BAN QUẢN LÝ CHƯƠNG TRÌNH 585 TỔ CHỨC TỌA ĐÀM RÀ SOÁT, TRAO ĐỔI CHẾ ĐỊNH HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP VÀ LỚP BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC PHÁP LUẬT KINH DOANH DÀNH CHO DOANH NGHIỆP TẠI TP. HỒ CHÍ MINH

BAN QUẢN LÝ CHƯƠNG TRÌNH  585 TỔ CHỨC TỌA ĐÀM RÀ SOÁT, TRAO ĐỔI CHẾ ĐỊNH HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP VÀ LỚP BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC PHÁP LUẬT KINH DOANH DÀNH CHO DOANH NGHIỆP TẠI TP. HỒ CHÍ MINH Thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2017 của Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn năm 2015-2020, Bộ Tư pháp (sau đây viết tắt là Chương trình 585), ngày 24/11/2017 vừa qua, Ban Quản lý Chương trình 585 đã tổ chức 01 Tọa đàm và 01 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh tại TP. Hồ Chí Minh và thu hút sự tham dự đông đảo của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, cụ thể:

1. Lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh dành cho doanh nghiệp chuyên đề: Pháp luật về lao động trong doanh nghiệp, những nội dung doanh nghiệp cần quan tâm lưu ý.

Với những nội dung thiết thực như: những vấn đề cần lưu ý khi giao kết hợp đồng lao động, doanh nghiệp cần lưu ý để hạn chế tối đa tranh chấp xảy ra với người lao động; các vấn đề vì xử lý vi phạm lao động; kỷ luật buộc thôi việc, chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp cụ thể; trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động trong doanh nghiệp, những nội dung cần lưy ý… lớp bồi dưỡng đã thu hút được sự tham dự của 230 cán bộ, nhân viên các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và một số doanh nghiệp thuộc các tỉnh  lân cận như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, chủ yếu là cán bộ các phòng ban Tổ chức nhân sự, Công đoàn, Tiền lương…

Ngoài những kỹ năng, nghiệp vụ cần lưu ý, TS. Vũ Thị Thu Hiền, Khoa Đào tạo luật sư, Học viện Tư pháp – giảng viên lớp bồi dưỡng cũng đã dành nhiều thời gian để trao đổi, giải đáp những tình huống vướng mắc trực tiếp doanh nghiệp gặp phải trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các trường hợp liên quan đến việc điều chuyển người lao động, buộc thôi việc trái quy định pháp luật…Tuy nhiên, do thời lượng chương trình có hạn, số lượng doanh nghiệp tham dự lại rât lớn nên Ban Tổ chức cũng chưa thực sự đáp ứng được hết nhu cầu giải đáp vướng mắc trực tiếp của doanh nghiệp.

2. Tọa đàm trao đổi, rà soát cơ chế, chính sách hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để triển khai chế định hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017.

Để triển khai chế định hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Luật số 04/2017/QH14) đã được Quốc hội thông qua ngày 12/6/2017, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018 và trao đổi, đề xuất định hướng xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, Ban Quản lý Chương trình 585 tổ chức Tọa đàm trao đổi, rà soát cơ chế, chính sách hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để triển khai chế định hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 tại TP. Hồ Chí Minh .

Tọa đàm với sự chủ trì của ông Nguyễn Thanh Tú – Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế, Phó Trưởng Ban Quản lý Chương trình 585 và sự tham gia của 80 đại biểu thuộc các các Sở, ban, ngành trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và một số cơ quan thuộc các địa phương lân cận như Sở Tư pháp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương, Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, các địa phương lân cận và các cơ quan báo chí, truyền hình.

Tọa đàm tập trung trao đổi, thảo luận về một số các vấn đề như: Định hướng xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ- CP ngày 28/6/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên cơ sở dự thảo báo cáo kết quả 10 năm thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp do Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế xây dựng ; Một số nội dung trong tâm trong kế hoạch triển khai các hoạt động năm 2018 của Chương trình 585; đề xuất, kiến nghị các mô hình, cách thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp từ thực tiễn hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, ý kiến đề xuất của doanh nghiệp.

Tại Tọa đàm, nhiều đại biểu đã đưa ra các ý kiến góp ý, đề xuất rất thiết thực, xuất phát từ thực tiễn triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp như: (1) “cần xem lại vai trò của Sở Tư pháp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiêp vì thực tế chức năng của Sở Tư pháp chủ yếu tập trung cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, khi doanh nghiệp có vướng mắc cụ thể thi Sở Tư pháp tham gia với vai trò phối hợp và cũng rất ít doanh nghiệp có thắc mắc trực tiếp với Sở Tư pháp” – Ý kiến của Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai.; (2) ”thành lập Tổ chuyên trách hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phồ, có bù đắp chi phí, tạo tính chuyên nghiệp, chất lượng tư vấn, hỗ trợ pháp lý. Qua đó, đào tạo đội ngũ cán bộ làm việc tại Tổ chuyên trách này có kiến thức pháp lý và kỹ năng chuyên nghiệp để thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp” – Ý kiến của Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương”; (3) “xây dựng chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường nước ngoài trong việc triển khai thực thi hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia” – Ý kiến của Trung tâm hỗ trợ hội nhập WTO TP. Hồ Chí Minh ; (4) ‘đổi mới hình thức thể hiện, tận dụng tối đa lợi thế của công nghệ, kết hợp với tiện ích của internet trong việc triển khai hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp” – Ý kiến của công ty truyền thông ALO….


Phạm Nguyệt Hằng