐỐI THOẠI VỀ THỰC HIỆN CÁC THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC TƯ PHÁP LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH Thực hiện Hợp đồng số 111/BTP-585 ngày 03/12/2018 giữa Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 và Sở Tư pháp Quảng Bình về việc tổ chức hoạt động hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; tổ chức các buổi giới thiệu chuyên đề, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, nắm bắt các cam kết quốc tế năm 2018, ngày 14/12/2018, Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình đã tổ chức Hội nghị đối thoại “về việc thực hiện các TTHC trong lĩnh vực tư pháp liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”.

Hội nghị có sự tham dự của 98 đại biểu. Tại Hội nghị, các đại biểu là đại diện một số cơ quan, doanh nghiệp sẽ trình bày các tham luận liên quan đến các quy định của pháp luật về các TTHC trong lĩnh vực tư pháp có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.

Trên cơ sở nội dung của các tham luận và từ thực tiễn thực hiện các TTHC trong lĩnh vực tư pháp liên quan đến hoạt động của doanh  nghiệp trên địa bàn tỉnh, tại buổi đối thoại các đại biểu đã trực tiếp trao đổi, thảo luận, đặt ra một số câu hỏi và nêu lên một số khó khăn, vướng mắc; đồng thời, đề xuất, kiến nghị các giải pháp để xây dựng, hoàn thiện pháp luật quy định về các TTHC trong lĩnh vực tư pháp liên quan đến hoạt động của doanh  nghiệp. Trong đó, các nội dung thảo luận và câu hỏi của đại biểu đặt ra xoay quanh các vấn đề như: khó khăn trong việc tiếp nhận và thụ lý giải quyết các hợp đồng giao dịch mà doanh nghiệp không cung cấp đầy đủ các hồ sơ pháp lý của doanh nghiệp như Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, điều lệ doanh nghiệp, giấy tờ chứng minh thẩm quyền người đại diện của doanh nghiệp ký kết hợp đồng, giao dịch….;trong việc công chứng các bản dịch có nội dung phức tạp như hợp đồng kinh tế từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, do Công chứng viên không có trình độ ngoại ngữ trên bản dịch đó (như tiếng Trung, tiếng Đức…) nên khó khăn trong việc kiểm tra tính chính xác của bản dịch để chứng nhận theo quy định; vướng mắc trong việc ngân hàng yêu cầu chứng nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc đối tượng là tài sản bị xử lý do vi phạm nghĩa vụ trả nợ nhưng tài sản gắn liền với đất chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu theo quy định của Luật Nhà ở hoặc khi thế chấp thì bên thế chấp chỉ thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp nhà ở gắn liền với đất; trong việc chứng nhận văn bản thỏa thuận phân chia tài sản thừa kế hoặc văn bản khai nhận di sản nhưng tài sản đang được thế chấp tại các tổ chức tín dụng; khó khăn trong việc chứng nhận các hợp đồng, giao dịch mà giấy tờ tùy thân là CMND của các bên tham gia đã hết hạn theo quy định của pháp luật; khó khăn trong việc chứng thực bản sao từ bản chính nhưng Nghị định số 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ không quy định việc lưu trữ bản sao đã được chứng thực nên khi phát hiện có sai sót đối với bản sao được chứng thực thì không có cơ sở để xác minh, đối chiếu và xác định trách nhiệm thuộc về cơ quan chứng thực hay người đi chứng thực; v.v…
Trên cơ sở các nội dung thảo luận, phản ánh và câu hỏi đặt ra của các đại biểu, chủ trì đối thoại và các chuyên gia đến từ các sở, ban, ngành căn cứ các quy định của pháp luật có liên quan và tình hình thực tiễn ở địa phương đã có những câu trả lời xác đáng, đáp ứng yêu cầu của đại biểu dự hội nghị đối thoại. Kết thúc hội nghị, các đại biểu đánh giá cao về chất lượng tổ chức cũng như nội dung của hội nghị./.
 

Nguyễn Trâm Anh