TRUNG TÂM HỖ TRỢ PHÁP LUẬT VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TỔ CHỨC LỚP BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC PHÁP LUẬT KINH DOANH CHO DOANH NGHIỆP NĂM 2019 TẠI TỈNH AN GIANG

TRUNG TÂM HỖ TRỢ PHÁP LUẬT VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TỔ CHỨC LỚP BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC PHÁP LUẬT KINH DOANH CHO DOANH NGHIỆP NĂM 2019 TẠI TỈNH AN GIANG Được sự hỗ trợ của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp 585 - Bộ Tư pháp, thực hiện Quyết định số 1442/QĐ-585 ngày 27/6/2019 của Trưởng ban Quản lý Chương trình 585 về việc chọn Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực tham gia thực hiện hoạt động tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng và người thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2019, hợp đồng giao việc số 59/BTP - 585 ngày 27/6/2019 giữa Ban Quản lý Chương trình 585 và Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực về việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh dành cho doanh nghiệp chuyên đề: "Pháp luật về giao kết hợp đồng, giải quyết tranh chấp hợp đồng và những vấn đề cần lưu ý"

Ngày 04/7/2019 tại Khách sạn Hòa Bình 1, Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực phối hợp với Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Bộ Tư pháp tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh dành cho doanh nghiệp chuyên đề: "Pháp luật về giao kết hợp đồng, giải quyết tranh chấp hợp đồng và những vấn đề cần lưu ý"

Lớp bồi dưỡng được diễn ra với sự tham gia của giảng viên PGS.TS Bùi Thị Huyền, Trưởng bộ môn Luật Tố tụng dân sự, Trường Đại học Luật Hà Nội và sự tham dự nhiệt tình của hơn 100 đại biểu là cán bộ pháp chế, cán bộ ở các đơn vị có liên quan được giao làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thuộc các Sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh An Giang; các luật sư, luật gia, những người được giao thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang.

Tại lớp bồi dưỡng, các học viên được nghe PGS.TS Bùi Thị Huyền, Trưởng bộ môn Luật Tố tụng dân sự, Trường Đại học Luật Hà Nội trình bày những vướng mắc, bất cập của doanh nghiệp về quản trị rủi ro trong việc ký kết một số loại hợp đồng điển hình; thực tiễn quản trị rủi ro trong việc thực hiện một số loại hợp đồng điển hình trong thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; một số điều doanh nghiệp cần lưu ý khi ký kết và thực hiện mọt số loại hợp đồng kinh tế; các tình huống, vụ việc thực tế về việc giao kết hợp đồng và giải quyết tranh chấp hợp đồng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Lớp bồi dưỡng nhận được 2 ý kiến đặt vấn đề trao đổi của các đại biểu, cụ thể là:
Tình huống 1:
Bên X là Trung tâm thương mại, có hợp đồng với công ty A cung cấp hệ thống giữ xe thông minh, đã lắp đặt hoàn tất và đưa vào sử dụng, theo hợp đồng thì đã thanh toán 2 đợt bao gồm 80% số tiền trên hợp đồng, 20% còn lại sẽ thanh toán sau khi nghiệm thu hệ thống. Tuy nhiên, do hệ thống hoạt động không ổn định đã kéo dài thời gian nghiệm thu, trong thời gian đó, công ty A nói trên đã giải thể và thành lập 1 công ty B khác để tiếp tục công việc cung cấp hệ thống giữ xe mà không có thông tin với bên X. Khi liên hệ yêu cầu làm biên bản nghiệm thu thì họ đã thông tin về việc này, do đó trung tâm của em không thể nào kết toán với công ty A và họ không thể xuất hóa đơn tài chính cho hệ thống, họ cũng không có hướng giải quyết cho vấn đề này.
 Vậy có văn bản nào để công ty A chuyển giao hợp đồng dịch vụ Bên X cho công ty B không?
Giải đáp:
1. Cơ sở pháp lý: Bộ luật Dân sự 2015
2. Chấm dứt hợp đồng dân sự trong trường hợp nào?
 Thực tế, Trung tâm X với công ty A có ký kết hợp đồng cung cấp hệ thống giữ xe thông minh (bản chất là hợp đồng dân sư). Nhưng hai bên vẫn chưa hoàn tất nghĩa vụ hợp đồng với nhau thì công ty A giải thể - chấm dứt hoạt động. Nên theo quy định pháp luật thì hợp đồng dân sự này của hai bên cũng sẽ chấm dứt theo tại thời điểm công ty A giải thể. Do đó, mặc dù sau khi công ty A giải thể thì thành lập công ty B để tiếp tục công việc cung cấp hệ thống giữ xe thì cũng không thể thực hiện chuyển giao hợp đồng dịch vụ trên sang cho công ty B để tiếp tục thực hiện với Trung tâm bạn được. 
Cụ thể, Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:
Điều 422: Chấm dứt hợp đồng dân sự   
Hợp đồng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
1. Hợp đồng đã được hoàn thành;
2. Theo thỏa thuận của các bên;
3. Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện;
4. Hợp đồng bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện;
5. Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn;
6. Hợp đồng chấm dứt theo quy định tại Điều 420 của Bộ luật này;
7. Trường hợp khác do luật quy định.
Tuy nhiên, trong trường hợp này sẽ phải xác định công ty có đáp ứng đủ điều kiện giải thể hay không. Theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2014 thì:
Điều 201. Các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp
...2. Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.
Như vậy, việc công ty A vẫn còn hợp đồng với Trung tâm chưa giải quyết xong thì sẽ không thể hoàn tất thủ tục được, tức việc công ty A đã giải thể là trái với quy định pháp luật (Trung tâm của bạn sẽ gặp rủi ro vì không thể xuất hóa đơn được). Tuy nhiên, để giải quyết đối với hợp đồng dịch vụ trên thì Trung tâm của bạn có thể thực hiện theo hướng làm đơn khiếu nại để yêu cầu hủy quyết định giải thể đối với công ty A sau đó giải quyết hợp đồng dịch vụ trên; hoặc phải chấp nhận rủi ro tức không xuất hóa đơn được (hợp đồng đã chấm dứt) mà chỉ có thể giải quyết nghĩa vụ, trách nhiệm còn lại trong hợp đồng của hai bên với nhau.
Tình huống 2
Tháng 3/2007, công ty chăn nuôi và chế biến nông sản A (tỉnh H) ký hợp đồng với công ty cao su B (tỉnh T) mua lốp xe ô tô các loại trị giá 1 tỷ đồng. Công ty A đã ứng trước cho công ty B 300 triệu đồng. Theo hợp đồng ngày 1/3/2007 công ty B giao hàng đợt 1 cho công ty A trị giá 400 triệu đồng. Số hàng còn lại sẽ giao tiếp đợt 2 ngày 10/3/2007.  Đến ngày 27/4/2007, theo giấy báo của công ty B, công ty A đến nhận hàng. Qua kiểm tra thấy chất lượng hàng hóa không đảm bảo, do vậy công ty A từ chối không nhận hàng và yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết. Biết rằng trong hợp đồng các bên có thỏa thuận: Vi phạm về chất lượng hàng hóa phạt 6% giá trị hợp đồng bị vi phạm. Vi phạm về thời hạn thực hiện hợp đồng phạt 2 % giá trị hợp đồng bị vi phạm cho 10 ngày đầu, 1% cho 10 ngày tiếp theo nhưng tổng số không quá 8%. Không thực hiện hợp đồng phạt 8% giá trị hợp đồng bị vi phạm. Dựa vào quy định của pháp luật anh (chị) hãy cho biết: 1. Hợp đồng trên có hiệu lực pháp luật không? Vì sao?
Giải quyết:
- Vì hợp đồng trên được kí kết bởi Công ty A (tỉnh H) và công ty B (tỉnh T). Theo điều 6. 1 Luật Thương mại 2005 có quy định “Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng kí kinh doanh” nên 2 công ty trên là thương nhân hay nói cách khác hoạt động thương mại của họ sẽ bị Luật thương mại 2005 điều chỉnh.
Theo Điều 2 khoản 12 thì “Vi phạm hợp đồng là việc một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thoả thuận giữa các bên hoặc theo quy định của Luật này”. Ở đây, B đã thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thoả thuận của 2 bên cụ thể là: Giao hàng trễ so với thời hạn đã thoả thuận và chất lượng hoá không đảm bảo à nên B đã vi phạm hợp đồng.
Theo Điều 301 Luật Thương mại năm 2005 thì mức phạt vi phạm được quy định là: “Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại điều 266 của Luật này”.
- Ở đây, hợp đồng được kí với thoả thuận giữa các bên là: Vi phạm về chất lượng hàng hóa phạt 6% giá trị hợp đồng bị vi phạm. Vi phạm về thời hạn thực hiện hợp đồng phạt 2 % giá trị hợp đồng bị vi phạm cho 10 ngày đầu, 1% cho 10 ngày tiếp theo nhưng tổng số không quá 8%. Không thực hiện hợp đồng phạt 8% giá trị hợp đồng bị vi phạm. 1 thoả thuận như vậy là không hợp lí nếu bên B giao hàng trễ và chất lượng hàng ko đảm bảo như trên hợp đồng thì B vi phạm về nghĩa vụ giao hàng và nghĩa vụ về chất lượng hàng hoá.
- Tổng mức phạt sẽ hơn 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng (vi phạm điều 301 Luật Thương mại năm 2005). Vì vậy hợp đồng coi như vô hiệu một phần ở khoản phạt vi phạm.
Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực đã tổ chức thành công lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp với sự hỗ trợ kinh phí từ Chương trình 585, Bộ Tư pháp
 

Phạm Hoàng Giang