HỘI NGHỊ ĐỐI THOẠI NHỮNG KHÓ KHĂN VƯỚNG MẮC CỦA DOANH NGHIỆP TRONG QUÁ TRÌNH THỰC THI PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG

HỘI NGHỊ ĐỐI THOẠI NHỮNG KHÓ KHĂN VƯỚNG MẮC CỦA DOANH NGHIỆP TRONG QUÁ TRÌNH THỰC THI PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG Ngày 28/9/2017 tại thành phố Hải Phòng, Vụ Pháp chế, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội đã tổ chức Hội nghị đối thoại về những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực thi pháp luật lao động với sự hỗ trợ của của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020. Tới tham dự Hội nghị là đại biểu của các Sở, ban, ngành, đại diện các doanh nghiệp, tổng công ty, khu chế xuất trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Đ/c Hà Đình Bốn – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng Bộ luật lao động số 10/2012/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2013. Nội dung của Bộ luật lao động năm 2012 đã có những bước tiến mới và cùng với Luật việc làm, Luật bảo hiểm xã hội. Các cơ quan quản lý nhà nước, các tổng công ty, doanh nghiệp và các tổ chức công đoàn thường xuyên tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến người lao động, người lao động quản lý trong doanh nghiệp, người lao động làm công tác công đoàn chuyên trách; tổ chức các cuộc tập huấn, đối thoại và giải đáp chính sách, diễn đàn lắng nghe kiến nghị của doanh nghiệp. Dù đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung nhưng một số quy định của Bộ luật Lao động vẫn còn chung chung, cần nhiều văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành để phù hợp với thực tiễn sinh động. Một số văn bản được hướng dẫn chậm nên thiếu đồng bộ, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Ngoài ra một số Luật mới ban hành đã làm ảnh hưởng tới kết cấu và nội dung của Bộ luật lao động. Trong đó có một số điều còn trùng lặp, cần rà soát cho thống nhất hoặc lược bỏ cho phù hợp với Luật mới ban hành như Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ luật dân sự, Luật an toàn vệ sinh lao động, Bộ Luật hình sự.

Tại hội nghị đối thoại, các đại biểu đã được nghe giới thiệu về những quy định mới trong chính sách lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động.  Các đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận về những nội dung chồng chéo, mâu thuẫn của Bộ luật Lao động 2012 và chia sẻ những hạn chế bất cập, khó khăn vướng mắc khi áp dụng những quy định của Bộ luật này trong thực tiễn. Để khắc phục những điểm chưa hợp lý, đại biểu đã kiến nghị rà soát, sửa đổi một số nội dung không còn phù hợp; tăng cường các dịch vụ tư vấn pháp luật lao động miễn phí; đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp và người lao động
Cũng tại Hội nghị Đ/c Nguyễn Anh Thơ – Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động Thương binh và xã hội đã giới thiệu những điểm mới của Luật An toàn về sinh lao động năm 2015. Qua đó cho thấy quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động và quản lý Nhà nước liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động tại Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 đã kế thừa và được phát triển với nhiều nội dung mới so với những quy định tại các Nghị định của Chính phủ, Bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội ban hành trước đây. Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015 đã mở rộng chế độ chính sách đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đối với người lao động theo hợp đồng bổ sung hai chính sách mới hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc và chính sách hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro. Mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp linh hoạt, tối đa 1%; chế độ bảo hiểm về bệnh nghề nghiêp sau khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác  khác; bảo vệ quyền lợi cho người lao động  khi giao kết nhiều hợp đồng lao động bị tai nạn lao động và bảo vệ quyền, lợi ích cho lao động khi nhận công việc về nhà làm. Đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động có chính sách thông tin, tuyên truyền, giáo dục về vệ sinh an toàn lao động; Nhà nước hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ cho người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn lao động ; thống kê, báo cáo, điều tra về tai nạn lao động; bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện. Nếu như trước đây, Bộ Luật Lao động chỉ quy định về nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động, thì trong Luật vệ sinh an toàn lao động, người lao động và sử dụng lao động đã có thêm các quyền cụ thể. Đồng thời Luật cũng đã quy định cụ thể quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn, Hội Nông dân Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác. Công tác thanh tra vệ sinh an toàn lao động đã được xác định rõ là thanh tra chuyên ngành, được tổ chức ở cấp trung ương và cấp tỉnh. Đặc biệt, với phương châm đảm bảo vệ sinh an toàn lao động là các giải pháp phòng ngừa ít tốn kém hơn nhiều so với giải quyết hậu quả, xây dựng văn hóa an toàn tại doanh nghiệp có lợi ích hơn nhiều so với kêu gọi hỗ trợ nạn nhân khi bị tai nạn và mắc bệnh nghề nghiệp, Luật vệ sinh an toàn lao động đầu tiên của Nhà nước ta sẽ đem lại hiệu quả to lớn trong việc bảo vệ sức khỏe người lao động trong các hoạt động sản xuất kinh doanh làm ra của cải vật chất cho xã hội.

Kết thúc Hội nghị Lãnh đạo Vụ Pháp chế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã cảm ơn sự đóng góp ý kiến của các đại biểu tham dự liên quan đến một số nội dung mới dự kiến sửa đổi Bộ Luật lao động năm 2012 và khẳng định trong thời gian tới những nội dung sửa đổi Bộ Luật lao động sẽ được sửa đổi hoàn thiện hơn, khắc phục những bất cập từ thực tiễn áp dụng.
 

Trần Thị Minh Nguyệt